Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (8)
Nô Lệ Của Công Nghĩa (1)
Rô-ma 6:18
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Tín Đồ Cơ Đốc Là Nô Lệ Của Công Nghĩa
Trong mấy kỳ trước chúng ta đã tra khảo một vài danh hiệu của Tín Đồ Cơ Đốc: Tay đánh lưới người, muối của đất, sự sáng của thế gian, môn đồ, con chiên, nhánh của cây nho. Hôm nay chúng ta tra khảo một danh hiệu mới.
Rô-ma 6:18. 18 Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên nô lệ của sự công nghĩa rồi.
Câu Kinh Thánh này dạy rằng sau khi chúng ta được buông tha khỏi tội lỗi thì ta trở nên nô lệ của công nghĩa. Xin các bạn nhớ rằng chỉ khi chúng ta ăn năn hối cải, phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời, rồi chịu phép báp-tem, thì chúng ta mới được buông tha khỏi tội lỗi. Như vậy có nghĩa là khi chúng ta trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì chúng ta trở nên nô lệ của công nghĩa.
Các bạn có ngạc nhiên không? Trong xã hội ngày nay đâu có nô lệ nữa! Hơn nữa chúng ta tưởng rằng khi chúng ta được buông tha khỏi tội lỗi thì ta được tự do rồi, nhưng tại sao lại trở thành nô lệ của công nghĩa? Mà nô lệ của công nghĩa là cái gì? Bây giờ để tôi giải thích cho các bạn từng bước một.
Nô Lệ Của Công Nghĩa Tức Là Nô Lệ Của Chúa Trời Và Chúa Giê-su Christ
Giê-rê-mi 23:6. 6 Trong đời vua ấy, Giu-đa sẽ được cứu; và Y-sơ-ra-ên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Ðấng ấy là: Gia-vê sự công nghĩa của chúng ta!
Tên của Chúa Trời là יהוה (chữ Hê-bơ-rơ đọc là Gia-vê). Chúa Trời Gia-vê chính là sự công nghĩa của chúng ta.
1 Cô-rinh-tô 1:30. 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Chúa Giê-su Christ, là đấng mà Chúa Trời đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta.
Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ là đấng mà Chúa Trời Gia-vê đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta. Vậy Chúa Giê-su Christ cũng là sự công nghĩa của chúng ta.
Qua 2 câu Kinh Thánh trên ta thấy rằng Chúa Trời Gia-vê và Con Ngài Chúa Giê-su Christ cùng là sự công nghĩa của chúng ta. Vậy nô lệ của công nghĩa tức là nô lệ của Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ.
Từ Nô Lệ Của Tội Lỗi Trở Thành Nô Lệ Của Công Nghĩa
1. Nô lệ của tội lỗi
Trước kia khi ta chưa nhận biết Chúa Trời và Chúa Giê-su, chúng ta đều là nô lệ của tội lỗi.
Giăng 8:34. 34 Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi.”
Chúa Giê-su dạy rằng ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi. Hết thảy loài người trên thế gian đều đã phạm tội, cho nên chúng ta đều là nô lệ của tội lỗi, tội lỗi là người chủ của ta.
Trong xã hội ngày nay thì không còn nô lệ nữa, nhưng trong thời Chúa Giê-su sống trên thế gian này, Đế Quốc La-mã cai trị miền Trung Đông, Bắc Phi Châu và Âu Châu, xã hội của Đế Quốc La-mã thời đó có rất nhiều nô lệ. Cuộc đời của một người nô lệ thì hoàn toàn bị người chủ của nó nắm giữ. Nếu người chủ không thích một tên nô lệ, người chủ có thể đánh nó hoặc bán nó đi cho người khác. Một tên nô lệ không có quyền tự chủ. Hơn nữa người nô lệ không bao giờ và không cách nào thoát ra khỏi quyền khống chế của người chủ, nó thuộc về người chủ suốt đời. Cho dù tên nô lệ trốn đi nơi khác, người chủ có quyền sai người đi bắt nó về, và nó sẽ bị trừng phạt rất nặng. Chỉ khi tên nô lệ chết đi thì nó mới thoát ra khỏi tay của người chủ.
Nếu người chủ là một người tàn bạo hung dữ, thì tên nô lệ phải chịu khổ nạn. Nhưng một mặt khác cũng có những người chủ tốt lành thương xót cho nô lệ, có người mua nô lệ về để giúp việc trong nhà và đồng thời cũng là con nuôi của gia đình, có người mua nô lệ về để làm vợ. Có khi những người chủ tốt lành còn cho nô lệ đi học, ăn mặc đẹp đẽ và cho nó tiền tiêu vặt nữa. Nói tóm lại số mệnh của nô lệ là hoàn toàn tùy thuộc vào người chủ, nếu người chủ hung dữ thì nô lệ khổ cực, nếu người chủ hiền lành thì nô lệ vui sướng hạnh phúc.
Khi tội lỗi là người chủ của ta, thì người chủ này tàn bạo gian ác lắm. Trong cuộc đời của ta, ta từng bị người chủ này đánh lừa và hành hạ, ta đã chịu khổ nạn biết bao, ta biết rõ điều này lắm chứ, phải không? Mà ta lại không cách nào thoát ra khỏi tay của nó trừ phi ta chết đi. Tôi không phải nói rằng chúng ta phải tự tử, mà tôi đang nói về một lời dạy quan trọng trong Kinh Thánh là “chết về tội lỗi”. Chỉ khi ta chết về tội lỗi thì ta mới có thể thoát ra khỏi kiềm chế của người chủ tội lỗi.
Chết về tội lỗi có nghĩa là gì? Ta có thể so sánh chết về tội lỗi với chết về thế gian này. Khi chúng ta chết đi, mối quan hệ với người thân, bạn bè, tiền tài, địa vị đều bị cắt đứt hết, ta không còn liên hệ gì với thế gian này nữa. Tương tự như vậy khi ta chết về tội lỗi thì mối quan hệ với tội lỗi bị cắt đứt, ta không còn liên hệ gì với tội lỗi nữa. Nhưng chúng ta không cách nào khiến mình chết về tội lỗi, chỉ có một mình Chúa Trời mới có quyền năng cho chúng ta chết về tội lỗi.
Khi ta tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, ta ăn năn hối cải cuộc sống tội lỗi, ta phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn vào trong tay của Chúa Trời, rồi ta chịu phép báp-tem. Chính là qua phép báp-tem, huyết báu của Chúa Giê-su rửa sạch tội lỗi của ta, và Chúa Trời cho ta chết về tội lỗi. Từ nay trở đi ta không còn là nô lệ của tỗi lỗi nữa, ta thoát ra khỏi kiềm chế của người chủ hung dữ này.
2. Ta trở thành nô lệ của sự công nghĩa
Đến đây có người sẽ nói rằng: “Đúng, khi chúng ta trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì chúng ta được tự do rồi, nhưng tại sao lại thành ra nô lệ của công nghĩa vậy?”
Tại vì Chúa Giê-su đã dùng huyết của Chúa để mua chuộc chúng ta về, cho nên Chúa là người chủ mới của ta, ta chuyển từ nô lệ của tội lỗi thành ra nô lệ của công nghĩa. Chỉ khi hết thảy tội lỗi của ta đã được rửa sạch bằng huyết của Chúa Giê-su, thì ta mới có thể chết về tội lỗi. Nếu tội lỗi của ta chưa được rửa sạch, thì ta vẫn còn dính líu với tội lỗi, chúng ta chưa chết về tội lỗi.
Thông thường người chủ phải trả một số tiền để mua tên nô lệ về, số tiền đó tùy thuộc vào sức khỏe, tài năng của tên nô lệ; nếu tên nô lệ khỏe mạnh hay có tài năng đặc biệt, hoặc là những đàn bà nô lệ có sắc đẹp thì bán được giá cao hơn; nếu người chủ thích tên nô lệ, thì người chủ vui lòng trả giá cao hơn. Chúa Giê-su đã trả một giá cao quí nhất trong vũ trụ này để mua chuộc chúng ta về, đó là huyết của Chúa.
1 Phi-e-rơ 1:18 – 19. 18 vì biết rằng chẳng phải bởi những vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được mua chuộc khỏi lối sống phù phiếm của tổ tiên truyền lại, 19 nhưng bởi huyết báu của Christ, dường như huyết của chiên con không vết nhơ không khuyết tật.
Câu Kinh Thánh này xác định rằng chúng ta được mua chuộc bởi huyết báu của Chúa Giê-su Christ, chiên con không vết nhơ không khuyết tật.
Không Có Địa Vị Trung Lập Giữa Nô Lệ Của Công Nghĩa Và Nô Lệ Của Tội Lỗi
Có người sẽ nói rằng: “Nô lệ của công nghĩa thì vẫn là nô lệ thôi, tôi không muốn làm nô lệ của bất cứ ai cả!” Hỡi các bạn ơi, bạn nên biết rằng cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của ma quỉ ngoại trừ những người thuộc về Chúa Trời.
1 Giăng 5:19. 19Chúng ta biết mình thuộc về Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của Kẻ Ác.
Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của Kẻ Ác, tức là ma quỉ, còn Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thì thuộc về Chúa Trời, chúng ta không phải dưới quyền hành của ma quỉ. Ngược lại nếu chúng ta không thuộc về Chúa Trời, thì chúng ta sẽ bị ma quỉ kiềm chế. Nói một cách khác, nếu chúng ta không phải là nô lệ của Chúa Trời, thì chúng ta dưới quyền hành của ma quỉ, chúng ta là nô lệ của tội lỗi. Chúng ta phải lựa chọn một trong hai con đường, một là nô lệ của công nghĩa, hai là nô lệ của tội lỗi, chúng ta không thể đứng ở chính giữa giữ địa vị trung lập.
Có người sẽ nói rằng: “Nếu chúng ta là nô lệ của công nghĩa, thì chúng ta đâu có tự do?”
Hỡi các bạn ơi, tự do không phải là muốn làm cái gì thì làm và không muốn làm cái gì thì không làm, đó không phải là tự do. Ai mà nghĩ rằng tự do có nghĩa là muốn làm gì thì làm, người ấy sẽ lạc vào con đường tội lỗi trụy lạc, và rốt cuộc sẽ mất hết tất cả tự do thôi. Trong một nước thì người dân phải tuân theo pháp luật của nhà nước, chứ không phải là chúng ta muốn làm gì thì làm. Nếu có ai muốn tự do tha hồ làm những việc trái với pháp luật, rốt cuộc người ấy sẽ bị bỏ vào tù mà mất hết tất cả tự do thôi. Nhiều người thanh thiếu niên có ý tưởng sai lầm về tự do, họ không muốn nghe theo lời dạy của ba má và giáo sư, họ muốn làm những việc hoàn toàn theo ý muốn của mình, rốt cuộc họ đi vào con đường trụy lạc tội lỗi, họ làm hỏng cuộc đời của mình.
Một người nô lệ thì phải hoàn toàn vâng phục người chủ của mình, người chủ bảo làm gì thì làm, nô lệ không bao giờ nghịch với ý muốn của người chủ. Khi chúng ta là nô lệ của công nghĩa, ta phải hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Chúa Trời, ta không bao giờ làm việc theo ý riêng của mình mà nghịch với thánh ý của Ngài. Điểm này là ý nghĩa chính của nô lệ của công nghĩa. Nếu ta không muốn vâng phục Chúa Trời, ta muốn làm việc theo ý riêng của mình, thì rốt cuộc ta sẽ phạm tội lỗi. Sau khi ta được buông tha khỏi tội lỗi, nếu ta lại trở về con đường tội lỗi, thì một lần nữa ta lại rơi vào trong tay của tội lỗi và lại trở thành nô lệ của tội lỗi, lúc đó ta sẽ mất hết tất cả tự do.
Nếu chúng ta không muốn bị tội lỗi ràng buộc, thì chúng ta phải là nô lệ của công nghĩa. Nếu chúng ta không phải là nô lệ của công nghĩa, thì chúng ta là nô lệ của tội lỗi. Chính vì chúng ta là nô lệ của công nghĩa, ta mới có tự do không bị tội lỗi ràng buộc.
Sự Khác Biệt Giữa Nô Lệ Của Tội Lỗi Và Nô Lệ Của Công Nghĩa
Giữa nô lệ của tội lỗi và nô lệ của công nghĩa có cái gì khác nhau không?
Nhiều năm về trước, có một phim xi-nê mô tả cuộc đời của những kẻ nghiện ma túy. Trong số những người nghiện ma túy đó có một cô học sinh trẻ tuổi. Cô này ở một gia đình khá sung túc, cô học ở trường tốt. Nhưng buồn thay! Cô này là một tên nghiện ma túy. Cô dùng hết thảy tiền tiêu vặt ba má cho để mua ma túy, nhưng vẫn không đủ. Những kẻ trong bè đảng bán ma túy vui lòng mượn tiền cho cô, nhưng thật ra họ muốn dùng cách này để kiềm chế cô thôi. Khi cô mắc nợ càng ngày càng nhiều, họ bắt cô làm những việc trụy lạc như ăn cắp tiền của ba má, bán dâm để trả nợ cho họ. Lúc đầu cô không chịu, thì họ ngưng cung cấp ma túy cho cô. Cô này đã hoàn toàn bị ma túy kiềm chế, cô bằng lòng làm bất cứ việc gì để được ma túy. Những người trong bè đảng kiềm chế cô này một cách tàn bạo. Mỗi lần cô không vâng lời, thì họ không cho cô ma túy. Cô đau khổ đến nỗi phải quỳ xuống trước mặt họ mà cầu xin họ, cô bằng lòng nằm ngủ với họ và làm nghề bán dâm để kiếm tiền cho họ, bất cứ cái gì cô cũng chịu làm, miễn là cô có ma túy là được.
Đó là câu chuyện của một người nô lệ của tội lỗi. Ma quỉ dùng nhiều cách để quyến rũ ta phạm tội, nó sẽ giả bộ là một người bạn thân muốn giúp đỡ ta, tương tự như những kẻ bán ma tuý vui lòng mượn tiền cho cô học sinh kia để mua ma tuý vậy; nhưng thật ra nó muốn dắt ta đi lên con đường tội lỗi mà rơi vào cạm bẫy của nó. khi ta bắt đầu phạm tội nhỏ, thì nó kiềm chế một phần nhỏ của cuộc đời ta. Nó sẽ quyến rũ ta phạm tội lỗi ngày càng nhiều hơn và ngày càng nặng hơn. Ta phạm tội lỗi càng nhiều và càng nặng, thì ma quỉ kiềm chế cuộc đời của ta càng nhiều và càng nặng. Sau cùng ta sẽ mất hết tự do, ta hoàn toàn bị ma quỉ kiềm chế, không thoát ra khỏi tay của nó được; ta phải làm theo lời của nó cho dù ta không muốn làm. Trong câu chuyện của cô học sinh kia, ma quỉ dùng ma túy để kiềm chế cô này, cô phải làm bất cứ việc gì mà bọn bè đảng gian ác bắt cô làm.
Còn Chúa Trời Gia-vê thì dùng tình thương và công nghĩa thu hút ta đi theo Ngài. Chúa Trời cho ta kinh lịch lòng nhân từ thương xót và thánh thiện của Ngài. Ngài không bao giờ bắt buộc hay quyến rũ ta, chính ta phải lập quyết định có muốn phó thác cuộc đời của mình cho Ngài và phụng sự cho công nghĩa của Ngài hay không. Khi ta bằng lòng rồi, ta mới chịu phép báp-tem. Ta tự do quyết định cho phương hướng của cuộc đời mình.
Sau khi ta trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, ta là nô lệ của Chúa Trời, Ngài vẫn để cho ta quyền tự do lựa chọn đi theo đường lối nào. Mỗi khi ta phải lập quyết định vâng phục Chúa Trời hoặc là đi theo đường lối của thế gian, Ngài để cho ta tự do quyết định. Ngài chỉ ra cho ta thấy rõ nếu ta đi theo đường lối của thế gian thì sẽ dẫn đến hậu quả gì, còn nếu ta đi theo đường lối của Ngài thì sẽ có lợi ích gì. Nếu ta lựa chọn đi theo đường lối của Ngài, thì quan hệ giữa Chúa Trời và ta sẽ ngày càng thân mật hơn. Nếu ta lựa chọn đi theo đường lối của thế gian, ta sẽ dần dần lìa xa Chúa Trời, rốt cuộc ta sẽ đi về con đường tội lỗi cũ xưa. Nếu ta làm như vậy thì chính mình mở cửa cho ma quỉ đi vào để kiềm chế cuộc đời của mình. Đó thì tựa như những người đã từ bỏ ma túy rồi, nhưng một khi họ hút lại chỉ một lần thôi thì họ lại bắt đầu nghiện nữa.
Chúa Trời là Đức Cha của ta, Ngài không có bỏ quên ta cho dù ta lựa chọn đi theo đường lối của thế gian và lìa xa Ngài. Ngài sẽ dùng nhiều phương pháp và sai nhiều người nô lệ trung tín của Ngài để kêu gọi ta trở về. Cho dù ta đã phạm tội lỗi, nhưng một khi ta thức tỉnh thấy rằng mình lại lâm vào tội lỗi trụy lạc, ta có thể ngay lập tức kêu cầu Chúa Trời, thì Ngài sẽ giải cứu ta. Khi ta ăn năn hối cải, thì một lần nữa huyết báu của Chúa Giê-su lại rửa sạch tội lỗi của ta.
Rô-ma 6:22. 22 Nhưng bây giờ anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Chúa Trời rồi, thì kết quả là sự thánh sạch, và sau cùng là sự sống đời đời.
Câu Kinh Thánh này xác định rằng khi chúng ta là nô lệ của Chúa Trời thì ta được thánh sạch và chung cuộc là sự sống đời đời.
Giăng 15: 14 – 15. 14Nếu các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là nô lệ nữa, vì nô lệ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta đã tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe từ nơi Cha ta.
Chúa Giê-su dạy rằng nếu ta vâng lời Chúa, Chúa sẽ không gọi ta là nô lệ nữa cho dù ta thật sự là nô lệ của Chúa, vì Chúa mua chuộc ta về bằng huyết báu của Chúa, nhưng Chúa gọi ta là bạn hữu của Chúa. Trong bao nhiêu năm trời tôi hầu việc Chúa Trời và Chúa Giê-su, Chúa Giê-su không bao giờ gọi tôi là tên nô lệ, Chúa đối xử với tôi tốt đến nỗi tôi tả không ra, tôi không hiểu tại sao Chúa lại thương xót tên nô lệ nhỏ mọn này như thế!
Kết Luận
Hôm nay chúng ta đã tra khảo phần thứ nhất của danh hiệu “Nô lệ của công nghĩa”. Sau khi ta thoát ra khỏi ràng buộc của tội lỗi, ta trở thành nô lệ của công nghĩa, tức là nô lệ của Chúa Trời và Chúa Giê-su. Nô lệ của công nghĩa thì khác hẳn với nô lệ của tội lỗi. Khi ta là nô lệ của Chúa Trời, Ngài thương yêu trông nom ta, Ngài chỉ dẫn ta đi theo đường lối công nghĩa của Ngài. Ngài không bao giờ bắt buộc hay quyến rũ ta, Ngài tôn trọng quyền tự do lựa chọn của ta. Thật ra nếu ta vâng theo điều răn của Chúa Giê-su, Chúa chẳng gọi ta là nô lệ nữa, Chúa gọi ta là bạn hữu của Chúa vậy.
Bạn muốn làm nô lệ của tội lỗi hay là nô lệ của công nghĩa? Hoặc là bạn vẫn nghĩ rằng chẳng muốn làm nô lệ của ai cả, bạn chỉ muốn tự do thôi? Tôi cầu xin Chúa Trời mở mắt của bạn để bạn thấy rõ làm nô lệ của công nghĩa là hạnh phúc biết bao!
Kỳ sau chúng ta sẽ học tiếp phần thứ hai của danh hiệu này.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church