Bài Giảng Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (5)
Không Theo Ý Muốn Của Con Mà Theo Ý Muốn Của Cha
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Vài năm về trước, ở trên mạng tôi thấy một bài giảng luận của một thầy giáo sĩ người Tây Phương. Ông này nói rằng Chúa Giê-su không muốn chết và Chúa nài xin Đức Cha miễn đi hình phạt bị đóng đinh trên thập giá. Khi tôi thấy một thầy giáo sĩ lại viết những lời như vậy, tôi rất kinh ngạc và đau lòng. Nhiều đọc giả viết mail để bày tỏ cảm nghĩ của mình, tôi cũng viết một lá mail ngắn vài hàng để bày tỏ ý kiến của tôi.
Bây giờ chúng ta sẽ tra khảo lời trong Kinh Thánh để tìm giải đáp cho câu hỏi này: Chúa Giê-su có phải sợ chết không? Chúa có phải nài xin Đức Cha miễn cho mình khỏi bị đóng đinh trên thập giá không?
Tại Sao Người Ta Lại Nói Rằng Chúa Giê-su Sợ Chết ?
Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, Chúa đến vườn Ghết-sê-ma-nê. Chúa đã biết trước rằng mình sẽ bị bắt, rồi bị đánh đập làm nhục, sau cùng bị đóng đinh trên thập giá mà chết đi. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa cầu nguyện với Chúa Trời Đức Gia-vê:
Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con, nhưng không theo ý muốn con mà theo ý muốn Cha.”
Ma-thi-ơ 26:42 42 Chúa lại đi lần thứ hai và cầu nguyện rằng: “Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi được mà con phải uống thì xin ý Cha được nên.”
Ngoài ra còn có hai đoạn Kinh Thánh khác với ý nghĩa tương tự như vậy là: Mác 14:36 và Lu-ca 22:42.
Xin để ý chữ “chén” trong Ma-thi-ơ 26:39 và Ma-thi-ơ 26:42. Trong Kinh Thánh, “chén” thường dùng để chỉ về phần do Chúa Trời ban cho, đó có thể là phước lành hoặc hình phạt của Ngài.
Thi Thiên 16:5 5 Gia-vê là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi.
Trong đoạn Kinh Thánh trên Thi Thiên 16:5, “chén” là chỉ phước lành do Chúa Trời ban cho.
Ê-sai 51:17 17 Hãy thức dậy, thức dậy! Hãy đứng lên, hỡi Giê-ru-sa-lem, ngươi đã uống say chén thịnh nộ từ tay Gia-vê; Ngươi đã uống chén làm cho ngả nghiêng, uống cho tới cặn.
Khải Huyền 14:10 10 thì người ấy cũng sẽ uống rượu thịnh nộ của Chúa Trời rót trong chén nguyên chất thịnh nộ của Ngài; và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con.
Trong 2 đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 51:17 và Khải Huyền 14:10, “chén” là chỉ thạnh nộ hình phạt của Chúa Trời.
Còn trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 26:39 và Ma-thi-ơ 26:42, rất hiển nhiên chữ “chén” là chỉ về thịnh nộ hình phạt của Chúa Trời, tại vì Chúa Giê-su cầu xin Đức Cha cho chén này lìa khỏi mình. Chính vì vậy mà người ta nói rằng Chúa Giê-su sợ chết mà không muốn bị đóng đinh trên cây thập giá.
Chúa Giê-su Sẵn Sàng Đi Lên Giê-ru-sa-lem Để Chịu Chết
Nhưng căn cứ theo những lời dạy của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Chúa không hề sợ chết.
Ma-thi-ơ 20:17 – 19 17 Trong khi Chúa Giê-su đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Chúa đem riêng mười hai môn đồ ra, và dọc đường Chúa nói cùng họ rằng: 18 “Này, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con của loài ngườ người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật, họ sẽ lên án tử hình người. 19 Họ sẽ nộp người cho dân ngoại hầu để chế nhạo, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; và đến ngày thứ ba, người sẽ sống lại.”
Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng trên đường đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Chúa nói cùng các môn đồ rằng mình sẽ bị bắt, rồi bị các dân ngoại (tức là những người không tin vào Chúa Trời) chế nhạo, đánh đập, và đóng đinh trên cậy thập tự. Chúa biết trước những việc này sẽ xảy ra, nhưng Chúa không hề do dự gì cả.
Ma-thi-ơ 20:28 28 Cũng như Con của loài người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta, và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.
Chúa Giê-su nói rằng mình đến là để hầu hạ người ta và hiến dâng sự sống của mình để làm giá chuộc cho nhiều người.
Hai đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không hề sợ chết, Chúa sẵn sàng đi lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết hầu cho cứu chuộc chúng ta.
Ma-thi-ơ 16:21 – 23 21 Từ đó, Chúa Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đồ biết rằng mình phải đi lên thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả cùng các thầy dạy Luật, và bị giết, đến ngày thứ ba sẽ được sống lại. 22 Phi -e-rơ đem Chúa riêng ra và khuyên rằng: “Hỡi Chúa, Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” 23 Nhưng Chúa quay lại và nói cùng Phi-e-rơ rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm cản trở vấp phạm ta; vì ngươi không nghĩ đến việc Chúa Trời, mà nghĩ đến việc của loài người.”
Khi Chúa Giê-su nói cho các môn đồ biết rằng mình sẽ chịu nhiều khốn khổ và sau cùng bị giết ở thành Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ nói rằng việc này sẽ không xảy đến cho Chúa. Ngay lập tức Chúa khiển trách Phi-e-rơ, Chúa thậm chí gọi Phi-e-rơ là “Sa-tan”, tại vì người chỉ nghĩ đến việc của loài người mà không nghĩ đến việc của Chúa Trời.
Bởi vậy có lẽ gì mà bất thình lình Chúa lại sợ chết và nài xin Đức Cha miễn đi hình phạt này?
Tại Sao Chúa Giê-su Cầu Xin Đức Cha Cho Chén Đó Lìa Khỏi Mình?
Nếu Chúa Giê-su không phải sợ chết, thì tại sao Chúa lại cầu xin Đức Cha cho chén đó lìa khỏi mình trong lời cầu nguyện ở Ma-thi-ơ 26:39?
Tại vì Chúa không muốn tách rời khỏi Đức Cha. Khi Chúa chịu chết trên thập giá thì Chúa phải tách rời khỏi Đức Cha.
Ma-thi-ơ 27:46 46 Khoảng giờ thứ chín, Chúa Giê-su kêu lên lớn tiếng rằng: “Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”
Ma-thi-ơ 27:50 50 Chúa Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn.
Hai đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng trước khi Chúa Giê-su trút linh hồn, Chúa kêu lên lớn tiếng rằng tại sao Chúa Trời lìa bỏ mình. Vậy chúng ta biết rằng khi Chúa chết, Chúa tách rời khỏi Đức Cha.
Suốt cuộc sống của Chúa Giê-su trên thế gian này, Chúa Trời Đức Gia-vê luôn ở cùng với Chúa, vì Chúa luôn làm việc đẹp lòng Ngài.
Giăng 8:29 29 Ðấng sai ta đến là ở cùng với ta, Ngài chẳng để ta ở một mình, vì ta luôn làm sự đẹp lòng Ngài.
Nhưng tại sao Chúa Giê-su phải rời khỏi Đức Cha khi Chúa chết trên thập giá? Cho dù thân thể của Chúa chết đi, nhưng linh của Chúa vẫn có thể ở cùng với Chúa Trời, tại sao linh của Chúa phải rời khỏi Chúa Trời?
2 Cô-rinh-tô 5:21 21 Chúa Trời đã làm cho đấng vốn chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời ở trong người.
Đoạn Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 5:21 nói rằng Chúa Giê-su trở nên tội lỗi vì chúng ta.
Khi nào Chúa trở nên tội lỗi? Chính là khi Chúa chịu chết trên thập giá, Chúa trở nên tội lỗi. Mà hậu quả của tội lỗi là chết, Chúa phải đi vào trong cõi chết. Chẳng những thân thể của Chúa chết trên thập giá, mà linh hồn của Chúa cũng đi vào trong cõi chết.
Mà Chúa Trời là Đấng bất diệt:
1 Ti-mô-thê 1:17 17 Nguyện Vua muôn đời, bất diệt, không thấy được, là Chúa Trời duy nhất được tôn kính và vinh quang đời đời. A-men.
Đấng bất diệt có nghĩa là Đấng không chết được, mà Chúa Giê-su lại phải đi vào trong cõi chết, cho nên Chúa phải rời khỏi Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm ở trên. Chúa Giê-su sẵn sàng chịu chết để làm giá chuộc cho nhiều người, Chúa không hề sợ chết. Khi Chúa cầu xin Đức Cha cho chén đó lìa khỏi mình, Chúa không phải sợ chết, nhưng Chúa không muốn lìa khỏi Đức Cha. Tại vì khi Chúa chịu chết trên thập giá, Chúa trở nên tội lỗi vì chúng ta. Hậu quả của tội lỗi là chết, chẳng những thân thể của Chúa chết đi, mà cả linh hồn của Chúa cũng phải đi vào trong cõi chết, mà Chúa Trời là Đấng bất diệt, tức là không chết được. Bởi vậy Chúa phải lìa khỏi Đức Cha khi Chúa chết đi.
Đức Cha và Chúa Giê-su Vui Lòng Chịu Phân Ly Để Thành Tựu Ơn Cứu Chuộc Của Chúng Ta
Tình yêu thương giữa Đức Cha và Chúa Giê-su rất nồng hầu, lìa khỏi Đức Cha là điều đau đớn vô cùng đối với Chúa. Hơn nữa, chính Đức Cha cũng phải chịu đau đớn vô cùng, vì Ngài phải lìa khỏi Con một của Ngài.
Trong 2 đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 26:39 và Ma-thi-ơ 26:42, sau khi Chúa Giê-su cầu xin Đức Cha để chén đó lìa khỏi mình thì ngay lập tức Chúa nói rằng: “nhưng không theo ý muốn con mà theo ý muốn Cha,” và “Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi được mà con phải uống thì xin ý Cha được nên.” Vì ơn cứu chuộc của chúng ta mà Chúa Trời Đức Gia-vê phải cho Con một lừa khỏi mình, và Chúa Giê-su vui lòng vâng phục Đức Cha mà lìa khỏi Ngài.
Có người nói rằng: “Chỉ phân ly ba ngày thôi, có chi đâu? Vào ngày thứ ba thì Chúa Giê-su được sống lại, và Chúa lại được ở cùng với Đức Cha rồi.”
Hỡi các bạn ơi, kế hoạch cứu chuộc loài người không phải dễ dàng như vậy đâu!
Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:1 1 Ngươi không được dâng cho Gia-vê Chúa Trời ngươi một con bò đực hay con chiên có tì vết hay khuyết tật, vì đó là một sự ghê tởm cho Gia-vê Chúa Trời ngươi.
Đoạn Kinh Thánh Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:1 chỉ ra rằng tất cả những của lễ hiến dâng cho Chúa Trời Đức Gia-vê phải là không tì vết, hoàn toàn.
Bởi vậy khi Chúa Giê-su hiến dâng chính mình để cứu chuộc chúng ta, Chúa phải là hoàn toàn trọn vẹn.
Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 8 Dầu người là Con, người đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu, 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì người trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục người.
Đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 chỉ ra rằng Chúa Giê-su phải từng trải bao nhiêu khốn khổ, rồi mới được làm nên trọn vẹn, và trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những người vâng phục Chúa.
Từ lúc Chúa Giê-su 13 tuổi, tức là tuổi thành niên căn cứ theo Luật Pháp, cho đến khi Chúa chịu chết trên thập giá, trong suốt quá trình này nếu Chúa có phạm bất cứ một tội lỗi nho nhỏ nào cả, thì Chúa không thể cứu chuộc chúng ta.
Khi Chúa Giê-su chết đi trên thập giá, nếu cuộc sống của Chúa quả thật là hoàn toàn trọn vẹn thì Chúa Trời mới vui lòng nhận lấy của lễ hiến dâng này, và kế hoạch cứu chuộc được thành tựu, rồi Ngài cho Chúa Giê-su sống lại và Chúa trở nên Cứu Chúa của nhân loại. Ngược lại, trong cuộc sống của Chúa Giê-su, nhất là vào những giờ phút bị đánh đập, làm nhục và đau khó, nếu Chúa có phạm một tội lỗi nho nhỏ, thì Chúa không phải là hoàn toàn trọn vẹn nữa, và Chúa Trời không nhận lấy của lễ hiến dâng có tì vết, vậy thì kế hoạch cứu chuộc sẽ thất bại. Trong trường hợp này, Chúa Giê-su không được phục sinh, Chúa không thể trở nên Cứu Chúa của nhân loại, và Chúa không được tái hợp với Đức Cha!
Phương Cách Tốt Nhất Để Kỷ Niệm Đau Đớn Và Sự Chết Của Chúa Giê-su Christ
Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su yêu thương lẫn nhau rất nồng hầu, nhưng vì sự cứu chuộc của chúng ta, Chúa Trời vui lòng lìa bỏ đứa Con duy nhất của Ngài, Chúa Giê-su vui lòng lìa bỏ Đức Cha và đi vào cõi chết.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, chúng ta nên noi theo gương mẫu của Đức Cha trên trời và Chúa Giê-su Christ, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích thuộc linh của người khác, chúng ta vui lòng hiến dâng cuộc sống của mình để cứu chuộc người đời. Đó chính là cách tốt nhất để kỷ niệm đau đớn và sự chết của Chúa Giê-su trên thập giá.
Xin các bạn để ý, sự hy sinh của chúng ta thì rất khác biệt với sự hy sinh của Chúa Trời và Chúa Giê-su. Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su phải phân ly vì ơn cứu chuộc của chúng ta, nhưng khi chúng ta hiến dâng cuộc sống của mình vì ơn cứu chuộc của người khác thì chúng ta không có rời khỏi Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ. Ngược lại, khi chúng ta vui lòng làm như vậy thì Đức Cha trên trời và Chúa Giê-su Christ rất gần gủi với ta, vì ấy là điều làm đẹp lòng Ngài.
Giăng 8:29 29 Ðấng sai ta đến là ở cùng với ta, Ngài chẳng để ta ở một mình, vì ta luôn làm sự đẹp lòng Ngài.
Ma-thi-ơ 28:18 – 20 18 Chúa Giê-su đến gần và bảo các môn đồ rằng: “Tất cả quyền năng ở trên trời và trên trái đất đều đã giao cho ta. 19 Vậy hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đồ, hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con, và Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta hằng ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”
Chúa Giê-su hứa rằng khi chúng ta đi rao giảng Tin Lành, khiến muôn dân trở thành môn đồ của Chúa, dạy họ vâng giữ tất cả mọi điều răn của Chúa thì Chúa hằng ở cùng với ta luôn cho đến tận thế. Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su không bao giờ lìa bỏ ta.
Từ năm 1989, chồng tôi và tôi từ bỏ danh vọng và tiền tài trên đời này, chúng tôi đi rao truyền Tin Lành của vương quốc Chúa Trời tại nhiều nơi trên thế giới. Suốt 27 năm nay, Chúa Trời cung cấp mọi điều cần thiết cho chúng tôi, và chúng tôi còn có dư dật để giúp đỡ những kẻ nghèo khổ. Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su luôn ở cùng với chúng tôi để dìu dắt và yên ủi chúng tôi. Có điều gì quí giá hơn sự đồng tại của Đức Cha và tình yêu thương của Ngài?
Mi-chê 6:8 8 Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; Điều mà Gia-vê đòi hỏi ngươi há chẳng phải là làm sự công nghĩa, yêu sự nhân từ và bước đi một cách khiêm nhường cùng với Chúa Trời ngươi sao?
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church