You are here

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (6)

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (6)

Sống Tức Là Đấng Christ

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Sự chết của Chúa Giê-su mua chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi, sự phục sinh của Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng của sự sống đời đời. (Ở đây tôi không thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết, nếu các bạn muốn tìm hiểu về sự phục sinh của Chúa, xin đọc bài giảng “Tầm Quan Trọng Của Sự Phụ Sinh của Chúa Giê-su”).

Lễ Phục Sinh là ngày lễ kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ. Chúng ta nên kỷ niệm sự phục sinh của Chúa bằng cách nào?

Lẽ dĩ nhiên chúng ta cảm tạ tình yêu thương vĩ đại của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, nhưng chỉ là cảm tạ thôi thì chưa đủ. Chúng ta ca những bài tụng ca cho Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su, điều đó thì rất hay, nhưng chưa đủ. Chúng ta tổ chức buổi họp lớn để kỷ niệm sự phục sinh của Chúa, nhưng điều đó chưa chắc làm đẹp lòng Chúa Trời, vì Ngài coi trọng thái độ trong tâm hồn chúng ta, chứ Ngài không phải chỉ nhìn vào số người mà thôi.

Hỡi các bạn ơi, chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su không phải chỉ là vào ngày Lễ Phục Sinh mà thôi. Chúng ta nên kỷ niệm sự phục sinh của Chúa qua cuộc sống của mình.

Cuộc Sống Của Chúng Ta Tức Là Đấng Christ

Phi-líp 1:21 21 Vì đối với tôi, sống tức là đấng Christ và chết tức là ích lợi.

Sứ đồ Phao-lô nói rằng cuộc sống của mình tức là đấng Christ. Các bạn có muốn noi gương của sứ đồ Phao-lô và nói rằng: “Cuộc sống của tôi tức là đấng Christ không?”

Nếu cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ, khi người đời nhìn vào cuộc sống của ta, thì họ thấy Chúa Giê-su, chúng ta không cần dùng lời hùng biện để thuyết phục người đời tin rằng Chúa Giê-su đã phục sinh rồi.

Chúng Ta Là Hình Ảnh Của Chúa Giê-su Christ

“Cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ” có nghĩa là gì?

Khi cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ thì đầu tiên chúng ta có tính tình của Chúa Giê-su Christ.

Rô-ma 8:28 – 29 28 Và chúng ta biết rằng Chúa Trời khiến mọi sự phối hợp lại để đem lợi ích cho những người yêu mến Ngài, ấy là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài. 29 Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định trước cho họ giống như hình ảnh của Con của Ngài, hầu cho Con này là con cả ở giữa nhiều anh em.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Trời kêu gọi những người Ngài đã biết trước, và Ngài đã định trước cho những người ấy trở nên giống như hình ảnh của Con của Ngài, Chúa Giê-su Christ.

Tín Đồ Cơ Đốc là những người được Chúa Trời kêu gọi, bởi vậy Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta được định trước phải giống như hình ảnh của Chúa Giê-su Christ.

Khi chúng ta là hình ảnh của Chúa Giê-su Christ thì tính tình của ta giống như tính tình của Chúa. Tính tình của Chúa là như thế nào?

1. Chúa Giê-su là đấng công nghĩa

1 Phi‑e‑rơ 3:18 18 Vì đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, đấng công nghĩa vì những kẻ không công nghĩa, để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Trời, Chúa đã chịu chết về xác thịt, nhưng đã được sống lại về linh hồn.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng đấng Christ chính là đấng công nghĩa đã chịu chết vì những kẻ không công nghĩa, tức là tội nhân chúng ta. Chúa chịu chết là để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Trời.

1 Giăng 2:1 1 Hỡi con cái bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có đấng biện hộ với Chúa Cha là Chúa Giê-su Christ, đấng công nghĩa.

Đoạn Kinh Thánh trên dạy bảo Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta không nên phạm tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận lại phạm tội thì ta phải ăn năn hối cải liền, thì Chúa Giê-su Christ tựa như một người luật sự biện hộ cho chúng ta trước mặt Chúa Trời, và Chúa là đấng công nghĩa.

Hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Phi‑e‑rơ 3:18 và 1 Giăng 2:1 đều chỉ ra rằng Chúa Giê-su Christ là đấng công nghĩa. Chính vì Chúa là đấng công nghĩa, khi chúng ta đi theo Chúa thì có kết quả gì?

Phi-líp 1:11 11được đầy dẫy quả của công nghĩa bởi Chúa Giê-su Christ để tôn vinh và khen ngợi Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng chúng ta mang quả của công nghĩa bởi Chúa Giê-su Christ.

1 Cô-rinh-tô 1:30 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Chúa Giê-su Christ, là đấng mà Chúa Trời đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Giê-su là sự công nghĩa của chúng ta.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Phi-líp 1:11 và 1 Cô-rinh-tô 1:30 chỉ ra rằng khi chúng ta đi theo Chúa thì ta mang quả của công nghĩa và ta có sự công nghĩa.

2. Chúa Giê-su thương xót và thông cảm với đau khổ của chúng ta

Ma-thi-ơ 9:36 36 Nhìn thấy đám dân đông, Chúa động lòng thương xót, vì họ khốn khổ và vất vưởng như bày chiên không có người chăn.

Ma-thi-ơ 15:32 32 Khi đó, Chúa Giê-su gọi môn đồ đến và nói rằng: “Ta thương xót đoàn dân nầy, vì đã ở cùng ta ba ngày rồi và không có chi ăn hết. Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e bị xỉu dọc đường chăng.”

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 9:36 và Ma-thi-ơ 15:32 đều nói rằng Chúa Giê-su có lòng thương xót cho người ta.

Nguyên văn Hy Lạp của “thương xót” là “σπλαγχνίζομαι” (splagchnizomai). Chữ này xuất hiện 12 lần trong Tân Ước, trong số 12 lần này thì 9 lần là dùng để mô tả tính tình của Chúa Giê-su. Chữ splagchnizomai mang ý nghĩa thương xót và thông cảm với sự đau khổ của người khác. Chúa Giê-su chẳng những chỉ là thương xót, mà Chúa còn thông cảm với đau khổ của chúng ta nữa, ấy là là một tính tình đặc biết của Chúa.

3. Chúa Giê-su là nhu mì và khiêm tốn

Ma-thi-ơ 11:29 29 Hãy mang ách của ta và học theo ta, vì ta là nhu mì và khiêm tốn, và linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải học theo tính tình nhu mì và khiêm tốn của Chúa. (Xin đọc bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì” để hiểu rõ ý nghĩa của nhu mì)

Tính tình nhu mì của Chúa là như thế nào?

1 Phi-e-rơ 2:22 – 24 22 Chúa không hề phạm tội, trong miệng Chúa không hề có lời dối trá; 23 Chúa bị rủa mà không rủa lại, chịu khổ mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó thác chính mình cho Ðấng xét đoán công nghĩa; 24Chính Chúa gánh vác tội lỗi của chúng ta trong thân thể Chúa trên cây gỗ, hầu cho chúng ta đã chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa; bởi những vết thương của Chúa mà anh em được chữa lành.

Đoạn Kinh Thánh trên mô tả một cách chính xác tính tình nhu mì của Chúa Giê-su. Sau khi Chúa bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa chịu đựng đau khổ và sỉ nhục công khai. Nhưng Chúa bị rủa mà không rủa lại, chịu khổ mà không hề hăm dọa, Chúa cứ phó thác mọi việc cho Chúa Trời là Đấng xét đoán công nghĩa.

Giăng 18:19 – 23 19 Thầy tế lễ thượng phẩm tra hỏi Chúa Giê-su về các môn đồ của Chúa và lời dạy dỗ của Chúa. 20 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ta đã nói công khai cho cả thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và trong Đền Thờ, nơi tất cả dân Giu-đa tập hợp; và ta chẳng nói điều gì kín đáo. 21 Tại sao ngươi tra hỏi ta? Hãy tra hỏi những người đã nghe điều ta nói với họ; họ biết ta đã nói điều gì.” 22 Chúa đang nói như vậy, một tên đầy tớ đang đứng bên cạnh vả mặt Chúa và nói rằng: “Ngươi trả lời thầy tế lễ thượng phẩm dường ấy sao?” 23 Chúa Giê-su đáp rằng: “Nếu ta nói sai, hãy chỉ ra chỗ sai; còn nếu ta nói phải, tại sao ngươi đánh ta?”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại tình hình Chúa Giê-su bị thầy tế lễ thượng phẩm tra hỏi và bị tên đầy tớ vả mặt làm nhục. Nhưng Chúa không nổi giận, không phạm tội, cứ giữ bình tĩnh và lý luận với họ. Ấy là tính nhu mì của Chúa. (Xin đọc bài giảng “Lạy Cha, Xin Tha Thứ Cho Họ” để hiểu rõ quá trình Chúa bị tra hỏi và bị buộc tội)

Ma-thi-ơ 11:29 nói rằng Chúa Giê-su không phải chỉ là nhu mì, mà Chúa còn là khiêm tốn nữa.

Chúng ta tưởng rằng khiêm tốn là không tự hào tự khuê, khi người khác khuê chúng ta thì ta cứ nói rằng: “Không phải, không phải, tôi dở lắm, tôi không biết gì hết…” thì ấy là khiêm tốn. Hỡi các bạn ơi, khiêm tốn trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa sâu xa lắm.

Nguyên văn Hy Lạp của “khiêm tốn” trong Ma-thi-ơ 11:29 là “ταπεινός” (tapeinos), có nghĩa là ở địa vị thấm hèn, không quan trọng. Chúa Giê-su nói mình là nhu mì và khiêm tốn, có nghĩa là nhu mì và thấm hèn, không quan trọng.

Phi-líp 2:8 8 Chúa đã tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Phi-líp 2:8, nguyên văn Hy Lạp của “tự hạ mình xuống” là “ταπεινόω” (tapeinoo), và chữ này là cùng một nguồn gốc với chữ tapeinos (khiêm tốn, thấm hèn, không quan trọng) ở trên. Bởi vậy khiêm tốn tức là tự hạ mình xuống.

Phi-líp 2:8 nói rằng Chúa Giê-su tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết. Tự hạ mình xuống là dính liền với vâng phục. Lẽ dĩ nhiên, ấy là vâng phục Chúa Trời Đức Gia-vê.

Trong Kinh Thánh, khiêm tốn có nghĩa là tự hạ mình xuống; mà tự hạ mình xuống là dính liền với vâng phục Chúa Trời cho đến chết. Quả thật, Chúa Giê-su là con người khiêm tốn, vì Chúa vâng phục Chúa Trời cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.

Chúng Ta Làm Những Việc Chúa Giê-su Làm

Thứ hai, khi cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ, thì chúng ta làm những việc Chúa Giê-su làm.

1. Chúng ta hiến dâng sự sống của chính mình

Ma-thi-ơ 20:28 28 Cũng như Con của loài người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta, và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.”

(Xin đọc bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Hầu Hạ Và Làm Giá Chuộc Cho Nhiều Người” để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này)

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Giê-su hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể làm giá chuộc cho tội nhân, chỉ có Chúa Giê-su mới có thể chuộc tội cho tội nhân, vì Chúa là hoàn toàn trọn vẹn, Chúa không hề phạm một tội lỗi nào cả. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm những việc mà Chúa đã làm.

Rô-ma 12:1 1 Bởi vậy, hỡi anh em, tôi lấy lòng thương xót của Chúa Trời khuyên anh em, hãy hiến dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh sạch, có thể làm đẹp lòng Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng thuộc linh của anh em.

Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng chúng ta nên hiến dâng thân thể của mình cho Chúa Trời, ấy chính là sự thờ phượng thuộc linh.

Rô-ma 6:13 13 Đừng hiến dâng chi thể của mình cho tội lỗi thành ra dụng cụ cho sự gian ác, nhưng hãy hiến dâng chính mình cho Chúa Trời, dường như những người sống lại từ cõi chết, và hiến dâng chi thể của mình cho Chúa Trời để làm dụng cụ cho sự công nghĩa.

Hiến dâng chi thể của mình cho tội lỗi có nghĩa là gì ? Khi chúng ta bị tội lỗi ràng buộc và làm những việc tội lỗi thì ta hiến dâng chi thể của mình cho tội lỗi thành ra dụng cụ cho sự gian ác. Ngược lại chúng ta nên hiến dâng chi thể của mình cho Chúa Trời để làm những việc công nghĩa của Ngài.

2. Chúng ta tiếp tục công việc giảng hòa của Chúa Giê-su

2 Cô-rinh-tô 5:18 – 20 18 Mọi việc này đều bởi Chúa Trời, Ngài đã cho chúng ta được hòa thuận lại với Ngài bởi đấng Christ, và Ngài giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. 19 Thật vậy, Chúa Trời ở trong đấng Christ, cho thế gian được hòa thuận lại với Ngài, không kể tội lỗi của loài người nữa, và Ngài đã giao phó đạo lý giảng hòa cho chúng ta. 20 Vậy chúng ta là sứ giả của đấng Christ, như thể Chúa Trời bởi chúng ta mà khuyên bảo. Chúng ta nhân danh đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời.

Khi chúng ta phạm tội lỗi thì ta là thù nghịch với Chúa Trời. Chính là qua Chúa Giê-su Christ mà Chúa Trời tha thứ tội lỗi của ta để cho chúng ta được hòa thuận lại với Ngài. Sau khi chúng ta được hòa thuận lại với Ngài rồi, thì Ngài giao cho chúng ta chức vụ giảng hòa. Chúng ta tiếp tục công việc của Chúa Giê-su đi khuyên giải người đời nên ăn năn hối cải để được hòa thuận lại với Chúa Trời.

“Sống Tức Là Christ” Có Nghĩa Là Gì?

Bây giờ tôi tổng hợp lại những điểm trên. Khi cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ:

  1. Đầu tiên chúng ta là hình ảnh của Chúa Giê-su, có nghĩa là chúng ta có tính tình của Chúa:
  • Chúa là đấng công nghĩa
  • Chúa thương xót và thông cảm với đau khổ của chúng ta
  • Chúa là nhu mì và khiêm tốn, mà khiêm tốn là vâng phục Chúa Trời cho đến chết.
  1. Thứ hai chúng ta làm những việc Chúa Giê-su làm:
  • Chúng ta hiến dâng sự sống của chính mình để làm những việc công nghĩa của Chúa Trời
  • Chúng ta tiếp tục công việc giảng hòa của Chúa.

Ban có muốn tính tình của Chúa Giê-su và làm những việc Chúa Giê-su làm không ? Nếu bạn không muốn tính tình của Chúa Giê-su và cũng không muốn làm những việc Chúa Giê-su làm, thì bạn chắc không muốn cuộc sống của bạn là đấng Christ. Trong trường hợp này, bài giảng này là không thích hợp cho bạn.

Còn tôi thì rất khao khát có tính tình của Chúa Giê-su và tôi hao muốn làm những việc Chúa đã làm.

Chúng Ta Quyết Tâm Nâng Cao Đấng Christ Qua Thân Thể Của Mình

Phi-líp 1:20 20 Tôi thiết tha trông chờ và hy vọng rằng tôi không bị hổ thẹn bởi việc chi, nhưng đầy đủ can đảm, bây giờ cũng như mọi lúc, đấng Christ được nâng cao qua thân thể tôi, dù sống hay chết.

Đoạn Kinh Thánh trên là lời nói của sứ đồ Phao-lô, lúc đó người đang ở tù vì công việc truyền giảng Tin Lành, người đang chịu đựng nhiều đau khổ và nguy hiểm. Nhưng người không hề nghĩ đến sinh mạng của mình, người chỉ nghĩ đến nâng cao đấng Christ qua thân thể của người.

Người đời đã thù ghét Chúa Giê-su, họ đóng đinh Chúa trên thập giá. Bây giờ nếu cuộc sống của chúng ta tức là đấng Christ, chúng ta có tính tình của Chúa và làm những việc Chúa làm thì người đời chắc cũng thù ghét ta, cho nên chúng ta phải sẵn sàng đối diện với sự bắt bớ. Chúng ta noi gương của Chúa Giê-su, bị rủa mà không rủa lại, bị sỉ nhục mà không hề hăm dọa, cho dù chịu đau khổ chúng ta không phạm tội, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta không chối bỏ Chúa.

Xin các bạn để ý, nếu chúng ta phạm tội hoặc là chối bỏ Chúa khi bị bắt bớ thì chúng ta làm nhục danh của Chúa Giê-su. Ngược lại, cho dù gặp nguy hiểm chúng ta vẫn gìn giữ lời dạy của Chúa và trung tín với Chúa cho đến cùng thì ta nâng cao Chúa Giê-su Christ qua thân thể của mình, dù sống hay chết.

Chúa Giê-su Là Nguồn Sống Của Chúng Ta

Làm sao mà chúng ta có tính tình của Chúa Giê-su và làm những việc Chúa đã làm ? Làm sao mà chúng ta có thể nâng cao đấng Christ qua thân thể của mình, dù sống hay chết ?

Hỡi các bạn ơi, chúng ta không bao giờ làm được những điều này trừ phi chúng ta hiệp làm một với Chúa Giê-su và Chúa là nguồn sống của ta.

Giăng 15:5 5 Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai ở trong ta và ta ở trong người thì người ấy kết được nhiều quả; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Chúa Giê-su so sánh chính mình là cây nho và Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là các nhánh nho. Nhánh nho dính liền với cây nho, nhựa chảy từ cây nho đến các nhánh nho khiến các nhánh nho kết quả. Khi chúng ta ở trong Chúa và Chúa cũng ở trong ta, thì chúng ta và Chúa là hiệp làm một, sức sống của Chúa chảy vào trong tâm hồn ta khiến ta kết được nhiều quả.

Làm sao mà chúng ta có thể ở trong Chúa Giê-su ?

Giăng 15:10 10 Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta thì các ngươi sẽ ở trong sự yêu thương của ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta và ở trong sự yêu thương của Ngài.

Hàng ngày chúng ta vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su thì ta sẽ ở trong Chúa. Chúa là nguồn sống của chúng ta, sức sống của Chúa nuôi dưỡng tâm hồn ta, khiến chúng ta có tính tình của Chúa và có thể làm những việc Chúa làm, chúng ta có thể nâng cao Chúa trong thân thể mình, dù sống hay chết.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church