Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (29)
Xin Đừng Để Chúng Tôi Sa Vào Cám Dỗ
Ma-thi-ơ 6:13
Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Trong bài giảng trước, tôi đã giải thích Ma-thi-ơ 6:12. Bây giờ chúng ta tiếp tục tra khảo câu Kinh Thánh kế tiếp:
Ma-thi-ơ 6:13 13 Xin đừng để chúng tôi sa vào cám dỗ, nhưng cứu chúng tôi khỏi kẻ ác.
Chúa Giê-su Có Phải Dạy Bảo Chúng Ta Nên Cầu Nguyện Để Khỏi Bị Cám Dỗ Chăng?
Trong câu này Chúa Giê-su có phải dạy bảo chúng ta nên cầu xin Chúa Trời bảo hộ chúng ta khỏi bị cám dỗ chăng?
Nhưng chính Chúa Giê-su từng bị Thánh Linh hướng dẫn đi vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ:
Ma-thi-ơ 4:1 Sau đó Thánh Linh hướng dẫn Chúa Giê-su đến đồng vắng (tức là vùng sa mạc) để chịu ma quỉ cám dỗ.
(Xin đọc 2 bài giảng “Chúa Giê-su Bị Ma Quỉ Cám Dỗ (1) & (2) để hiểu rõ lời giải thích về sự kiện này)
Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, Chúa dẫn các môn đồ đến vườn Ghết-sê-ma-nê, và Chúa cũng dặn các môn đồ phải cầu nguyện để khỏi bị sa vào cám dỗ:
Ma-thi-ơ 26:41 41 “Hãy cảnh giác và cầu nguyện hầu cho các ngươi không sa vào cám dỗ; tâm linh thì mong muốn, nhưng xác thịt thì yếu đuối.”
Nhưng khi Chúa Giê-su bị bắt, Phi-e-rơ bị ma quỉ cám dỗ, và người phạm tội lỗi chối bỏ Chúa 3 lần:
Lu-ca 22:54 – 62 54 Họ bắt Chúa Giê-su và đem đi, giải Chúa đến nhà thầy cả thượng phẩm. Phi-e-rơ đi theo Chúa xa xa. 55 Họ nhóm lửa giữa sân và ngồi với nhau, Phi-e-rơ cũng ngồi chung với họ. 56 Một đầy tớ gái thấy Phi-e-rơ đang ngồi gần lửa, thì nhìn chăm chỉ mà nói rằng: “Người nầy cũng ở với người ấy.” 57 Nhưng Phi-e-rơ chối rằng: “Hỡi đàn bà kia, tôi không biết người đó.” 58 Một lát sau, có người khác thấy Phi-e-rơ và nói rằng: “Ngươi cũng thuộc về bọn đó!” Phi-e-rơ nói rằng: “Hỡi ngươi, tôi không phải.” 59 Ðộ một giờ sau, có người khác quả quyết nói rằng: “Quả thật người nầy cũng ở với người ấy, vì người là dân Ga-li-lê.” 60 Nhưng Phi-e-rơ nói rằng: “Hỡi ngươi, tôi không hiểu ngươi nói gì!” Ngay khi Phi-e-rơ còn đang nói, thì gà liền gáy. 61 Chúa quay lại và nhìn vào Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã nói cùng mình rằng: “Hôm nay trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần.” 62 Người đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Ba đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy rằng cả Chúa Giê-su và Phi-e-rơ đều từng trải cám dỗ, nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa Chúa và Phi-e-rơ. Phi-e-rơ bị ma quỉ cám dỗ và phạm tội, nhưng Chúa Giê-su cũng bị cám dỗ nhưng Chúa không hề phạm tội:
Hê-bơ-rơ 4:15 15 Vì chúng ta chẳng có một thầy tế lễ thượng phẩm không cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta, nhưng thầy tế lễ này từng bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta vậy, nhưng chẳng phạm tội.
Thật ra, bất cứ Tín Đồ Cơ Đốc hay những kẻ không tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, mỗi một người đều bị ma quỉ cám dỗ, không ai có thể tránh khỏi được. Bởi vậy trong Ma-thi-ơ 6:13 Chúa Giê-su không phải dạy bảo chúng ta nên cầu nguyện để khỏi bị ma quỉ cám dỗ. Vậy Chúa Giê-su muốn dạy bảo chúng ta điều gì?
Ý Nghĩa Của “Sa Vào Cám Dỗ”
Xin các bạn đọc kỹ câu Ma-thi-ơ 6:13, Chúa Giê-su không phải nói rằng: “Xin đừng để chúng tôi bị cám dỗ…”, nhưng Chúa nói rằng: “Xin đừng để chúng tôi sa vào cám dỗ…”
“Sa vào cám dỗ” thì khác với “bị cám dỗ”. “Sa vào cám dỗ” có nghĩa là gì?
1 Ti-mô-thê 6:9 – 10 9 Còn những kẻ muốn được nên giàu có thì sa vào cám dỗ và cạm bẫy và nhiều dục vọng dại dột và thiệt hại, và những dục vọng này đẩy người ta vào hủy hoại và diệt vong. 10 Lòng ham mê tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác; có người vì đeo đuổi tiền bạc mà lìa bỏ đức tin, và bản thân họ bị nhiều nỗi đau khổ xâu xé.
Trong câu 9, “sa vào cám dỗ” là dính liền với “nhiều dục vọng dại dột và thiệt hại,” và chính những dục vọng này đẩy chúng ta vào hủy hoại và diệt vong.
“Sa vào cám dỗ” có nghĩa là sa vào các dục vọng, rồi bị các dục vọng thúc đẩy phạm tội lỗi trầm trọng và bị diệt vong.
Diệt vong không phải là chết chóc của thân thể, mà là diệt vong của linh hồn. Hay nói một cách khác là mất đi ơn cứu chuộc.
Xin các bạn đọc kỹ sự kiện Phi-e-ơ chối bỏ Chúa 3 lần (đoạn Kinh Thánh Lu-ca 22:54 – 62 ở trên). Chối bỏ Chúa Giê-su là một tội lỗi rất mực nghiêm trọng. Tội lỗi này sẽ đưa đến hậu quả bị diệt vong:
Ma-thi-ơ 10:32 – 33 32 Bởi vậy, ai tuyên xưng ta trước mặt người đời, thì ta cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha ta ở trên trời; 33 còn ai chối bỏ ta trước mặt người đời, thì ta cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha ta ở trên trời.
Lu-ca 12:8 – 9 8 Ta nói cùng các ngươi, ai tuyên xưng ta trước mặt người ta, thì Con của loài người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt thiên sứ của Chúa Trời; 9 nhưng ai chối bỏ ta trước mặt người ta, thì người ấy sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên sứ của Chúa Trời.
Chúa Giê-su nói ra một cách rõ ràng dứt khoát rằng ai chối bỏ Chúa trước mặt thiên hạ thì Chúa cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Chúa Trời. Trong tương lai vào Ngày Phán Xét, nếu chúng ta bị Chúa Giê-su chối bỏ trước mặt Chúa Trời thì chúng ta chắc mất đi ơn cứu chuộc và bị diệt vong.
Trong vườn Ghết-sê-ma-nê Chúa Giê-su đã biết trước rằng ma quỉ sẽ cám dỗ các môn đồ, nhất là Phi-e-rơ sẽ bị cám dỗ phạm tội lỗi nghiêm trọng, cho nên Chúa dặn bảo họ phải cầu nguyện để không bị sa vào cám dỗ. (Xin đọc đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 26:41 ở trên)
Các bạn chắc thắc mắc rằng Phi-e-rơ có bị mất đi ơn cứu chuộc không?
Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh Lu-ca 22:54 – 62 trích dẫn ở trên, sau khi Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-su lần thứ 3, tức thì gà gáy; Chúa quay lại nhìn vào mặt của người, và người nhớ lại lời Chúa đã nói, người đi ra ngoài và khóc lóc thảm thiết. Ấy là khóc lóc của ăn năn hối cải:
2 Cô-rinh-tô 7:10 10 Vì buồn rầu theo ý Chúa Trời thì sinh ra hối cải dẫn đến sự cứu chuộc và chẳng có ân hận, còn buồn rầu theo thế gian thì sinh ra sự chết.
Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su đã cảnh cáo Phi-e-rơ, và Chúa đã cầu nguyện cho lòng tin và sự ăn năn hối cải của người:
Lu-ca 22:31 – 32 31 Hỡi Si-môn, Si-môn, này Sa-tan đã đòi sàng sảy các ngươi như lúa mì. 32 Nhưng ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không bị tiêu tan; Vậy một khi ngươi trở lại, hãy làm cho anh em mình vững mạnh.
Quả thật, theo như lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, lòng tin của Phi-e-rơ không bị tiêu tan sau khi người đã phạm tội lỗi trầm trọng. Người ăn năn hối cải, Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su tha tội cho người. Về sau Phi-e-rơ là một trong những người lãnh đạo trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem hướng dẫn các anh chị em Tín Đồ bắt đầu công trình rao truyền Tin Lành của Chúa Trời trên khắp thế gian.
Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm đã tra khảo ở trên:
Sau khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa trong lời dạy của Chúa Giê-su, chúng ta chắc phải cầu nguyện để không bị “sa vào cám dỗ.” Nhưng chúng ta có phải mỗi ngày cứ lặp lại câu nói : “Xin đừng để chúng tôi bị sa vào cám dỗ” là xong ?
Chúng Ta Phải Cầu Nguyện Như Thế Nào?
Trong câu Kinh Thánh 1 Ti-mô-thê 6:9 trích dẫn ở trên, chúng ta thấy sa vào cám dỗ là liên quan đến các dục vọng.
1 Ti-mô-thê 6:9 9 Còn những kẻ muốn được nên giàu có thì sa vào cám dỗ và cạm bẫy và nhiều dục vọng dại dột và thiệt hại, và những dục vọng này đẩy người ta vào hủy hoại và diệt vong.
Gia-cơ 1:14 – 15 14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ. 15 Khi dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành sinh ra sự chết.
Sở dĩ chúng ta bị cám dỗ là tại vì chúng ta bị dục vọng trong lòng lôi cuốn và quyến rũ. Từ dục vọng sinh ra tội lỗi, từ tội lỗi dẫn đến sự chết, ấy là sự chết của linh hồn, tức là mất đi ơn cứu chuộc.
Hai đoạn Kinh Thánh trên đều chỉ ra rằng chúng ta bị cám dỗ phạm tội lỗi là tại vì các dục vọng trong lòng của mình.
Ga-la-ti 5:19 – 21 19 Các hành động của xác thịt là rõ ràng lắm, ấy là: gian dâm, ô uế, phóng đãng, 20thờ thần giả, phù phép, thù oán, xung đột, ghen ghét, tức giận, tham vọng ích kỹ, chia rẽ, bè phái, 21ganh tị, say sưa, ăn chơi sa đọa, cùng những chuyện tương tự như vậy. Tôi cảnh cáo anh em cũng như tôi đã từng nói trước rồi: Những người làm những việc ấy thì không được thừa hưởng vương quốc Chúa Trời
Các hành động của xác thịt chính là từ dục vọng trong lòng mà ra. Câu 21 chỉ ra một cách minh bạch rằng “những người làm những việc ấy thì không được thừa hưởng vương quốc Chúa Trời,” có nghĩa là mất đi ơn cứu chuộc, bị diệt vong.
Rô-ma 8:13 13 Vì nếu anh em sống theo xác thịt thì anh em phải chết; nhưng nếu nhờ Thánh Linh mà anh em làm cho chết các việc làm của thân thể thì anh em sẽ được sống.
“Sống theo xác thịt” tức là sống theo dục vọng của xác thịt, có nghĩa là làm những việc để thỏa mãn dục vọng của xác thịt. Nếu chúng ta sống theo dục vọng của xác thịt thì linh hồn chúng ta phải chết. Ngược lại chúng ta có thể nhờ vào quyền năng của Thánh Linh của Chúa Trời mà làm cho chết các việc làm của xác thịt thì chúng ta được sống.
Chúng ta biết các việc làm của xác thịt của mình là gì. Chúng ta phải đến trước mặt Chúa Trời Gia-vê và thú nhận các việc làm của xác thịt mình một cách thành thật, cầu xin Ngài làm cho chết các việc làm của xác thịt.
Đồng thời chúng ta phải phối hợp với quyền năng của Chúa Trời. Chúng ta phải để ý các các việc làm của xác thịt mình và phải chối bỏ chúng.
Tội Lỗi Trầm Trọng Khiến Tâm Hồn Mù Mịt
Các bạn đừng nghĩ rằng miễn là chúng ta ăn năn hối cải thì chắc được Chúa Trời tha tội. Hỡi các bạn ơi, có người phạm tội lỗi trầm trọng đến nỗi tâm hồn của họ trở nên mù mịt đần độn và họ không thể ăn năn hối cải:
Ma-thi-ơ 27:1 – 5 1 Ðến buổi sáng, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân nghịch cùng Chúa Giê-su để giết Chúa. 2 Họ trói Chúa và đem nộp Chúa cho quan tổng đốc Phi-lát 3 Khi ấy, Giu-đa, là kẻ đã phản Chúa, thấy Chúa bị lên án, người ân hận và đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão, 4 và nói rằng: “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội!” Nhưng họ đáp rằng: “Việc đó can hệ gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi.” 5 Giu-đa ném bạc vào đền thờ, trở ra, và đi thắt cổ.
Giu-đa từng là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su, người đã phản lại Chúa và nộp Chúa cho các thầy tế lễ để đổi lấy 30 bạc. Tội lỗi trầm trọng này khiến tâm hồn người trở nên đần độn, người không thể ăn năn hối cải nữa. Khi người thấy Chúa Giê-su bị lên án, người ân hận; nhưng người không đến trước mặt Chúa Trời mà cầu xin Ngài tha tội, nhưng người lại đi đến các thầy tế lễ cả và các trưởng lão. Người bị những tên này làm nhục, sau cùng người đi thắt cổ.
Ân Điển Tình Thương Của Chúa Trời Dẫn Đưa Chúng Ta
Về một mặt khác, chúng ta không cần phải hoảng sợ. Nếu chúng ta hằng cầu xin Chúa Trời làm cho chết các việc làm của xác thịt, hàng ngày chúng ta vâng theo lời chỉ dẫn của Thánh Linh thì Chúa Trời chắc gìn giữ chúng ta. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Trời không để chúng ta bị cám dỗ vượt quá sức mình, và Ngài sẽ mở lối thoát cho chúng ta:
1 Cô-rinh-tô 10:13 13 Chẳng có sự cám dỗ nào đã đến với anh em mà lại không phải thông thường cho loài người; mà Chúa Trời là thành tín, Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ vượt quá sức mình, nhưng trong sự cám dỗ, Ngài sẽ mở lối thoát để anh em có thể chịu đựng được.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church