Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (5)
Ví Dụ Của Hột Cải
Ma-thi-ơ 13:31-32
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Phối Hợp Ví Dụ Của Người Gieo Giống Với Ví Dụ Của Cỏ Lồng Vực
Chúng ta đã tra khảo 2 ví dụ trong Ma-thi-ơ 13: “Ví dụ của người gieo giống” và “Ví dụ của cỏ lồng vực” (tức là cỏ lùng) (Xin đọc 3 bài giảng “Ví Dụ Của Người Gieo Giống (1) & (2)”, và “Ví Dụ của Cỏ Lồng Vực” để hiểu rõ ý nghĩa của 2 ví dụ này). Nhưng chúng ta chỉ học về ý nghĩa ở bề mặt thôi, chúng ta chưa đi sâu vào ý nghĩa quan trọng sâu xa ở bên trong. Hôm nay trước khi tra khảo một ví dụ mới, tôi sẽ phối hợp hai ví dụ đó với nhau, rồi chúng ta sẽ thấy ý nghĩa rất phong phú sâu xa bao hàm trong hai ví dụ này.
Trong “Ví dụ của người gieo giống”, một người nông dân đi ra gieo giống, mà hột giống là tượng trưng cho đạo của nước Thiên Đàng.
Ma-thi-ơ 13:19 19 Khi người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến giật lấy điều đã gieo trong lòng của người; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường.
Mà đạo của nước Thiên Đàng tức là lời dạy của Chúa Trời.
Còn trong “Ví dụ của cỏ lồng vực”, Con của loài người gieo giống tốt trong ruộng mình, giống tốt là tượng trưng cho con cái của nước Thiên Đàng.
Ma-thi-ơ 13:37-38 37 Chúa đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con của loài người; 38 ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của nước Thiên Đàng; cỏ lồng vực là con cái của quỉ dữ;”
Chúa Giê-su thường tự xưng mình là Con của loài người. Con cái của nước Thiên Đàng là những người vâng phục và trung tín với Chúa Trời, tức là những môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Vậy Chúa Giê-su gieo các môn đồ chân chính của mình vào thế gian này tương tự như người nông dân gieo giống tốt trong ruộng mình.
Khi một người nông dân gieo giống trồng trọt, người không phải chỉ trồng một mùa là thôi. Sau khi đã gặt hái, một phần hột lúa thì được tích trữ vào kho, còn một phần khác thì được giữ lại làm hột giống để gieo vào ruộng trong mùa sau. Và cứ như vậy người nông dân trồng từ mùa này sang mùa khác. Tương tự như thế lúc ban đầu Chúa Giê-su đến và gieo lời của Chúa Trời vào trong thế gian này, Chúa thâu hoạch được những môn đồ trung tín, nhưng Chúa không phải ngừng lại chỗ đó, bởi vì kết hoạch cứu chuộc loài người còn chưa hoàn tất. Sau đó Chúa lại gieo các môn đồ trung tín vào thế gian hầu cho họ cũng kết quả thâu hoạch được càng nhiều môn đồ. Và cứ như vậy công trình cứu chuộc loài người được tiến triển từ thế hệ này sang thế hệ khác mãi cho đến Tin Lành truyền khắp thế gian.
Chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su, con cái của nước Thiên Đàng, Chúa Giê-su gieo chúng ta vào thế gian này hầu cho chúng ta kết quả nhiều nhiều. Kết quả là bổn phận của chúng ta. Các bạn có muốn kết quả cho Chúa không? Tôi thì rất ham muốn kết quả thật nhiều thâu hoạch được rất nhiều môn đồ về với Chúa.
Nếu chúng ta muốn kết quả thì chúng ta phải làm gì?
Trong “Ví dụ của người gieo giống”, chúng ta đã thấy rằng một người phải có một tấm lòng tốt mới có thể kết quả. Chúng ta không cách nào thay đổi tấm lòng của mình được, chỉ có Chúa Trời mới có thể biến đổi tấm lòng của ta. Cho nên nếu chúng ta muốn có một tấm lòng tốt thì chúng ta phải kêu cầu Ngài biến hóa tấm lòng của ta.
Nhưng chúng ta phải phối hợp với quyền năng của Chúa Trời, về phần ta thì ta phải làm gì?
Giăng 12:23-24 23 Chúa Giê-su bèn đáp rằng: “Giờ đã đến để cho Con của loài người được vinh hiển. 24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết đi sau khi bị gieo xuống đất, thì hột ấy cứ ở nguyên một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì kết quả được nhiều.”
Khi Chúa Giê-su giảng dạy lời này, Chúa đã biết trước rằng mình sẽ bị bắt và bị đóng đinh, bởi vậy Chúa nói rằng: “Giờ đã đến để cho Con của loài người được vinh hiển.”
Trong Tin Lành theo Giăng, mỗi khi Chúa Giê-su nói rằng Chúa sẽ được vinh hiển, ấy là Chúa đang nói về sự chết của mình trên cây thập tự. Tại vì khi người ta muốn đóng đinh tên tội nhân, người ta để cây thập tự nằm trên mặt đất, rồi họ đóng đinh tên tội nhân trên cây thập tự, sau đó người ta dựng cây thập tự vào một cái cột, rồi cả cây thập tự và cái cột đều được nâng cao lên. Bởi vậy khi tội nhân bị đóng đinh trên cây thập tự thì nó được nâng cao lên. Mỉa mai thay! Khi một người được nâng cao lên trên cây thập tự thì tựa như là người được vinh hiển vậy!
Bởi vậy khi Chúa Giê-su nói giờ đã đến để cho Con của loài người được vinh hiển, ấy là Chúa nói về mình bị đóng đinh trên cây thập tự. Rồi Chúa so sánh cái chết của mình với một hột giống bị gieo xuống đất. Khi một hột giống bị gieo xuống đất, nếu hột giống đó cứ nằm trên mặt đất không có chết đi thì nó vẫn chỉ là một hột giống thôi, và chẳng bao lâu thì hột giống sẽ khô héo. Ngược lại nếu hột giống bị chôn dưới đất, nó sẽ chết đi, mà sau khi nó chết đi rồi, thì nó sẽ mọc lên trở thành lúa mì và kết quả mang nhiều hột lúa.
Một hột giống muốn được kết quả thì nó phải chết đi, Chúa Giê-su cũng phải chết đi rồi Chúa mới có thể kết quả thâu hoạch được nhiều môn đồ về. Nếu chúng ta muốn được kết quả thì chúng ta phải noi gương của Chúa, chúng ta cũng phải chết đi.
Tôi không phải nói rằng chúng ta phải tự tử. Chúng ta phải chết đi có nghĩa là cái gì?
Sự chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự không phải chỉ là cái chết của thân thể thôi, sự chết của Chúa mang một ý nghĩa rất sâu xa. Hôm nay tôi chỉ nói về hai điểm đơn giản thôi, mà ý nghĩa còn sâu xa hơn nhiều, hiện giờ chúng ta chưa học hết được.
Đầu tiên cái chết của Chúa là chết về tội lỗi. Chúa chưa từng phạm một tội lỗi nào cả, Chúa là hoàn toàn trọn vẹn, nhưng Chúa đại diện cho toàn thể loài người mà chết về tội lỗi. Chúng ta phải đi theo bước chân của Chúa, cho nên chúng ta cũng phải chết về tội lỗi.
Chúng ta không cách nào khiến mình chết về tội lỗi được, chỉ có Chúa Trời mới có thể cho chúng ta chết về tội lỗi thôi. Nhưng về phần ta thì ta phải thật sự ăn năn hối cải tội lỗi của mình và phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời để Ngài cai quản đời ta. Rồi Chúa Trời sẽ cho ta chết về tội lỗi.
Điểm thứ hai trong sự chết của Chúa Giê-su là Chúa vui lòng từ bỏ sự sống của mình để cho loài người được cứu chuộc, ấy là một sự hy sinh hiến dâng hoàn toàn. Nếu chúng ta muốn noi gương của Chúa, thì chúng ta cũng phải bỏ quên chính mình đi và hiến dâng sự sống của mình để cứu vớt người khác.
Nói tóm lại nếu chúng ta muốn được kết quả nhiều nhiều thì chúng ta phải noi gương của Chúa. Trên cây thập tự Chúa đã chết về tội lỗi, cho nên chúng ta cũng phải chết về tội lỗi. Trên cây thập tự Chúa từ bỏ sự sống của mình để cho người khác được cứu chuộc, cho nên chúng ta cũng phải quyết tâm hiến dâng sự sống của mình để cứu vớt người khác.
Các bạn có muốn đi theo bước chân của Chúa Giê-su mà sẵn sàng bỏ quên sự sống của mình để cứu vớt người khác không? Ấy chính là cái phương cách để được kết quả nhiều nhiều. Một hột giống không chết đi thì không kết quả được, tương tự như vậy nếu chúng ta không chết đi thì chúng ta cũng không kết quả được.
Ví Dụ Của Hột Cải
Sau khi đã tra khảo về ý nghĩa sâu xa phong phú của hai ví dụ trước, bây giờ chúng ta tra khảo một ví dụ mới.
Ma-thi-ơ 13:31-32 Chúa giảng cho họ một ví dụ khác: “Nước Thiên Đàng giống như một hột cải mà người ta gieo trong ruộng mình; 32 ấy là nhỏ hơn tất cả các hạt giống khác, nhưng khi lớn lên, thì nó lớn hơn các thứ cây khác trong vườn, và trở nên một cây cối đến nỗi chim trời tới làm tổ trên nhánh nó.”
Ở đây Chúa Giê-su dùng một câu chuyện của hột cải để giảng dạy về nước Thiên Đàng. Chúa so sánh nước Thiên Đàng như một hột cải, ấy là thứ hột nhỏ nhất, rồi hột này dần dần lớn lên trở thành một cây cối lớn nhất trong vườn, cây này lớn đến nỗi nhiều chim trời tới làm tổ trên nhánh cây của nó.
Sự Tăng Trưởng Của Quyền Hành Cai Tri Của Chúa Trời Trên Thế Gian
Hột cải trong ví dụ này thì không phải là hột của rau cải ở Việt Nam. Rau cải ở Việt Nam thì đâu có mọc lên trở thành một cây cối. Hột cải ở nước Do Thái là những hột nho nhỏ có mùi cay đắng mà người ta thường dùng làm đồ gia vị. Hột cải thì chắc không phải là thứ hột nhỏ nhất trên thế giới, nhưng nó là thứ hột nhỏ nhất ở nước Do Thái trong thời của Chúa Giê-su. Tại vì Chúa đang giảng dạy cho người dân Do Thái, cho nên Chúa nói về những chuyện họ quen biết để họ có thể hiểu được. Và khi hột cải trở thành một cây cối thì nó cũng không phải là thứ cây lớn nhất trên thế giới, nó chỉ là thứ cây lớn nhất mọc trong vườn của người Do Thái thời đó thôi.
Tại sao nước Thiên Đàng lại giống như một hột cải nho nhỏ rồi dần dần lớn lên trở thành một cây lớn?
Đầu tiên, trong quyển sách Tin Lành theo Ma-thi-ơ, tác giả thường hay dùng từ ngữ “nước Thiên Đàng” để thay cho từ ngữ “nước Chúa Trời”. Ấy là tại vì người Do Thái kính sợ Chúa Trời, họ không dám nhắc đến từ ngữ “Chúa Trời”, nên họ dùng từ ngữ “Thiên Đàng” để thay cho từ ngữ “Chúa Trời.” Ma-thi-ơ viết quyển sách này với dụng ý là để rao truyền Tin Lành cho người Do Thái, cho nên người cũng dùng từ ngữ “nước Thiên Đàng” là vậy. Bởi vậy nước Thiên Đàng và nước Chúa Trời có ý nghĩa giống nhau, nước Thiên Đàng tức là nước Chúa Trời.
Ngoài ra, cả hai từ ngữ “nước Thiên Đàng” hay “nước Chúa Trời” đều không chính xác. Trong nguyên văn Hy lạp, “nước Chúa Trời” là “ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ”, ý nghĩa thứ nhất của từ ngữ này là “quyền hành cai trị của Chúa Trời”, ý nghĩa thứ hai mới là “nước Chúa Trời”. Mà chữ “nước” khiến người ta nghĩ đến lãnh thổ của một nước, nhưng ngày nay chúng ta đâu có thấy lãnh thổ của nước Chúa Trời. Trên bản đồ thế giới thì không thấy nước Chúa Trời ở đâu cả. Nhưng quyền hành cai trị của Chúa Trời là ở giữa người dân của Ngài. Cho dù ngày nay người ta không thấy lãnh thổ của nước Chúa Trời, nhưng Ngài là Vua cai quản cuộc đời và tâm hồn của người dân của Ngài. Mà Hội Thánh là do con dân của Chúa Trời hợp lại, cho nên Hội Thánh chính là thể hiện của quyền hành cai trị của Chúa Trời trên thế gian.
Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 13:31-32 mô tả một người gieo hột cải trong ruộng mình. Ruộng là tượng trưng cho thế gian (Căn cứ theo lời giải thích của Chúa trong Ma-thi-ơ 13:38, “ruộng là thế gian”). Nước Thiên Đàng hay quyền hành cai trị của Chúa Trời trên thế gian được so như một hột cải nho nhỏ trở thành cây cối lớn nhất trong vườn. Mà ở đoạn trên tôi vừa mới giải thích rằng ngày nay Hội Thánh chính là thể hiện của quyền hành cai trị của Chúa Trời trên thế gian. Vậy Chúa Giê-su dùng ví dụ này để giảng dạy về sự tăng trưởng của Hội Thánh trên thế gian.
Ví dụ này là lời tiên tri, ở đây Chúa Giê-su nói tiên tri rằng quyền hành cai trị của Chúa Trời lúc đầu chỉ như một hột cải nho nhỏ, bởi vì lúc đó chỉ có người Y-sơ-ra-ên tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê thôi. Nhưng hột cải này sẽ mọc lên rồi trở thành một cây cối lớn nhất trong vườn, tương tự như Hội Thánh sẽ gia tăng, dần dần sẽ có rất nhiều người tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, vương quyền của Chúa Trời sẽ là lớn nhất trên thế gian này.
Sự Ứng Nghiệm Của Lời Tiên Tri Của Chúa
Hai ngàn năm sau khi Chúa Giê-su giảng dạy ví dụ này, ngày nay lời của Chúa đã ứng nghiệm hoàn toàn trước mắt chúng ta. Ngày nay Tín Đồ của Chúa Giê-su nhiều hơn tín đồ của bất cứ tôn giáo nào trên thế giới.
Sau khi Chúa Giê-su thăng lên trời rồi, Tín Đồ của Chúa bị chính quyền La-mã đàn áp và bị giết hại rất nhiều. Nhưng các anh chị em Tín Đồ không sợ hãi không nản lòng, họ cứ tuân theo lời dặn dò của Chúa tiếp tục đi rao truyền Tin Lành trên khắp lãnh thổ của Đế Quốc La mã. Chính phủ La-mã giết hại Tín Đồ càng nhiều thì số người Tín Đồ gia tăng lại càng nhiều hơn. Cho nên hồi đó có một người đầy tớ trung tín của Chúa nói rằng: “Huyết của những kẻ chịu chết vì Đạo chính là hột giống của Hội Thánh.” Càng nhiều người chịu chết vì Đạo thì càng nhiều hột giống, rồi hột giống sẽ sinh sôi nẩy nở và mọc lên càng nhiều hội thánh.
Lúc Chúa Giê-su thăng lên trời thì chỉ có khoảng 120 người Tín Đồ vẫn giữ trung tín với Chúa thôi, nhưng khoảng 300 năm sau thì khắp cả Đế Quốc La-mã chỗ nào cũng có Tín Đồ của Chúa. Lãnh thổ của Đế Quốc La mã thì lớn lắm, nó gồm có toàn bộ Âu Châu, miền Bắc Phi Châu, một phần Á Châu, và miền Trung Đông ngày nay. Hồi đó số người Tín Đồ của Chúa đã nhiều đến nỗi ngay cả những người cầm quyền của chính phủ La-mã cũng muốn được Tín Đồ Cơ Đốc ủng hộ chính sách của họ. Tại vì số người Tín Đồ Cơ Đốc rất đông, nếu họ ủng hộ chính sách của chính phủ thì quyền hành của chính phủ sẽ được vững mạnh hơn. Vào năm 312 công lịch thì cả Hoàng Đế của La-mã cũng tin vào Chúa Giê-su. Rồi về sau chính phủ La-mã quy định cái năm mà Chúa Giê-su giáng sinh là năm đầu tiên của lịch La-mã.
Trong ví dụ đó có những chim trời tới làm tổ trên nhánh của cây cải. Trong Cựu Ước đã nhiều lần dùng hình ảnh của một cây lớn để tượng trưng cho một đại cường quốc, có rất nhiều động vật và chim trời vây quanh cây đó, ấy là tượng trưng cho những quốc gia nhỏ dựa nương vào đại cường quốc đó.
Ê-xê-chi-ên 31:3-6 3 Hãy xem A-si-ri: ngày trước nó giống như cây tùng của Li-ban, nhánh đẹp đẽ, bóng rậm rạp, cây cao, và ngọn nó lên đến mây. 4 Các dòng nước nuôi nó, có vực sâu với các sông chảy chung quanh chỗ nó trồng mà làm cho nó lớn lên, và tưới các suối mình cho mọi cây cối ở trong đồng. 5 Bởi vậy cây tùng ấy cao hơn hết thảy các cây trong đồng; nhánh nó lớn lên, và cành nó nứt thêm ra, là nhờ có nhiều nước làm cho nó nẩy nở. 6 Mọi giống chim trời làm tổ trong các nhánh nó; mọi giống thú đồng đẻ con dưới những cành nó, và hết thảy các dân tộc lớn đều ở dưới bóng nó.
Đoạn Kinh Thánh này mô tả một cây lớn có nhiều con vật và chim trời đến ở dưới bóng cây và làm tổ trên nhánh cây. Cây đó là tượng trưng cho đại cường quốc A-ri-si, còn những động vật và loài chim là những quốc gia nhỏ đến dựa nương vào nó.
Đa-ni-ên 4:20-22 20 Cây mà vua đã thấy, cây trở nên lớn và mạnh, ngọn chạm đến trời, và khắp trái đất đều nhìn thấy, 21 lá thì đẹp và trái thì sai, có thức ăn cho mọi loài, các thú đồng ở dưới bóng nó, các loài chim trời làm tổ trên nhánh nó. 22 Hỡi vua, ấy là chính mình vua, vua đã trở nên lớn và mạnh, sự cao cả của vua tăng thêm và thấu đến trời, quyền thế vua đạt đến cùng trái đất.
Trong đoạn Kinh Thánh này cây đó là tượng trưng cho vua Nê-bu-cát-nết-sa của đại cường quốc Ba-by-lôn, còn những con động vật và chim trời là các quốc gia nhỏ dưới quyền cai trị của vua.
Ngày nay Tin Lành đã truyền sang nhiều nước trên thế giới, các nước ở Âu Mỹ là những nước Cơ Đốc, tại vì phần đông người dân đều là Tín Đồ Cơ Đốc. Ngược lại ở một số quốc gia khác thì chỉ có rất ít người Tín Đồ Cơ Đốc, phần đông người dân trong nước vẫn chưa được nghe giảng về Tin Lành. Nhưng dù sao đi nữa Tin Lành đã truyền sang các nước, nước nào cũng có Tín Đồ Cơ Đốc, và cả thế giới đều dùng công lịch, cho dù những kẻ chống nghịch lại Chúa cũng phải sử dụng công lịch, mà công lịch là dựa vào năm giáng sinh của Chúa. Bởi vậy ví dụ này đã được ứng nghiệm, bao nhiêu quốc gia trên thế giới đều đến dựa nương vào quyền hành của Chúa Trời.
Những Nhánh Cây Và Các Chim Trời
Trong ví dụ này (Ma-thi-ơ 13:31-32) những chim trời tuy đến làm tổ trên nhánh của cây cải, nhưng họ không phải là nhánh cây. Tương tự như những quốc gia đến ở dưới bóng của quyền hành của Chúa Trời, họ dựa nương vào Ngài, nhưng họ không phải ở trong nước Chúa Trời.
Giữa nhánh cây và chim trời có một sự khác biệt rất lớn: Chim trời đến để tìm kiếm thức ăn, họ làm tổ trên nhánh cây là cho lợi ích của mình. Còn nhánh cây thì giúp ích cho người khác, họ ban lợi ích cho những chim trời tới làm tổ. Ấy chính là sự khác biệt giữa Tín Đồ Cơ Đốc và người đời trên thế gian. Người đời thường nghĩ đến lợi ích của mình trước, họ làm việc với mục đích là tìm cầu lợi ích cho mình. Còn Tín Đồ chân chính của Chúa Giê-su thì phải ban cho kẻ khác, bởi vì Chúa đã có răn dạy chúng ta như vậy.
Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35 35 Trong mọi việc tôi bày tỏ cho anh em thấy rằng phải chịu khó làm việc như vậy để giúp đỡ những kẻ yếu đuối, và ghi nhớ lời của Chúa Giê-su dạy rằng: “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.”
Những chim trời đó tuy làm tổ trên nhánh cây, nhưng họ không phải là nhánh cây, họ không phải thuộc về nước Chúa Trời. Hay nói một cách khác những con chim đó sẽ không được cứu chuộc. Hiện bây giờ những con chim đó không phải dưới quyền hành cai trị của Chúa Trời, thì trong tương lai họ cũng không được vào nước Chúa Trời để hưởng sự sống đời đời vậy.
Nếu những con chim đó muốn được hưởng sự sống đời đời thì họ phải trở thành nhánh cây. Một con chim thì không cách nào trở thành nhánh cây được, nhưng Chúa Trời làm mọi việc đều được. Chúa Trời có thể làm một phép lạ biến đổi những chim trời thành nhánh cây, điều đó thì không có khó khăn gì cả đối với Ngài, nhưng vấn đề ở đây là những con chim này có muốn thay đổi trở thành nhánh cây không? Loài chim phải quyết tâm từ bỏ thái độ ích kỷ luôn luôn tìm cầu lợi ích của mình, và lập chí trở thành một người hy sinh lợi ích của mình để ban cho kẻ khác.
Ấy là hai thái độ hoàn toàn trái ngược với nhau. Biến đổi từ thái độ ích kỷ thành ra thái độ hy sinh hiến dâng, ấy chính là sự ăn năn hối cải trong Kinh Thánh. Nếu những chim trời không muốn hiến dâng hy sinh cho kẻ khác thì họ không thể trở thành nhánh cây được.
Trong hai mươi mấy năm trời truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời, chồng tôi và tôi từng thấy có nhiều người lúc đầu đến Hội Thánh với mục đích là để tìm cầu lợi ích của mình. Nhưng khi họ tiếp xúc với Chúa Trời Đức Gia-vê thì Ngài đã biến đổi họ thành ra những người vui lòng hy sinh hiến dâng vì lợi ích của kẻ khác.
Trước kia khi tôi mới bắt đầu đi dự lễ tại nhà thờ cũng là tại vì hồi đó tôi mới đến Canada, tôi không quen biết ai cả, tôi phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của các Tín Đồ Cơ Đốc trong Hội Thánh, chính tôi hồi đó đến Hội Thánh cũng là để tìm cầu lợi ích của mình thôi. Nhưng khi tôi nhận biết Chúa Trời, Ngài đã biến đổi hoàn toàn tấm lòng của tôi (Xin đọc 5 bài giảng trong “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền”). Hôm nay tôi không nghĩ đến lợi ích của mình nữa, tôi phó thác mọi việc cho Đức Cha ở trên trời, tôi biết rằng Ngài sẽ trông nom tôi, tôi không cần phải lo lắng, và tôi cứ dùng hết tâm trí sức lực của mình để rao truyền Tin Lành của Ngài ban lợi ích cho người khác. Lúc đầu tôi cũng là một trong những chim trời, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê đã biến đổi tôi và ghép tôi vào cây cải đó khiến tôi trở thành một nhánh cây.
Sở dĩ Đạo của nước Chúa Trời có thể rao truyền sang các nước đến nỗi ngày nay có hai tỷ người Tín Đồ Cơ Đốc phục dưới quyền hành của Chúa Trời là tại vì đầu tiên Chúa Giê-su đã hy sinh chính mình tựa như một hột giống chết đi rồi kết quả được nhiều (Giăng 12:23-24). Chúa đã nêu gương cho chúng ta, về sau các anh chị em Tín Đồ trung tín lần lượt noi gương của Chúa mà hiến dâng cuộc sống của mình để rao truyền Tin Lành ban phước cho kẻ khác. Bởi vậy một hột cải nhỏ nhất có thể trở thành một cây cối lớn nhất trong vườn.
Kết Luận
Hôm nay chúng ta đã phối hợp “Ví dụ của người gieo giống” với “Ví dụ của cỏ lồng vực” để tìm hiểu ý nghĩa phong phú sâu xa bao hàm trong hai ví dụ này. Nếu chúng ta muốn kết quả thì chúng ta phải chết về tội lỗi và quyết tâm hiến dâng chính mình để cứu vớt người khác.
Chúng ta cũng tra khảo “Ví dụ của hột cải”, nước Thiên Đàng được so với một hột cải nho nhỏ rồi dần dần mọc lên trở thành một cây cối lớn nhất trong vườn. Ví dụ này là lời tiên tri. Ngày nay lời tiên tri này đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Qua ví dụ này ta thấy rằng sở dĩ Hội Thánh của Chúa Trời Đức Gia-vê được tăng trưởng thành ra một cây cối lớn nhất trong vườn cũng là tại vì sự hy sinh của Chúa Giê-su và các anh chị em Tín Đồ vậy. Nhưng công việc mà Chúa Giê-su giao phó cho chúng ta đi truyền giảng Tin Lành khắp thế gian vẫn chưa hoàn tất, tại vì có rất nhiều người vẫn chưa được nghe giảng về Tin Lành. Ngày nay các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc trung tín với Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su vẫn phải tiếp tục hiến dâng cuộc sống của mình để cứu vớt người khác.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church