You are here

Sự Sống Đời Đời (5)

Sự Sống Đời Đời (5)

Sự Sống Đời Đời Là Cuộc Sống Tự Do

Bài giảng của Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Chúa Giê-su Cho Ta Được Tự Do

Kỳ trước chúng ta đã thấy rằng sự sống đời đời hiện bây giờ trên thế gian này là nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê chân thật duy nhất cùng Chúa Giê-su Christ. Hôm nay chúng ta sẽ tra khảo một khía cạnh khác của sự sống đời đời.

Giăng 8:36 36 Vậy nếu Đức Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật sự được tự do.

“Đức Con” là con của loài người, chính là Chúa Giê-su. Chúa thường tự xưng mình là con của loài người. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này thì người đời không có tự do, chỉ khi Chúa Giê-su buông tha chúng ta, chúng ta mới thật sự được tự do.

Nhiều người tưởng rằng nếu họ trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì họ sẽ mất đi tự do, thí dụ như họ không được đánh bạc, không được chơi bời, không được nói dối, không được giận hờn người khác, không được làm cái này cái kia v.v.

Nhưng lời dạy của Kinh Thánh là hoàn toàn trái ngược với ý tưởng của người đời.

Nô lệ Của Tội Lỗi

Kinh Thánh dạy rằng người đời là nô lệ của tội lỗi.

Giăng 8:34 34 Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi.”

Chúng ta đều từng phạm tội, cho nên hết thảy loài người đều là nô lệ của tội lỗi. Tội lỗi là chủ nô, chúng ta bị tội lỗi nắm giữ hoàn toàn, tội lỗi bảo ta làm cái gì thì ta phải làm, cho dù ta không muốn cũng phải làm theo.

Chỉ khi một người tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời Đức Gia-vê, ăn năn hối cải tội lỗi của mình và chịu phép báp-tem (tức là phép rửa tội), thì hết thảy tội lỗi của người ấy sẽ được rửa sạch bởi huyết báu của Chúa Giê-su, rồi người ấy được buông tha khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, từ đó trở đi người ấy mới được tự do.

Một Vài Câu Chuyện Thiệt Về Nô Lệ Của Tội Lỗi

Tự do là gì? Tôi không muốn nói về những định nghĩa triết học trừu tượng khó hiểu, tôi chỉ dùng những từ ngữ đơn giản để diễn tả ý tưởng thực tế. Nói một cách rất dễ hiểu, nếu chúng ta có tự do, khi ta không muốn làm những việc tội lỗi sai lầm, thì ta không làm, không ai có thể bắt buộc ta làm những điều sai lầm trái với ý muốn của mình; ngược lại khi ta muốn làm những việc công nghĩa phải lẽ thì ta có thể làm, không ai có thể ngăn cản ta, như vậy là tự do.

Bây giờ để tôi kể cho các bạn nghe vài câu chuyện thiệt để mô tả cho các bạn thấy rõ tình trạng của nô lệ của tội lỗi.

1. Câu chuyện của hai vợ chồng

Tôi quen biết hai vợ chồng, họ cũng khá giàu, nhưng họ cứ cải lộn và đánh lộn nhau hoài. Nhiều khi sau một cuộc cải lộn dữ dội, người chồng tức giận quá, ông lái xe ra ngoài đường chạy thiệt nhanh. Lúc đó thì người vợ hoảng sợ, bà sợ rằng người chồng sẽ bị tai nạn xe hơi. Những việc như vậy xảy ra khá thường xuyên, mỗi lần sau một cuộc đánh lộn cải lộn, thì bà ân hận và khóc lóc thê thảm. Tôi hỏi bà vì lý do gì mà cứ đánh lộn cải lộn hoài, bà nói rằng mỗi lần đều là tại vì bà cố ý nói những lời sắc bén để chọc tức ông chồng, rồi họ bắt đầu cải lộn, sau cùng đi đến đánh lộn nhau. Tôi bèn hỏi bà: “Nếu chị biết là tại vì chị cố ý chọc tức chồng chị mà gây nên cuộc đánh lộn, thì chị ráng gìn giữ lời nói của mình, đừng nói những lời sắc bén nữa.” Các bạn có biết bà này nói gì không? Bà nói: “Tôi cũng không muốn nói ra những lời đó, nhưng không biết tại sao nhịn không được, miệng tôi cứ nói ra, nhưng nói ra rồi thì tôi lại ân hận, trể quá rồi!”

Các bạn thấy tình trạng của bà này chưa? Bà không muốn chọc tức chồng bà, nhưng bà nhịn không được, miệng bà cứ nói ra. Tình trạng như vậy thì chính là bị tội lỗi ràng buộc. Bà không muốn nói, nhưng bà bị mối giận hờn trong lòng ép buộc mà nói ra những lời sắc bén. Bà này đã mất đi tự do rồi, bà là một nô lệ của tội lỗi.

2. Câu chuyện của hai thiếu niên nghiện ma túy

Khi chồng tôi và tôi phụng sự Chúa Trời ở Úc Đại Lợi, chúng tôi quen biết một gia đình người Việt Nam, họ có hai người con trai chừng mười mấy tuổi. Nhưng chẳng may, hai người con này đều nghiện ma túy. Khi chồng tôi và tôi đi thăm họ, người mẹ cứ khóc thê thảm, còn hai người con này cúi đầu xuống rất hổ thẹn. Khi người mẹ nghe nói rằng hai người con mình nghiện ma túy, bà dắt họ đi cảnh sát liền, bà xin chính phủ giúp đỡ họ cai nghiện ma túy. Chính phủ gởi hai người con này vô trung tâm cai nghiện. Sau một khoảng thời gian, họ cũng từ bỏ được cái tật. Nhưng khi họ được thả về nhà, chẳng bao lâu thì họ lại nghiện nữa. Người mẹ dùng nhiều phương pháp khác nhau để giúp hai người con này, nhưng phương pháp nào cũng chỉ có hiệu quả tạm thời thôi, một khi họ về nhà, thì họ lại nghiện nữa. Sau cùng bà cũng không biết nên làm gì mới phải, bà gần như tuyệt vọng rồi. Mà hai người con này cũng muốn cai nghiện ma túy lắm, họ theo đúng lời chỉ dẫn của bác sĩ trong trung tâm cai nghiện, cho nên khi còn ở trong trung tâm, thì họ cũng đạt được kết quả khá tốt. Nhưng một khi họ được về nhà, quyến rũ của ma túy quá lớn, họ chống cự không nổi, rồi họ lại nghiện nữa.

Hai thiếu niên này đúng là bị tội lỗi ràng buộc. Họ không muốn nghiện ma túy, nhưng họ đã trở thành nô lệ của ma túy, họ không còn tự do nữa, cho dù họ không muốn nghiện cũng phải nghiện.

Sau khi các bạn nghe hai câu chuyện này rồi, không chừng các bạn nói rằng, “Người đàn bà kia và hai thiếu niên này quả là nô lệ của tội lỗi, nhưng tôi không phải như vậy, tôi không có bị tội lỗi ràng buộc như thế!”

3. Câu chuyện của một bác gái

Tôi quen biết một bác gái tên là Trương Thị Mỹ, nhiều năm về trước khi gia đình bác từ Việt Nam đến Canada chẳng bao lâu, thì có chuyện không đẹp xảy đến cho bác, bởi vì có người làm mất quyền lợi của bác và nói xấu bác. Cho nên bác rất thù giận, ai mà nhắc đến tên người đó thì bác rất ghét. Khi bác gặp mặt người đó thì bác tức giận đến nổi bị đau liền. Cứ thế bác đem lòng câm thù, oán hận như vậy suốt 10 năm trời. Trong khoảng thời gian đó bác khổ sở ghê lắm. Ai thấy bác cũng tưởng là bác đang bị bịnh nặng trong người, nhưng đó là cơn bịnh về tinh thần. Vì những chuyện đó mà bác bị đau bao tử, và bị chứng mất ngủ. Trong lòng bác thì lúc nào cứ nghĩ đến hận thù. Trong khi đó bác đọc biết bao nhiêu quyển sách, bác tìm đủ sách về tâm lý để coi cho khuây khỏa, nhưng bác không làm sao tìm được sự vui tươi.

Bác gái này cũng là bị tội lỗi ràng buộc. Cho dù bác cũng muốn tha thứ người đó mà bỏ quên chuyện cũ, nhưng bác không cách nào quên được.

Tự Do Thoát Ra Khỏi Định Luật Của Tội Lỗi

Bây giờ để chúng ta tiếp tục tìm hiểu về cái tự do mà Chúa Giê-su ban cho ta.

Rô-ma 8:2 2 vì định luật của Thánh Linh sự sống trong Chúa Giê-su Christ đã buông tha tôi khỏi định luật của tội lỗi và chết chóc.

Khi định luật của Thánh Linh sự sống buông tha chúng ta khỏi định luật của tội lỗi và chết chóc rồi, thì chúng ta không còn sống theo định luật của tội lỗi và chết chóc nữa.

Trước kia khi chúng ta còn là nô lệ của tội lỗi, mỗi khi mối thù hận, hay ghen ghét, hay lòng tham lam, hay thèm muốn ma-túy nổi lên, ta không cách nào kiềm chế nổi, ta bị ý tưởng tội lỗi ép buộc lôi cuốn, ta chỉ muốn thỏa mãn dục vọng của mình, ta không còn nghĩ đến hậu quả nữa, như trường hợp của người đàn bà không gìn giữ được lời nói của mình mà cứ chọc tức chồng bà rồi gây nên đánh lộn cải lẫy, hoặc là như trường hợp của hai người con trai kia không kiềm chế được thèm muốn của ma túy, họ không nghĩ đến hậu quả hay tương lai hay bất cứ cái gì khác, họ chỉ muốn hút cho thỏa mãn trước đã, hoặc là như trường hợp của bác gái Trương Thị Mỹ cũng vậy, bác cứ nghĩ đến hận thù đến nổi bị bịnh.

Nhưng sau khi ta được Chúa Giê-su buông tha rồi, tội lỗi không thể điều khiển mệnh lệnh ta nữa. Bây giờ ta sống theo định luật của Thánh Linh sự sống, ta có khả năng khắc phục lực lượng của tội lỗi trong lòng.

Trong trường hợp của bác gái Trương Thị Mỹ, về sau bác gái trở thành một Tín-Đồ Cơ Đốc, Chúa Giê-su buông tha bác khỏi ràng buộc của tội lỗi. Từ đó trở đi bác mới có thể trút bỏ gánh nặng đi và được sống tự do khoan khoái (xin đọc “Bài Làm Chứng Của Trương Thị Mỹ” để biết rõ những chi tiết).

Khi chồng tôi và tôi phụng sự Chúa Trời ở Philippines, mỗi tuần vào ngày thứ hai, chồng tôi đều đi vào nhà tù truyền giảng Tin Lành cho tù nhân. Có vài người tù nhân đang chờ đợi phán xét, họ biết rõ một là bị phán tử hình, hai là tù chung thân, vì tội của họ rất nặng. Tâm hồn của những người tù nhân này tràn đầy thù oán và tuyệt vọng.

Cảm tạ Chúa Trời Đức Gia-vê, về sau có một số tù nhân trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, Chúa Giê-su buông tha họ khỏi tội lỗi. Cho dù thân thể ở trong tù, nhưng tâm hồn của họ rất tự do khoan khoái. Kỳ diệu thay! Họ có thể ca hát khen ngợi Chúa Trời, có người còn đi truyền giảng Tin Lành cho tù nhân khác nữa.

Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 16 có ghi rằng sứ đồ Phao lô và Si la vì truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời mà bị bỏ vào tù, nhưng họ vui mừng ca hát, làm cho các tù nhân khác đều lắng tai mà nghe.

Tự do trong tâm hồn không phải chỉ là lý thuyết, mà là một điều các bạn có thể kinh lịch được ngay bây giờ. Lời dạy chân chính của Chúa Trời rất thực tế, khi ta thực hành lời của Ngài thì ta nhận biết lời của Ngài là chân thật biết bao!

Tự Do Thoát Ra Khỏi Vòng Nô Lệ Của Sự Hư Nát

Rô-ma 8:19 – 21 19 Muôn vật nôn nóng tha thiết trông chờ các con cái của Chúa Trời được bày tỏ ra. 20 Vì muôn vật phải quy phục sự hư không, không phải do tình nguyện, nhưng do Đấng bắt chúng quy phục trong hy vọng, 21 vì muôn vật cũng sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ của sự hư nát, được vào trong tự do vinh hiển của con cái của Chúa Trời.

Muôn vật trên trái đất như các động vật, cây cối v.v. đều phải chịu cùng một số phận hư nát, họ cũng là nô lệ của sự hư nát. Muôn vật tha thiết chờ đợi các con cái của Chúa Trời được bày tỏ ra.

Chừng nào các con cái của Chúa Trời mới được bày tỏ ra? Khi Chúa Giê-su Christ trở về thế gian này thì các con cái của Chúa Trời sẽ được bày tỏ ra. Tại sao muôn vật mong chờ các con cái của Chúa Trời được bày tỏ ra? Tại vì lúc đó tất cả con cái của Chúa Trời và muôn vật đều được thoát ra khỏi vòng nô lệ của sự hư nát, vào trong tự do và vinh hiển.

Các bạn có ngạc nhiên không? Kinh Thánh dạy rằng con cái của Chúa Trời sẽ không bị chết đi và không bị hư nát!

Những Tín-Đồ chân chính của Chúa Giê-su, cho dù thân thể xác thịt có chết đi, nhưng linh hồn của họ sẽ trở về cùng Chúa Trời Đức Gia-vê. Trong tương lai vào ngày sau cùng Chúa Giê-su sẽ cho họ được sống lại, họ sẽ được ban cho một thân thể mới không còn bịnh tật, không bị hư nát, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời ở nước Thiên Đàng (xin đọc bài giảng “Liên Hệ Giữa Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Và Sự Sống Đời Đời Trong Tương Lai” để hiểu rõ về các chi tiết). Bởi vậy sau khi những tù nhân ở Philippines tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su rồi, họ không còn sợ hãi nữa, cho dù có người đang chờ đợi xử tử hình, có người sẽ bị tù chung thân, nhưng cái chết của thân thể không có ảnh hưởng gì đến họ cả, họ đã được thoát ra khỏi nô lệ của chết chóc hư nát rồi.

Các bạn có muốn được một cuộc sống như vậy không? Một cuộc sống không bị tội lỗi ràng buộc, không bị chết chóc hư nát ảnh hưởng, tâm hồn lúc nào cũng khoan khoái tự do.

Tín Đồ Cơ Đốc Phải Sống Cuộc Đời Như Thế Nào?

1. Chúng ta hằng ở trong lời của Chúa Giê-su

Giăng 8:31 – 32 31 Chúa Giê-su nói cùng những người Giu-đa đã tin vào Chúa rằng: “Nếu các ngươi hằng ở trong lời của ta, thì các ngươi thật là môn đồ ta; 32 các ngươi sẽ nhận biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

Khi chúng ta ăn năn hối cải, phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời Đức Gia-vê thì Chúa Giê-su sẽ buông tha chúng ta khỏi ràng buộc của tội lỗi và chết chóc hư nát. Nhưng chúng ta phải ráng gìn giữ tự do này, bởi vì nếu chúng ta lại đi vào con đường tội lỗi thì ta lại trở thành nô lệ của tội lỗi, ta sẽ đánh mất tự do này. Vậy chúng ta phải làm gì để gìn giữ tự do này ?

Trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 8:31 – 32, Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta phải tiếp tục ở trong lời của Chúa, thì ta mới thật sự là môn đồ của Chúa, rồi ta sẽ nhận biết lẽ thật, và chính là lẽ thật sẽ buông tha chúng ta.

Chúng ta gìn giữ tự do của mình bằng cách luôn luôn ở trong lời của Chúa. Ta chẳng những chỉ là học tập lời của Chúa và tìm hiểu ý nghĩa trong lời của Chúa, tất cả những điều này đều rất tốt, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất là ta phải sống theo toàn bộ lời của Chúa. Có những người Tín Đồ Cơ Đốc chỉ vâng theo một phần lời dạy của Chúa Giê-su, chứ không phải là toàn bộ lời của Chúa. Nếu chúng ta không sống theo toàn bộ lời dạy của Chúa, thì ta không phải ở trong lời của Chúa. Chỉ khi chúng ta sống theo toàn bộ lời dạy của Chúa, thì ta mới có thể nhận biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha chúng ta.

Hê-bơ-rơ 10:26 – 27 26 Tại vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi ta đã nhận biết lẽ thật, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 chỉ có đợi chờ kinh khiếp sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi!

Đoạn Kinh Thánh này cảnh cáo rằng nếu chúng ta cố ý phạm tội, thì rốt cuộc sẽ đi đến một điểm không còn được chuộc tội nữa, có nghĩa là ta sẽ mất đi ơn cứu chuộc. Bởi vậy tôi kêu gọi những người mang danh là Tín-Đồ Cơ Đốc mà vẫn sống trong tội lỗi, bạn nên ăn năn hối cải liền, cầu xin Chúa Trời giúp đỡ bạn ăn năn hối cải liền, Ngài là nhân từ thương xót, Ngài sẽ tha thứ cho bạn.

2. Ta sống theo chỉ dẫn của Thánh Linh

2 Cô-rinh-tô 3:17 17 Chúa là Linh, Linh của Chúa ở đâu, thì ở đó có tự do.

Linh của Chúa tức là Thánh Linh. Thánh Linh ở đâu, thì ở đó có tự do. Khi ta phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời rồi chịu phép báp-tem, Ngài sẽ ban cho ta Thánh Linh ngự trong lòng ta. Bởi vì Thánh Linh ở trong ta, cho nên ta có tự do.

Khi Thánh Linh ngự trong lòng ta, thì Thánh Linh sẽ chỉ dẫn ta, khuyến khích ta, và cũng khiển trách ta khi ta phạm tội. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Thánh Linh, thì ta không đi vào con đường lầm lẫn. Ngược lại nếu ta cứ phớt lờ lời chỉ dẫn của Thánh Linh, rốt cuộc sẽ đi đến một điểm Thánh Linh không chỉ dẫn ta nữa. Đó là một tình trạng rất nghiêm trọng. Nếu Thánh Linh không chỉ dẫn ta nữa, thì cũng tựa như ta không có Thánh Linh trong lòng vậy. Thánh Linh ở đâu thì tự do cũng ở đó. Nếu Thánh Linh không ở trong ta thì ta không có tự do, ta sẽ một lần nữa lạc vào vòng nô lệ của tội lỗi.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo sự sống đời đời là một cuộc sống tự do. Khi chúng ta ăn năn hối cải, phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời Đức Gia-vê, rồi chịu phép báp-tem, thì ta sẽ được buông tha khỏi ràng buộc của tội lỗi, ta được hưởng tự do trong tâm hồn và ta được thoát ra khỏi chết chóc hư nát. Nhưng ta phải ráng gìn giữ tự do này bằng cách hằng sống ở trong lời của Chúa Giê-su và vâng theo lời chỉ dẫn của Thánh Linh.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

 

(c) 2021 Christian Disciples Church