Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (4)
Ví Dụ Của Hột Giống
Mác 4:26-29
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Trong mấy kỳ vừa rồi, chúng ta đã tra khảo hai ví dụ trong Ma-thi-ơ: “Ví dụ của người gieo giống” và “Ví dụ của cỏ lồng vực”. Hôm nay chúng ta tra khảo một ví dụ trong Mác.
Mác 4:26-29 26 Chúa lại nói rằng: “Nước Chúa Trời tựa như một người gieo giống xuống đất; 27 người ngủ hay thức, đêm và ngày, hột giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết nó mọc lên thể nào. 28 Vì đất tự sinh ra quả: ban đầu là cây, kế đến bông, rồi bông kết thành hột. 29 Khi quả đã chín, người liền tra liềm lưỡi vào, vì mùa gặt đã đến.”
Trong ví dụ này Chúa Giê-su giảng dạy về một khía cạnh khác của nước Chúa Trời.
Người Gieo Giống Là Tượng Trưng Cho Tín Đồ Cơ Đốc Đi Truyền Giảng Tin Lành Trên Thế Gian
Bây giờ để chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của ví dụ này. Đầu tiên người gieo giống này là tượng trưng cho ai? Có phải là tượng trưng cho Chúa Giê-su không?
Trong ví dụ của cỏ lồng vực, chính Chúa Giê-su là người gieo giống (Xin đọc bài giảng “Ví Dụ Của Cỏ Lồng Vực”), nhưng trong ví dụ này thì người gieo giống không phải là Chúa, tại sao?
Câu Kinh Thánh Mác 4:27 ghi rằng: “người ngủ hay thức, đêm và ngày, hột giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết nó mọc lên thể nào”, người gieo giống này không biết hột giống sinh trưởng như thể nào.
Mà hột giống là tượng trưng cho lời của Chúa Trời, và đất là tượng trưng cho tấm lòng của người ta (Xin đọc 2 bài giảng “Ví Dụ Của Người Gieo Giống (1) và (2)” để biết rõ lời giải thích về điểm này).
Người gieo giống trong Mác 4:26-29 không biết hột giống mọc lên như thể nào, có nghĩa là người này không biết lời của Chúa Trời đã gieo vào trong lòng của người ta sẽ trưởng thành như thể nào.
Nhưng Chúa Giê-su thấu hiểu tấm lòng của loài người.
Giăng 2:24-25 24 Nhưng Chúa Giê-su chẳng phó thác mình cho họ, vì Chúa nhận biết tất cả mọi người. 25 Chúa không cần ai làm chứng về người nào, tại vì Chúa nhận biết mọi điều trong lòng người ta.
Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Giê-su hiểu rõ tâm hồn của loài người, nhưng người gieo giống trong Mác 4:26-29 thì không biết lời của Chúa Trời sẽ trưởng thành như thế nào trong tâm hồn của người nghe, cho nên người gieo giống này không phải tượng trưng cho Chúa Giê-su.
Vậy người gieo giống này là tượng trưng cho các Tín Đồ Cơ Đốc đi truyền giảng Tin Lành cho người đời trên thế gian.
Chúng Ta Phải Vâng Phục Toàn Bộ Lời Của Chúa Trời Thì Lời Của Ngài Mới Có Thể Trưởng Thành Và Kết Quả Trong Tâm Hồn Ta
Tại sao người gieo giống này không biết hột giống mọc lên như thể nào? Câu Kinh Thánh Mác 4:27 ghi rằng: “người ngủ hay thức, đêm và ngày, hột giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết nó mọc lên thể nào,” vậy có phải là sau khi người này gieo giống xuống đất rồi thì người cứ đi nằm ngủ, cho nên người không biết hột giống mọc lên như thể nào chăng?
Lẽ dĩ nhiên là không! Người làm ruộng thì chịu khó làm việc lắm, người phải tưới nước, phải đuổi đàn chim trời đi, phải nhổ cỏ dại v.v. Người này không phải chỉ nằm ngủ thôi.
Sở dĩ đoạn Kinh Thánh trên không có nói về những công việc người đã làm, mà lại nói rằng người không biết hột giống nẩy chồi mọc lên như thể nào, ấy là tại vì những việc người làm không phải là nguyên nhân chính khiến hột giống sinh sôi nẩy nở.
Chúng ta đồng ý rằng những công việc người nông dân làm chẳng hạn như: tưới nước, nhổ cỏ dại v.v. thì cũng quan trọng lắm, nhưng nhiều khi cho dù người nông dân làm việc rất siêng năng để săn sóc hột giống, nhưng hột giống vẫn không trưởng thành được, rồi nó dần dần chết đi. Những người làm ruộng đều từng kinh lịch những chuyện như vậy. Hết thảy những công việc người nông dân làm tuy rất quan trọng và rất tốt, nhưng ấy không phải là nguyên nhân chính trong việc sinh sôi nảy nở của hột giống.
Tại sao hột giống có thể nẩy chồi mọc lên? Tại vì hột giống có sức sống ở bên trong. Giả tỉ chúng ta rang hột giống cho đến khô đi, thì hột giống không còn sức sống nữa, nó đã chết đi rồi. Cho dù ta gieo nó xuống đất đai tốt nhất, nó cũng không nẩy nở được.
Về một mặt khác, nếu chúng ta để hột giống trên bàn, ta không gieo nó xuống đất, thì cho dù hột giống này là tốt nhất trên thế giới, nó vẫn không thể trưởng thành.
Hơn nữa đất đai cũng phải thích hợp với hột giống, nếu đất đai không thích hợp với loại giống đó thì hột giống cũng không nẩy nở được. Thí dụ: Có những cây cối chỉ có thể sinh trưởng ở Á Châu, nhưng có một số cây khác chỉ có thể sinh trưởng ở Âu Châu, có một số cây cối chỉ có thể sống ở miền ấm áp ẩm ướt, nhưng cũng có một số cây cối chỉ có thể sống ở miền khô và lạnh v.v.
Bởi vậy muốn cho hột giống nẩy nở kết quả thì hột giống và đất đai phải phối hợp với nhau. Ở phần trên chúng ta đã thấy rằng hột giống là tượng trưng cho lời của Chúa Trời, và đất đai là tượng trưng cho tấm lòng của người ta, vậy có nghĩa là tấm lòng của ta phải phối hợp với lời của Chúa Trời.
Lời của Chúa Trời thì chắc có sức sống hùng mạnh, nhưng tấm lòng của ta có chịu tiếp nhận lời của Ngài không? Hay nói một cách khác, chúng ta có vui lòng vâng phục lời của Ngài không?
Có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc chỉ đọc những đoạn Kinh Thánh họ thích thôi, họ thích những đoạn Kinh Thánh nói về Chúa Trời ban phước lành, nhưng họ không đọc những đoạn nói về vâng giữ điều răn của Ngài, và lẽ dĩ nhiên họ cũng không muốn vâng giữ lời của Ngài. Cũng có những người Tín Đồ Cơ Đốc chỉ vâng giữ một phần lời dạy của Chúa Trời, chứ không phải toàn bộ lời dạy trong Kinh Thánh. Hỡi các anh chị em Tín Đồ, nếu chúng ta chỉ vâng giữ một phần lời dạy của Chúa Trời, thì có nghĩa là chúng ta nghịch với phần còn lại, như vậy vẫn là phản nghịch lại Kinh Thánh! Bởi vậy khi nói đến vâng phục lời dạy của Chúa Trời thì phải vâng phục toàn bộ lời dạy trong Kinh Thánh, chứ không phải chỉ một phần thôi!
Nếu chúng ta không vâng phục toàn bộ lời của Chúa Trời thì lời của Ngài sẽ không sinh ra quả, vậy cho dù lời của Ngài gieo vào trong lòng ta nhưng tâm hồn ta không có biến đổi gì hết. Tình trạng này là tương tự như đất đai không thích hợp với hột giống thì hột giống không nẩy nở kết quả vậy.
Ngược lại nếu chúng ta vâng phục toàn bộ lời dạy của Chúa Trời thì lời của Ngài sẽ sinh ra quả từ tâm hồn của ta. Hỡi các bạn ơi, sinh quả là rất mực quan trọng trong sự cứu chuộc của ta.
Khi Chúng Ta Có Sinh Quả Thì Ta Mới Được Nhận Vào Sự Sống Đời Đời
Câu Kinh Thánh Mác 4:29 ghi rằng: “Khi quả đã chín, người liền tra liềm lưỡi vào, vì mùa gặt đã đến.” Chỉ khi cái quả đã chín rồi thì người nông dân mới tra liềm lưỡi vào để gặt hái.
Trong Kinh Thánh, sự gặt hái là tượng trưng cho nhận vào nước Thiên Đàng để hưởng sự sống đời đời.
Giăng 4:35-36 35 Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Nhưng ta nói với các ngươi: “Hãy ngước mắt lên và xem, đồng lúa đã chín vàng, sẵn cho mùa gặt. 36 Thợ gặt đã lãnh tiền công và thâu chứa thành quả vào sự sống đời đời, hầu cho người gieo và kẻ gặt được cùng nhau vui vẻ.”
Đoạn Kinh Thánh này là lời của Chúa Giê-su. Khi đồng lúa đã chín rồi, người ta mới gặt hái và chứa vào kho tàng, mà thâu chứa thành quả vào kho tàng là tương đương với nhận vào sự sống đời đời. Các bạn thấy kết quả là quan trọng đến dường nào chưa?
Khi chúng ta được nghe lời của Chúa Trời, nếu ta không muốn tiếp nhận lời của Ngài thì ta chắc không được cứu chuộc. Nếu chúng ta muốn được cứu chuộc thì đầu tiên ta phải tiếp nhận lời của Ngài vào trong lòng ta. Nhưng có phải là sau khi ta tiếp nhận lời của Ngài thì ngay lập tức ta được cứu chuộc chăng?
Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên Giăng 4:35-36 thì chỉ khi đồng lúa chín rồi, lúc đó thợ gặt mới thâu chứa thành quả vào sự sống đời đời. Tương tự như vậy, khi ta vừa mới tiếp nhận lời của Chúa Trời, chúng ta chưa được cứu chuộc liền. Lời của Chúa Trời đi vào trong lòng ta sẽ biến đổi tâm hồn ta khiến ta kết quả, khi cái quả chín rồi, lúc đó ta mới được nhận vào sự sống đời đời.
Quả Của Thánh Linh
Mà kết quả có nghĩa là gì? Kết quả có phải là dẫn đưa rất nhiều người tin vào Chúa Trời không?
Không, không phải như vậy. Trong câu Kinh Thánh Mác 4:29: “Khi quả đã chín, người liền tra liềm lưỡi vào…” và trong câu Kinh Thánh Giăng 4:36: “Thợ gặt đã lãnh tiền công và thâu chứa thành quả vào sự sống đời đời…”, chữ “quả” trong 2 câu Kinh Thánh trên đều là một cái quả thôi, chứ không phải là rất nhiều quả. Trong Kinh Thánh Việt Ngữ, ta không thấy ấy là một cái quả hay nhiều quả, nhưng trong nguyên văn Hy-lạp chữ “quả” trong 2 câu Kinh Thánh trên đều là “καρπός” (đọc là kha-po-s) là ở số ít, ấy chỉ là một cái quả thôi, chứ không phải là nhiều quả. Bởi vậy kết quả không phải là dẫn đưa rất nhiều người tin vào Chúa Trời.
Cái quả ở đây là quả của Thánh Linh, một cái quả mang 9 đức tính ở bên trong.
Ga-la-ti 5:22-23 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.
Khi chúng ta mang quả của Thánh Linh thì cuộc sống của ta sẽ bày tỏ 9 đức tính này.
Quả của Thánh Linh là do quyền năng của Thánh Linh làm việc trong lòng ta, chứ không phải là do chúng ta tự mình trau dồi mà có. Ấy là một cái quả gồm có cả 9 đức tính này, vậy có nghĩa là nếu ta có mang quả của Thánh Linh thì ta có cả 9 đức tính này. Nếu chúng ta chỉ có một hay hai đức tính kể ở trên, thì đó không phải là quả của Thánh Linh.
Chúng ta không cách nào tự mình trau dồi cả 9 đức tính này. Không chừng ta có thể trau dồi một hay hai đức tính ở bên ngoài thôi, chứ không phải thật sự từ trong lòng, nhưng ta chắc không cách nào tự mình trau dồi cả 9 đức tính này bằng khả năng của mình.
Hỡi các anh chị em Tín Đồ, không phải người Tín Đồ nào đều có mang quả của Thánh Linh đâu, tại sao vậy? Đầu tiên là tại vì có nhiều người tuy mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc nhưng lại không có Thánh Linh của Chúa Trời ngự trong lòng.
Khi ta thật sự tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su thì ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình (xin đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để hiểu rõ ý nghĩa của ăn năn hối cải), chịu phép báp-tem, rồi ta mới được ban cho Thánh Linh.
Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”
Nếu chúng ta không có ăn năn hối cải tội lỗi của mình, thì cho dù ta chịu phép báp-tem nhưng ta vẫn không được nhận lãnh Thánh Linh.
Kinh Thánh cũng dạy rằng Thánh Linh là ban cho những kẻ vâng phục Chúa Trời.
Công Vụ Các Sứ Đồ 5:32 32 Và chúng tôi là người làm chứng cho những việc đó, cùng với Thánh Linh mà Chúa Trời đã ban cho những kẻ vâng lời Ngài vậy.
Chỉ có những kẻ vâng lời Chúa Trời mới được ban cho Thánh Linh. Bởi vậy những người không chịu vâng phục toàn bộ lời của Ngài sẽ không được ban cho Thánh Linh.
Ngày nay có nhiều người truyền giảng rằng chúng ta chỉ cần tin nhận Chúa Giê-su thì được cứu chuộc rồi, còn phép báp-tem là không quan trọng. Những người truyền giảng như vậy là không nói theo lẽ thật trong Kinh Thánh. Trong Tân Ước có rất nhiều đoạn Kinh Thánh giảng dạy về sự quan trọng của phép báp-tem, trong tương lai tôi sẽ giảng giải về điểm này.
Chính vì có nhiều thầy truyền đạo giảng dạy rằng phép báp-tem là không quan trọng, cho nên có nhiều người chỉ tin nhận Chúa Giê-su thôi, nhưng họ không có chịu phép báp-tem. Mà căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38, nếu chúng ta không có chịu phép báp-tem thì ta không được nhận lãnh Thánh Linh.
Nhận lãnh Thánh Linh là rất mực quan trọng, nếu ta không có Thánh Linh thì ta không phải thuộc về Chúa Giê-su Christ.
Rô-ma 8:9 9 Nếu Thánh Linh của Chúa Trời thật sự ngự trong anh em thì anh em không phải ở trong xác thịt nhưng ở trong Thánh Linh. Nếu ai không có Thánh Linh của đấng Christ thì người ấy không thuộc về Chúa.
Đây là câu nói của sứ đồ Phao-lô. Hễ ai không có Thánh Linh của đấng Christ, thì người ấy không thuộc về Chúa Giê-su Christ. Nếu người nào không thuộc về Chúa Giê-su Christ thì người chắc không được cứu chuộc.
Nói tóm lại, tại sao có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc không có quả của Thánh Linh? Tại vì họ không có Thánh Linh ngự trong lòng họ. Tại sao họ lại không có Thánh Linh? Tại vì có người thì không có thật sự ăn năn hối cải, bởi vậy cho dù họ chịu phép báp-tem nhưng họ vẫn không được nhận lãnh Thánh Linh. Có người thì không chịu vâng phục toàn bộ lời của Chúa Trời, cho nên họ cũng không được nhận lãnh Thánh Linh. Có người thì chỉ tin nhận Chúa Giê-su thôi, nhưng không có chịu phép báp-tem, vậy lẽ dĩ nhiên họ không được nhận lãnh Thánh Linh.
Hơn nữa, khi Thánh Linh ngự trong lòng ta, Thánh Linh sẽ chỉ dẫn ta, nếu ta không chịu vâng lời, thì Thánh Linh không có ép buộc ta phải vâng lời. Nhưng nếu ta không vâng lời Thánh Linh thì ta không có quả của Thánh Linh. Nếu ta muốn mang quả của Thánh Linh thì ta phải vâng theo dạy dỗ của Thánh Linh.
Ngày nay có người truyền giảng rằng ta chỉ cần tin vào Chúa Giê-su thì ta được cứu chuộc, và ta được sự sống đời đời. Hỡi các bạn ơi, những lời này là không phải căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh. Đức tin chân chính trong Kinh Thánh không phải chỉ là tin tưởng điều này điều nọ trong đầu óc thôi. Đức tin trong Kinh Thánh luôn luôn bao gồm sự vâng phục.
Bây giờ chúng ta phối hợp tất cả những điểm trên. Khi ta thật sự tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su thì ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình, và chịu phép báp-tem, rồi ta sẽ được nhận lãnh Thánh Linh. Khi Thánh Linh ngự trong lòng ta thì ta mới thuộc về Chúa Giê-su Christ, nếu ai không có Thánh Linh thì người ấy không thuộc về Chúa, có nghĩa là người ấy không được cứu chuộc. Khi ta nhận lãnh Thánh Linh rồi, ta phải vâng theo hướng dẫn của Thánh Linh rồi ta mới có thể mang quả của Thánh Linh. Chỉ khi cái quả chín rồi, thợ gặt mới thâu chứa thành quả vào kho tàng, có nghĩa là ta được nhận vào nước Thiên Đàng để hưởng sự sống đời đời. Ngược lại nếu ta không chịu vâng phục hướng dẫn của Thánh Linh thì ta không có quả của Thánh Linh. Nếu ta không có quả của Thánh Linh thì căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên Giăng 4:35-36 ta sẽ không được nhận vào sự sống đời đời.
Tuy rằng mang quả của Thánh Linh thì không phải là dẫn đưa nhiều người tin vào Chúa Trời, nhưng hai điều này lại dính liền với nhau. Bởi vì khi ta mang quả của Thánh Linh thì cuộc sống của ta sẽ bày tỏ 9 đức tính này: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, tiết độ. Chín đức tính này thể hiện vinh diệu của Chúa Trời. Khi người đời nhìn thấy 9 đức tính này trong cuộc sống của ta, họ sẽ bị vinh diệu của Chúa Trời thu hút mà đến với Ngài. Khi chúng ta càng vâng phục Thánh Linh thì cái quả càng tốt đẹp và ta có thể dẫn đưa càng nhiều người trở về với Chúa Trời vậy.
Tại Sao Chúa Trời Lại Muốn Sử Dụng Chúng Ta Để Rao Truyền Tin Lành Cho Người Đời?
Ở trên ta đã thấy rằng những công việc người nông dân làm tuy cũng quan trọng nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến hột giống nẩy chồi mọc lên. Vậy tại sao Chúa Trời lại muốn sử dụng chúng ta để dẫn đưa người đời trở về với Ngài ?
1 Cô-rinh-tô 3:5-7 5 Vậy A-bô-lô là ai, và Phao-lô là ai? Ấy là những kẻ tôi tớ, nhờ những kẻ này mà anh em đã tin, y như Chúa đã ban cho họ. 6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 7 Cho nên người trồng kẻ tưới đều không ra gì, nhưng Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.
Sứ đồ Phao-lô và A-bô-lô đều chỉ là tôi tớ thôi. Phao-lô đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng người trồng kẻ tưới đều không ra gì, chỉ có Chúa Trời là Đấng làm cho cây cối lớn lên, việc làm của Ngài mới là quan trọng nhất.
Chúng ta đi rao truyền Tin Lành, ta ráng khuyên bảo hướng dẫn người đời trở về với Chúa Trời, những việc ta làm tuy cũng quan trọng, nhưng không phải là tối quan trọng. Quan trọng nhất là việc làm của Chúa Trời, chỉ có Ngài mới có thể làm biến đổi tâm hồn của người ta. Chúa Trời có thể làm nhiều phép lạ để bày tỏ vinh diệu của Ngài, Ngài có thể nói chuyện trực tiếp với người ta để kêu gọi người ta về với Ngài, Ngài cũng có thể trừng phạt người ác, Ngài có thể làm việc một mình mà không cần đến chúng ta, nhưng Ngài lại giao cho ta cái nhiệm vụ rao truyền Tin Lành để cứu vớt người đời, tại sao vậy?
Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng tất cả những việc Chúa Trời làm đều là vì ơn cứu chuộc của ta, chứ không phải vì lợi ích thích thú của Ngài. Ngài sử dụng ta để rao truyền Tin Lành cho người đời là tại vì Ngài muốn ban phước lành cho ta.
Giăng 4:36 36 Thợ gặt đã lãnh tiền công và thâu chứa thành quả vào sự sống đời đời, hầu cho người gieo và kẻ gặt được cùng nhau vui vẻ.
Đến mùa gặt hái thì kẻ gieo người gặt cùng nhau vui vẻ. Khi chúng ta rao truyền Tin Lành cho người đời, mỗi khi có một người tin vào Chúa Trời và phó thác cuộc đời cho Ngài, há chẳng chúng ta cảm thấy trong lòng có một niềm vui mừng ngọt bùi không ta nổi chăng? Tiền bạc mua không được niềm vui mừng này, trên thế gian kiếm không được niềm vui mừng này, niềm vui mừng như vậy chỉ có từ Chúa Trời ban cho thôi.
Hơn nữa khi ta rao truyền Tin Lành cho người đời, ta cùng làm việc chung với Chúa Trời. Sau khi lời của Chúa Trời đã gieo vào trong lòng của người ta, ta phải săn sóc hột giống trong khi nó từ từ nẩy chồi mọc lên. Bởi vậy chúng ta góp công hợp tác với quyền năng của Chúa Trời để cứu vớt người đời. Khi ta làm việc chung với Ngài như vậy thì ta sẽ nhận biết Ngài ngày càng sâu hơn. Khi ta nhận biết Chúa Trời càng sâu thì cuộc sống thuộc linh của ta càng trưởng thành, đức tin của ta trở nên ngày càng vững mạnh.
Nếu ta muốn dẫn đưa người ta nhận biết Chúa Trời, thì chúng ta quả thật phải vâng theo chỉ dẫn của Thánh Linh. Ta không thể nào dùng khả năng của mình để dẫn đưa người ta nhận biết Chúa Trời. Bởi vậy chính là khi ta cố gắng rao truyền Tin Lành để cứu vớt người đời thì cái quả của Thánh Linh trong cuộc sống của ta càng tốt đẹp, và bản tánh ích kỷ của xác thịt sẽ dần dần giảm bớt rồi loại trừ đi. Cái quả của Thánh Linh càng tốt đẹp thì ta có thể dẫn đưa càng nhiều người trở về với Ngài. Cảm tạ Chúa Trời ! Khen ngợi Chúa Trời! Kỳ diệu thay! Vinh diệu thay!
Kết Luận
Hôm nay chúng ta tra khảo ví dụ của hột giống. Chúa Giê-su dùng ví dụ này để giảng dạy về một khía cạnh khác của nước Chúa Trời.
Chỉ khi hột giống và đất đai phối hợp với nhau thì hột giống mới có thể sinh sôi nẩy nở. Tương tự như vậy, chúng ta phải vui lòng vâng phục toàn bộ lời của Chúa Trời thì lời của Ngài mới có thể biến đổi tâm hồn ta.
Khi hột giống kết quả rồi thì được gặt hái chứa vào kho tàng, tương tự như vậy, khi lời của Chúa Trời biến đổi tâm hồn của ta thì cuộc sống của ta mang quả của Thánh Linh, và ta được nhận vào sự sống đời đời.
Chúa Trời Đức Gia-vê sử dụng chúng ta rao truyền Tin Lành cho người đời là hoàn toàn vì lợi ích của ta:
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church