Danh Hiệu của Tín-Đồ Cơ Đốc (10)
Kẻ Được Chọn Lựa (1)
Cô-lô-se 3:12
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Nhiều năm về trước ở Việt Nam, khi học sinh học xong lớp 12 rồi, họ phải đi dự kỳ thi Bằng Tú Tài. Kỳ thi này thì rất quan trọng, tại vì nó liên quan đến tương lai của một người học sinh. Ai thi rớt thì phải học lại lớp 12, mà ngay trong những người thi đậu cũng được chia làm nhiều hạng khác nhau tùy theo số điểm trong kỳ thi. Khi học sinh xin vô đại học, họ được nhận vô trường đại học nào là hoàn toàn tùy thuộc vào số điểm trong kỳ thi tú tài. Cho nên học sinh nào cũng phải ráng học, chỉ thi đậu là chưa đủ, mà còn phải được điểm cao nữa, điểm càng cao thì càng tốt.
Tín-Đồ Cơ Đốc cũng phải trải qua một cuộc chọn lựa, và một danh hiệu của Tín-Đồ Cơ Đốc chính là “Kẻ được chọn lựa”.
Cô-lô-se 3:12. 12 Vậy anh em là kẻ được chọn lựa của Chúa Trời, thánh sạch và yêu quý, anh em hãy mang một tấm lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, kiên nhẫn.
Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng Tín-Đồ Cơ Đốc là những kẻ đã được Chúa Trời chọn lựa, cho nên chúng ta phải mang một tấm lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, kiên nhẫn.
Kẻ được chọn lựa có nghĩa là gì? Từ ngữ “chọn lựa” chỉ ra rằng có người thì được chọn lựa, có người thì không. Vậy ai sẽ được chọn lựa? Có phải là khi ta tin vào Chúa Giê-su, ta chịu phép báp-tem, thì ta hẳn được Chúa Trời chọn lựa chăng?
Chúa Trời Căn Cứ Vào Cái Gì Mà Chọn Lựa Chúng Ta?
Đầu tiên Chúa Trời căn cứ vào tiêu chuẩn gì mà chọn lựa chúng ta? Có phải là Chúa Trời coi người nào thông minh nhất, tài giỏi nhất, thì Ngài chọn lựa người đó, rồi Ngài làm việc trong cuộc đời của người để dắt đưa người trở thành Tín-Đồ Cơ Đốc, và người sẽ được hưởng một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trong đời này, và trong tương lai tất cả những người được chọn lựa đều sẽ được hưởng sự sống đời đời ở nước Thiên Đàng chăng? Còn những kẻ ngu dại chậm chạp thì không được chọn lựa, họ mang tội lỗi nặng nề mà chết đi, sau này sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục chăng? Có phải như vậy không?
Lẽ dĩ nhiên là không! Nếu Chúa Trời chọn lựa người ta bằng cách này, thì Ngài không có công bằng gì cả, Ngài còn tàn nhẫn hơn những ông vua độc tài trong lịch sử của thế giới. Nếu vũ trụ này bị cai quản bởi một Đấng Chúa Trời như vậy, thì loài người đã chết hết từ lâu rồi. Vậy bây giờ chúng ta tra khảo lời dạy của Chúa Trời để coi Ngài chọn lựa chúng ta bằng cách nào.
Chúng Ta Được Chọn lựa Bởi Ân Điển
1 Cô-rinh-tô 1:26 – 28. 26 Hãy suy xét về sự kêu gọi của anh em, ở giữa anh em chẳng có nhiều người khôn ngoan căn cứ theo xác thịt, chẳng có nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27 Nhưng Chúa Trời đã chọn lựa những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Chúa Trời đã chọn sự yếu của thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh; 28 Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và bị khinh bỉ trên thế gian, cùng những sự không có, hầu cho hủy bỏ những sự hiện có.
Đoạn Kinh Thánh này nói rằng trong số những người đã được Chúa Trời kêu gọi thì chẳng có bao nhiêu người là khôn ngoan căn cứ theo tiêu chuẩn của thế gian này, chẳng có nhiều kẻ quyền thế, cũng chẳng có nhiều kẻ sang trọng. Vậy mà họ lại được Chúa Trời kêu gọi ! Chúa Trời đã chọn lựa những kẻ ngu dại, những kẻ yếu đuối, những kẻ hèn hạ và bị khinh bỉ ! Ngài còn chọn lựa những sự không có hầu cho hủy bỏ những sự hiện có !
Các bạn chắc nghĩ rằng: “Tại sao kỳ lạ quá ?” Cách chọn lựa này thì hoàn toàn trái ngược với ý tưởng của loài người ! Sự chọn lựa của Chúa Trời thật là phi thường ! Chúng ta không thể nào dùng lý luận tư tưởng của loài người để tìm hiểu về sự chọn lựa của Chúa Trời, bởi vì ý tưởng của loài người thì khác hẳn với ý tưởng của Ngài, tấm lòng nhỏ mọn của ta thì không hiểu nổi tấm lòng thương xót vô biên của Ngài.
Rô-ma 11:5 – 6. 5 Ngày nay cũng thế, có một số người được giữ lại theo sự chọn lựa của ân điển. 6 Nhưng nếu bởi ân điển thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng không, thì ơn không phải là ơn nữa.
Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này thì sự chọn lựa là bởi ân điển, là nhờ vào ơn của Chúa Trời, chứ không phải căn cứ theo việc làm của người ta. Đây là một câu rất quan trọng ! Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời chọn lựa một người không phải tại vì người đó khôn ngoan, học thức cao rộng, tài giỏi khéo léo ! Hỡi các anh chị em Tín-Đồ ! Chúng ta được chọn lựa không phải là tại vì chúng ta có gì xuất sắc hơn người khác ! Sở dĩ chúng ta được chọn lựa là tại ân điển của Ngài !
Những trường đại học chọn lựa học sinh căn cứ theo tài giỏi, điểm cao, những công ty mướn người cũng căn cứ vào khôn ngoan, khéo léo, nhưng Chúa Trời chọn lựa người ta bằng ơn huệ lòng thương xót vô biên !
Nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về cách chọn lựa của Chúa Trời. Trong đoạn Kinh Thánh trước 1 Cô-rinh-tô 1:26 – 28 nói rằng Ngài chọn lựa những kẻ thấp hèn, ngu dại, bị khinh bỉ. Như vậy có phải là Ngài nhìn thấy người nào ngu dại nhất, thấp hèn nhất, thì Ngài động lòng thương xót và chọn lựa người đó, và người đó sẽ được ơn cứu chuộc sao? Và Ngài cứ thấy người nào khôn ngoan tài giỏi thì Ngài loại bỏ ra hết chăng? Như vậy thì càng khó hiểu hơn nữa !
Nhưng khi chúng ta nhìn vào người đời trên thế gian này, có nhiều người thấp hèn và bị khinh bỉ, nhưng họ cứ một mực từ chối Tin Lành của Chúa Trời mà không chịu tin vào Ngài, như vậy thì làm sao mà họ có thể được cứu chuộc? Ngược lại trong số những người Tín-Đồ Cơ Đốc, lại có nhiều người học giỏi, thông minh phi thường; ngay sứ đồ Phao-lô là một người tài cao học rộng, mà người lại được chọn lựa vậy !
Hỡi các bạn ơi, Chúa Trời không phải dựa vào sự khôn ngoan quyền thế mà chọn lựa người ta, nhưng Ngài cũng không phải là cố ý loại bỏ những người khôn ngoan quyền thế. Một mặt khác, Ngài thương xót cho những kẻ thấp hèn bị khinh bỉ, nhưng không phải là hễ người nào thấp hèn thì tự nhiên được chọn lựa vào nước Thiên Đàng.
Chúa Trời xem xét mỗi một người trên thế gian mà chọn lựa những kẻ đẹp lòng Ngài để thâu nhận họ vào nước Thiên Đàng, Ngài chọn lựa bằng ân điển căn cứ theo một tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt với tiêu chuẩn của thế gian.
Chúa Trời Chọn Lựa Người Ta Căn Cứ Vào Sự Công Nghĩa
Ma-thi-ơ 22:1 – 14. 1 Chúa Giê-su lại nói cùng chúng bằng ví dụ rằng: 2 “Nước Thiên Đàng ví như một ông vua kia làm tiệc cưới cho con mình. 3 Vua sai đầy tớ đi nhắc những người khách đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến. 4 Vua lại sai đầy tớ khác và dặn rằng: “Hãy nói với người được mời như vậy: ‘Này, ta đã sửa soạn bữa tiệc rồi; bò và thú béo đã làm thịt rồi, mọi việc đã sẵn sàng, xin đến dự tiệc cưới.’” 5 Nhưng họ không để ý đến và cứ bỏ đi; kẻ này đi ra ruộng, kẻ kia đi buôn bán; 6 còn những kẻ khác bắt lại đầy tớ của vua, đánh đập và giết đi. 7 Vua nổi giận, bèn sai quân lính đi tiêu diệt những kẻ sát nhân đó, và đốt phá thành phố của họ. 8 Thế rồi vua phán cùng các đầy tớ mình rằng: “Tiệc cưới đã sẵn sàng, nhưng những người được mời không xứng đáng dự tiệc đó. 9 Vậy, các ngươi hãy đi ra các đường phố, hễ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc.” 10 Các đầy tớ bèn đi ra các đường cái, nhóm lại tất cả những người họ gặp, bất luận kẻ dữ hay người lành, và trong phòng tiệc đầy cả những người khách dự tiệc. 11 Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, 12 thì vua nói cùng người rằng: “Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ?” Người đó không trả lời được. 13 Vua bèn truyền bảo các đầy tớ rằng: “Hãy trói tay chân của nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 14 Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn lựa.””
Trong ví dụ này ông vua là tượng trưng cho Chúa Trời, mà con của ông vua là tượng trưng cho Chúa Giê-su Christ, Con của Chúa Trời. Trong Tân Ước của Kinh Thánh, Hội Thánh được so như là người vợ của Chúa Giê-su Christ.
Ê-phê-sô 5:31 – 32. 31 Vì lý do này, đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, cả hai sẽ thành một xác thịt. 32 Huyền nhiệm này thật vĩ đại, mà tôi nói về đấng Christ và Hội Thánh.
Trong câu Kinh Thánh này, mối quan hệ giữa Chúa Giê-su Christ và Hội Thánh được mô tả như người chồng và người vợ vậy.
2 Cô-rinh-tô 11:2. 2 Vì anh em, tôi ghen với lòng ghen của Chúa Trời, bởi vì tôi đã hứa gả anh em cho một chồng mà thôi, hầu cho dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho đấng Christ.
Xin các bạn để ý, theo phong tục của người Do Thái, khi một người nữ đã được hứa gả cho một người nam, thì người nữ được coi như là vợ của người nam cho dù hai người còn chưa làm lễ kết hôn, và người nữ phải giữ trung tín với chồng mình. Trong câu Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô giảng dạy cho những người Tín Đồ Cơ Đốc trong hội thánh Cô-rinh-tô rằng hiện bây giờ trong đời này, Hội Thánh được so như cô trinh nữ đã được hứa gả cho đấng Christ, cho nên Hội Thánh phải trung tín với đấng Christ.
Lễ kết hôn của Con của Chúa Trời là trong tương lai ở nước Thiên Đàng, những kẻ được dự bữa tiệc cưới đó tức là những kẻ được nhận vào nước Thiên Đàng. Những người đầy tớ của ông vua là tượng trưng cho những người truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời. Ông vua sai các đầy tớ đi nhắc những người khách đã được mời hãy đến dự tiệc cưới là tượng trưng cho Chúa Trời sai các đầy tớ đi truyền giảng Tin Lành của Ngài để kêu gọi người đời ăn năn hối cải trở về với Ngài.
Những người khách đầu tiên được mời đi dự tiệc là những người Do Thái, họ đã được nghe các tiên tri giảng dạy từ thời cổ xưa, và họ là những người đầu tiên được nghe Chúa Giê-su giảng dạy về Tin Lành, nhưng phần đông người Do Thái chối bỏ Tin Lành. Sau khi họ chối bỏ Tin Lành, thì Tin Lành được rao giảng cho tất cả các dân tộc khác trên thế giới.
Công vụ các sứ đồ 13:45 – 46. 45 Nhưng khi những người Giu-đa thấy đoàn dân đông đảo thì đầy lòng ganh tị và nói nghịch với những điều Phao-lô giảng dạy, họ nói những lời phỉ báng. 46 Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba mạnh dạn tuyên bố: “Cần phải rao truyền lời của Chúa Trời cho các ngươi trước nhất. Vì các ngươi chối bỏ lời của Ngài và tự xét đoán mình không xứng đáng nhận lãnh sự sống đời đời, nên đây nầy chúng tôi quay sang các dân ngoại.”
Trong đoạn Kinh Thánh trên sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba nói rằng họ rao truyền Tin Lành cho người Giu-đa trước tiên, nhưng những người Giu-đa này đã chối bỏ Tin Lành. Khi họ làm như vậy, họ tự xét đoán mình là không xứng đáng nhận lãnh sự sống đời đời, và hai sứ đồ quay sang các dân tộc khác.
Khi các đầy tớ của Chúa Trời rao truyền Tin Lành cho người Do Thái, ấy là Chúa Trời ban cho họ cơ hội vào nước Thiên Đàng, nhưng họ lại quăng cơ hội này đi. Họ không muốn đi dự tiệc cưới, người thì bận việc buôn bán, người thì bận làm ruộng, có những kẻ ác còn chưởi mắng giết hại các đầy tớ của vua; quả thật trong Cựu Ước ghi rằng có bao nhiêu đấng tiên tri đã bị người Do Thái giết hại, khi Con của Chúa Trời đến thì họ giết hại luôn Con của Chúa Trời, khi Chúa Trời sai các đầy tớ đi truyền giảng Tin Lành cho họ thì bị họ chửi mắng làm nhục.
Khi ông vua nghe tin rằng các đầy tớ của vua đã bị chưởi mắng làm nhục, thì vua tức giận lắm, vua sai quân lính đi trừng phạt những kẻ ác đó. Sau đó ông vua ra lệnh cho các đầy tớ đi ra ngoài phố và mời bất cứ kẻ nào họ thấy, bất luận kẻ dữ hay người lành, rốt cuộc thì phòng tiệc đầy cả người khách. Tình hình này cũng được so như là sau khi người Do Thái một mực chối bỏ Tin Lành của Chúa Trời, thì Ngài sai các người đầy tớ đi rao truyền Tin Lành cho muôn dân, bất cứ dân tộc nào, hễ ai ăn năn hối cải tin vào Chúa Giê-su thì tội lỗi của họ được rửa sạch hết, và họ được ban cho ơn cứu chuộc. Bởi vậy ơn cứu chuộc không phải bởi việc làm của loài người, không phải là tại vì chúng ta có làm việc lành gì mà được vào nước Thiên Đàng. Chúng ta được ơn cứu chuộc là nhờ ơn huệ của Chúa Trời.
Xin các bạn để ý, nếu người Do Thái đã bị trừng phạt vì họ cứ một mực từ chối Tin Lành của Chúa Trời và giết hại bắt bớ các đầy tớ của Ngài, thì Chúa Trời cũng sẽ trừng phạt chúng ta nếu chúng ta cứ một mực từ chối Tin Lành và chưởi mắng làm nhục các đầy tớ của Ngài. Nếu ta vui lòng vâng phục Ngài thì ta sẽ được dự bữa tiệc cưới trong tương lai, nhưng nếu ta chối bỏ khinh rẻ ân điển lớn lao của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ bị trừng phạt giống y như những người Do Thái vậy. Lời cảnh cáo này không phải chỉ là cho người Do Thái thôi, mà cũng là cho chúng ta nữa.
Những người từ chối lời mời của ông vua là những người có tài sản ruộng đất, họ có buôn bán; họ lo về buôn bán làm ăn mà không chịu đi dự bữa tiệc. Trong đời sống thực tế có nhiều người được nghe giảng về Tin Lành, nhưng họ ham thích kiếm tiền hơn lời dạy của Chúa Trời. Thông thường những người giàu sang quyền thế không thấy Tin Lành là quý giá, nhiều khi họ còn khinh rẻ Tin Lành và các đầy tớ của Chúa Trời. Trong ví dụ này những kẻ vui lòng nhận lời mời của ông vua là những kẻ tầm thường và thấp hèn ở ngoài đường, những người như vậy thì khiêm nhường, họ thấy sự bất xứng của mình và giá trị vô biên của Tin Lành. Rốt cuộc những kẻ tầm thường, thấp hèn lại được chọn lựa, mà những kẻ giàu sang quyền thế lại bị hư mất.
Bởi vậy trong câu Kinh Thánh 1 Cô-rinh-tô 1:26 – 28 sứ đồ Phao-lô nói rằng trong số những anh chị em Tín-Đồ chẳng có bao nhiêu người là sang trọng, quyền thế, khôn ngoan, và Chúa Trời đã chọn lựa sự dại và những kẻ thấp hèn, những kẻ bị khinh bỉ bởi thế gian. Những kẻ thấp hèn được chọn lựa vì họ đáp ứng lại lời mời của Chúa Trời, họ nhận lấy ân điển của Ngài bằng lòng tri ơn; còn những người khôn ngoan quyền thế bị hư mất vì họ khinh thường chối bỏ lời mời của Chúa Trời.
Chiếc Áo Lễ Chính Là Sự Công Nghĩa
Nhưng trước khi bữa tiệc bắt đầu, ông vua ra xem xét những người khách, thì vua thấy có một người khách không có mặc áo lễ, vua hỏi người đó tại sao nó lại không có áo lễ, người ấy không trả lời được. Ông vua ra lệnh quăng người này ra ngoài nơi tối tăm, ở đó nó sẽ khóc lóc, nghiến răng và đau buồn. Xin các bạn để ý, bị quăng ra ngoài nơi tối tăm là một chuyện rất nghiêm trọng. Bởi vì Chúa Giê-su là sự sáng của thế gian, những người đi theo Chúa thì không có đi trong nơi tối tăm nữa.
Giăng 8:12. 12 Chúa Giê-su lại nói cùng chúng rằng: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta sẽ không đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”
Những kẻ bị quăng ra ngoài nơi tối tăm thì không được ở cùng với Chúa, có nghĩa là những người này sẽ bị mất đi ơn cứu chuộc. Và câu kết luận của Chúa Giê-su là: “Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn lựa.”
Các bạn sẽ hỏi rằng: “Tại sao người nào mà không có chiếc áo lễ thì bị quăng ra ngoài mất đi ơn cứu chuộc?” Tại sao một chiếc áo lễ lại quan trọng như vậy? Muốn hiểu rõ điểm này, thì ta phải tìm hiểu phong tục tập quán của người Do Thái.
Theo phong tục tập quán của người Do Thái, khi một người chủ nhà mời người khách đi dự bữa tiệc, thì người chủ sẽ tặng cho mỗi một người khách một chiếc áo lễ thiệt đẹp. Bởi vì người chủ sợ rằng nếu có người khách nào mặc chiếc áo cũ hay áo dơ vào thì sẽ làm xấu bữa tiệc của mình. Chiếc áo lễ là một món quà tặng của người chủ cho mỗi một người khách, người nào được mời đều nhận được một chiếc áo lễ như vậy. Các bạn có biết chiếc áo lễ trong ví dụ này là tượng trưng cho cái gì không?
Khải Huyền 19:7 – 8. 7 Chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ và tôn vinh Ngài; vì lễ cưới của Chiên Con đã tới, và cô dâu của Chiên Con đã chuẩn bị sẵn sàng, 8 nàng đã được ban cho áo sáng láng tinh sạch bằng vải lanh để mặc vào (vải lanh tức là công việc công nghĩa của các thánh đồ).
Theo câu Kinh Thánh này thì chiếc áo sáng láng tinh sạch đó tượng trưng cho công việc công nghĩa của các thánh đồ. Người nào không có chiếc áo lễ tức là người ấy không có sự công nghĩa, người ấy không phải là một người công nghĩa. Và lẽ dĩ nhiên người không công nghĩa là không được nhận vào nước Thiên Đàng.
Chiếc áo lễ này là một món quà tặng của ông vua, cũng như sự công nghĩa là do Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta vốn là người có tội, chúng ta vốn không phải là người công nghĩa. Nhưng khi ta tin vào Chúa Giê-su, ta ăn năn hối cải tội lỗi của mình và chịu phép báp-tem, thì huyết báu của Chúa sẽ rửa sạch hết thảy tội lỗi của ta, ta được tha tội, và ta trở nên con người mới công nghĩa. Cho nên sự công nghĩa là nhờ ân điển của Chúa Trời, cũng như chiếc áo lễ là món quà tặng của ông vua vậy.
Nhưng tại sao người khách này lại không có chiếc áo lễ, người khách nào cũng được tặng cho một chiếc áo lễ, tại sao người này không có? Không chừng người này đã làm cho chiếc áo dơ quá, không mặc được nữa ! Quí vị nhớ rằng chiếc áo này là sáng láng tinh sạch, muốn giữ cho một chiếc áo được sáng láng tinh sạch thì phải giặt rửa thường xuyên. Nếu người nào để vết dơ dính trên chiếc áo mà không giặt rửa ngay lập tức, thì vết dơ đó không rửa sạch được nữa; và không chừng có người còn không bao giờ giặt rửa chiếc áo đó; rồi chiếc áo lễ trở nên càng ngày càng dơ, khi đến ngày bữa tiệc thì chiếc áo lễ đã dơ đến nỗi không mặc được nữa; không chừng người đó đang mặc chiếc áo lễ, nhưng đã dơ đến nỗi không ai nhận ra được chiếc áo đó từng là chiếc áo lễ tinh sạch sáng láng. Rốt cuộc người này bị quăng ra ngoài nơi tối tăm.
Dơ bẩn, ô uế trên chiếc áo lễ tức là tội lỗi. Sau khi ta trở thành Tín-Đồ Cơ Đốc rồi, ta có sự công nghĩa, nhưng ta phải ráng giữ gìn sự công nghĩa đó cũng như những người khách phải ráng giữ gìn chiếc áo lễ cho sạch. Ta không được tiếp tục sống trong tội lỗi nữa, ta đã chết về tội lỗi rồi. Chúa Trời ban cho ta Thánh Linh để giúp đỡ ta sống một cuộc đời công nghĩa. Nếu ta không cẩn thận lại phạm tội nữa, ta phải đến trước mặt Chúa Trời mà ăn năn hối cải ngay lập tức, thì huyết của Chúa Giê-su lại rửa sạch tội lỗi của ta.
Khải Huyền 7:13 – 14. 13 Rồi một trưởng lão nói với tôi rằng: “Những kẻ mặc áo dài trắng đó là ai và từ đâu đến?” 14 Tôi nói rằng: “Lạy chúa, chúa biết điều đó.” Người lại nói cùng tôi rằng: “Đó là những kẻ ra khỏi cuộc đại nạn, đã giặt và phiếu bạch áo mình trong huyết của Chiên Con.”
Câu Kinh Thánh này nói rằng những kẻ mặc áo dài trắng đó đã giặt và phiếu bạch áo mình trong huyết của Chiên Con. Chiên Con tức là Chúa Giê-su Christ, và chiếc áo trắng là tượng trưng cho sự công nghĩa. Bởi vậy mỗi khi vô tình không cẩn thận ta lại phạm tội, ta phải ăn năn hối cải liền, thì huyết báu của Chúa Giê-su lại một lần nữa rửa sạch tội lỗi của ta, khiến ta có thể gìn giữ sự công nghĩa của mình.
1 Giăng 1:8 – 9. 8 Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. 9 Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình, thì Ngài là thành tín công nghĩa sẽ tha tội cho chúng ta, và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều gian ác.
Người nào cũng có phạm tội, chẳng ai là hoàn toàn trọn vẹn; ai nói rằng mình không có tội thì người đó không chịu chấp nhận mình là tội nhân, người đó tự lừa dối mình. Nhưng khi ta phạm tội, ta nên xưng tội trước mặt Chúa Trời, thì huyết của Con của Ngài sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều gian ác.
Bây giờ ta tóm tắt lại tất cả những điểm trên. Chúa Trời kêu gọi người đời hãy tin vào Chúa Giê-su, người nào đáp ứng lại kêu gọi đó, bất cứ người khôn hay người dại, người dữ hay kẻ lành, bất cứ dân tộc nào, miễn là ta tin vào Chúa Giê-su, ăn năn hối cải và chịu phép báp-tem, thì tất cả tội lỗi của ta đều được rửa sạch tha thứ, ta được ban cho sự công nghĩa tương tự như ta được mời đi dự bữa tiệc cưới ở nước Thiên Đàng và được tặng cho một chiếc áo lễ sáng láng tinh sạch vậy; chiếc áo lễ đó là tượng trưng cho sự công nghĩa của ta. Nhưng ta phải ráng giữ gìn sự công nghĩa này, nếu không cẩn thận ta lại phạm tội, ta nên ăn năn hối cải liền, thì huyết của Chúa Giê-su sẽ khiến ta trong sạch lại tương tự như ta phải ráng giữ gìn chiếc áo lễ được sáng láng tinh sạch. Trong tương lai ta cần phải có chiếc áo lễ này, tức là sự công nghĩa, rồi ta mới được chọn lựa vào nước Thiên Đàng. Câu kết luận của ví dụ này là: “Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn lựa”. Những kẻ được chọn lựa là những kẻ đã gìn giữ sự công nghĩa của mình bằng huyết báu của Chúa Giê-su.
Kết Luận
Bởi vậy ta thấy rằng không phải là hễ ai đã chịu phép báp-tem thì tự nhiên được chọn lựa vào nước Thiên Đàng. Trong tương lai vào Ngày Phán Xét có nhiều người Tín-Đồ Cơ Đốc sẽ rất kinh ngạc thấy rằng mình không được chọn lựa. Chúa Trời chọn lựa người ta vào nước Thiên Đàng căn cứ vào sự công nghĩa của người ấy. Ngài không có nhìn vào bằng cấp, địa vị của ta, và cũng không phải xem xét coi ta có chịu phép báp-tem và đi nhà thờ thường xuyên hay không. Chúa Trời muốn biết ta có chiếc áo lễ sáng láng trong sạch hay không, tức là ta có phải là người công nghĩa hay không.
Hôm nay chúng ta đã tra khảo phần thứ nhất của danh hiêu “Kẻ được chọn lựa”. Kỳ sau chúng ta sẽ học tiếp phần thứ hai của danh hiệu này.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church