Sáng Thế Ký (6)
Chúa Trời Làm Xáo Trộn Ngôn Ngữ Và Phân Tán Loài Người Ra Khắp Mặt Đất
Sáng Thế Ký 10:31 – 11:9
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Trong bài giảng trước, chúng ta đã thấy rằng sau cơn nước lụt, Chúa Trời Đức Gia-vê tiếp tục ban phước cho tám người sống còn trên trái đất. Nhưng buồn thay, tội lỗi xảy ra trong gia đình của Nô-ê. Hôm nay chúng ta tra khảo các sự kiện kế tiếp.
Phần Phụ Lục Để Giải Thích Một Sự Kiện Quan Trọng Trong Lịch Sử Nhân Loại
Sáng Thế Ký 10:31 31 Ðó là con cháu của Sem, sắp theo gia đình, tiếng nói, đất đai và dân tộc của họ.
Toàn bộ chương 10 liệt kê các con cháu của gia đình Nô-ê, và nơi định cư của họ. Sem là một trong ba con trai của Nô-ê. Câu 31 là kết luận của một đoạn văn dài liệt ra tên tuổi của các con cháu của Sem. Câu này chỉ ra rằng lúc đó giữa các con cháu của Sem đã có tiếng nói khác nhau.
Sáng Thế Ký 11:1 1 Và cả thế giới chỉ có một ngôn ngữ và cùng một thứ tiếng.
Sáng Thế Ký 10:31 ghi rằng lúc đó loài người đã có các thứ tiếng nói khác nhau. Nhưng tại sao Sáng Thế Ký 11:1 lại nói rằng cả thế giới chỉ có một ngôn ngữ và một thứ tiếng?
Thật ra Sáng Thế Ký chương 11 là tựa như phần phụ lục của Sáng Thế Ký chương 10. Trong một quyển sách, thông thường phần phụ lục là đặt ở phần cuối cùng để giải thích thêm những điểm quan trọng nêu ra trong quyển sách đó.
Sáng Thế Ký chương 11 giải thích tại sao các con cháu của cùng một gia đình Nô-ê lại phân tán đi nhiều nơi xa lạ, họ dần dần trở nên những dân tộc có văn hóa khác nhau, sau này họ còn gây chiến với nhau nữa.
Thái Độ Của Loài Người Bấy Giờ Là Giống Như Thái Độ Của Tổ Tiên Của Họ
Sáng Thế Ký 11:2 – 4 2 Khi đi về phương đông, người ta gặp một đồng bằng trong xứ Si-na, và ở tại đó. 3 Họ nói với nhau rằng: “Nào! chúng ta hãy làm gạch và lấy lửa nung cho chín.” Lúc đó, người ta dùng gạch thay cho đá, còn chai thay cho hồ. 4 Họ nói rằng: “Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, ngọn cao đến tận trời; chúng ta hãy làm cho rạng danh mình, kẻo bị tản lạc khắp trên mặt đất.”
Người ta dần dần dời về phía đông, không chừng là tại vì đất đai ở đó là tốt hơn. Họ đến một đồng bằng trong xứ Si-na và định cư tại đó. Si-na chính là xứ Ba-by-lôn.
Lúc đó họ đã biết làm gạch, họ dùng gạch thay cho đá, và chai thay cho hồ. Nền văn minh của loài người đã phát triển đến khá cao. Nhưng họ bàn thảo với nhau dự định xây một cái thành phố và dựng nên một cái tháp, ngọn cao đến tận trời.
Ngày nay chúng ta biết rằng kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành tựu được, thật ra ý tưởng này là dại dột tức cười. Ngày nay với kỹ thuật dụng cụ tân tiến thì loài người có thể xây những nhà lầu cao đến mây trời, nhưng mấy ngàn năm về trước loài người chỉ xây được những căn nhà sơ sài thôi. Về sau đến thời của nước Ai-cập, các ông vua Pha-ra-ôn có thể xây dựng kim tự tháp, đó là thành tích tuyệt vời trong thời đại đó, nhưng ngay cả kim tự tháp vẫn không có cao tận trời.
Hơn nữa, chẳng những này là một kế hoạch dại dột, mà qua kế hoạch này còn biểu lộ thái độ tội lỗi của loài người.
Trước kia trong vườn Ê-đen, tại sao Ê-va bị con rắn lừa gạt? Chính vì người muốn được mở trí tuệ giống như Chúa Trời, cho nên người mới bị con rắn lừa gạt và ăn cái trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác.
Ê-va muốn được mở trí tuệ giống như Chúa Trời, còn loài người bấy giờ thì muốn xây một cái tháp cao đến tận trời; họ nghĩ rằng làm như vậy thì họ có thể lên tới cao độ của Chúa Trời, có nghĩa là họ đạt được bình đẳng với Ngài, và danh của họ sẽ được rạng, và họ sẽ không bị tản lạc trên mặt đất. Loài người bấy giờ có cùng một thái độ giống như Ê-va, tổ tiên của họ.
Trong bài giảng “A-đam Và Người Nữ Phạm Tội Lỗi”, tôi đã giải thích rằng nếu A-đam và Ê-va vâng giữ lời dặn của Chúa Trời Gia-vê thì Ngài sẽ ban trí tuệ cho họ, và trí tuệ đó là trí tuệ tốt lành. Nhưng họ đã phản nghịch lại Chúa Trời, họ muốn được mở trí tuệ bằng phương cách phản nghịch lại lời dặn của Ngài. Rốt cuộc họ được trí tuệ từ ma quỉ, ấy là trí tuệ của tội lỗi gian ác. (Xin đọc bài giảng “A-đam Và Người Nữ Phạm Tội Lỗi” để hiểu rõ những điểm quan trọng này)
Tương tự như Ê-va, bấy giờ loài người muốn được rạng danh bằng phương cách của mình. Thật ra nếu họ sống một cuộc đời vâng phục Chúa Trời, thì Ngài sẽ làm rạng danh của họ.
Chúa Trời Ban Danh Mới Cho Những Người Làm Đẹp Lòng Ngài Và Ngài Làm Rạng Danh Của Họ
Kinh Thánh ghi lại nhiều sự kiện của những người làm đẹp lòng Chúa Trời, Ngài ban danh mới cho họ và làm rạng danh của họ. Ở đây tôi chỉ trích dẫn một vài thí dụ thôi.
Sáng Thế Ký 12:1 – 2 1 Gia-vê phán cùng Áp-ram rằng: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, và làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.”
Chúa Trời Đức Gia-vê nói cùng Áp-ram rằng Ngài sẽ khiến người trở thành một dân lớn, Ngài sẽ ban phước cho người và làm nổi danh của người, và Áp-ram sẽ trở thành một nguồn phước. Áp-ram chính là tổ phụ của dân tộc Y-sơ-ra-ên, chúng ta sẽ tra khảo về cuộc đời của người bắt đầu từ chương 12 kế tiếp.
Sáng Thế Ký 17:5 – 6 5 Tên ngươi không còn gọi là Áp-ram nữa, tên ngươi sẽ gọi là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc. 6 Ta sẽ làm cho ngươi sinh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ từ ngươi mà ra.
Chúa Trời đổi tên của Áp-ram thành ra Áp-ra-ham. Tên “Áp-ram” có nghĩa là “cha tôn quý”, còn tên “Áp-ra-ham” có nghĩa là “cha của các dân tộc”, tại vì Ngài sẽ gia tăng các con cháu của Áp-ra-ham và họ sẽ trở thành nhiều dân tộc.
Giăng 1:42 42 Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Chúa Giê-su. Chúa nhìn vào Si-môn và nói rằng: “Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Khê-pha (dịch là Phi-e-rơ).”
Chúa Giê-su đổi tên của Si-môn thành ra Khê-pha. “Khê-pha” là chữ A-ram, nguyên văn là “Κηφᾶς” (Cephas) (đọc là Khi-pha-s), có nghĩa là “hòn đá”; còn “Phi-e-rơ” là chữ Hy Lạp, nguyên văn là “Πέτρος” (Petros) (đọc là pêt-trô-s). Về sau, Chúa Giê-su đào tạo Phi-e-rơ thành một môn đồ rất xuất sắc. Sau khi Chúa thăng lên trời rồi, Phi-e-rơ là một trong những người lãnh đạo của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem và bắt đầu công việc truyền giảng Tin Lành trên khắp thế gian.
Khải Huyền 2:17 17 Ai có tai, hãy nghe lời Thánh Linh phán cùng các Hội thánh: “Kẻ nào thắng, ta sẽ ban cho ma-na giấu kín; và ta sẽ cho người viên sỏi trắng, và một tên mới được viết trên viên sỏi, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết được.”
Ma-na là lương thực mà Chúa Trời ban cho người dân Y-sơ-ra-ên khi họ đi lang thang trong vùng sa mạc 40 năm. Bởi vậy từ ngữ “ma-na” là tượng trựng cho lương thực do Chúa Trời ban cho. Kẻ nào thắng được Sa-tan sẽ được ban cho ma-na và một tên mới.
Bốn đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng nếu chúng ta vâng phục ý chỉ của Chúa Trời, phụng sự Ngài một cách trung tín, thì Ngài sẽ làm rạng danh của ta. Chúng ta không cần phải tự ý tìm cách này cách nọ làm rạng danh mình.
Chúa Trời Làm Xáo Trộn Ngôn Ngữ Của Loài Người
Sáng Thế Ký 11:5 – 7 5 Gia-vê ngự xuống để xem cái thành và tháp mà các con cái loài người xây nên. 6 Gia-vê phán rằng: “Nầy, họ là một dân tộc, có cùng một thứ tiếng; và đây là công việc chúng nó đang khởi làm; bây giờ chẳng còn điều gì chúng nó dự tính làm lại làm không nổi. 7 Nào, chúng ta hãy xuống làm xáo trộn ngôn ngữ của chúng nó, để cho họ không hiểu nhau được nữa.”
Chúa Trời Đức Gia-vê nhìn thấy mọi việc, Ngài thấu hiểu thái độ của mỗi một người. Thật ra Ngài không cần phải ngự xuống mặt đất mới thấy được loài người đang làm cái gì. Nhưng dù sao đi nữa, Ngài đi xuống qua cái tháp mà loài người đang xây cất. Họ xây cái tháp này để đạt đến cao độ của Chúa Trời, nhưng chính là qua cái tháp này mà Ngài đi xuống để trừng phạt họ. Mỉa mai thay!
Trong câu 6, Chúa Trời nói rằng nếu loài người là một dân tộc, nói cùng một thứ tiếng, thì chẳng có điều gì chúng nó dự tính làm lại làm không nổi, có nghĩa là chúng nó có thể làm được tất cả mọi điều họ muốn. Rồi Ngài làm xáo trộn ngôn ngữ của chúng nó, bất thình lình chúng nó nói các ngôn ngữ khác nhau, và họ không hiểu nhau được nữa.
Tại sao Chúa Trời làm xáo trộn ngôn ngữ của loài người mà khiến họ không hiểu nhau được nữa?
Đầu tiên, ta thấy rằng loài người bấy giờ đã biết làm gạch và xây nhà. Họ từ đâu mà có trí tuệ này?
Châm Ngôn 2:6 6 Vì Gia-vê ban cho trí tuệ; từ miệng Ngài ra sự hiểu biết và thông sáng.
Chúa Trời là Đấng ban trí tuệ, sự hiểu biết và thông sáng cho chúng ta. Loài người bấy giờ có trí tuệ để làm gạch và xây nhà, đó là do Chúa Trời ban cho họ. Nhưng sau khi họ được trí tuệ rồi, thì họ muốn dành được bình đẳng với Ngài, ấy là một thái độ tội lỗi sai lầm. Sau này trí tuệ của loài người chắc sẽ phát triên ngày càng cao hơn. Khi trí tuệ của họ càng cao, thì họ sẽ phạm những tội lỗi ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nếu hết thảy loài người là cùng một dân tộc, họ sẽ rất hùng mạnh, và họ có khả năng làm những việc tội lỗi lớn lao và gây ra tai hại vô cùng.
Cách tốt nhất là phân tán loài người ra thành nhiều dân tộc khác nhau, như vậy thì quyền lực và khả năng của mỗi một dân tộc sẽ bị giới hạn.
Bởi vậy Chúa Trời làm xáo trộn ngôn ngữ của họ khiến họ không thể nói chuyện với nhau nữa, thì tự nhiên họ sẽ phân tán.
Khi chúng ta xem xét lịch sử thế giới, ta thấy rằng khi một đại cường quốc đàn áp những dân tộc yếu ớt, không một dân tộc nào khác có thể chống cự lại họ, họ tha hồ làm những chuyện tà nhẫn vô nhân đạo; nhưng chẳng bao lâu hổn loạn xảy ra trong nước siêu cường đó, họ chém giết lẫn nhau, rốt cuộc một nước siêu cường trở nên yếu ớt rồi sụp đổ. Đó là sự phán xét của Chúa Trời Đức Gia-vê để trừng phạt những dân tộc tàn bạo gian ác và giải cứu những dân tộc bị đàn áp. Thí dụ: Đế Quốc Ba-by-lôn, Đế Quốc La-mã, Đế Quốc Mông Cổ v.v. đều lần lượt bị sụp đổ. Tạ ơn lòng nhân từ thương xót và quyền năng vĩ đại Chúa Trời Đức Gia-vê!
Sự Đoàn Kết Hợp Nhất Chỉ Có Thể Đạt Được Trong Chúa Giê-su Christ
Nếu loài người muốn dành được bình đẳng với Chúa Trời thì chắc chắn họ có thái độ tranh giành với nhau, và họ không bao giờ có sự đoàn kết hợp nhất. Khi họ tiếp xúc với nhau càng nhiều thì thù hận càng nhiều, rốt cuộc họ sẽ chém giết lẫn nhau, chẳng thà họ phân tán ra còn tốt hơn. Mãi cho đến khi Chúa Giê-su Con của Chúa Trời đến vào thế gian này, Chúa phá tan hết thảy tội lỗi gian ác bằng thân thể của mình, Chúa liên kết tất cả Tín Đồ chân chính của mình lại và dựng nên một người mới, lúc ấy mới có sự hợp nhất bình yên.
Ê-phê-sô 2:14 – 15 14 Vì chính Chúa là sự bình yên của chúng ta; Chúa đã kết hợp cả hai nhóm thành một, phá tan bức tường ngăn cách, 15 dùng thân xác mình để hủy bỏ mối thù nghịch, ấy là Luật Pháp của các điều răn bao gồm trong các điều lệ, hầu cho có thể từ hai nhóm mà lập nên một người mới ở trong Chúa, như thế mà tạo nên bình yên.
Chúa Trời Phân Tán Loài Người Ra Khắp Mặt Đất
Sáng Thế Ký 11:8 – 9 8 Rồi Gia-vê phân tán loài người từ nơi đó ra khắp mặt đất; và họ ngưng công việc xây cất thành. 9 Bởi vậy, thành đó được gọi là Ba-bên, vì tại đó Gia-vê làm xáo trộn ngôn ngữ cả thế gian, và từ đó Ngài phân tán họ ra khắp mặt đất.
Tại vì loài người không thể nói chuyện với nhau được nữa, họ phải ngưng công việc xây cất thành phố và cái tháp đó. Thành phố mà họ đang xây cất được gọi là Ba-bên, và từ chỗ đó họ phân tán ra khắp mặt đất.
Buồn thay, chính vì loài người không muốn bị tản lạc khắp trên mặt đất mà họ khởi đầu xây dựng cái thành và cái tháp, nhưng rốt cuộc công việc xây cất thành này lại dẫn đến sự tản lạc trên khắp mặt đất.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church