Bài Giảng Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (4)
Chúa Giê-su Đến Để Hầu Hạ Và Làm Giá Chuộc Cho Nhiều Người
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Để kỷ niệm Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, hôm nay chúng ta học tập lời dạy của Chúa trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 20:28.
Ma-thi-ơ 20:28 28 Cũng như Con của loài người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta, và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.
Chúa Giê-su thường tự xưng mình là “Con của loài người.” Trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ “con của loài người” có nghĩa là “người”.
Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su nói rằng mục đích mà Chúa đến thế gian là để hầu hạ người ta và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.
Chúa Giê-su Hầu Hạ Người Ta Như Thế Nào?
Bạn có hề nghĩ rằng Chúa Giê-su hầu hạ bạn không? Khi Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta gọi Chúa Giê-su bằng Chúa, có nghĩa là chúng ta chấp nhận Chúa là người chủ của mình, còn chúng ta là tôi tớ của Chúa. Đáng lẽ chúng ta phải hầu hạ Chúa mới phải, nhưng Chúa nói rằng Chúa hầu hạ chúng ta. Bạn có thấy ngạc nhiên không?
Vậy Chúa Giê-su hầu hạ người ta như thế nào? Có phải là Chúa thường nấu cơm, dọn bạn, rửa chén, giặt áo quần cho các môn đồ không?
Không! Tân Ước Kinh Thánh không có ghi như vậy. Thật ra, Kinh Thánh ghi rằng các môn đồ thường sửa soạn bữa ăn cho Chúa.
Giăng 4:6 – 8 6 Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Vì đi đường mệt mỏi, Chúa Giê-su ngồi gần bên giếng. Lúc đó khoảng giờ thứ sáu. 7 Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Chúa Giê-su nói rằng: “Cho ta xin một chút nước uống.” 8 Vì các môn đồ của Chúa đã đi vào thành phố để mua đồ ăn.
Ma-thi-ơ 26:17 – 19 17 Vào ngày thứ nhất của lễ Bánh Không Men, các môn đồ đến hỏi Chúa Giê-su rằng: “Thầy muốn chúng tôi sửa soạn cho thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?” 18 Chúa đáp rằng: “Hãy đi vào thành đến nhà của một người kia, và nói cùng người rằng: ‘Thầy nói: Giờ ta đã gần; ta và các môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt Qua trong nhà ngươi.’” 19 Các môn đồ làm y như lời Chúa Giê-su đã dặn, và họ dọn bữa ăn lễ Vượt Qua.
Hai đoạn Kinh Thánh trên đều ghi rằng các môn đồ của Chúa Giê-su sửa soạn bữa ăn cho Chúa. Tình hình này thì hình như trái ngược với câu nói của Chúa trong Ma-thi-ơ 20:28.
Công Vụ Các Sứ Đồ 6:2 2 Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại và nói rằng: “Bỏ việc giảng dạy lời Chúa Trời để giúp việc hầu bạn là điều không nên làm.
Trong đoạn Kinh Thánh này, mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su tuyên bố một cách rõ ràng minh bạch rằng không nên bỏ việc giảng dạy lời Chúa Trời để giúp việc hầu bạn.
Bởi vậy chúng ta thấy rằng câu nói của Chúa mang một ý nghĩa rất sâu xa, chúng ta không nên chỉ hiểu theo nghĩa đen của từng chữ.
Bối Cảnh Của Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 20:28
Để tìm hiểu ý nghĩa trong câu nói của Chúa Giê-su, chúng ta phải nhìn vào bối cảnh của đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 20:28.
Ma-thi-ơ 20:17 – 19 17 Trong khi Chúa Giê-su đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Chúa đem riêng mười hai môn đồ ra, và dọc đường Chúa nói cùng họ rằng: 18 “Này, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con của loài ngườ người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật, họ sẽ lên án tử hình người. 19 Họ sẽ nộp người cho dân ngoại hầu để chế nhạo, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; và đến ngày thứ ba, người sẽ sống lại.”
Từ ngữ “dân ngoại” là chỉ về những người không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su. Chúa Giê-su biết trước rằng tại Giê-ru-sa-lem, mình sẽ bị nộp và bị đóng đinh trên thập giá, rồi đến ngày thứ ba mình sẽ được sống lại. Chúa nói cho mười hai môn đồ biết trước về những chuyện này.
Sau khi các môn đồ nghe lời này, họ phản ứng ra sao?
Ma-thi-ơ 20:20 – 24 20 Rồi mẹ của các con trai của Xê-bê-đê cùng các con mình đến quì xin Chúa Giê-su một chuyện. 21 Chúa nói rằng: “Bà muốn gì?” Bà nói rằng: “Xin cho hai con trai tôi đây, một đứa ngồi bên hữu, một đứa bên tả Chúa trong nước của Chúa.” 22 Chúa Giê-su nói rằng: “Các ngươi không hiểu điều mình xin. Các ngươi có thể uống chén mà ta sắp uống không?” Chúng nói rằng: “Chúng tôi uống được.” 23 Chúa nói rằng: “Các ngươi sẽ uống chén ta, nhưng ngồi bên hữu và bên tả ta, thì không phải tự ta cho được; ấy là cho những người mà Cha ta đã sửa soạn.” 24 Nghe vậy mười môn đồ kia giận hai anh em.
Con trai của Xê-bê-đê tức là Giăng và Gia-cơ (Mác 3:17 17 Gia-cơ con của Xê-bê-đê, và Giăng em của Gia-cơ, Chúa đặt tên hai người là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét).
Chúa Giê-su vừa mới bảo các môn đồ rằng mình sẽ bị đóng đinh trên thập giá mà chết đi, nhưng các môn đồ hình như không để ý đến những điều Chúa nói. Không chừng Giăng và Gia-cơ cùng bà mẹ của họ nghĩ rằng sau khi Chúa sống lại thì Chúa sẽ là vua của nước Y-sơ-ra-ên, cho nên họ xin được ngồi ở bên hữu và bên tả của Chúa, bởi vì những người ngồi ở hai bên của ông vua thì có địa vị quyền thế rất cao.
Chúa hỏi Giăng và Gia-cơ rằng họ có thể uống chén của Chúa không? Hai người đều nói uống được.
Trong Kinh Thánh, từ ngữ “chén” thường dùng để chỉ những điều, cả phước lành và trình phạt, mà Chúa Trời sửa soạn cho chúng ta.
Thi Thiên 11:6 6 Ngài sẽ giáng trên kẻ ác những bẫy, lửa và diêm sinh và gió nóng sẽ là phần của chén chúng nó.
Trong đoạn Kinh Thánh Thi Thiên 11:6, “chén” là chỉ sự trừng phạt của Chúa Trời giáng trên kẻ ác.
Thi Thiên 23:5 – 6 5 Chúa sửa soạn một bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu trên đầu tôi; Chén tôi đầy tràn. 6 Quả thật, phước lành và sự thương xót sẽ theo tôi trọn đời; Tôi sẽ ở trong nhà của Gia-vê cho đến đời đời.
Còn trong đoạn Kinh Thánh Thi Thiên 23:5 – 6, “chén” là chỉ phước lành và sự thương xót của Chúa Trời giáng trên kẻ vừa lòng Ngài.
Khi Chúa Giê-su nói đến chén của mình trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 20:20 – 24, ấy là chỉ về khổ nạn và sự chết mà Chúa phải từng trải để thành tựu kế hoạch cứu chuộc loài người.
Chúa hỏi Giăng và Gia-cơ có thể uống chén của mình không, ấy là Chúa hỏi hai người có vui lòng chịu lấy khổ nạn thậm chí sự chết vì ơn cứu chuộc của loài người không. Khi hai người đều nói uống được, thì Chúa nói họ sẽ uống chén của Chúa, có nghĩa là họ sẽ chịu đựng khổ nạn thậm chí sự chết y như họ đã nói vậy. Còn việc ngồi ở hai bên của Chúa thì Chúa không thể tự ý ban cho họ, ấy là dành cho những người mà Chúa Trời Đức Gia-vê đã sửa soạn.
Khi các môn đồ khác thấy hai anh em Giăng và Gia-cơ cầu xin một điều như vậy, họ đều tức giận hai anh em này. Chúa Giê-su thấy mười hai môn đồ đều muốn giành lấy địa vị cao nhất, Chúa bèn giảng dạy một bài học thuộc linh cho họ.
Thái Độ Của Một Người Đầy Tớ
Ma-thi-ơ 20:25 – 28 25 Nhưng Chúa Giê-su gọi các môn đồ đến và nói rằng: “Các ngươi biết rằng các vua chúa của dân ngoại thống trị trên người dân, còn các quan lớn thi hành quyền lực trên họ. 26 Nhưng trong vòng các ngươi thì không phải như vậy; kẻ nào muốn làm lớn trong các ngươi thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; 27 còn kẻ nào muốn làm đầu thì sẽ làm nô lệ các ngươi. 28 Cũng như Con của loài người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta, và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.”
Chúa giải thích rằng trong vương quốc Chúa Trời thì khác với chế độ của thế gian. Trên thế gian, những người có quyền hành lớn thống trị trên người dân, những người ở địa vị thấp phải hầu hạ những kẻ ở địa vị cao. Nhưng trong vương quốc Chúa Trời thì trái ngược hẳn, kẻ nào muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ, làm nô lệ để hầu hạ mọi người. Chính Chúa Giê-su, Con của loài người đến không phải ngồi trên cao để được mọi người hầu hạ, nhưng Chúa đến để hầu hạ người ta, và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.
Chúa Giê-su có phải răn dạy các môn đồ cứ đi làm đầy tớ thì sẽ được làm đầu trong vương quốc Chúa Trời chăng? Không, không phải như vậy.
Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta quả thật cần phải giúp đợ hầu việc lẫn nhau, thí dụ: chồng tôi và tôi thường quét dọn giáo đường, dọn dẹp bàn ghế, hầu hạ người già cả v.v. Hầu việc lẫn nhau là tốt, nhưng điều quan trọng hơn là cần phải có thái độ của một người đầy tớ. Có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc tuy hầu việc trong hội thánh, nhưng tâm hồn của họ rất kiêu ngạo, họ muốn người khác làm theo ý của mình, họ không có thái độ của một người đầy tớ.
Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta cần phải có thái độ của một người đầy tớ nếu chúng ta muốn làm lớn trong vương quốc Chúa Trời.
Thái độ của một người đầy tớ là như thế nào?
Vui Lòng Tự Hạ Mình Xuống
Một người đầy tớ thì ở địa vị thấp hèn. Đầu tiên chúng ta phải vui lòng tự hạ mình xuống thấp hơn các anh chị em Tín Đồ.
Khi chúng ta tự hạ mình xuống thấp hơn các anh chị em, chúng ta coi các anh chị em là quan trọng hơn mình, lợi ích của họ là quan trọng hơn lợi ích của mình. Từ ngữ “lợi ích” là chỉ về lợi ích thuộc linh, chứ không phải tiền tài.
Thí dụ: Chồng tôi và tôi dùng nhiều thời gian để sửa soạn bài giảng, chúng tôi ráng giải thích lời Chúa Trời cho các anh chị em một cách rõ ràng dễ hiểu để giúp đỡ họ tăng trưởng trong cuộc sống thuộc linh. Khi chúng tôi sửa soạn các chương trình học tập hay hoạt động cho hội thánh, mục đích là để giúp các anh chị em tăng trưởng trong cuộc sống thuộc linh, chúng tôi sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện cho họ. Khi anh chị em nào nằm bịnh viện, nhất là những ông già bà cụ không biết tiếng Anh, chúng tôi đi làm phiên dịch cho họ. Có một lần chúng tôi phải trông nom hai đứa con cái của một gia đình của hội thánh, tại vì cô bé lớn nhất trong gia đình mắc bịnh nặng, ba má phải đi bịnh viện săn sóc cho cô bé, cho nên chúng tôi phải giúp đỡ họ và trông nom hai đứa con cái nhỏ trong nhà.
Chồng tôi và tôi từng làm việc chung với các mục sư khác và thầy cô truyền đạo khác. Nhiều lúc chúng ta cùng nhau bàn thảo kế hoạch của các chương trình, khi chúng ta có ý kiến khác nhau thì mỗi người đều sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình mà tiếp nhận ý kiến của người khác. Chúng ta sắp xếp các chương trình căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, chúng ta lựa chọn kế hoạch nào hữu ích cho cuộc sống thuộc linh của hội thánh, chứ không phải theo sở thích của mình.
Khi Chúa Giê-su sống trên thế gian này, Chúa không ngừng tự hạ mình xuống. Khi Giăng Báp-tít làm phép báp-tem cho người ta tại sông Giô-đanh, Chúa cũng đến để chịu Giăng làm phép báp-tem.
Ma-thi-ơ 3:13 – 17 13 Thế rồi Chúa Giê-su từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, để chịu Giăng làm phép báp-tem. 14 Nhưng Giăng ngăn cản Chúa rằng: “Chính tôi cần phải chịu ngươi làm phép báp-tem, mà sao ngươi lại đến cùng tôi?” Chúa Giê-su đáp rằng: 15 “Bây giờ cứ làm như vậy đi, vì chúng ta làm trọn vẹn mọi sự công nghĩa như thế là hợp lễ.”
Khi Chúa Giê-su đến để chịu Giăng làm phép báp-tem, Chúa tự hạ mình xuống thấp hơn Giăng. Chính Giăng cũng thấy khó mà chấp nhận điều này, người muốn ngăn cản Chúa, người nói rằng: “Chính tôi cần phải chịu ngươi làm phép báp-tem, mà sao ngươi lại đến cùng tôi?”. Nhưng Chúa đáp rằng: “Bây giờ cứ làm như vậy đi, vì chúng ta làm trọn vẹn mọi sự công nghĩa như thế là hợp lễ.” (Xin đọc bài giảng “Chúa Giê-su Chịu Phép Báp-tem” để hiểu rõ lời giải thích)
Chúa Giê-su cùng ăn cơm với tội nhân, làm quen với người thâu thuế, nói chuyện với một người đàn bà Sa-ma-ri, tha tội và dạy dỗ một người đàn bà tà dâm, chữa bịnh cho những người mắc bịnh phung và còn sờ một người bịnh phung nữa. Chúa tự hạ mình xuống đến địa vị của tội nhân với mục đích là để dạy dỗ họ. Nhưng hành động của Chúa bị những thầy tế lễ và các ông thầy dạy Luật coi là quái đản, họ khinh miệt Chúa.
Ban đêm trước khi Chúa Giê-su bị nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật, Chúa và các môn đồ ăn bữa Lễ Vượt Qua. Đương bữa ăn, Chúa đứng dậy đi rửa chân cho các môn đồ của mình (Giăng 13). Rửa chân là công việc của một tên nô lệ. Chúa Giê-su là chúa, là thầy, mà Chúa lại làm chuyện này cho môn đồ của mình. Mục đích của Chúa là để giảng dạy một bài học thuộc linh cho các môn đồ về thái độ khiêm nhường tự hạ mình xuống. Hành động của Chúa khiến bài học này ghi sâu vào trong tâm hồn của họ.
Khi Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, Chúa tự hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất trên thế gian này. Theo luật lệ của Đế Quốc La Mã thời đó, đóng đinh trên thập giá là loại tử hình dành cho những người phạm tội trầm trọng như tội phản nghịch lại chính phủ La Mã, tội sát nhân v.v. Bởi vậy khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, Chúa bị người đời coi là tên tội nhân phạm tội lỗi trầm trọng.
Hoàn Toàn Vâng Phục Chúa Trời Cho Đến Chết
Tại sao Chúa Giê-su phải tự hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất trên thế gian? Làm như vậy vì mục đích gì? Mục đích là vì ơn cứu chuộc của chúng ta.
Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 8 Dầu người là Con, người đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu, 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì người trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục người.
Cho dù Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời Đức Gia-vê, nhưng Chúa đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu. Trong khi Chúa tự hạ mình xuống, Chúa đã chịu đựng rất nhiều khốn khổ. Cho dù khốn khổ đến đâu đi nữa, Chúa luôn luôn vâng phục Chúa Trời, Chúa không hề phạm một tội lỗi nào cả. Sau cùng khi Chúa chịu chết trên thập giá, Chúa trở nên hoàn hảo trọn vẹn giống như Chúa Trời Đức Gia-vê vậy. Chỉ khi Chúa là hoàn hảo trọn vẹn rồi, Chúa mới trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục Chúa.
Đức tính thứ hai của một người đầy tớ tốt lành là hoàn toàn vâng phục người chủ của mình.
Công Vụ Các Sứ Đồ 3:13 13 Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã tôn vinh đầy tớ của Ngài là Chúa Giê-su, là đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Phi-lát trong khi người quyết định tha Chúa ra.
Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng: “Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã tôn vinh đầy tớ của Ngài là Chúa Giê-su”, vậy Chúa Giê-su là đầy tớ của Chúa Trời Đức Gia-vê.
Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27 27 Quả thật, Hê-rốt và Bô-xơ Phi-lát với các dân ngoại và dân Y-sơ-ra-ên đã nhóm họp tại thành này để chống nghịch lại đầy tớ thánh của Ngài là Chúa Giê-su mà Ngài đã xức dầu cho,
Này là lời cầu nguyện của các môn đồ. Chữ “Ngài” là chỉ về Chúa Trời Đức Gia-vê. Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng: “đầy tớ thánh của Ngài là Chúa Giê-su mà Ngài đã xức dầu cho”, vậy Chúa Giê-su là đầy tớ của Chúa Trời.
Hai đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 3:13 và Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27 chỉ ra rằng Chúa Giê-su là đầy tớ của Chúa Trời Đức Gia-vê.
Chúa vui lòng từ bỏ ý của mình để làm tròn ý chỉ của Chúa Trời, Chúa hoàn toàn vâng phục Chúa Trời cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá.
Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Nhưng không theo ý Con, mà theo ý Cha.”
Ma-thi-ơ 26:42 42 Chúa lại đi lần thứ hai và cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên.”
Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, Chúa đi vào vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện. Chúa cầu xin Đức Cha trên trời lấy chén này lìa khỏi mình. Chữ “chén” ở đây chỉ về khổ nạn mà Chúa phải chịu lấy. Chúa không phải sợ đau đớn trên thân thể hay là sự chết của thân thể, Chúa sẵn sàng nhận lấy những điều này, nhưng chuyện đau khổ nhất là Chúa phải mang lấy hết thảy tội lỗi của loài người, Chúa phải trở nên tội lỗi vì chúng ta.
2 Cô-rinh-tô 5:21 21 Chúa Trời đã làm cho đấng vốn chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời ở trong người.
Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 5:21 chỉ ra rằng Chúa Giê-su là đấng vốn chẳng nhận biết tội lỗi, Chúa Trời đã làm cho Chúa trở nên tội lỗi vì chúng ta.
Loài người chúng ta có bao nhiêu tội lỗi trong lòng, chúng ta không thấy sự ghê tởm của tội lỗi, ấy là tựa như một người sống trong hoàn cảnh dơ bẩn thì không thấy sự dơ bẩn của mình. Nhưng giả tỉ một người ăn mặc sạch sẽ bị té xuống một cái lỗ mà lấm bùn cả thân thể thì người đó thấy đau khổ khó chịu vô cùng. Tương tự như vậy, Chúa Giê-su không hề phạm một tội lỗi nào cả, nhưng Chúa phải mang lấy hết thảy tội lỗi của loài người, Chúa phải trở nên tội lỗi vì chúng ta, ấy là điều đau khổ nhất cho Chúa. Chúa cầu xin Đức Cha cho chén này lìa khỏi mình, nhưng ngay lập tức Chúa nói rằng không phải theo ý của mình, mà theo ý của Cha (Ma-thi-ơ 26:39). Khi Chúa cầu nguyện lần thứ hai, Chúa sẵn sàng vâng phục ý chỉ của Đức Cha: “xin ý Cha được nên” (Ma-thi-ơ 26:42).
Chính là qua bao nhiêu khốn khổ mà Chúa Giê-su đã học tập sự vâng phục và trở nên hoàn hảo trọn vẹn, rồi Chúa trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục Chúa, Chúa có thể làm giá chuộc cho nhiều người.
Tại sao Chúa Giê-su phải là hoàn hảo trọn vẹn rồi Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta?
Căn cứ theo Luật Pháp trong Kinh Thánh, tất cả các của lễ hiến dâng cho Chúa Trời phải là không tì vết.
Lê-vi Ký 1:3 3 Nếu lễ vật của người là của lễ thiêu bằng bò, thì phải dùng con đực không tì vết, dâng lên tại cửa hội mạc, trước mặt Gia-vê, để được Ngài đẹp lòng nhận lấy.
Lê-vi Ký 4:3 3 Nếu thầy tế lễ chịu xức dầu rồi mà phạm tội, và vì cớ đó gây cho dân chúng phải mắc tội, người phải dâng cho Gia-vê một con bò tơ không tì vết để làm của lễ chuộc tội vì tội mình đã phạm,
Lê-vi Ký 4:23 23 khi người ấy nhận thấy tội lỗi mình đã phạm, thì người phải đem một con dê đực không tì vết để làm của lễ cho mình.
Chúa Giê-su hiến dâng sự sống của mình để chuộc tội cho chúng ta. Xin các bạn để ý điểm này, Chúa Giê-su không phải là của lễ chuộc tội, Chúa là cao hơn của lễ chuộc tội.
Căn cứ theo Luật Pháp trong Kinh Thánh, chỉ khi người ta vô tình lầm lỡ phạm tội thì có thể hiến dâng của lễ chuộc tội và người ấy sẽ được tha tội. Còn những người phạm tội mưu sát hay tội tà dâm thì không có tế lễ chuộc tội cho họ. Tại vì khi một người lập mưu giết hại người khác thì ấy không phải là vô tình lầm lỡ phạm tôi. Hai người nam nữ phải sắp xếp hoàn cảnh thuận tiện rồi mới có thể phạm tội tà dâm, đó thì chắc không phải là vô tình lầm lỡ phạm tội. Khi họ lập mưu phạm tội thì không có tế lễ chuộc tội cho họ. Những người phạm tội mưu sát thì bị xử tử hình, còn những nam nữ phạm tội tà dâm thì bị lém đá mà chết.
Nhưng khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su và vâng phục Chúa, hết thảy tội lỗi của chúng ta đều được tha thứ, ngay cả những người phạm tội mưu sát hay tội tà dâm cũng được tha thứ. Cho nên Chúa Giê-su là cao hơn của lễ chuộc tội trong Luật Pháp của Kinh Thánh.
Nếu của lễ chuộc tội cho những người vô tình lầm lỡ phạm tội phải là không tì vết, mà Chúa Giê-su là cao hơn của lễ chuộc tội, cho nên Chúa phải là hoàn hảo trọn vẹn rồi mới có thể trở nên nguồn gốc cứu chuộc cho những người vâng phục Chúa.
Bài Học Thuộc Linh Cho Tín Đồ Cơ Đốc Chúng Ta
Bây giờ chúng tôi tổng hợp lại tất cả những điểm đã giải thích ở trên để có một quan điểm toàn diện.
Chúa Giê-su đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và làm giá chuộc cho nhiều người.
Trong vương quốc Chúa Trời, người nào muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ cho người ta. Thái độ của một người đầy tớ là:
Khi Chúa Giê-su sống trên thế gian, Chúa không ngừng tự hạ mình xuống đến chỗ ngày càng thấp hèn. Khi Chúa chịu chết trên thập giá, Chúa hạ xuống đến chỗ thấp hèn nhất trên thế gian. Mục đích của Chúa là học tập vâng phục qua các khốn khổ trong quá trình tự hạ mình xuống. Khi Chúa vâng phục Chúa Trời cho đến chết trên thập giá, Chúa trở nên hoàn toàn trọn vẹn rồi, và Chúa trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc cho những người vâng phục Chúa, Chúa có thể làm giá chuộc cho nhiều người.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church