You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (11)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (11)

Phước Cho Những Kẻ Hay Thương Xót

Ma-thi-ơ 5:7

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 5:6: “Phước cho những kẻ đói khát sự công nghĩa, vì sẽ được thỏa mãn !” hôm nay chúng ta học tiếp Ma-thi-ơ 5:7.

Ma-thi-ơ 5:7 7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót !

Chúa Giê-su dạy rằng những kẻ hay thương xót người khác thì có phước lắm, tại vì họ sẽ được Chúa Trời Đức Gia-vê thương xót lại. Xin các bạn để ý, ở đây Chúa không phải nói rằng những kẻ có lòng thương xót thì sẽ được người khác thương xót lại, nhưng ấy là chính Chúa Trời sẽ thương xót họ.

Một Nguyên Tắc Thuộc Linh Quan Trọng

Đây là một nguyên tắc thuộc linh rất quan trọng trong Kinh Thánh. Chúng ta đối xử người khác như thể nào, thì Chúa Trời cũng đối xử chúng ta cùng một thể ấy. Nếu chúng ta thương xót người khác, thì Ngài sẽ thương xót ta. Nếu chúng ta tha thứ người khác, thì Ngài cũng tha thứ ta. Nếu chúng ta không thương xót người khác, thì Ngài cũng sẽ không thương xót ta. Nếu chúng ta hung dữ đối với người khác, thì ta sẽ kinh lịch sự nghiêm khắc của Ngài.

Ma-thi-ơ 7:1 – 2 1 Các ngươi đừng xét đoán ai, hầu cho mình khỏi bị xét đoán. 2 Vì các ngươi xét đoán người ta thể nào, thì các ngươi cũng bị xét đoán lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì các ngươi sẽ bị lường lại mực ấy.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng có xét đoán người khác hầu cho mình khỏi bị Chúa Trời xét đoán. Chúng ta xét đoán người ta thể nào, thì Chúa Trời sẽ xét đoán ta cùng một thể ấy. Chúng ta lường cho người ta mực nào, thì Chúa Trời sẽ lường lại cho ta mực ấy.

Thi Thiên 18:25 – 26 25 Với người nhân từ, Chúa tỏ mình nhân từ lại; Với kẻ trọn vẹn, Chúa tỏ mình trọn vẹn lại; 26 Với kẻ trong sạch, Chúa tỏ mình trong sạch lại; Còn với kẻ xảo quyệt, Chúa tỏ mình xảo quyệt lại.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Trời bày tỏ lòng nhân từ với người nhân từ, có nghĩa là những kẻ đối xử người khác một cách nhân từ thì sẽ được Chúa Trời đối xử một cách nhân từ. Những người trọn vẹn sẽ kinh lịch Chúa Trời là trọn vẹn. Những người có tấm lòng trong sạch thì được kinh lịch những chuyện trong sạch. Những kẻ xảo quyệt thường hay lừa gạt người khác thì rốt cuộc sẽ bị người ta lừa gạt lại, bởi vì Chúa Trời nhìn thấy mọi sự, Ngài sẽ dùng những kẻ gian trá để đối phó những người xảo quyệt.

Chúa Trời Đã Bày Tỏ Lòng Thương Xót Đối Với Chúng Ta

Chúa Trời thì đầy dẫy lòng nhân từ thương xót, nhưng chúng ta sẽ nhận được sự thương xót ơn huệ của Ngài hoặc là chúng ta sẽ bị Ngài xét đoán trừng phạt, ấy là tùy thuộc vào cách ta đối xử người khác.

Chúa Trời đã thương xót chúng ta như thế nào?

Thi Thiên 145:8 8 Gia-vê hay ban ơn, có lòng thương xót, chậm nóng giận, và đầy dẫy nhân từ.

Câu thơ này nói rằng Chúa Trời Đức Gia-vê hay ban ơn cho chúng ta, Ngài có lòng thương xót, hơn nữa Ngài chậm nóng giận. Khi chúng ta phạm tội nghịch cùng Ngài, Ngài không có trừng phạt ta liền, Ngài ban cho ta cơ hội để nhận biết Ngài, Ngài dạy dỗ ta để ta hiểu được lẽ thật, và Ngài rất kiên nhẫn dắt đưa ta ăn năn hối cải và trở về con đường chân lý của Ngài.

Chính tôi đã kinh lịch lòng nhân từ thương xót và ơn huệ của Chúa Trời. Trước kia khi tôi chưa nhận biết Ngài, tôi đã nói những lời phạm thượng chê bai lời dạy của Ngài, nhưng Ngài không có trừng phạt tôi liền, Ngài biết rõ tôi thực sự không hiểu biết, Ngài ban ơn cho tôi càng nhiều hơn, Ngài dẫn đưa tôi đến cùng Ngài, sau cùng lòng nhân từ thương xót của Ngài làm động lòng tôi, và tôi vui lòng phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài để Ngài cai quản đời tôi, và tôi rất vui lòng làm một tên tôi tớ của Ngài (Xin đọc “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền” (1), (2), (3), (4), (5) để biết rõ những chi tiết)

Ê-phê-sô 2:4 – 6 4 Nhưng Chúa Trời là giàu lòng thương xót, Ngài yêu quý chúng ta vì lòng yêu thương lớn, 5 nên cho dù chúng ta đã chết trong tội lỗi mình, Ngài làm cho chúng ta cùng sống với đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, 6 Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại trong Chúa và cùng ngồi với Chúa trong các nơi trên trời trong Chúa Giê-su Christ,

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Trời là giàu lòng thương xót; khi chúng ta bị tội lỗi ràng buộc, tâm linh của ta đã chết trong tội lỗi rồi, nhưng Chúa Trời cứu vớt ta bằng ân điển của Ngài. Ngài khiến chúng ta được sống lại trong Chúa Giê-su Christ, và Ngài còn cho ta cùng ngồi với Chúa Giê-su trong các nơi trên trời ! Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, chúng ta được cùng ngồi với Chúa Giê-su ở vương quốc Thiên Đàng ! Ơn huệ này thật là quá lớn lao !

Tít 3:5 5 Ngài cứu chúng ta không phải vì những việc công nghĩa chúng ta đã làm, nhưng theo lòng thương xót của Ngài, bởi việc rửa sạch về sự tái sinh và sự đổi mới bởi Thánh Linh.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Trời đã cứu vớt chúng ta chẳng phải vì chúng ta đã làm những việc công nghĩa; thực ra chúng ta đều từng là tội nhân, chúng ta chẳng có làm việc công nghĩa gì cả, những việc ta đã làm đều là vì lợi ích của mình thôi. Dầu vậy, Chúa Trời vẫn thương xót chúng ta, Ngài cứu vớt chúng ta bởi việc rửa sạch về sự tái sinh và sự đổi mới bởi Thánh Linh. Việc rửa sạch tức là phép rửa tội (phép báp-tem). Qua phép báp-tem chúng ta chết về cuộc sống tội lỗi cũ, rồi Chúa Trời cho ta được tái sinh có nghĩa là Ngài ban cho ta một cuộc sống mới. Trong cuộc sống mới này Thánh Linh sẽ biến đổi tâm hồn, tư tưởng và hành vi việc làm của ta, khiến ta được nên thánh, ấy chính là sự đổi mới bởi Thánh Linh.

1 Phi-e-rơ 1:3 3 Ngợi khen Chúa Trời là Cha của Chúa Giê-su Christ chúng ta ! Vì lòng thương xót lớn lao, Ngài đã cho chúng ta được tái sinh trong niềm hy vọng của sự sống, nhờ Chúa Giê-su Christ sống lại từ kẻ chết.

Câu Kinh Thánh này cũng dạy rằng vì lòng thương xót lớn lao, và nhờ Chúa Giê-su Christ sống lại từ kẻ chết, Chúa Trời đã cho chúng ta được tái sinh vào trong một cuộc sống mới với niềm hy vọng của sự sống.

1 Ti-mô-thê 1:13 13 Trước đây ta vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ và hung bạo, nhưng ta đã được ơn thương xót, vì ta đã làm những chuyện đó trong sự ngu muội không tin.

Trong câu Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô nói rằng người vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ và hung bạo. Trước kia, sứ đồ không tin rằng Chúa Giê-su chính là đấng Cứu Thế Christ trong kế hoạch cứu chuộc loài người do Chúa Trời Gia-vê sắp đặt, và người đã bắt bớ các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc một cách hung bạo. Dầu vậy sứ đồ Phao-lô vẫn nhận được ơn thương xót, Chúa Trời hiểu rõ tấm lòng của người, Ngài biết rằng sỡ dĩ người làm những chuyện này là tại vì từ sự không tin mà tâm hồn của người trở nên ngu muội. Cho nên Ngài đã dắt đưa sứ đồ ăn năn hối cải trở về con đường chân lý.

Hê-bơ-rơ 4:16 16 Bởi vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần Ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và nhận được ơn điển để giúp chúng ta trong lúc cần thiết.

Câu Kinh Thánh này dạy bảo ta hãy vững lòng tin cậy vào Chúa Trời, mỗi khi ta gặp gian nan nguy hiểm thì ta đến gần Chúa Trời mà cầu xin Ngài, rồi ta sẽ được Ngài thương xót và nhận được ơn điển để giúp đỡ ta.

Chính tôi đã kinh lịch bao nhiêu lần Chúa Trời giúp đỡ tôi trong cơn hoạn nạn, Ngài an ủi tôi trong những giờ phút tôi yếu đuối tuyệt vọng nhất. Tôi có thể làm chứng rằng lời dạy trong câu Kinh Thánh này là hoàn toàn chân thật.

Chúa Trời Muốn Cho Con Cái Của Ngài Cũng Có Lòng Thương Xót

Tại vì chính Chúa Trời Đức Gia-vê là giàu lòng thương xót, cho nên Ngài muốn cho con cái của Ngài cũng có lòng thương xót.

Lu-ca 6:36 36 Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót.

Chúa Giê-su dạy bảo ta nên thương xót người khác cũng như Đức Cha trên trời đã thương xót chúng ta vậy.

Ma-thi-ơ 9:13 13 Hãy đi và học cho biết câu này nghĩa là gì: “Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Vì ta đến đây không phải để kêu gọi kẻ công nghĩa, nhưng kêu gọi kẻ có tội.

Chúa Giê-su trích dẫn một câu Kinh Thánh trong Cựu Ước để giảng dạy rằng Chúa Trời Đức Gia-vê coi lòng thương xót còn quan trọng hơn của lễ hiến dâng cho Ngài. Chúa không phải nói rằng của lễ hiến dâng cho Chúa Trời là không tốt. Hiến dâng của lễ cho Chúa Trời thì tốt lắm, nhưng nếu chúng ta không có lòng thương xót, thì cho dù ta hiến dâng của lễ cho Chúa Trời cũng không làm đẹp lòng Ngài, Ngài sẽ không nhận lấy của lễ của ta.

Hơn nữa Chúa Trời thương xót cho những người có tội, cho nên Ngài sai Chúa Giê-su đến là để kêu gọi kẻ có tội hãy ăn năn hối cải, chứ không phải kêu gọi những người tự cho mình là công nghĩa.

Thực ra hết thảy người đời đều đã phạm tội, không có một người nào là công nghĩa cả. Những người tự cho mình là công nghĩa là những người không chịu thừa nhận mình là tội nhân thôi. Tại vì những người này không chịu thừa nhận mình là tội nhân, cho nên họ không ăn năn hối cải. Tại vì họ không ăn năn hối cải, cho nên họ sẽ không nhận được sự thương xót tha tội.

Chúng Ta Phải Thương Xót Người Ta Như Thế Nào

Tại vì Chúa Trời Đức Gia-vê muốn cho con cái của Ngài có lòng thương xót, vậy ta phải thương xót người ta như thế nào?

Ma-thi-ơ 18:32 – 35 32 “Chủ bèn gọi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 tại sao ngươi lại không thương xót đồng bạn đầy tớ của ngươi như ta đã thương xót ngươi vậy ?” 34 Chủ nổi giận, giao nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào nó trả hết nợ. 35 Cha ta ở trên trời cũng sẽ đối xử với các ngươi như thế nếu các ngươi không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Đây là những câu kết luận của một ví dụ giảng dạy về sự tha thứ cho anh em mình. (Tôi sẽ giảng giải ví dụ này một cách tường tận trong một bài giảng luận về chuyên mục “Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh”, ở đây tôi chỉ nói sơ qua đại ý của ví dụ này thôi)

Chúa Giê-su dùng câu chuyện của một người đầy tớ được ông vua tha nợ để giảng dạy về sự tha tội. Có một ông vua tính sổ với các đầy tớ của mình. Khi vua bắt đầu soát sổ, thì có người đem nộp mọt tên kia mắc nợ vua mười ngàn (10.000) ta-lâng.

Xin các bạn để ý, trong thời của Chúa Giê-su, tiền công một ngày của người công nhân lao động là 1 đơ-ni-ê; 1 ta-lâng bạc là tương đương với 10 ngàn (10.000) đơ-ni-ê, có nghĩa là người công nhân phải làm việc 10.000 ngày mới kiếm được 1 ta-lâng bạc, mà 10.000 ngày tức là 27 năm ! Một người công nhân phải làm việc 27 năm trời mới kiếm được 1 ta-lâng bạc. Tên đầy tớ kia mắc nợ ông vua mười ngàn (10.000) ta-lâng, người phải làm việc 270.000 (2 trăm 70 ngàn) năm mới trả được món nợ !! Tên đầy tớ ấy không bao giờ trả được món nơ này.

Ông vua định bán tên đầy tớ ấy và cả vợ con và gia tài của người để trả nợ. Tên đầy tớ ấy quỳ xuống cầu xin vua hoãn lại, và người hứa rằng người sẽ ráng trả hết. Ông vua biết rằng người này sẽ không bao giờ trả được món nợ, nhưng vì lòng thương xót nên vua tha nợ cho người.

Khi tên đầy tớ ấy được thả ra ngoài, nó gặp một người đồng bạn đầy tớ, người bạn mắc nợ tên đầy tờ ấy một trăm (100) đơ-ni-ê. Xin các bạn để ý, 100 đơ-ni-ê chỉ là tiền công 100 ngày thôi. Món nợ này thì rất nhỏ so với món nợ mà tên đầy tớ đã mắc nợ ông vua. Tên đầy tớ ấy bắt người bạn của mình phải trả nợ, người bạn kia quỳ xuống xin tên đầy tớ gia hạn cho, rồi người sẽ ráng trả hết. Nhưng tên đầy tớ ấy không chịu, người bỏ bạn mình vào tù cho đến chừng nào người bạn trả hết nợ.

Khi các bạn đầy tớ khác thấy vậy, họ buồn bực mà thuật lại chuyện này cho ông vua. Cho nên ông vua gọi đầy tớ ấy đến và phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; tại sao ngươi lại không thương xót đồng bạn đầy tớ của ngươi như ta đã thương xót ngươi vậy ?” Ông vua nổi giận và bỏ tên đầy tớ ấy vào tù ngục cho đến chừng nào nó trả hết nợ.

Trong ví dụ này, Chúa Giê-su so sánh tội lỗi của ta như một món nợ khổng lồ (10.000 ta-lâng bạc). Tên đầy tớ không cách nào trả được món nợ này, tương tự như chúng ta không cách nào tẩy sạch tội lỗi của mình. Khi tên đầy tớ cầu xin ông vua thì vua tha nợ cho người, tương tự khi ta ăn năn hối cải và cầu xin Chúa Trời thì Ngài tha tội cho ta. Nhưng tại vì tên đầy tớ không chịu tha món nợ nho nhỏ cho bạn mình, cho nên vua cũng không tha nợ cho người, tương tự như nếu chúng ta không tha thứ cho anh em mình thì Chúa Trời cũng không tha tội cho ta. Chúng ta đối xử người ta thể nào thì Chúa Trời cũng đối xử ta cùng một thể ấy.

Trong ví dụ này ta thấy rằng lòng thương xót thì dính liền với sự tha thứ. Ông vua thương xót cho tên đầy tớ nên vua tha nợ cho người, tương tự như Chúa Trời vì lòng thương xót đã tha tội cho ta. Cho nên ta cũng phải thương xót người ta mà tha thứ cho người ta. Nếu ta không tha thứ người khác thì chứng tỏ rằng ta không có lòng thương xót, vậy Chúa Trời cũng không thương xót ta và Ngài sẽ không tha tội cho ta.

Ma-thi-ơ 6:14 – 15 14 Nếu các ngươi tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha tội cho các ngươi. 15 Nhưng nếu các ngươi không tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha tội cho các ngươi.

Gia-cơ 2:13 13 Tại vì sự xét đoán không thương xót cho kẻ chẳng thương xót; sự thương xót thắng được sự xét đoán.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng kẻ không thương xót người ta sẽ bị Chúa Trời xét đoán không thương xót; ngược lại nếu ta có lòng thương xót, thì lòng thương xót sẽ thắng được sự xét đoán.

Lu-ca 10:29 – 37 29 Nhưng thầy ấy muốn chứng tỏ mình là công nghĩa, nên nói cùng Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” 30 Chúa Giê-su trả lời rằng: “Một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, người bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo của người, đánh đập người, rồi bỏ đi, để lại người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy người ấy, cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy người ấy thì động lòng thương xót; 34 người bèn áp lại, băng bó vết thương, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương; rồi người cho kẻ bị thương cỡi trên con lừa của mình, chở đến nhà quán trọ mà săn sóc cho. 35 Hôm sau, người lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả cho.” 36 Trong ba người đó, ngươi nghĩ ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Thầy dạy Luật nói rằng: “Ấy là kẻ đã có lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su nói rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

(Xin đọc bài giảng “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)” để hiểu rõ hơn ý nghĩa của ví dụ này.)

Khi ông thầy dạy Luật hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân cận của tôi?”, Chúa Giê-su trả lời bằng một ví dụ. Trong ví dụ này người Sa-ma-ri đã hết lòng hết sức giúp đỡ người bị thương. Xin các bạn để ý, người Giu-đa thì không có giao thiệp với người Sa-ma-ri (căn cứ theo Giăng 4:9: “dân Giu-đa không có giao thiệp với dân Sa-ma-ri”). Bởi vậy người Sa-ma-ri này vốn không phải là người bạn của kẻ bị thương, hai người này vốn không quen biết nhau. Vậy mà người Sa-ma-ri lại vui lòng săn sóc kẻ bị thương một cách chu đáo như thế thì thật là hiếm có.

Ông thầy dạy Luật muốn biết ai là người lân cận của ông. Ngược lại người Sa-mi-ri không hề nghĩ đến kẻ bị thương có phải là người lân cận của người hay không; khi người thấy kẻ bị thương, thì người động lòng thương xót (căn cứ theo câu 33 và câu 37), và người hết lòng hết sức giúp đỡ người đó.

Lòng thương xót là dính liền với hết sức giúp đỡ những kẻ đang gặp nguy hiểm gian nan. Hàng ngày khi chúng ta thấy người ta lâm vào nguy hiểm gian nan, thì ta nên thương xót cho họ và hết sức giúp đỡ họ, bất cứ họ có phải là bạn hữu thân thuộc hay không.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 5:7, “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót !” Những kẻ hay thương xót người khác thì có phước lắm, tại vì họ sẽ được Chúa Trời Gia-vê thương xót lại. Chúa Trời có lòng thương xót vô biên, trước đây khi chúng ta còn đắm chìm trong tội lỗi thì Ngài đã cứu vớt ta và ban cho ta một cuộc sống mới. Trong cuộc sống mới này Thánh Linh của Ngài tiếp tục biến hóa tâm hồn ta, khiến ta trở nên càng ngày càng giống như Con của Chúa Trời là Chúa Giê-su Christ vậy.

Chúa Trời muốn cho con cái của Ngài cũng cò lòng thương xót người ta:

  • Đầu tiên: Lòng thương xót là dính liền với sự tha thứ anh em Tín Đồ. Nếu chúng ta tha thứ cho anh em Tín Đồ thì Chúa Trời cũng tha tội cho ta. Nếu chúng ta không tha thứ cho anh em Tín Đồ thì Ngài sẽ không tha tội cho ta.
  • Điểm thứ hai: Lòng thương xót là dính liền với hết sức giúp đỡ những kẻ đang lâm vào nguy hiểm gian nan, bất cứ họ có phải là bạn bè thân thuộc hay không.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church