You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (14)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (14)

Sứ Giả Của Đấng Christ

2 Cô-rinh-tô 5:20

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Trung Quốc bị chia ra thành nhiều nước nhỏ, trong mỗi một nước đều có ông vua, có chính phủ riêng và quân đội riêng. Những nước này một mặt thì tranh giành đất đai mà đánh nhau, nhưng mặt khác thì các ông vua lại sai nhiều sứ giả đi các nước khác viếng thăm lẫn nhau. Nhiều khi cho dù hai nước đang đánh nhau, nhưng sứ giả vẫn đi lại giữa hai nước đó. Có khi những sứ giả với tài hùng biện có thể thuyết phục các ông vua ngưng chiến và đạt được hòa bình. Những sứ giả này cũng được giao cho nhiệm vụ đi tìm kiếm nhân tài cho nhà nước. Họ đi khắp mọi nơi, vượt qua biên giới đi sang nước khác để tìm kiếm những người tài giỏi và thuyết phục những người này đi làm việc cho chính phủ nước mình. Có một vị sứ giả rất nổi tiếng tên là Tô Tần, ông này đi viếng thăm sáu nước và thuyết phục sáu ông vua của sáu nước này liên hiệp với nhau để chống lại nước Tần. Về sau ông Tô Tần được sáu nước này phong chức thủ tướng của cả sáu nước.

Câu chuyện lý thú này chỉ là lời mở đầu của cái danh hiệu của Tín Đồ Cơ Đốc mà chúng ta tra khảo hôm nay.

2 Cô-rinh-tô 5:20. 20 Vậy chúng ta là sứ giả của đấng Christ, như thể Chúa Trời bởi chúng ta mà khuyên bảo. Chúng ta nhân danh đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời.

Trong câu Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là sứ giả của Chúa Giê-su Christ.

Ý Nghĩa Của Danh Hiệu “Sứ Giả Của Đấng Christ”

Sứ giả của đấng Christ có nghĩa là gì? Sứ giả của đấng Christ thì khác với sứ giả trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, chúng ta không phải đi thuyết phục các ông vua. Nhưng chúng ta vẫn có thể so sánh sứ giả của đấng Christ với sứ giả của các nước trên thế giới.

Khi một sứ giả được sai đi nước ngoài thì sứ giả đó là đại diện cho nhà nước của mình. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là người dân của nước Chúa Trời, Chúa Trời Gia-vê sai chúng ta đi vào thế gian để làm đại diện cho nước Chúa Trời. Mà nhiệm vụ của chúng ta là gì? Chúng ta đại diện cho nước Chúa Trời để làm công chuyện gì trên thế gian này?

2 Cô-rinh-tô 5:18 – 20. 18 Mọi việc này đều bởi Chúa Trời, Ngài đã cho chúng ta nhờ đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. 19 Thật vậy, Chúa Trời ở trong đấng Christ, làm cho thế gian hòa thuận với Ngài, không kể tội lỗi của loài người nữa, và Ngài đã giao phó đạo lý giảng hòa cho chúng ta. 20 Vậy chúng ta là sứ giả của đấng Christ, như thể Chúa Trời bởi chúng ta mà khuyên bảo. Chúng ta nhân danh đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta nhờ đấng Christ đã được hòa thuận lại cùng Chúa Trời. Chúa Trời thì ở trong đấng Christ, Ngài muốn cho cả thế gian đều hòa thuận lại cùng Ngài, Ngài không kể tội lỗi của loài người nữa, Ngài giao phó đạo lý giảng hòa cho Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta, và sai chúng ta đi vào thế gian để làm sứ giả của đấng Christ. Cho nên chức vụ của ta là khuyên bảo người đời: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời Gia-vê.

Đạo Lý Giảng Hòa Là Gì?

Chỉ khi hai nước đang thù nghịch nhau thì họ mới cần phải giảng hòa, nếu hai nước đang có bang giao tốt đẹp, thì cần gì phải giảng hòa. Vậy chẳng lẽ loài người trên thế gian đang chiến tranh cùng Chúa Trời sao?

Kinh Thánh dạy rằng khi chúng ta phạm tội lỗi, thì chúng ta chẳng những làm hại đến người khác, mà nghiêm trọng hơn hết là khi ta phạm tội, thì ta đã phản nghịch cùng Chúa Trời. Khi chúng ta phản nghịch cùng Chúa Trời, thì ta là kẻ thù nghịch của Ngài.

Sáng Thế Ký 39:7 – 9. 7 Sau các việc này, vợ của người chủ để mắt tới Giô-sép mà nói rằng: “Hãy lại nằm cùng ta.” 8 Nhưng người từ chối và nói với bà vợ ông chủ rằng: “Có tôi thì ông chủ chẳng lo nghĩ đến những việc trong nhà nữa, chủ đã giao mọi vật của chủ trong tay tôi .9 Trong nhà này chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không giữ lại điều gì ngoại trừ bà vì bà là vợ của chủ. Lẽ nào tôi làm điều đại ác dường ấy mà phạm tội nghịch cùng Chúa Trời sao?”

Đây là câu chuyện của một anh chàng trẻ tuổi Giô-sép bị cám dỗ. Giô-sép là tên đầy tớ của một ông quan lớn Phô-ti-pha ở nước Ê-díp-tô, và ông quan đã giao phó mọi việc trong nhà cho Giô-sép. Một hôm nhân dịp Giô-sép đang hầu việc trong nhà, bà vợ của ông quan đến cám dỗ Giô-sép lại nằm với bà. Giô-sép trả lời rằng: “Ông chủ đã giao mọi vật của chủ trong tay tôi, lẽ nào tôi làm điều đại ác dường ấy mà phạm tội nghịch cùng Chúa Trời sao?”

Lẽ dĩ nhiên tội tà dâm là điều đại ác, Giô-sép nói rằng ấy là phạm tội nghịch cùng Chúa Trời, chẳng những chỉ là phạm tội nghịch cùng ông chủ.

Cô-lô-se 1:21. 21 Còn anh em trước kia vốn xa cách Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác của mình,

Câu Kinh Thánh này dạy rằng khi chúng ta có những ý tưởng đồi bại và làm những việc gian ác, thì ta là thù nghịch cùng Chúa Trời.

Bởi vì hết thảy người đời trên thế gian này đều đã phạm tội, cho nên cả thế gian này đều là thù nghịch cùng Chúa Trời. Lẽ dĩ nhiên những kẻ thù nghịch cùng Chúa Trời thì sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục vào Ngày Phán Xét. Mà Chúa Trời nhân từ thương xót, Ngài đã sáng tạo ra chúng ta, Ngài không muốn chúng ta bị hư mất, Ngài đã sửa soạn một lối thoát cho chúng ta.

Cô-lô-se 1:22 – 23. 22 nhưng bây giờ Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể xác thịt mà khiến anh em hòa thuận để làm cho anh em đứng trước mặt Ngài một cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được 23 nếu anh em tiếp tục trong đức tin chắc chắn, vững vàng, không xê dời khỏi niềm hy vọng của Tin Lành mà anh em đã nghe. Đạo lý này đã được tuyên bố cho tất cả vạn vật dưới bầu trời, và tôi, Phao-lô đã được làm nên một người đầy tớ cho Tin Lành này.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta có thể hòa thuận lại với Chúa Trời qua sự chết của Con Ngài, Chúa Giê-su Christ.

Tại vì hết thảy người đời trên thế gian này đều đã phạm tội, họ đều là thù nghịch cùng Chúa Trời, cho nên chúng ta tựa như là những sứ giả được sai đi những nước thù nghịch vậy. Nhiệm vụ của ta là khuyên bảo những kẻ thù nghịch này hãy ăn năn hối cải, tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, rồi chịu phép báp-tem, thì huyết báu của đấng Christ sẽ rửa sạch hết thảy tội lỗi của họ. Khi tội lỗi của họ được rửa sạch rồi, thì họ không còn là thù nghịch cùng Chúa Trời nữa, họ được hòa thuận với Ngài, họ trở thành con cái của Ngài. Ấy chính là đạo lý giảng hòa.

Chúng Ta Rao Truyền Đạo Lý Giảng Hòa Bằng Sự Thể Hiện Của Thánh Linh Và Quyền Năng

Thực ra khuyên bảo người đời nên hòa thuận lại với Chúa Trời tức là truyền giảng Tin Lành. Các bạn đừng tưởng rằng chỉ có mục sư mới có thể truyền giảng Tin Lành, và hễ ai muốn truyền giảng Tin Lành thì phải đứng trên giảng đài mới giảng được. Không phải như vậy đâu, hỡi các bạn ơi!

Tôi từng truyền giảng Tin Lành trên giảng đài trong hội thánh, hay trong những buổi học tập Kinh Thánh, và tôi cũng truyền giảng Tin Lành cho một hay hai người bạn bè khi tôi đi viếng thăm họ, và bây giờ tôi truyền giảng Tin Lành trên mạng Việt Ngữ Tin Lành này.

Có người sẽ nói rằng: “Tôi không có tài hùng biện, làm sao mà tôi có thể đi khuyên bảo người đời hòa thuận lại với Chúa Trời?”

Hỡi các bạn ơi, khi Chúa Trời giao phó một chức vụ cho ta, Ngài sẽ ban cho ta ơn huệ để làm tròn chức vụ đó. Điều quan trọng nhất không phải là thông minh tài giỏi, mà là một tấm lòng trung tín và hoàn toàn vâng phục Chúa Trời, thì Thánh Linh của Ngài sẽ chỉ dẫn và gia sức cho ta.

Hơn nữa tài hùng biện thì chẳng những là không quan trọng, mà Kinh Thánh dạy rằng chúng ta không nên dùng tài hùng biện để thuyết phục người đời tin vào Chúa Giê-su Christ. Các bạn có ngạc nhiên không?

1 Cô-rinh-tô 2:1 – 5. 1 Hỡi anh em, khi tôi đến cùng anh em, tôi chẳng dùng lời cao xa hay khôn khéo mà tuyên bố cho anh em biết chứng cớ của Chúa Trời. 2 Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Và tôi đã đến với anh em trong sự yếu đuối, sợ hãi, và run rẩy. 4 Lời nói và truyền giảng của tôi chẳng phải bằng lời thuyết phục của sự khôn ngoan, nhưng bằng sự thể hiện của Thánh Linh và quyền năng, 5 hầu cho đức tin của anh em chẳng xây dựng trên sự khôn ngoan của loài người, nhưng trên quyền năng của Chúa Trời.

Đây là lời của sứ đồ Phao-lô. Sứ đồ đã truyền giảng Tin Lành tại nhiều xứ ở Á-Châu và Âu-Châu, người thành lập ra bao nhiêu hội thánh, đào tạo ra bao nhiêu môn đồ, nhưng người không dùng lời nói cao xa, tài thuyết phục khôn ngoan để rao truyền Tin Lành. Khi sứ đồ Phao-lô truyền giảng Tin Lành, người chỉ nói về Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, người truyền giảng bằng sự thể hiện của Thánh Linh và quyền năng.

Theo như lời dạy của sứ đồ Phao-lô thì chẳng những chúng ta không cần tài hùng biện hay trí khôn ngoan, mà chúng ta không nên dùng những thứ này, bằng không đức tin của những người nghe giảng sẽ xây dựng trên sự khôn ngoan của loài người, chứ không phải trên quyền năng của Chúa Trời.

Bởi vậy khi ta rao truyền Tin Lành, ta chỉ tập trung vào Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên thập giá, ta chỉ dùng những lời dạy trong Kinh Thánh, ta đừng bao giờ khoe khoang tài năng học vấn của mình. Thánh Linh của Chúa Trời sẽ chỉ dẫn dạy bảo ta những lời ta phải nói.

Vậy đức tính đầu tiên của sứ giả của đấng Christ là ta chỉ dựa vào quyền năng của Chúa Trời, chỉ dẫn của Thánh Linh, ta chỉ nói về Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chứ ta không dùng tài hùng biện hay trí khôn ngoan của loài người.

Ta Cần Phải Có Thái Độ Nhu Mì

Mà một mặt khác, ta cần phải có thái độ nhu mì.

Trong đoạn Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 5:20, sứ đồ Phao-lô nói rằng, “Chúng ta nhân danh đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời.” Xin các bạn để ý vào hai chữ “nài xin”.

“Nài xin” trong nguyên văn Hy-lạp là δέομαι (đọc là đê-ô-mai). Chữ δέομαι này xuất hiện trong Tân Ước tổng cộng 22 lần. Trong số 22 lần này, có 15 lần là dùng trong trường hợp cầu nguyện cùng Chúa Trời hoặc cầu xin Chúa Giê-su, có 4 lần là những người ở cấp dưới cầu khẩn cấp trên, còn 2 lần là khi sứ đồ Phao-lô “nài xin” các anh chị em Tín Đồ hãy sống theo lời dạy của Chúa Trời, và 1 lần thì chính là trong câu 2 Cô-rinh-tô 5:20 nói về sứ giả của đấng Christ “nài xin” người ta hòa thuận với Chúa Trời.

Bởi vậy khi ta khuyên bảo người đời nên hòa thuận với Chúa Trời, ta phải tự hạ mình xuống với một thái độ nhu mì tựa như thái độ khi ta cầu nguyện với Chúa Trời vậy (Xin đọc bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì” để biết rõ ý nghĩa của nhu mì). Ta đừng có nghĩ rằng ta đây là sứ giả của đấng Christ do Chúa Trời Gia-vê sai đến, ta cao hơn các ngươi, các ngươi là tội nhân, các ngươi nên nghe ta bảo đây. Ấy là hoàn toàn sai lầm.

Hơn nữa ta nên nhớ rằng người đời là kẻ thù nghịch với Chúa Trời, nếu họ thù nghịch với Ngài thì họ cũng thù nghịch với ta khi ta vâng giữ lời của Ngài, và chúng ta đang sống trong lãnh vực của kẻ thù nghịch. Bây giờ ta khuyên bảo họ phải hòa thuận với Chúa Trời, thì lẽ dĩ nhiên ta phải cẩn thận và nhu mì, bằng không nếu ta làm điều gì sai lầm, chẳng những ta lâm vào nguy hiểm mà còn làm nhục cái Danh của Chúa Trời, làm cản trở công việc cứu chuộc loài người.

Đức tính thứ hai của sứ giả của đấng Christ là một thái độ nhu mì.

Chúng Ta Phải Yêu Thương Tất Cả Các Anh Chị Em Tín Đồ

Nếu ta muốn làm sứ giả của đấng Christ đi khuyên bảo người đời hãy hòa thuận với Chúa Trời thì ta phải yêu thương tất cả các anh chị em Tín Đồ. Tại sao vậy?

1 Giăng 4:20 – 21. 20 Nếu ai nói rằng: “Tôi yêu kính Chúa Trời”, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu thương anh em mà người thấy được, thì không thể yêu kính Chúa Trời mà người chẳng thấy được. 21 Và chúng ta đã nhận từ nơi Ngài điều răn nầy: “Ai yêu kính Chúa Trời, thì cũng phải yêu thương anh em mình.”

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng nếu ta yêu kính Chúa Trời, thì ta cũng yêu thương các anh chị em Tín Đồ. Nếu ta chẳng yêu thương các anh chị em, thì hành động của ta tỏ ra rằng ta không có thực sự yêu kính Chúa Trời cho dù miệng ta nói rằng ta yêu kính Ngài. Nếu ta không yêu kính Chúa Trời, thì làm sao mà ta có thể đi khuyên bảo người đời ăn năn hối cải và trở về với Ngài?

1 Giăng 3:14 – 15. 14Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, tại vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết. 15 Ai ghét anh em mình thì là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người lại có sự sống đời đời ở trong mình.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng khi ta yêu các anh chị em Tín Đồ, thì ấy là bằng chứng rằng ta đã vượt khỏi sự chết qua sự sống. Nếu ta không yêu các anh chị em, thì ta vẫn ở trong sự chết. Và ai ghét anh chị em thì là tương đương với kẻ giết người. Lẽ dĩ nhiên những người còn ở trong sự chết và những kẻ giết người thì không thể làm sứ giả của đấng Christ!

Vậy đức tính thứ ba của sứ giả của đấng Christ là yêu thương tất cả các anh chị em Tín Đồ.

Chúng Ta Sẵn Sàng Chịu Khổ Nạn

Ê-phê-sô 6:20. 20 vì sự huyền bí của Tin Lành mà tôi là sứ giả trong vòng xiềng xích, nên xin cầu thay cho tôi hầu cho tôi mạnh dạn truyền giảng đúng như tôi phải nói.

Sứ đồ Phao-lô bị bỏ vào tù ngục vì truyền giảng Tin Lành, cho nên sứ đồ nói rằng mình là sứ giả trong vòng xiềng xích.

Trong suốt hai ngàn năm qua đã có vô số Tín Đồ Cơ Đốc bị bắt bớ thậm chí bị giết hại vì truyền giảng Tin Lành. Nhưng càng nhiều Tín Đồ bị giết thì càng nhiều người tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su và càng nhiều hội thánh được lập nên, y như lời nói của một đầy tớ trung tín của Chúa Trời tên là Turtullian (đọc là Thơ-thâu-li-an) đã nói: “Máu của những người tử vì đạo là hột giống của hội thánh”.

Ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, Tín Đồ Cơ Đốc vẫn bị đàn áp bắt bớ (xin đọc bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Chịu Bắt Bớ”). Hơn nữa những người phạm tội đồng tính luyến ái lan tràn khắp thế giới, và thế lực của họ càng ngày càng mạnh. Khi chúng ta chỉ ra tội lỗi của đồng tính luyến ái thì bọn này đả kích ta liền. Bởi vậy ngay trong những nước tự do, những Tín Đồ Cơ Đốc trung tín với Chúa Trời thường bị đàn áp bắt bớ. Ở các nước tây phương, có nhiều hội thánh và thầy truyền đạo không dám truyền giảng rằng đồng tính luyến ái là tội lỗi. Nhưng về phần tôi, tôi quyết tâm vâng giữ lời dạy của Chúa Trời, tôi sẽ tiếp tục răn dạy người ta chớ phạm tội lỗi đồng tính luyến ái.

Nếu ta muốn làm sứ giả của đấng Christ, ta phải sẵn sàng chịu khổ nạn vì cớ của đạo lý giảng hòa này. Ấy là đức tính thứ tư của sứ giả của đấng Christ.

Chúng Ta Không Sống Cho Chính Mình Nữa, Chúng Ta Sống Cho Chúa Giê-su Christ

2 Cô-rinh-tô 5:15 – 20. 15 và Chúa đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho đấng đã chết và sống lại vì mình. 16 Bởi vậy, từ nay chúng ta không biết một người nào theo xác thịt nữa; cho dù chúng ta từng nhận biết đấng Christ theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng ta chẳng còn nhận biết Chúa bằng cách này nữa. 17 Vì vậy, nếu ai ở trong đấng Christ, người ấy là một người mới; những sự cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới. 18 Mọi việc này đều bởi Chúa Trời, Ngài đã cho chúng ta nhờ đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. 19 Thật vậy, Chúa Trời ở trong đấng Christ, làm cho thế gian hòa thuận với Ngài, không kể tội lỗi của loài người nữa, và Ngài đã giao phó đạo lý giảng hòa cho chúng ta. 20 Vậy chúng ta là sứ giả của đấng Christ, như thể Chúa Trời bởi chúng ta mà khuyên bảo. Chúng ta nhân danh đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Chúa Trời.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng Chúa Giê-su đã chịu chết vì tội lỗi của loài người hầu cho những người còn sống không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Chúa đã chịu chết và đã sống lại. Từ nay trở đi ta nhận biết Chúa Giê-su theo tâm linh, chứ không phải theo xác thịt nữa. Nếu ai ở trong đấng Christ, thì người ấy là một người mới.

Dấu hiệu của một người mới trong đấng Christ là người ấy không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Chúa. Mà một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính là một người mới trong đấng Christ. Bởi vậy sự chết của Chúa Giê-su Christ là để dựng nên một loại người mới, đặc tính của loại người mới này là họ không sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Chúa.

Mà đạo lý giảng hòa đã được giao phó cho loại người mới này. Chúa Trời Gia-vê sai loại người mới này vào thế gian để làm sứ giả của đấng Christ mà khuyên bảo người đời nên hòa thuận lại cùng Ngài.

Một người sứ giả của đấng Christ thì phải sống cho Chúa Giê-su Christ, chứ không sống cho chính mình nữa. Ấy là đức tính thứ năm của sứ giả của đấng Christ.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo danh hiệu “Sứ giả của đấng Christ”. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là sứ giả của đấng Christ, Chúa Trời Gia-vê sai chúng ta đi vào thế gian để khuyên bảo người đời nên hòa thuận với Ngài. Một người sứ giả của đấng Christ thì cần phải có năm đức tính:

  • Đức tính đầu tiên là ta chỉ dựa vào quyền năng của Chúa Trời, chỉ dẫn của Thánh Linh, ta chỉ nói về Chúa Giê-su Christ và Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chứ ta không dùng tài hùng biện hay trí khôn ngoan của loài người.
  • Đức tính thứ hai là chúng ta cần phải có một thái độ nhu mì.
  • Đức tính thứ ba là ta phải yêu thương tất cả các anh chị em Tín Đồ.
  • Đức tính thứ tư là ta sẵn sàng chịu khổ nạn vì cớ của Tin Lành.
  • Đức tính thứ năm là ta sống cho Chúa Giê-su Christ, chứ không sống cho chính mình nữa.

Nếu bạn có bạn bè thân thuộc chưa tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, bạn nên nhớ rằng họ là thù nghịch cùng Chúa Trời, nếu họ không ăn năn hối cải thì họ sẽ bị hư mất trong lửa hừng của địa ngục, bạn có trách nhiệm phải khuyên bảo họ nên hòa thuận với Chúa Trời.

Các bạn có muốn làm sứ giả của đấng Christ đi nài xin người đời hòa thuận với Chúa Trời không?

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church