Bài Giảng Luận Lễ Giáng Sinh (4)
Bình Yên Trên Đất Cho Những Người Chúa Trời Vừa Lòng
Lu-ca 2:14
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Trên Trái Đất Này Ở Đâu Mới Có Bình Yên?
Hiện bây giờ chiến tranh bùng nổ tại nhiều nơi trên thế giới: Chiến tranh giữa ISIS và các nước Hồi Giáo tại miền Trung Đông, chiến tranh giữa Ukraine và nước Nga, nhóm Boko Haram ở Nigeria bắt cóc các nữ sinh và những cuộc tấn công vào người Thiên Chúa Giáo, cuộc biểu tình bạo lực ở nước Burkina Faso ở châu Phi v.v. Ngoài ra còn có dịch Ebola lây lan ở các nước Tây Phi, theo báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì số người nhiễm dịch Ebola đã vượt qua 10.000 người, với 4.922 người đã chết đi.
Khi nhìn vào tình hình trên thế giới này, chúng ta tự nhủ rằng: “Ở đâu mới có bình yên?”
Lễ Giáng Sinh Là Một Ngày Lễ Bình Yên
Trong mùa Giáng Sinh, thiếp mừng Giáng Sinh được trưng bày khắp nơi. Những thiếp này thường nói đến “bình yên”, thí dụ như “bình yên cho mọi người”, “bình yên trên trái đất”, “một mùa Giáng Sinh bình yên” v.v.
Lễ Giáng Sinh là ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su, nhưng tại sao cứ nhắc đến “bình yên”? Có phải là sự ra đời của Chúa Giê-su là liên quan đến bình yên chăng?
Lu-ca 2:14 14 “Vinh danh Chúa Trời trên tầng trời cao nhất, bình yên trên đất cho những người Ngài vừa lòng.”
Này là câu chuyện của sự ra đời của Chúa Giê-su. Thời đó, hoàng đế La-mã Au-gút-tơ ra lệnh kiểm tra dân số trên khắp Đế Quốc La-mã. Mọi người đều phải trở về quê hương của mình để đăng ký. Lúc đó Ma-ri đã được hứa gả cho Giô-sép, và người đã có thai (Xin đọc bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Cứu Vớt Dân Mình Ra Khỏi Tội Lỗi” để hiểu rõ sự kiện cô trinh nữ Ma-ri chịu thai bởi Thánh Linh của Chúa Trời). Vì Giô-sép thuộc dòng dõi của vua Đa-vít, cho nên người dắt Ma-ri trở về thành của Đa-vít, tức là Bết-lê-hem để đăng ký cho mình và Ma-ri.
Khi Giô-sép và Ma-ri ở thành Bết-lê-hem, thì ngày sinh đẻ của Ma-ri đã đến. Vì nhà quán không có đủ chỗ ở, người sinh một con trai trong chuồng chiên của nhà quán. Người lấy khăn bọc con mình lại và đặt nằm trong máng cỏ.
Lúc đó ở ngoài đồng, có mấy người chăn chiên thức đêm canh giữ bày chiên. Có một thiên sứ của Chúa Trời xuất hiện, và vinh diệu của Ngài chói lòa xung quanh. Mấy người chăn chiên này rất sợ hãi, thiên sứ bèn nói rằng: “Đừng sợ! Này tôi báo cho các ngươi một tin mừng lớn, ấy cũng là một tin mừng cho tất cả mọi người. Hôm nay, tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra, người là Christ, là Chúa. Này là dấu hiệu cho các ngươi để nhận ra Chúa: các ngươi sẽ thấy một con trẻ bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ.” Bỗng nhiên có muôn vàn thiên binh xuất hiện cùng với thiên sứ đó cất tiếng ca ngợi Chúa Trời: “Vinh danh Chúa Trời trên tầng trời cao nhất, bình yên trên đất cho những người Ngài vừa lòng.”
Trong câu chuyện này, khi Giê-su Christ ra đời, thiên sứ tuyên bố rằng Chúa Trời Đức Gia-vê trên tầng trời cao nhất được vinh diệu, và trên mặt đất những người Chúa Trời vừa lòng được bình yên.
Ê-sai 9:6 – 7 6 Vì một con trẻ sẽ sinh ra cho chúng ta, một con trai sẽ được ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ ở trên vai của người. Người sẽ được xưng là Đấng kỳ diệu, là Chúa Trời toàn năng, là Cha đời đời, là Chúa bình yên. 7 Quyền cai trị và sự bình yên của người cứ gia tăng không thôi ở trên ngôi Ða-vít và trên nước người, để dựng lên và gìn giữ nước trong sự công bằng và chính nghĩa, từ nay cho đến đời đời. Lòng sốt sắng của Gia-vê vạn quân sẽ làm nên sự ấy!
Sáu trăm mấy năm trước khi Chúa Giê-su ra đời thì tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng trong tương lai Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ ban một con trẻ cho chúng ta, Ngài sẽ ban quyền cai tri trên con trai này. Chúa Trời sẽ ngự trong con trai này, cho nên con này sẽ được xưng là Đấng kỳ diệu, Chúa Trời toàn năng, Cha đời đời, Chúa bình yên (Xin đọc bài giảng “Em-ma-nu-ên – Chúa Trời Ở Cùng Chúa Ta” để hiểu rõ hơn).
Khi Chúa Giê-su ra đời thì lời tiên tri này được ứng nghiệm hoàn toàn. Chúa Giê-su Christ là Chúa bình yên. Vương quốc của Chúa được dựng nên và gìn giữ trong sự công bằng và chính nghĩa cho đến đời đời. Sự bình yên sẽ đến với những người sống trong nước của Chúa Giê-su.
Bởi vậy Lễ Giáng Sinh, ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su là một ngày lễ bình yên. Nhưng không phải bất cứ người nào cũng được bình yên, chỉ có những người Chúa Trời vừa lòng mới được bình yên. Nếu bạn muốn được bình yên thì bạn phải trở nên người Chúa Trời vừa lòng.
Ai Được Chúa Trời Vừa Lòng?
Mà hạng người nào mới được Chúa Trời vừa lòng?
Ma-thi-ơ 11:25 – 26 25 Lúc đó, Chúa Giê-su nói rằng: “Lạy Cha là Chúa của trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những điều này với những người khôn ngoan, kẻ thông thái, nhưng bày tỏ cho những con trẻ. 26 Vâng, thưa Cha, vì Cha thấy điều này là vừa lòng.”
Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su nói rằng Đức Cha đã giấu những điều này với những người khôn ngoan, kẻ thông thái, nhưng lại bày tỏ cho những con trẻ, chỉ vì Ngài vừa lòng về điều này.
Bởi vậy con trẻ là những người Chúa Trời vừa lòng. Nhưng chúng ta đều là người trưởng thành, vậy thì chúng ta không thể được Chúa Trời vừa lòng chăng? Và chúng ta sẽ không bao giờ được bình yên chăng?
Có những sách dẫn giải Kinh Thánh nói rằng Chúa Trời vừa lòng về tính tình thuần khiết, hồn nhiên của con trẻ, nếu chúng ta muốn được Chúa Trời vừa lòng thì chúng ta phải có những tính tình này. Các bạn nghĩa sao về vấn đề này?
Thật ra Kinh Thánh không bao giờ nói rằng con trẻ có những đức tính thuần khiết, hồn nhiên v.v.
1 Cô-rinh-tô 3:1 1 Hỡi anh em, tôi không thể nói với anh em như nói với những người thuộc linh, nhưng như nói với những người xác thịt, như nói với những con trẻ trong đấng Christ vậy.
Trong đoạn Kinh Thánh trên, sứ đồ Phao-lô khiển trách những Tín Đồ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Người không thể nói với họ như nói với những người thuộc linh, nhưng như nói với những người xác thịt, như những con trẻ trong đấng Christ. Vậy con trẻ trong đấng Christ là tương đương với những người xác thịt, trái ngược với những người thuộc linh.
Mà những người xác thịt tức là những người vẫn bị dục vọng của xác thịt điều khiển, còn những người thuộc linh là những người hướng dẫn bởi Thánh Linh của Chúa Trời. Bởi vậy con trẻ trong đấng Christ không phải là một điều tốt.
Ê-phê-sô 4:14 14 Hầu cho chúng ta không còn là con trẻ nữa, bị sóng đánh trôi dạt và lôi cuốn bởi mọi luồng gió đạo lý, bởi trò bịp bợm của người ta, bởi xảo quyệt của mưu kế lừa gạt.
Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng những con trẻ thường hay bị lôi cuốn bởi các luồng gió đạo lý, họ lạt vào trò bịp bợm của người ta, họ bị các mưu kế lừa gạt. Nói chung, con trẻ là những người không có khả năng nhận xét, cho nên họ thường bị lừa gạt.
Nói tóm lại, hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 3:1 và Ê-phê-sô 4:14 chỉ ra rằng:
Nhưng tại sao trong Ma-thi-ơ 11:25 – 26 Chúa Giê-su lại nói rằng Chúa Trời bày tỏ những điều quan trọng cho các con trẻ, vì Ngài vừa lòng về chuyện này?
Ga-la-ti 4:1 1 Vả, tôi nói rằng bao lâu người thừa kế còn là con trẻ thì không khác gì một nô lệ cho dù người là chủ của mọi vật.
Theo luật lệ của người Do Thái thời đó, địa vị của con trẻ là giống như địa vị của nô lệ. Trong những gia đình giàu có, người thừa kế sẽ là chủ của hết thảy tài sản của gia đình, nhưng khi người còn là con trẻ, thì người không khác gì một tên nô lệ vậy.
Khi Chúa Giê-su nói Chúa Trời bày tỏ những điều quan trọng cho các con trẻ là tại vì Chúa Trời luôn luôn quan tâm những kẻ thấp hèn, chứ không phải vì tính tình thuần khiết, hồn nhiên của con trẻ.
Bởi vậy nếu chúng ta muốn làm hạng người Chúa Trời vừa lòng, thì chúng ta phải trở thành nô lệ.
Tín Đồ Cơ Đốc Là Nô Lệ Của Công Nghĩa
Các bạn đừng có ngạc nhiên, một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính là một tên nô lệ của công nghĩa, tức là nô lệ của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.
Rô-ma 6:18 18 Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên nô lệ của sự công nghĩa rồi.
(Xin đọc 2 bài giảng “Nô Lệ Của Công Nghĩa (1) & (2)” để hiểu rõ lời giải thích về “Nô Lệ Của Công Nghĩa”.)
Chúa Trời Nhờ Chúa Giê-su Christ Ban Bình Yên Cho Những Người Nô Lệ Của Công Nghĩa
Giăng 14:27 27 “Ta để sự bình yên lại cho các ngươi; ta ban sự bình yên của ta cho các ngươi; ta ban cho các ngươi thì chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và sợ hãi.”
Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, Chúa ban sự bình yên của mình cho các môn đồ, sự bình yên này thì chẳng phải như thế gian cho, có nghĩa là trên thế gian thì không có sự bình yên như vậy. Tại sao?
Tại vì ấy là một niềm bình yên vượt quá tầm hiểu biết của loài người. Những người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính cho dù trong hoàn cảnh cực khổ nguy hiểm vẫn có niềm bình yên trong lòng, ấy là một niềm bình yên trên trời.
Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh vui vẻ sung sướng, thì lẽ dĩ nhiên bạn có bình yên. Nhưng giả tỷ bạn đang sống ở những nước chiến tranh bùng nổ hoặc là bịnh dịch lan tràn, bạn đang gặp nguy hiểm khó khăn, xin hỏi bạn có bình yên không?
Nhưng một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có bình yên trong lòng.
Công Vụ Các Sứ Đồ 5:41 41 Vậy các sứ đồ từ tòa công luận ra, hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa.
Sau khi Chúa Giê-su thăng lên trời rồi, Thánh Linh của Chúa Trời giáng lâm và các sứ đồ bắt đầu truyền giảng Tin Lành tại thành Giê-ru-sa-lem. Nhiều người Giu-đa tin vào Chúa Giê-su, bởi vậy thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy tế lễ đầy dẫy ganh tị. Họ bắt các sứ đồ lại mà đánh đòn và cấm các sứ đồ không được nói đến danh của Chúa Giê-su, rồi họ thả các sứ đồ ra. Các sứ đồ không có sợ hãi hay đau buồn gì hết, họ còn hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa nữa.
Công Vụ Các Sứ Đồ 16:23 – 25 23 Sau khi đánh đòn, các quan bỏ hai sứ đồ vào tù ngục và truyền giám ngục canh giữ cẩn mật. 24 Được lệnh, giám ngục giam hai người vào ngục kín và cùm chân lại. 25 Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe.
Sứ đồ Phao-lô và Si-la đến thành Phi-líp để rao truyền Tin Lành, một người dân trong thành phố đó căm thù hai sứ đồ, người ấy bắt hai sứ đồ lại và giao họ cho các quan địa phượng. Các quan ra lệnh đánh đòn hai sứ đồ rồi bỏ họ vào tù ngục. Nhưng hai sứ đồ không có đau buồn, họ còn cầu nguyện và ca ngợi Chúa Trời, khiến cho các tù nhân khác đều lắng nghe.
Qua hai đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng sự bình yên trong tâm linh của người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính quả thật là phi thường!
Phước Lành Của Một Người Nô Lệ Của Công Nghĩa
Các bạn có muốn trở nên nô lệ của công nghĩa không? Một người nô lệ của công nghĩa được Chúa Trời ban cho nhiều phước lành lắm.
Thi Thiên 5:12 12 Hỡi Gia-vê, vì Chúa ban phước cho người công nghĩa, Chúa lấy ơn huệ bao phủ người như cái khiên.
Chúa Trời Đức Gia-vê ban phước cho người công nghĩa, ơn huệ của Ngài bao phủ người như cái khiên. Mà nô lệ của công nghĩa thì chắc là người công nghĩa. Bởi vậy một người nô lệ của công nghĩa thì luôn luôn có bình yên trong tâm hồn cho dù gặp hoạn nạn khó khăn vì Chúa Trời lấy ơn huệ bao phủ người.
1 Phi-e-rơ 3:12 12 Vì mắt của Chúa đoái trông những người công nghĩa, và tai của Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ, nhưng mặt Chúa chống lại những kẻ làm ác.
Mắt của Chúa Trời Đức Gia-vê đoái trông những người công nghĩa và Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Bạn có muốn Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện của bạn không? Nếu bạn cảm thấy hình như Chúa Trời không nhận lời cầu nguyện của bạn, thì bạn hãy tự xem xét mình đang sống cho sự công nghĩa của Ngài hay là sống cho lợi ích thích thú riêng của mình.
Rô-ma 6:22 22 Nhưng bây giờ anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Chúa Trời rồi, thì kết quả là sự nên thánh, và sau cùng là sự sống đời đời.
Từ nô lệ của công nghĩa sẽ dẫn đến sự sống đời đời. Khi chúng ta trở nên nô lệ của Chúa Trời, tức là nô lệ của công nghĩa, thì ta được nên thánh, và sau cùng là sự sống đời đời.
Nói tóm lại, một người nô lệ của công nghĩa được Chúa Trời ban cho nhiều phước lành:
Kết Luận
Lễ Giáng Sinh là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Thế Chúa Giê-su, và ấy là một ngày lễ bình yên. Tại vì qua Chúa Giê-su Christ mà sự bình yên của Chúa Trời đến với những người Ngài vừa lòng.
Chúa Trời Đức Gia-vê vừa lòng về những người nô lệ của công nghĩa, tức là những người phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài. Tín Đồ Cơ Đốc chân chính là nô lệ của công nghĩa.
Chỉ có những người nô lệ của công nghĩa mới được hưởng sự bình yên từ trên trời ban xuống. Các bạn có muốn sự bình yên đặc biệt này không?
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church