You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (1)

 

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (1)

Gia Phổ Và Sự Giáng Sinh Của Chúa Giê-su Christ

Ma-thi-ơ 1:1 – 25

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Giới Thiệu Quyển Sách “Tin Lành Theo Ma-thi-ơ”

Hôm nay chúng ta bắt đầu tra khảo quyển sách “Tin Lành Theo Ma-thi-ơ”. Bộ Tân Ước của Kinh Thánh gồm có 27 quyển sách, “Tin Lành Theo Ma-thi-ơ” là quyển sách đầu tiên của Tân Ước.

Ma-thi-ơ là một trong những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su, và người được Chúa chọn làm một trong 12 sứ đồ. Người vốn là một người thâu thuế. Hồi đó ở nước Y-sơ-ra-ên người thâu thuế bị người ta khinh thường lắm, người ta coi họ là những kẻ thấp hèn, phạm tội trầm trọng. Tại vì phần đông những người thâu thuế thường hay đòi người dân phải nộp số tiền nhiều hơn đã quy định, cho nên người ta khinh thường thù oán họ. Khi Chúa Giê-su thấy Ma-thi-ơ, Chúa kêu gọi người, và người vui lòng từ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Về sau Chúa biến đổi Ma-thi-ơ thành ra một người sứ đố trung tín đắc lực. Trong quyển sách “Tin Lành Theo Ma-thi-ơ”, Ma-thi-ơ ghi lại lời dạy của Chúa cùng những việc Chúa đã làm khi Chúa ở thế gian này.

Gia Phổ Của Chúa Giê-su Christ Và Lịch Sử Của Nước Y-sơ-ra-ên

Ma-thi-ơ 1:1 – 17 1 Gia phổ của Chúa Giê-su Christ, con cháu của Đa-vít và con cháu của Áp-ra-ham. 2. Áp-ra-ham sinh Y-sác; Y-sác sinh Gia-cốp; Gia-cốp sinh Giu-đa và các anh em của người. 3. Giu-đa bởi Tha-ma sinh Pha-rê và Xa-ra. Pha-rê sinh Ếch-rôm; Ếch-rôm sinh A-ram; 4. A-ram sinh A-mi-na-đáp; A-mi-na-đáp sinh Na-ách-son; Na-ách-son sinh Sanh-môn. 5. Sanh-môn bởi Ra-háp sinh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sinh Ô-bết. Ô-bết sinh Gie-sê; 6. Gie-sê sinh vua Đa-vít. Đa-vít bởi vợ của U-ri sinh Sa-lô-môn. 7. Sa-lô-môn sinh Rô-bô-am; Rô-bô-am sinh A-bi-gia; A-bi-gia sinh A-sa; 8. A-sa sinh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Ô-xia. 9. Ô-xia sinh Giô-tam; Giô-tam sinh A-cha; A-cha sinh Ê-xê-chia. 10. Ê-xê-chia sinh Ma-na-sê; Ma-na-sê sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-a. 11. Giô-si -a đang khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sinh Giê-chô-nia và anh em của người. 12. Sau khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, thì Giê-chô-nia sinh Sa-la-thi-ên; Sa-la-thi-ên sinh Xô-rô-ba-bên; 13. Xô-rô-ba-bên sinh A-bi-út; A-bi-út sinh Ê-li-a-kim; Ê-li-a-kim sinh A-xô. 14. A-xô sinh Sa-đốc; Sa-đốc sinh A-chim; A-chim sinh Ê-li-út; 15. Ê-li-út sinh Ê-lê-a-xa; Ê-lê-a-xa sinh Ma-than; Ma-than sinh Gia-cốp; 16. Gia-cốp sinh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sinh Chúa Giê-su, gọi là Christ. 17. Như vậy, từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít, hết thảy có mười bốn đời; từ Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, cũng có mười bốn đời; và từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến đấng Christ, lại cũng có mười bốn đời.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 1:1 – 17 ghi lại gia phổ của Chúa Giê-su Christ. Từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít có mười bốn đời. Áp-ra-ham là ông tổ tiên của dân tộc Y-sơ-ra-ên (tức là dân Do Thái), còn Đa-vít là vị vua được kính mến nhất trong lịch sử của nước Y-sơ-ra-ên.

Từ vua Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cũng có mười bốn đời. Dân tộc Y-sơ-ra-ên từng bị đày qua nước Ba-by-lôn. Trước khi vua Đa-vít qua đời, vua truyền ngôi cho con là Sa-lô-môn. Khi vua Sa-lô-môn qua đời, vua truyền ngôi cho con là Rô-bô-am, ngay lập tức nước Y-sơ-ra-ên bị phân rẽ ra thành hai nước. Nước ở miền bắc vẫn gọi là nước Y-sơ-ra-ên, người dân Y-sơ-ra-ên tôn Giê-rô-bô-am làm vua. Nước ở miền nam gọi là nước Giu-đa, và người dân Giu-đa tôn Rô-bô-am, con cháu của vua Đa-vít làm vua.

Tình trạng chia rẽ này kéo dài cho đến khoảng năm 722 – 721 trước công lịch, rồi nước Y-sơ-ra-ên ở miền bắc bị một đại cường quốc A-ri-si tiêu diệt, người dân Y-sơ-ra-ên bị đày qua nước A-ri-si.

Còn nước Giu-đa ở miền nam tồn tại cho đến năm 586 trước công lịch, rồi cũng bị đại cường quốc Ba-by-lôn tiêu diệt luôn. Người dân Giu-đa bị đày qua nước Ba-by-lôn. Đoạn Kinh Thánh trên nói đến “bị đày qua nước Ba-by-lôn”, ấy chính là sự kiện này.

Rồi 70 năm sau, một đại cường quốc khác Phe-rơ-sơ nổi lên. Vua Phe-rơ-sơ cai trị cả một vùng rất lớn ở miền Trung Đông, và vua cho phép người dân Giu-đa trở về quê hương để xây dựng lại quê nhà của họ. Lúc đó người dân Giu-đa mới được trở về quê hương.

Sau khi dân Giu-đa bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến đấng Christ ra đời, cũng có mười bốn đời. Đấng Christ chính là Chúa Giê-su. Trong Tân Ước của Kinh Thánh, Chúa Giê-su được xưng là Giê-su Christ.

Ý Nghĩa Của Danh Hiệu “Christ”

“Christ” là phiên âm của chữ Hy-lạp “Χριστός” (Christos) (đọc là kh-ris-tos). Tân Ước của Kinh Thánh là viết bằng chữ Hy-lạp, rồi sau đó mới được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. “Christ” có nghĩa là “kẻ được xức dầu”. Ngày xưa trong nước Y-sơ-ra-ên có ba hạng người được xức dầu: các đấng tiên tri, các thầy tế lễ hầu việc trong Đền Thờ của Chúa Trời, và các vị vua.

Các vị vua của Y-sơ-ra-ên phải chịu đấng tiên tri của Chúa Trời xức dầu. Khi Chúa Trời lựa một người nào đó làm vua của Y-sơ-ra-ên, thì Ngài sai một đấng tiên tri đi xức dầu cho người ấy. Cho nên người nào được người tiên tri xức dầu, ấy là bằng chứng Chúa Trời đã lựa chọn người ấy. Về sau cho dù ngôi vua là truyền từ người cha cho người con, nhưng trước khi một ông vua lên ngôi, ông vua vẫn phải nhờ người tiên tri xức dầu để chứng tỏ rằng vua đã được Chúa Trời xác nhận để lãnh đạo nước Y-sơ-ra-ên.

Chữ “Christ” có nghĩa là “kẻ được xức dầu”, tức là kẻ đã được Chúa Trời lựa chọn. Mà danh hiệu này còn mang một ý nghĩa rất quan trọng và đặc biệt: ấy là đấng Cứu Thế mà hết thảy người dân Y-sơ-ra-ên đang chờ đợi. Bởi vì trong Cựu Ước của Kinh Thánh có ghi lại lời tiên đoán của người tiên tri Ê-sai nói rằng, một vị vua vĩ đại sẽ xuất hiện, vua này sẽ nối ngôi của dòng dõi vua Đa-vít, vua sẽ cứu vớt người dân của mình, quyền cai trị và sự bình yên của vua cứ thêm mãi không thôi, và nước của vua là được thiết lập trên căn bản của chính trực công nghĩa, nước của vua sẽ bền vững đời đời. Christ chính là danh hiệu của đấng Cứu Thế này.

Trong thời kỳ của Chúa Giê-su, dân tộc Y-sơ-ra-ên đã mất đi chủ quyền từ lâu rồi. Ở phần trên tôi đã giải thích rằng nước Y-sơ-ra-ên ở miền bắc bị cường quốc A-ri-si tiêu diệt vào khoảng năm 722 – 721 trước công lịch, còn nước Giu-đa ở miền nam bị cường quốc Ba-by-lôn tiêu diệt vào năm 586 trước công lịch. Dân tộc Y-sơ-ra-ên bị đặt dưới quyền cai trị của những đại cường quốc lần lượt vùng lên trong miền Á-Châu và Âu-Châu. Như vậy trong thời của Chúa Giê-su, hết thảy dân tộc Y-sơ-ra-ên đã mất đi chủ quyền gần 600 năm rồi; lúc đó họ đang nằm dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã, người dân bị đàn áp cực khổ, nhưng họ vẫn có một niềm hy vọng trong lòng, họ đang khao khát mong chờ đấng Cứu Thế Christ xuất hiện để cứu vớt họ.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 1:1 – 17 dạy rằng Chúa Giê-su chính là đấng Cứu Thế Christ mà tiên tri Ê-sai đã tiên đoán trong Cựu Ước.

Sự Giáng Sinh Của Chúa Giê-su Christ Và Ý Nghĩa Của Tên “Giê-su”

Ma-thi-ơ 1:18 – 25 18 Vả, sự giáng sinh của Chúa Giê-su Christ đã xảy ra như vầy: Ma-ri, mẹ Chúa, đã hứa gả cho Giô-sép, nhưng chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Thánh Linh. 19 Giô-sép, chồng của người, là một người công nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn định ly dị người một cách kín đáo. 20 Nhưng đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao mà phán rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Thánh Linh. 21 Người sẽ sinh một trai, ngươi hãy đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội lỗi. 22 Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: 23 ‘Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sinh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên, có nghĩa là: Chúa Trời ở cùng chúng ta.’” 24 Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì người làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn mà cưới vợ về với mình; 25 nhưng người không hề ăn ở với Ma-ri cho đến khi người sinh một trai, thì người đặt tên là Giê-su.

Đoạn Kinh Thánh này nói về sự ra đời của Chúa Giê-su. Ma-ri là một cô gái trẻ tuổi, người đã được hứa gả cho Giô-sép. Nhưng còn chưa làm lễ đám cưới, thì Ma-ri đã chịu thai rồi. Khi Giô-sép nghe tin rằng Ma-ri đã chịu thai, lẽ dĩ nhiên người không muốn cưới một cô gái như vậy. Nhưng Giô-sép là một người công nghĩa, cho dù người không muốn cưới Ma-ri về làm vợ, nhưng người không muốn khiến nàng mang xấu trước mặt mọi người, người định ly dị nàng một cách kín đáo. Khi Giô-sép đang ngẫm nghĩ về việc này, thì có thiên sứ của Chúa Trời hiện đến cùng người trong một giấc mơ và nói với người rằng: “Hỡi Giô-sép, ngươi đừng có ngần ngại, ngươi hãy lấy Ma-ri về làm vợ đi. Ma-ri không có phạm tội tà dâm, con mà nàng chịu thai đó là bởi Thánh Linh của Chúa Trời, chứ không phải bởi khí huyết hoặc bởi tình dục. Sau này Ma-ri sẽ sinh một con trai, ngươi nên đặt tên con trai ấy là Giê-su.”

Ý nghĩa của tên “Giê-su” là “Gia-vê cứu vớt” hay “Gia-vê là sự cứu chuộc”. “Gia-vê” là Danh của Chúa Trời. Sau này Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ sử dụng Chúa Giê-su để cứu vớt người dân của Ngài.

Tất cả những việc này đều ở trong kế hoạch cứu chuộc người đời mà Chúa Trời đã sắp đặt ngay từ lúc ban đầu. Khoảng 700 năm trước khi Chúa Giê-su ra đời, đấng tiên tri Ê-sai đã nhận được khải thị của Chúa Trời và ghi lại rằng: “Này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sinh một con trai. Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên,” ý nghĩa của tên “Em-ma-nu-ên” là “Chúa Trời ở cùng với chúng ta.” (Xin đọc bài giảng “Em-ma-nu-ên – Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta” để hiểu rõ ý nghĩa của danh hiệu này).

Khi Giô-sép thức dậy rồi, người làm y như thiên sứ đã dặn. Người cưới Ma-ri về nhà, nhưng người không có ăn ở với nàng. Khi Ma-ri sinh ra một con trai, thì Giô-sép đặt tên cho con trai ấy là Giê-su.

Kế Hoạch Cứu Chuộc Là Cho Hết Thảy Những Người Tin Vào Chúa Giê-su

Không chừng có người sẽ thắc mắc rằng: “Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Giê-su sẽ cứu vớt dân mình ra khỏi tội lỗi. Chúa là con cháu của vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên, vậy Chúa chỉ cứu vớt người dân Y-sơ-ra-ên thôi, chúng ta là người Việt Nam, không phải là người Y-sơ-ra-ên, cho dù Chúa Giê-su có thể cứu vớt người dân của Chúa, nhưng điều đó có liên quan gì đến chúng ta đâu? Chúng ta đâu có phần trong kế hoạch cứu chuộc này?”

Hỡi các bạn ơi, đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Ma-ri chịu thai bởi Thánh Linh của Chúa Trời, cho nên Chúa Giê-su sinh ra là Con của Chúa Trời. Vậy người dân của Chúa tức là người dân của Chúa Trời, chứ không phải chỉ giới hạn là người dân Y-sơ-ra-ên thôi. Câu hỏi quan trọng nhất là bạn có phải là người dân của Chúa Trời hay không? Nếu bạn là người dân của Chúa Trời, thì Chúa Giê-su có thể cứu vớt bạn, bạn sẽ được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Trời.

Chúa Trời Đức Gia-vê là Đấng sáng tạo ra vũ trụ vạn vật gồm cả loài người chúng ta. Ngài đã sắp đặt sẵn kế hoạch cứu chuộc cho chúng ta ngay từ lúc vũ trụ trời đất vừa mới được dựng nên. Tôi muốn nhấn mạnh về điểm này, kẻo có người nghĩ rằng Đạo của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su chỉ xuất hiện vào khoảng 2000 năm về trước thôi. Hỡi các bạn ơi, không phải như vậy đâu! Chúa Giê-su ra đời vào khoảng 2000 năm về trước, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê thì tồn tại mãi mãi không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, và Ngài là Đấng đã sáng tạo ra vũ trụ vạn vật và chúng ta.

Nói tóm lại, Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, vậy người dân của Chúa tức là người dân của Chúa Trời. Chúa Giê-su cứu vớt người dân của Chúa Trời ra khỏi tội lỗi. Bất cứ người Việt Nam, hay người Nhật Bổn, hay người Hàn Quốc, hay người Mỹ, hay người Pháp, hay người Y-sơ-ra-ên, hay người da đen ở Phi-Châu, hễ ai muốn được ơn cứu chuộc thì phải trở thành người dân của Chúa Trời.

Giăng 1:12 12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài,

Chữ “Ngài” ở đây là chỉ về Chúa Trời Đức Gia-vê. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này, “hễ ai đã nhận Ngài” thì chính là “kẻ tin vào danh Ngài”. Vậy những người nhận Chúa Trời Đức Gia-vê tức là những người tin vào danh của Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Ngài. Khi chúng ta trở thành con cái của Chúa Trời, thì Chúa Giê-su có thể cứu vớt chúng ta ra khỏi tội lỗi.

Sự Cứu Vớt Ra Khỏi Tội Lỗi Có Nghĩa Là Gì?

Sự cứu vớt ra khỏi tội lỗi gồm có hai ý nghĩa:

Ý nghĩa đầu tiên là như vậy: Hậu quả của tội lỗi là chết, chẳng những là cái chết của thân thể, mà còn là cái chết của linh hồn nữa. Thân thể của ta sớm muộn gì cũng phải chết đi, nhưng cái chết của thân thể không phải là chấm dứt của mọi sự, trong tương lai còn có phán xét nữa. Vào Ngày Phán Xét, linh hồn của tất cả mọi người từng sống trên thế gian này đều phải đứng trước Ngôi Phán Xét của Chúa Giê-su để chịu phán xét. Những người tội ác sẽ bị trừng phạt chịu chết, ấy là cái chết của linh hồn. Còn những người công nghĩa sẽ được ban cho sự sống đời đời ở vương quốc Thiên Đàng. Khi Chúa Giê-su cứu vớt chúng ta ra khỏi tội lỗi có nghĩa là chúng ta được tha tội. Khi chúng ta tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, chúng ta ăn năn hối cải tội lỗi của mình rồi chịu phép báp-tem thì tội lỗi ta đã phạm sẽ được rửa sạch bằng huyết báu của Chúa chảy ra trên cây thập tự, cho nên ta được tha tội, ta trở nên trong sạch và công nghĩa. Đó là ý nghĩa đầu tiên của sự cứu vớt ra khỏi tội lỗi.

Ý nghĩa thứ hai của sự cứu vớt ra khỏi tội lỗi là như vậy: Chúng ta được cứu vớt ra khỏi lực lượng ràng buộc của tội lỗi. Khi chúng ta tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, ta phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời để Ngài cai quản đời ta, thì Ngài cho ta chết về tội lỗi, rồi Ngài ban cho ta một cuộc sống mới. Trong cuộc sống mới này, chúng ta được ban cho quyền năng để khắc phục lực lượng của tội lỗi, cho nên chúng ta không bị tội lỗi ràng buộc nữa, ta được cứu vớt ra khỏi lực lượng ràng buộc của tội lỗi.

Các bạn có biết bị tội lỗi ràng buộc là như thế nào không?

Có những điều chúng ta biết rằng đó là tội lỗi, ta biết rằng ta không nên làm những điều này, nhưng ta cứ làm mãi không ngưng được, đó là tại vì chúng ta bị tội lỗi ràng buộc. Thí dụ: Những người nghiện ma túy đều biết rằng thuốc ma túy có hại cho thân thể, có nhiều người vì nghiện ma túy mà đi ăn cắp tiền bạc hay làm việc phi pháp để có tiền mua thuốc ma túy. Họ biết rằng tiếp tục nghiện ma túy sẽ làm hỏng cuộc đời và thân thể của mình, nhưng họ cứ nghiện mãi, họ cai không được. Họ đã bị lực lượng của tội lỗi ràng buộc rồi.

Có nhiều người hay nói dối, họ cứ nói dối hoài. Họ biết rằng nói dối là không tốt, nhưng đã trở thành thói quen rồi, họ sửa không được. Có người thì rất nóng tính, họ nổi giận lên thì chửi mắng người khác, có khi còn đánh lộn với người ta nữa. Sau khi bình tĩnh lại thì họ ân hận, nhưng lần sau khi họ nổi giận lên lại cứ chửi rủa đánh đập người ta, họ sửa không được. Đó chính là sự ràng buộc của tội lỗi.

Đây chỉ là một vài thí dụ rất thông thường về sự ràng buộc của tội lỗi. Các bạn chắc biết rằng có nhiều chuyện trong đời sống hàng ngày còn ghê tởm hơn nhiều.

Các bạn có muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của tội lỗi không? Các bạn có muốn cho những tội lỗi của mình được rửa sạch không? Các bạn có muốn trở nên con người trong sạch công nghĩa và có lòng nhân từ thương xót như Chúa Trời Đức Gia-vê vậy không? Khi chúng ta tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, thì ta được ban cho quyền năng trở thành con cái của Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ cứu vớt chúng ta ra khỏi tội lỗi, và ta được biến đổi thành ra con người trong sạch công nghĩa và đầy dẫy nhân từ thương xót.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

 

(c) 2021 Christian Disciples Church