You are here

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (3)

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (3)

Hỡi Chúa Trời ơi, Con Đến Để Làm Theo Ý Muốn Của Chúa

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc đều biết rằng Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho loài người, nhưng chúng ta có hề ngẫm nghĩ rằng tại sao Chúa Trời Đức Gia-vê lại để cho Con một của Ngài chịu chết? Trong bộ Luật Pháp của Cựu Ước, Chúa Trời quy định mỗi năm người dân Y-sơ-ra-ên phải tự hiến dâng một con bò đực hay một con dê đực để chuộc tội cho tội lỗi của mình. Những người có tội thì phải tự lo liệu để chuộc tội cho mình, như vậy mới là công bằng. Tại sao tự nhiên Chúa Trời lại đổi ý mà quyết định để cho Con một của Ngài chịu chết để chuộc tội cho loài người?

Hôm nay chúng ta sẽ tra khảo Kinh Thánh để hiểu rõ hơn về kế hoạch cứu chuộc của Chúa Trời, và tôi mong rằng qua bài giảng này các bạn sẽ nhận biết được tính tình công nghĩa thánh sạch và lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.

Hê-bơ-rơ 10:5 – 7 5 Bởi vậy khi đến vào thế gian, đấng Christ nói rằng: “Chúa chẳng muốn tế vật, cũng chẳng muốn của lễ, nhưng Chúa đã chuẩn bị một thân thể cho con. 6 Chúa chẳng hài lòng về của lễ thiêu và của lễ chuộc tội. 7 Con bèn nói: ‘Hỡi Chúa Trời, này con đến (Trong sách có chép về con), con đến để làm theo ý muốn của Chúa.’”

Tại Sao Chúa Trời Đức Gia-vê Không Hài Lòng Về Tế Vật Và Của Lễ

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Trời chẳng muốn những tế vật và của lễ do người dân Y-sơ-ra-ên dâng lên, Ngài chẳng hài lòng về của lễ thiêu và của lễ chuộc tội của họ. Tại sao vậy?

Hê-bơ-rơ 10:1 1 Vì Luật Pháp chỉ là cái bóng của những việc tốt lành sắp đến, chứ không phải hình tượng thật của các sự vật, nên không bao giờ chỉ nhờ vào tế lễ cứ tiếp tục dâng lên hàng năm như vậy mà có thể khiến những kẻ đến gần trở nên hoàn hảo được.

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng Luật Pháp chỉ là cái bóng của những việc tốt lành sắp đến. Những việc tốt lành sắp đến là ân điển, lẽ thật và ơn cứu chuộc. Chỉ khi Chúa Giê-su Christ đến vào thế gian thì loài người mới nhận biết những việc tốt lành này. Luật Pháp không thể đem lại ân điển, lẽ thật và ơn cứu chuộc cho loài người. Bởi vì Luật Pháp chỉ là cái bóng thôi, cho nên những của lễ quy định trong Luật Pháp mà người dân Y-sơ-ra-ên dâng lên hàng năm không thể khiến họ trở nên hoàn hảo được.

Hê-bơ-rơ 10:3 – 4 3 Nhưng các tế lễ đó là nhắc nhở hàng năm về tội lỗi. 4 Vì không thể nào dùng huyết của bò đực và dê đực mà cất tội lỗi đi được.

Những tế lễ đó chỉ là dùng để nhắc nhở người Y-sơ-ra-ên hàng năm về những tội lỗi họ đã phạm, vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được.

Nếu tội lỗi của chúng ta chưa được cất đi, lương tâm của ta cứ bị tội lỗi ám ảnh cắn rứt hoài, chúng ta không bao giờ trở nên hoàn hảo được (Xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Trên Thế Gian Này” để hiểu rõ tâm linh của những người bị tội lỗi ám ảnh là như thế nào).

Ô-sê 6:6 6 Vì ta ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhận biết Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu.

Đoạn Kinh Thánh trên là Chúa Trời Đức Gia-vê nhờ tiên tri Ô-sê mà truyền dạy người dân. Ngài không phải dạy rằng hiến dâng của lễ là không cần thiết. Hiến dâng của lễ là rất mực quan trọng tại vì ấy là những điều lệ quy định trong Luật Pháp, nhưng một tấm lòng nhân từ thương xót và sự nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê là còn quan trọng hơn các của lễ hiến dâng.

Nếu chúng ta không có lòng nhân từ thương xót và không nhận biết Chúa Trời, thì cho dù ta có hiến dâng của lễ này tế vật kia, Ngài cũng không hài lòng về ta. Nếu chúng ta muốn làm đẹp ý Chúa Trời, thì ta phải có lòng nhân từ thương xót và nhận biết Ngài, rồi khi ta hiến dâng của lễ thì Ngài sẽ vui lòng tiếp nhận của lễ của ta.

Nói tóm lại, Chúa Trời Đức Gia-vê không hài lòng về tế vật và của lễ, tại vì:

  • Những tế vật của lễ mà người Y-sơ-ra-ên hiến dâng hàng năm không thể khiến họ trở nên hoàn hảo được.
  • Những của lễ đó chỉ là để nhắc nhở người Y-sơ-ra-ên về những tội lỗi họ đã phạm, huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được.
  • Chúa Trời coi lòng nhân từ thương xót và sự nhận biết Ngài là quan trọng hơn các của lễ hiến dâng.

Chúa Giê-su Hiến Dâng Chính Mình Để Làm Cho Chúng Ta Nên Thánh Và Hoàn Hảo

Chúa Trời muốn của lễ có thể cất đi tội lỗi của người dân và khiến họ trở nên hoàn hảo, hơn nữa người hiến dâng của lễ phải nhận biết Ngài và có lòng nhân từ thương xót người ta. Trên thế gian chẳng có một của lễ nào hội đủ điều kiện này, và ở giữa loài người cũng chẳng có một người nào thật sự nhận biết Chúa Trời và thương xót tất cả mọi người kể cả người ác cùng người lành.

Chúa Trời không phải tự nhiên đổi ý không muốn những của lễ mà chính Ngài đã quy định trong Luật Pháp. Thật ra trước khi sáng thế, Chúa Trời Đức Gia-vê đã sắp đặt sẵn kế hoạch cứu chuộc loài người. Vào thời điểm thích hợp nhất thì Chúa Cứu Thế sinh vào thế gian để cứu chuộc chúng ta.

Ga-la-ti 4:4 – 5 4 Nhưng khi thời gian đã được trọn vẹn, Chúa Trời sai Con Ngài, do một người nữ sinh ra, sinh ra dưới Luật Pháp, 5 để cứu chuộc những người ở dưới Luật Pháp, và để cho chúng ta được nhận làm con nuôi.

Hê-bơ-rơ 2:16 – 17 16 Vì quả thật người không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. 17 Bởi vậy người phải chịu làm nên giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho người trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín đối với Chúa Trời để đền tội cho dân chúng.

Chúa Cứu Thế đến để giúp đỡ chúng ta, cho nên Chúa là một con người có một thân thể và một linh hồn giống y hệt loài người chúng ta, Chúa là đầy dẫy lòng thương xót cho tội nhân chúng ta và trung tín đối với Chúa Trời.

Hê-bơ-rơ 10:10 10 Theo ý muốn đó, chúng ta được nên thánh nhờ sự hiến dâng thân thể của Chúa Giê-su Christ một lần đủ cả.

Ý muốn đó tức là ý muốn của Chúa Trời. Chúa Giê-su không hiến dâng những con bò đực dê đực, mà Chúa hiến dâng thân thể của mình để chuộc tội cho chúng ta và khiến chúng ta được nên thánh. Sự hiến dâng của Chúa Giê-su là một lần đủ cả, Chúa không cần phải hiến dâng hàng năm.

2 Cô-rinh-tô 5:21 21 Chúa Trời đã làm cho đấng chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong đấng ấy mà được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời.

Đấng chẳng nhận biết tội lỗi chính là Chúa Giê-su Christ. Chúa không hề phạm một tội lỗi nào cả, nhưng Chúa mang hết thảy tội lỗi của loài người trên thân mình, bởi vậy Chúa đã trở nên tội lỗi vì chúng ta. Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, thì hết thảy tội lỗi của loài người cũng bị đóng đinh trên thập giá.

Huyết của bò đực dê đực không thể cất đi tội lỗi của chúng ta, nhưng Chúa Giê-su là hoàn toàn vô tội, thánh sạch và hoàn hảo, cho nên huyết báu của Chúa có thể rửa sạch tất cả tội lỗi của ta. Nhờ vậy những người tin vào Chúa được buông tha khỏi tội lỗi mà được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời Đức Gia-vê.

Hê-bơ-rơ 9:14 14 huống chi huyết của đấng Christ, là đấng nhờ Thánh Linh đời đời hiến dâng chính mình không tì vết cho Chúa Trời, thì càng hữu hiệu để làm sạch lương tâm anh em khỏi những việc làm đưa tới sự chết, để anh em hầu việc Chúa Trời hằng sống!

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng huyết báu của Chúa Giê-su có thể làm sạch lương tâm của chúng ta.

Hê-bơ-rơ 10:14 14 Vì nhờ một của tế lễ đó, Chúa làm cho những người nên thánh được hoàn hảo đời đời.

Ở phần trên, trong Hê-bơ-rơ 10:10 đã chỉ ra rằng nhờ sự hiến dâng thân thể của Chúa mà chúng ta được nên thánh. Bởi vậy trong đoạn Kinh Thánh này Hê-bơ-rơ 10:14: “những người nên thánh” chính là Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta. Vì một của tế lễ này, chúng ta chẳng những được nên thánh, mà còn được hoàn hảo đời đời.

Qua những đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng tại vì Chúa Giê-su là hoàn toàn vô tội, công nghĩa hoàn hảo, khi Chúa hiến dâng chính mình để chuộc tội cho chúng ta, huyết báu của Chúa có thể rửa sạch hết thảy tội lỗi của ta và làm sạch lương tâm của ta, một của lễ này khiến chúng ta nên thánh và hoàn hảo đời đời. Ấy chính là món của lễ theo đúng ý muốn của Chúa Trời Đức Gia-vê.

Chúa Giê-su Và Đức Cha Là Một

Ngoài ra, căn cứ theo đoạn Kinh Thánh Ô-sê 6:6 ở phần trên, Chúa Trời Đức Gia-vê ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhận biết Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu. Ngài muốn người hiến dâng của lễ nhận biết Ngài và có lòng nhân từ thương xót người ta. Chúa Giê-su có nhận biết Chúa Trời không? Chúa có lòng nhân từ thương xót người ta không?

Từ ngữ “nhận biết” trong Kinh Thánh là nói về sự nhận biết qua kinh nghiệm, chứ không phải là hiểu biết trong đầu óc. Khi chúng ta kinh lịch quyền năng vĩ đại và công nghĩa thánh sạch của Chúa Trời thì chúng ta mới nhận biết Ngài. Khi chúng ta nhận biết Chúa Trời có nghĩa là chúng ta có một quan hệ thân mật cùng với Ngài (Xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Là Nhận Biết Chúa Trời Chân Thật Duy Nhất Cùng Chúa Giê-su Christ” để hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của từ nghữ “nhận biết”)

Giăng 8:29 29 Ðấng sai ta đến là ở cùng ta, Ngài chẳng bỏ ta một mình, vì ta hằng làm những việc đẹp lòng Ngài.

Đấng sai Chúa Giê-su đến chính là Chúa Trời Đức Gia-vê. Suốt đời Chúa Giê-su luôn luôn làm những việc đẹp lòng Chúa Trời, cho nên Ngài luôn luôn ở cùng với Chúa.

Chúa Giê-su không hề làm một điều gì trái với ý muốn của Chúa Trời, Chúa vâng phục Ngài cho đến chết. Trước khi Chúa bị bắt, Chúa đã biết trước mọi việc sẽ xảy ra như thế nào, Chúa cầu nguyên xin vâng phục ý muốn của Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 26:39 39 Rồi Chúa đi thêm vài bước, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Nhưng không theo ý muốn con mà theo ý muốn Cha.”

Ma-thi-ơ 26:42 42 Chúa lại đi cầu nguyện lần thứ hai rằng: “Cha ơi, nếu chén nầy không thể lìa khỏi con được mà con phải uống thì xin ý Cha được nên.”

Tại vì Chúa Giê-su luôn luôn làm những việc đẹp lòng Chúa Trời và vâng phục Ngài cho đến chết, cho nên Chúa Giê-su có một quan hệ rất thân mật với Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 11:27 27 Cha ta đã giao mọi sự cho ta. Không ai nhận biết Con ngoại trừ Cha, cũng không ai nhận biết Cha ngoại trừ Con và những người Con muốn khải thị cho họ.

Giăng 10:30 30 Ta với Cha là một.

Nói tóm lại, Chúa Trời muốn người hiến dâng của lễ nhận biết Ngài, có nghĩa là người ấy có một quan hệ thân mật với Ngài. Qua những đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng Chúa Trời Đức Gia-vê ở cùng với Chúa Giê-su tại vì Chúa luôn luôn làm những việc đẹp lòng Ngài, Chúa Giê-su không hề làm một điều gì trái với ý muốn của Ngài, Chúa vâng phục Ngài cho đến chết, bởi vậy Chúa Giê-su có một quan hệ rất thân mật với Chúa Trời, Chúa Giê-su với Đức Cha là một. Chúa Giê-su quả thật là người hiến dâng của lễ theo ý muốn của Chúa Trời.

Chúa Giê-su Có Lòng Thương Xót Vô Biên Cho Tội Nhân

Hơn nữa, Chúa Trời còn muốn người hiến dâng của lễ có lòng nhân từ thương xót người ta.

Trong Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều sự kiện mô tả lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa Giê-su, ở đây tôi chỉ lựa một vài đoạn Kinh Thánh nói về lòng thương xót của Chúa.

Ma-thi-ơ 9:35 – 36 35 Chúa Giê-su đi khắp các thành và các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, truyền giảng tin lành vương quốc Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ bịnh tật và đau yếu. 36 Nhìn thấy đoàn dân đông đảo, Chúa động lòng thương xót, vì họ khốn khổ và vất vưởng như bầy chiên không có người chăn.

Mác 1:40 – 42 40 Một người phung đến cùng Chúa Giê-su, người quì xuống cầu xin rằng: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến tôi sạch.” 41 Chúa Giê-su động lòng thương xót, đưa tay sờ người và nói rằng: “Ta muốn, hãy sạch đi.” 42 Ngay lập tức bịnh phung biến mất, người trở nên sạch.

Đoạn Kinh Thánh trên nói về sự kiện Chúa Giê-su chữa lành một người bịnh phung. Theo Luật Pháp của Cựu Ước, những người mắc bịnh phung không được đến gần người lành. Khi người phung thấy người lành đi qua, thì họ phải kêu lớn tiếng lên: “Không sạch! Không sạch!” để người lành tránh xa họ. Nhưng người phung này đến trước mặt Chúa Giê-su và quì xuống cầu xin Chúa chữa lành người. Chúa đưa tay sờ người và chữa lành người. Xin các bạn ngẫm nghĩ coi, nếu Chúa Giê-su muốn chữa lành một người bịnh, Chúa chỉ cần nói một lời thì người bịnh được lành, Chúa không cần sờ người bịnh. Nhưng tại sao Chúa lại sờ người phung này? Chỉ có một lý do thôi, ấy là Chúa muốn yên ủi khuyến khích người phung này. Người này chắc không có bạn bè, đã từ lâu không ai muốn đến gần người. Bởi vậy Chúa đưa tay sờ người này để bày tỏ tình thương yêu cho người.

Khi các thầy tế lễ cả và người lính đến bắt Chúa Giê-su, một môn đồ của Chúa dùng cây gươm chém đứt cái tai bên phải của một tên đầy tớ, Chúa còn sờ cái tai của người để chữa lành người nữa.

Lu-ca 22:49 – 51 49 Những người đi theo Chúa thấy sự việc xảy ra như vậy, họ nói rằng: “Thưa Chúa, chúng tôi nên dùng gươm đánh không?” 50 Một người trong nhóm đánh đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm và chém đứt tai bên phải của người. 51 Nhưng Chúa Giê-su đáp rằng: “Thôi, đừng làm điều này!” Chúa sờ tai của đầy tớ ấy và chữa lành nó.

Sau khi Chúa bị bắt, họ đem Chúa vào tòa nhà tổng đốc. Ở đó Chúa bị các binh lính đánh đập làm nhục. Chúa không hề oán giận, Chúa chịu đựng hết thảy khổ nạn nhục nhã một cách bình tĩnh.

Ma-thi-ơ 27:27 – 31 27 Rồi binh lính của quan tổng đốc đem Chúa Giê-su vào công đường và nhóm cả đội quân bao quanh Chúa. 28 Họ lột áo của Chúa ra và lấy áo màu đỏ tươi khoác lên trên Chúa. 29 Họ đan một cái mão bằng gai mà đội trên đầu Chúa, và để một cây sậy trong tay hữu Chúa rồi quì xuống trước mặt Chúa mà chế nhạo: “Lạy Vua của dân Giu-đa.” 30 Họ nhổ nước miếng trên Chúa, và lấy cây sậy đánh vào đầu Chúa. 31 Khi đã nhạo báng Chúa xong, họ lột áo đỏ tươi ra mà mặc áo của Chúa lại, rồi đem Chúa đi đóng đinh trên thập giá.

Chúa Giê-su chẳng những không oán giận những người này, mà Chúa còn cầu nguyện cho họ nữa.

Lu-ca 23:33 – 34 33 Khi đến một nơi gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Chúa trên thập giá cùng với hai tên tội phạm, một tên bên phải, một tên bên trái. 34 Nhưng Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” Rồi họ bắt thăm chia áo xống của Chúa.

Những đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa Giê-su Christ.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm ở trên, ta thấy Chúa Giê-su không hề phạm một tội lỗi nào cả, Chúa vâng phục Chúa Trời cho đến chết, cho nên khi Chúa hiến dâng chính mình để chuộc tội cho loài người, huyết của Chúa chảy ra trên thập giá có thể rửa sạch hết thảy tội lỗi của chúng ta khiến ta nên thánh và hoàn hảo. Hơn nữa Chúa Giê-su luôn luôn làm những việc đẹp lòng Chúa Trời, Chúa nhận biết Chúa Trời và Ngài nhận biết Chúa, Chúa có lòng nhân từ thương xót vô biên, cho nên Chúa xứng đáng là người hiến dâng của lễ theo ý muốn của Chúa Trời.

Bởi vậy trước khi chết đi, Chúa nói rằng: “Mọi việc đã được trọn!” Quả thật Chúa đã làm trọn vẹn ý muốn của Chúa Trời.

Chúng Ta Phải Ghi Nhớ Sự Chết Của Chúa Giê-su Bằng Cách Nào?

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, chúng ta cảm tạ Chúa, chúng ta ca tụng lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa. Nhưng chúng ta không nên chỉ ghi nhớ sự chết của Chúa bằng môi miệng thôi, chúng ta phải kỷ niệm sự hiến dâng hy sinh của Chúa bằng cuộc sống và hành động của mình.

Chúa Giê-su hiến dâng thân thể của mình để cất đi tội lỗi của chúng ta, cho nên chúng ta phải cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống tội lỗi. Nếu bạn vẫn còn sống trong tội lỗi thì bao nhiêu đau khổ Chúa chịu đựng để cứu vớt bạn đã bị uổng phí. Tôi không phải nói rằng công trình cứu chuộc của Chúa Trời và Chúa Giê-su đã bị uổng phí, các bạn đừng nghĩ lầm! Công trình cứu chuộc đã làm thay đổi cả lịch sử của loài người, bao nhiêu tội nhân đã được cứu vớt ra khỏi chết chóc diệt vong, công trình cứu chuộc là không bao giờ uổng phí đâu! Nhưng nếu bạn đã tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su rồi nhưng hiện giờ bạn vẫn còn sống trong tội lỗi thì công khó của Chúa để cứu vớt bạn đã bị uổng phí. Công trình cứu chuộc loài người sẽ được hoàn tất trong tương lai rất gần, nhưng bạn sẽ không có phần trong công trình đó!

Hê-bơ-rơ 10:26 – 27 26 Tại vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi ta đã nhận biết lẽ thật, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 chỉ có đợi chờ kinh khiếp sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi!

Sự hiến dâng thân thể của Chúa Giê-su chẳng những cất đi tội lỗi của chúng ta, mà còn khiến ta nên thánh và hoàn hảo nữa (Xin đọc bài giảng “Thánh Đồ” để hiểu rõ ý nghĩa của nên thánh). Nhưng sự nên thánh và hoàn hảo không phải tự nhiên mà có, chúng ta phải hối hợp với quyền năng của Chúa Trời làm việc trong lòng ta rồi ta mới có thể nên thánh và hoàn hảo.

1 Phi-e-rơ 1:15 – 16 15 Nhưng cũng như Ðấng kêu gọi anh em là thánh sạch, thì anh em cũng phải thánh sạch trong mọi cách ăn ở của mình, 16 bởi vì Kinh Thánh có lời chép rằng: “Hãy thánh sạch, vì ta là thánh sạch.”

Ma-thi-ơ 5:44 – 48 44 Nhưng ta nói cùng các ngươi rằng: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, 45 hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ ác cùng kẻ lành, giáng mưa cho kẻ công nghĩa cùng kẻ độc ác. 46 Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Ngay cả những người thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? 47 Lại nếu các ngươi chỉ chào đón anh em mình mà thôi, thì có gì hơn ai đâu? Những người ngoại há chẳng làm như vậy sao? 48 Thế thì các ngươi hãy nên hoàn hảo, như Cha các ngươi ở trên trời là hoàn hảo.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, hoàn hảo là dính liền với yêu thương kẻ thù nghịch. Chúa Giê-su yêu thương cả kẻ thù nghịch của mình, Chúa cầu nguyện cho họ. Chúa dạy bảo chúng ta hãy nên hoàn hảo, vì Đức Cha của ta ở trên trời là hoàn hảo.

Chúng ta không thể tự mình rèn luyện trau dồi để trở nên hoàn hảo, thật ra chúng ta không bao giờ làm nỗi điều này. Nhưng khi chúng ta quyết tâm hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Chúa Trời, chúng ta phó thác chính mình hoàn toàn cho Ngài, tấm lòng của ta là hoàn hảo trước mặt Ngài, thì Ngài sẽ ban quyền năng giúp đỡ ta làm trọn ý chỉ của Ngài.

Chúa Giê-su đã hiến dâng chính mình trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, khi chúng ta ghi nhớ sự chết của Chúa thì chúng ta nên noi gương của Chúa, chúng ta cũng hiến dâng cuộc sống của mình đi cứu vớt người đời.

Tôi tin vào Chúa vào năm 1983, hồi đó tôi không có nghĩ đến việc truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời, và tôi cũng không hiểu biết lời của Ngài trong Kinh Thánh. Nhưng tôi muốn vâng giữ lời của Ngài, và tôi rất khao khát học tập lời của Ngài. Cho dù tôi không thể luôn luôn làm đẹp lòng Chúa Trời, nhưng tấm lòng của tôi là hoàn hảo, và điều ao ước của tôi cũng phù hợp với ý muốn của Chúa Trời, cho nên Ngài ban cho tôi có dịp học tập lời của Ngài, và chính Ngài khải thị cho tôi biết những điều sâu xa uyên thâm trong Kinh Thánh. Tôi ráng học tập lời của Chúa Trời, và đồng thời tôi ráng hầu việc trong Hội Thánh một cách trung thành và siêng năng. Tôi hiểu biết lời của Chúa Trời càng sâu thì tôi càng yêu mến Ngài; khi tôi càng yêu mên Ngài thì tôi muốn hầu việc Ngài càng nhiều; khi tôi hầu việc Ngài càng nhiều thì tôi kinh lịch tình thương yêu của Ngài càng sâu. Và cứ như vậy mối quan hệ giữa Chúa Trời và tôi ngày càng thân mật, rốt cuộc Ngài khải thị cho chồng tôi và tôi biết rằng Ngài muốn hai đứa chúng tôi hiến dâng cuộc sống của mình đi truyền giảng Tin Lành của Ngài (Xin đọc các bài giảng trong “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền” để hiểu rõ các chi tiết).

Ngày nay tôi thấy rằng tôi vẫn không thể luôn luôn làm đẹp lòng của Chúa Trời, tôi chưa vâng phục Ngài một cách hoàn hảo như Chúa Giê-su vâng phục Ngài vậy, và tôi cũng chưa làm trọn vẹn kế hoạch mà Ngài đã sắp đặt cho tôi. Tôi thường cầu xin Chúa Trời gia tăng lực lượng trí tuệ cho tôi để tôi có thể truyền giảng Tin Lành càng hữu hiệu hơn. Tôi cầu xin Chúa Trời giúp đỡ tôi noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su hiến dâng hoàn toàn cuộc sống của mình để cứu vớt người đời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church