You are here

Qua Ngưỡng Cửa Vinh Hiển (3)

Qua Ngưỡng Cửa Vinh Hiển (3)

Tiếp Tục Công Việc Rao Truyền Tin Lành Cho Người Auca


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Cầu Nguyện Cho Người Auca

Thư từ ở khắp nơi gửi về cho 5 vị quả phụ. Một bức thư từ một trường trung học bên Nhật Bổn nói rằng: “Chúng tôi đang cầu nguyện cho các vị”; có bức thư từ một nhóm các em trường Chúa Nhật người Eskimo ở Alaska; từ một Hội Thánh người Hoa ở Houston; từ một người truyền giáo ở vùng sông Nile của nước Ai-cập. Trên khắp thế giới người ta bắt đầu cầu nguyện cho người Auca. Chỉ trong tương lại ở cõi đời đời vô tận, chúng ta mới đếm được tất cả những lời cầu nguyện đã dâng lên cho những người quả phụ và con cái của họ, và cho công việc rao truyền Tin Lành mà 5 vị giáo sĩ đã bắt đầu.

Tiếp Tục Công Việc Của Các Vị Giáo Sĩ Tử Nạn

Nhiều kế hoạch được soạn ra tức thì để tiếp tục công việc của các thầy. Trạm ở Arajuno đã được chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp dân Auca tìm đến để liên lạc giao hảo. Những chuyến bay chở quà tặng cho người Auca được Johnny Keenan tiếp tục, hầu cho người Auca biết chắc rằng những người da trắng này chỉ có ý định thân thiện thôi. “Trả thù ư?” ý tưởng này chưa hề xảy đến trong tâm trí của các người vợ trẻ mất chồng hay các người giáo sĩ khác.

Bà Barbara vợ của thầy Roger dắt theo hai đứa con nhỏ trở về tiếp tục công việc giữa người Jivaros. Còn Betty vợ thầy Jim thì trở về Shandia với đứa con gái Valerie lúc ấy mới được mười tháng để tiếp tục công việc ở trạm Quichuas. Marjorie vợ thầy Nate đảm nhận một công việc mới ở Quito. Chỉ vài tuần lễ sau cái chết của chồng, bà Marilou vợ của thầy Ed về Mỹ sinh đứa con thứ ba. Sau đó, cùng các con, bà Marilou trở lại Ecuador làm việc chung với Marjorie vợ thầy Nate ở Quito. Về phần bà Olive, khi chồng của bà là Pete tử nạn, bà vừa mới đến và sống ở trong khu rừng được hai tháng. Về tương lai của bà Olive thì vấn đề khó khăn hơn. Tuy vậy, một điều bà biết chắc là, cũng như chồng mình, cuộc sống của bà thuộc về Chúa Trời và Ngài sẽ hướng dẫn đường lối cho bà.

Bà Betty Cũng Cầu Nguyện

Bà Betty cầu nguyện xin Chúa Trời mở đường, nhưng bà không biết phải đề nghị điều gì. Bà cũng xin Chúa Trời hãy sai một người đầy tớ của Ngài đến với người Auca để kể cho họ biết rằng 5 vị giáo sĩ chỉ muốn đến để giúp họ nhận biết Đức Chúa Trời, Ngài đã sáng tạo ra họ, và Ngài cũng thật sự quan tâm họ, Ngài là Đấng xứng đáng được họ tin tưởng vào. Lúc ấy bà cũng nói, nếu Chúa Trời muốn, bà sẵn sàng đi làm công việc này. Nhưng điều này xem có vẻ phi lý, nếu 5 vị giáo sĩ đã bị giết, thì thử hỏi ai lại có thể thành công. Tuy vậy bà Betty biết rằng Đức Chúa Trời có thể làm điều này nếu Ngài muốn, và đây mới chính là lý do để cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là một điều vô ích.

Dayuma, Mintaka và Mankamu

Tháng 11 năm 1957, lúc Betty đang ở trạm Arajuno của thầy McCully lúc trước, hai thổ dân Quichuas đến từ sông Curaray báo tin cho bà biết rằng có hai người đàn bà Auca vừa rời bỏ bộ lạc mà đi thẳng vào làng của người Quichuas và hiện đang ở tại nhà họ. Betty ngay lập tức cùng đi để gặp họ. Hai người đàn bà Auca đó tên là Mankamu và Mintaka. Ít lâu sau, hai cô này cùng Betty trở về Shandia. Cô Rachel Saint, chị của thầy Nate, cũng chia sẻ với Betty những tài liệu quý giá về ngôn ngữ Auca. Cô Rachel đã học tiếng Auca từ một người phụ nữ người Auca tên là Dayuma. Cô Auca này đã ở chung với Rachel được nhiều năm rồi. Betty mới dùng những tài liệu này làm nền tảng và bắt đầu học tiếng Auca với hai người phụ nữ Mintaka và Mankamu.

Betty không ngừng cầu nguyện xin Chúa Trời dẫn dắt họ đi vào bộ lạc Auca. Một ngày kia, khi Dayuma, Mintaka và Mankuma gặp nhau, họ quyết định sẽ về thăm nhà. Có người nói với Dayuma rằng: “Mẹ của cô vẫn còn sống, bà ấy muốn cô trở về nhà.” Thế rồi họ trở về bộ lạc Auca. Cô Rachel và bà Betty chờ đợi họ.

Lời Cầu Nguyện Được Nhận

Trong thời gian thăm nhà, các cô Auca này nói về những người xa lạ tốt lành rất đáng kính mến. Các cô này đã thuyết phục được người Auca rằng có những người ở ngoài bộ lạc rất tốt, ấy là những người muốn đến sống với người Auca để kể cho họ biết về Giê-su, ngài là một người tốt. Họ cần phải nghe những câu chuyện của Giê-su và học cách nói chuyện với Đức Chúa Trời, học cầu nguyện. Sau cùng họ nói rằng: “Vâng, hãy để những người ngoài đến, chúng tôi không cần phải giết nữa đâu.” Khi Dayuma, Mintaka và Mankamu trở lại Arajuno, họ dẫn theo bảy người Auca. Họ mời Rachel, Betty và Valerie, đứa con gái nhỏ của Betty cùng đến sống tại bộ lạc Auca.

Bà Betty và Cô Rachel đã cầu nguyện xin điều này, nhiều người khác cũng cầu nguyện xin điều đó nữa. Betty nghĩ tới những lời của tiên tri Êsai 50:7: “Vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ giúp tôi, nên tôi chẳng bị bối rối, bởi vậy tôi làm mặt tôi cứng như đá, vì biết mình sẽ chẳng bị hổ thẹn.” Họ biết đây là việc làm của Đức Chúa Trời, nên họ đi.

Tháng 10 năm 1958, hai năm rưởi sau khi các vị giáo sĩ bị giết, Betty cùng với em bé Valerie và Cô Rachel bắt đầu đi vào xứ Auca qua phương tiện và sự giúp đỡ của người Quichuas. Chuyện gì sẽ xảy ra? Người Auca tiếp đón cô Rachel, Valerie và bà Betty như thế nào? Họ sống như thế nào tại làng Auca? Liệu họ có thể thích ứng với đời sống mới của nền văn minh thời kỳ đồ đá hay không? Tin Lành được rao truyền như thế nào?

Giáp Mặt Với Người Auca

Ở đó bà Betty, Valerie và cô Rachel giáp mặt với người Auca. Người đầu tiên họ gặp là “Delilah”, cô em gái nhỏ nhất của Dayuma, chính cô là người bày tỏ sự thân thiện với 5 vị giáo sĩ trên Bãi Dừa, ba ngày trước khi 5 vị ấy tử nạn. Betty phải nhắc nhở cho mình rằng đây là những người đã giết các vị giáo sĩ. Họ mang tiếng là một sắc tộc dã man nhất trên thế giới. Dầu họ rất dã man, họ cũng là con người, cũng cười, cũng giỡn và tắm rửa. Họ không tỏ vẻ thù nghịch gì đối với bà.

Thế thì tại sao họ lại giết 5 vị giáo sĩ? Có một anh người Auca chính là một trong những người tham dự vào cuộc thảm sát. Betty được biết họ cũng có quan niệm chính xác về những điều phải hay trái, cho dù quan niệm của họ hơi khác với người ngoài. Họ tin rằng giết người là sai lầm ngoại trừ trong trường hợp đặc biệt. Một người trong họ nói rằng, họ lầm tưởng rằng 5 vị giáo sĩ là những kẻ ăn thịt người. Có những người ở ngoài bộ lạc Auca đã giết người để ăn thịt. Lẽ dĩ nhiên nếu những kẻ ăn thịt người tìm đến người Auca, thì tiêu diệt họ là điều phải lẽ và hợp lý. Thật ra, chính sự sợ hãi đã thúc đẩy họ đến việc giết hại 5 vị giáo sĩ, mà bây giờ họ nhận thức điều đó là sai lầm.

Sống Với Người Auca

Như vậy Betty, em bé Valerie và cô Rachel bắt đầu cuộc sống với người Auca. Họ nghĩ rằng phương cách hay nhất là ráng sống như người Auca, ăn cùng một loại thức ăn như người Auca, làm những việc làm của người Auca. Người Auca đối xử tử tế với Rachel, Valerie và Betty. Họ cho Rachel một chỗ ngủ trong căn chòi. Họ giao cả cái nhà cho Betty và Valerie. Nhà của họ chỉ có một cái nóc, không có tường, không có sàn, không có cửa và cũng không kín đáo. Khi mái nhà bắt đầu bị dột, họ hợp lá lại cho Betty và Valerie.

Nói chuyện là một khó khăn thường xuyên. Betty cũng không thể đặt hơn một hay hai câu ngắn. Rachel và Betty ráng phân tích và tập nói. Thử ghi lại một thứ tiếng xa lạ với cách phát âm riêng biệt không có văn viết là điều khó khăn vô cùng. Còn Valerie thì không có khó khăn gì cả. Với khả năng bắt chước và trí nhớ của đứa bé ba tuổi, em có thể trao đổi với người Auca. Em Valerie cho các em bé người Auca coi những sách hình và dạy chúng cách cầm viết và vẽ. Đây là cách học ngôn ngữ hay nhất.

Khoai mì là thức ăn chính của thổ dân. Họ dùng khoai mì mỗi buổi ăn. Ngoài những thức ăn do phi cơ tiếp tế thả xuống, Betty, Valerie và Rachel cũng tập ăn khoai mì cùng những món ăn khác mà thổ dân cho họ.

Ngày trọng đại của mỗi tuần là lúc phi cơ đến thả đồ tiếp tế. Lúc đó còn chưa có phi đạo, nhưng viên phi công thành thạo trong việc nhắm vào khoảng đất trống không cây cối. Ông cho phi cơ bay ở cao độ rất thấp rồi thả đồ xuống, thường thường những món này rơi ngay vào trung tâm điểm.

Vào sinh nhật của bé Valerie, cháu còn nhận được bánh sinh nhật được thả xuống bằng dù. Bánh ấy đến trọn với đủ bộ đèn cầy, và cũng có vài con kiến nữa. Hiển nhiên, điều này không làm Valerie hay các em khác thấy khó chịu khi chia bánh với nhau. Ngoài ra, cháu cũng nhận được bong bóng, Betty và Rachel đã dùng bong bóng đó trong dịp tổ chức sinh nhật cho các trẻ em Auca.

Tại đây một vài tháng sau khi Betty, Rachel và em bé Valerie đến, tất cả các thổ dân Auca đều có áo quần để mặc. Cô Dayuma đã học may và đã bỏ rất nhiều thì giờ để may quần, áo sơ mi, và y phục cho phụ nữ. Vài người trong thổ dân mặc y phục thường xuyên, nhưng có những người khác thì không muốn bắt chước cách ăn mặc của người ngoại quốc.

Betty đã giới thiệu rất nhiều đồ vật mới cho thổ dân Auca. Chẳng bao lâu, họ biết cây kéo là dùng để làm gì, và họ muốn được cắt tóc. Lúc trước họ thường dùng một loại vỏ xò bén lượm từ con sông. Nhưng bây giờ thì Betty dùng phương pháp mới để cắt tóc cho họ. “Kakady” là tên Auca của Betty, và bà sẵn sàng làm cô thợ hớt tóc cho họ.

Nói Về Đức Chúa Trời Cho Người Auca

Cô Dayuma giải thích cho thổ dân Auca rằng một ngày trong tuần lễ là ngày Chúa, và vào ngày Chúa cô sẽ nói về Đức Chúa Trời cho họ nghe. Mọi người được mời ngồi xuống và yên lặng. Cô kể cho họ nghe những câu chuyện rất đơn giản từ thời Cựu Ước và những chuyện Chúa Giê-su đã làm, cô dùng những ví dụ hay tranh ảnh, kèm theo những cách áp dụng trong đời sống của thổ dân Auca. Cô Dayuma kể rằng Chúa Giê-su dạy chúng ta chớ giết người. Ngay lập tức, một người đàn ông thổ dân ngưng làm lao. Có những lần họ cần cây lao để giết heo rừng, và sau khi họ giải thích rất rõ ràng cây lao mà họ đang làm là dùng để làm gì, họ mới làm những cây lao mới.

Tháng 11 năm 1958

Tháng 11 năm 1958, kể từ buổi chiều Chúa Nhật mà 5 vị giáo sĩ tử nạn đến nay đã gần 3 năm trôi qua. Hôm nay Betty ngồi trong một căn chòi nhỏ lợp lá bên dòng sông Tiwanu, chỉ cách Bãi Dừa một vài dặm về phía tây nam. Cách chỗ Betty ngồi khoảng vài thước, trong một ngôi nhà lá có hai người, họ là 2 trong 7 người đã giết 5 vị giáo sĩ. Gikita, một trong hai người ấy, vừa mới giúp nướng chuối sống cho Valerie, cô bé bấy giờ đã được ba tuổi rưởi.

Những truyện kỳ lạ như thế làm sao có thể xảy ra? Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đã làm cho một khối sắt nổi lên, làm cho mặt trời đứng lại, và nắm trong tay hơi thở của tất cả mọi sự sống, chỉ có Đức Chúa Trời như thế, Đấng đời đời vô cùng mới có thể làm một việc lạ lùng như vậy.

Tin Lành Là Quyền Năng Của Chúa

Về sau, người ta thường hỏi rằng: “Chuyện gì đã xảy đến cho bộ lạc Auca? Có bao nhiêu người tin vào Chúa? Có người rao truyền Tin Lành cho những bộ lạc khác hay không?”

Cũng có nhiều người hỏi rằng: “Tại sao những người đã tin cậy vào Chúa Trời để bảo vệ và thuẫn che họ lại bị lao đâm chết như thế?” Câu hỏi này không thể trả lời một cách dứt khoát. Chúng ta cũng không sao tìm được câu trả lời vừa ý mà chỉ có giao phó cho Chúa Trời.

Đối với người đời, câu chuyện kể trên là một sự mất mát đáng tiếc của 5 mạng sống trẻ tuổi. Nhưng Chúa Trời có chương trình và mục đích trong mọi sự. Cuộc đời của rất nhiều người đã thay đổi hẳn vì sự hy sinh của 5 vị giáo sĩ này. Ở Brazil, có một nhóm thổ dân tại một trạm truyền giáo nọ, khi nghe tin họ đã quì xuống và kêu cầu Chúa Trời tha thứ những đồng bào Auca này. Một vị thiếu tá không quân Mỹ đang đóng ở bên Anh lập tức bắt đầu dự tính gia nhập vào “Hiệp Hội Giáo Sĩ Phi Hành.” Một người truyền giáo ở Phi Châu viết: “Công việc của chúng tôi sẽ không bao giờ như xưa nữa. Chúng tôi quen biết 2 trong 5 vị giáo sĩ tử nạn. Cuộc đời của họ đã để lại một dấu ghi trong lòng chúng tôi.” Ở tiểu bang Iowa, một cậu thanh niên 18 tuổi cầu nguyện trong phòng suốt tuần, sau đó anh này báo tin cho cha mẹ mình rằng anh đã giao phó trọn vẹn cuộc đời cho Chúa Trời. Anh muốn thử thay thế và tiếp tục công việc của 1 trong 5 vị giáo sĩ tử nạn.

Vài năm sau, Betty trở về nước Mỹ, nhưng cô Rachel ở lại tiếp tục làm việc giữa người Auca trong mấy chục năm. Cô tiếp tục rao truyền tình thương của Chúa Giê-su cho dân Auca, nhưng cô không muốn tra hỏi hoài tại sao người Auca lại giết 5 vị giáo sĩ đó, cô thấy rằng câu trả lời không cần thiết và không quan trọng, cô cứ giao phó mọi việc trong tay của Chúa. Rất nhiều người Auca trở thành Tín Đồ của Chúa, và họ đổi tên của bộ lạc họ là “Waorani”, họ không muốn được gọi là người Auca nữa. Vì “Auca” trong tiếng Quichua mang ý nghĩa là tàn phá.

Cô Rachel và một cô truyền đạo khác tên là Catherine Peeke đã ráng học tiếng Waorani, và còn tạo ra chữ viết cho họ, vì dân Waorani không có chữ viết. Rachel và Catherine đã phiên dịch những bộ phận trong Kinh Thánh thành ra ngôn ngữ Waorani.

Cảnh Tượng Bọn Thiên Sứ Ca Hát Trên Không Trung

Ba mười ba năm sau (tức là năm 1989), một người phụ nữ Waorani tên là Dawa và một người đàn ông tên là Kimo nói ra một câu chuyện rất kỳ diệu. Lúc đó cả hai đều đã trở thành Tín Đồ Cơ Đốc. Họ là những người có mặt trong cuộc thảm sát 5 vị giáo sĩ. Năm vị giáo sĩ tuy có súng trong tay, nhưng họ không dùng súng để giết hại người Auca khi họ bị người Auca cung kích. Sau khi 5 vị giáo sĩ đã bị giết rồi, xác của họ còn nằm rải rác trên bãi biển, các thổ dân Auca bổng nghe ở trên đầu có tiếng ca rất lớn. Họ ngửng đầu lên nhìn qua những ngọn cây thì thấy có một nhóm người rất đông ở không trung đang lớn tiếng ca hát, tiếng ca của họ hình như “một trăm cây đèn hiệu.” Lúc đó các thổ dân không hiểu đấy là các thiên sứ đang ca hát rước chào các vị giáo sĩ trở về Thiên Đàng. Các thổ dân rất sợ hãi khi nhìn thấy có nhiều người xuất hiện trên bầu trời, họ nghĩ rằng có phải tại vì việc thảm sát đó đã gây ra chuyện kỳ lạ như vậy. Nhưng cảnh tượng này đã in sâu vào trong lòng của Dawa và Kimo, và cũng là cảnh tượng này đã thúc đẩy họ tin vào Chúa Giê-su. Và 5 năm sau cuộc thảm sát này thì Dawa là kẻ đầu tiên trở thành Tín Đồ của Chúa Giê-su trong bộ lạc của họ. Mãi cho đến khi Dawa và Kimo trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, thì họ mới hiểu cảnh tượng họ thấy hôm đó là các thiên sứ ca hát đón chào 5 vị giáo sĩ trở về nhà trên Thiên Đàng.

Pete, Ed, Roger, Nate và Jim đã hiến dâng cuộc đời của họ để rao truyền Tin Lành cho dân Waoranis. Khi họ bị giết thì hình như việc làm của họ đã thất bại. Nhưng 33 năm sau, một bộ lạc tàn bạo thì sống hòa hảo với những người dân khác ở lân cận và truyền giảng Tin Lành của Chúa. Theo lời của Dawa và Kimo thì cả công trình này đều bắt đầu từ cảnh tưởng bọn thiên sứ ca hát như một trăm cây đèn hiệu.

Bộ Tân Ước Viết Bằng Ngôn Ngữ Waorani

36 năm sau cuộc thảm sát (tức là năm 1992), thì dân Waorani có bộ Tân Ước đầu tiên viết bằng ngôn ngữ của họ. Trong buổi lễ tạ ơn chúc mừng bộ Tân Ước bằng ngôn ngữ Waorani, người lãnh đạo của dân Waorani nói rằng: “Bây giờ chúng ta không còn sống như trước kia nữa. Trước kia chúng ta chém giết lẫn nhau và cũng giết hại người ngoài nữa, bây giờ chúng ta muốn sống theo lời Chúa Giê-su giảng dạy. Từ hồi tôi còn là một cậu bé nhỏ trong bộ lạc, tôi đã nghe nói rằng chúng ta sẽ được quyển sách này, thì bây giờ ước vọng trong bao nhiêu năm đã thực hiện, chúng ta có quyển Tân Ước này trong tay rồi!”

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church