You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (9)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (9)

Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì

Ma-thi-ơ 5:5

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Một Câu Chuyện Tranh Giành Gia Tài

Nhiều năm về trước ở Hong Kong có một chuyện tranh giành gia tài xảy ra trong một gia đình giàu có. Khi người cha đang bịnh nặng, thì trong gia đình xảy ra cuộc tranh giành gia tài. Các bạn có biết những người nào tranh giành gia tài không? Ấy là người mẹ tranh giành với bốn đứa con cái của mình! Trong khi người cha bịnh nặng, nhưng còn chưa chết, thì họ đã tranh giành với nhau rồi; họ đưa ra tòa mà thưa kiện, mỗi bên đều mướn luật sư để biện hộ cho mình. Người cha đang bịnh nặng mà nhìn thấy họ tranh giành như vậy thì hẳn là càng buồn khổ thêm nữa. Sự kiện này khuấy động dư luận ở Hong Kong, ngày nào ngày nấy các tờ báo đều có bài tường thuật dài về cuộc tranh giành này. Hồi đó chồng tôi và tôi đang phụng sự tại một hội thánh ở Úc-đại-lợi, tin tức của sự kiện này lan truyền qua bên Úc luôn. Tôi không có thì giờ theo dõi từng chi tiết của sự kiện này, tôi chỉ là nghe người khác kể lại thôi. Tôi nghe nói rằng sau khi người cha qua đời rồi, tòa án xét xử mỗi bên đều được một phần của gia tài.

Ta thấy người đời ham mộ tiền tài đến dường nào! Không chừng các bạn cũng từng thấy những người trong cùng một gia đình tranh giành gia tài với nhau rồi, những chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Nhưng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta không cần phải tranh giành gia tài trong đời này, bởi vì trong tương lai chúng ta sẽ được thừa hưởng đất đai do Chúa Trời ban cho, ấy là tốt đẹp hơn những gia tài trên thế gian này nhiều.

Phước Cho Những Kẻ Nhu Mì, Vì Sẽ Được Thừa Hưởng Đất Đai

Ma-thi-ơ 5:5 5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ được thừa hưởng đất đai!

Câu nói này của Chúa Giê-su thì trái ngược hẳn với những chuyện trên đời này, trong câu chuyện tôi vừa kể ở trên, năm mẹ con tranh giành gia tài với nhau, ai nấy đều hung hăng lắm, người này đả kích người kia, người kia phỉ báng người nọ v.v. Hễ ai hơi yếu một chút thì không giành được một chút gia tài gì cả. Trên đời này những kẻ nhu mì thì làm ăn cũng không được, cho dù họ được thừa hưởng đất đai nhưng rốt cuộc cũng sẽ bị người khác giật đi luôn. Hễ ai muốn được thành công trên đời này thì phải bạo dạn, ăn nói lanh lẹn khéo léo.

Nhưng ý tưởng của Chúa Trời thì khác hẳn với ý tưởng của người đời, Ngài thương yêu những kẻ có tính nhu mì, những người này sẽ được thừa hưởng đất đai!

Ý Nghĩa Của Nhu Mì

Nếu chúng ta muốn được thừa hưởng đất đai do Chúa Trời ban cho thì chúng ta phải là kẻ nhu mì. Vậy con người nhu mì là con người như thế nào? Căn cứ theo tự điển Việt ngữ thì nhu mì có nghĩa là: “dịu dàng, mềm mỏng và hiền lành trong quan hệ đối xử.”

Tôi quen biết một người đàn bà, bà này nói chuyện với giọng nói nho nhỏ mềm mại. Nhưng trong lời nói của bà, bà cứ nói xấu người này, đả kích người kia. Và trong khi bà nói xấu đả kích người khác, bà vẫn giữ giọng nói nho nhỏ mềm mại với một nụ cười trên môi miệng. Khi tôi nói chuyện với bà này lần đầu tiên, tôi nghe giọng nói mềm mại và nhìn vào nụ cười vui tươi trên mặt của bà nhưng kèm theo những lời đả kích nói xấu người khác, tôi thật là kinh ngạc vô cùng!

Bà này có phải là một người nhu mì không? Hẳn là không! Một người như vậy thì hẳn không làm đẹp lòng Chúa Trời, Ngài không có ưa thích một người cứ nói xấu đả kích người khác hoài. Vậy một người có tính tình nhu mì không những chỉ là cử chỉ dịu dàng mềm mại ở bên ngoài thôi, mà quan trọng nhất là tấm lòng ở bên trong. Nếu chúng ta có một tấm lòng nhu mì ở bên trong, thì tính tình nhu mì sẽ tự nhiên được thể hiện ra hành động lời nói ở bên ngoài. Ngược lại nếu chúng ta chỉ là cử chỉ dịu dàng ở bên ngoài, nhưng không có một tấm lòng nhu mì ở bên trong thì chúng ta không phải là người nhu mì. Ngay cả định nghĩa trong tự điển Việt Ngữ ở trên cũng chỉ ra rằng một người nhu mì thì phải là một người hiền lành nữa, chứ không phải chỉ là dịu dàng, mềm mỏng trong cử chỉ thôi.

Bây giờ để chúng ta tra khảo lời dạy trong Kinh Thánh để biết rõ một người nhu mì là một người như thế nào?

Thi Thiên 37:1 – 11 1 Chớ phiền lòng vì cớ của kẻ làm ác, đừng ghanh tị với người làm điều dữ. 2 Vì chúng sẽ chóng tàn như cỏ, và phai nhạt như cỏ xanh. 3 Hãy tin cậy vào Gia-vê và làm điều lành; hãy an cư trên mảnh đất và được hưởng no đủ trong thành tín. 4 Hãy vui mừng trong Gia-vê, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng ngươi ao ước. 5 Hãy phó thác đường lối mình cho Gia-vê, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ thành tựu việc ấy. 6 Ngài sẽ khiến công nghĩa của ngươi chiếu rạng như ánh sáng, và phán đoán của ngươi rực rỡ như giữa trưa. 7 Hãy yên tịnh trước mặt Gia-vê và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ của kẻ được thạnh vượng bằng đường lối mình, hoặc vì cớ của người tiến hành những âm mưu độc ác. 8 Hãy dẹp giận hờn và bỏ thịnh nộ; chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ dẫn đến việc ác. 9 Vì những kẻ làm ác sẽ bị tiêu diệt; còn kẻ nào trông đợi Gia-vê sẽ được thừa hưởng đất đai. 10 Một chút nữa kẻ ác sẽ không còn, và ngươi sẽ tìm xem chỗ của nó, thật không còn nữa. 11 Nhưng người nhu mì sẽ được thừa hưởng đất đai, và được vui mừng trong bình yên dư dật.

Đoạn Kinh Thánh này mô tả hai loại người khác nhau, loại người dữ và loại người nhu mì. Kẻ dữ làm việc theo đường lối riêng của mình, họ lập ra những âm mưu độc ác để làm hại người ta và nhờ đó mà đạt được lợi ích cho mình (câu 7). Còn những người nhu mì thì tin cậy vào Chúa Trời Gia-vê (câu 3), vui mừng trong Chúa Trời (câu 4), phó thác đường lối của mình cho Ngài (câu 5), họ yên tịnh trước mặt Chúa Trời và chờ đợi chỉ thị của Ngài (câu 7), chứ họ không có làm việc theo ý riêng của mình, họ không tức giận không phiền lòng vì kẻ dữ (câu 8). Chẳng bao lâu thì Chúa Trời sẽ trừng phạt kẻ dữ, họ sẽ bị tiêu diệt, còn người nhu mì thì được thừa hưởng đất đai do Ngài ban cho.

Dân Số Ký 12:1 – 13 1 Mi-ri-am và A-rôn nói nghịch với Môi-se về bà vợ người Cút mà người đã cưới; vì người có lấy một người nữ xứ Cút làm vợ. 2 Hai người nói rằng: “Có phải Gia-vê chỉ dùng một mình Môi-se mà phán truyền sao? Ngài không dùng chúng ta mà phán truyền sao?” Gia-vê nghe lời đó. 3 Môi-se là người rất khiêm hòa, khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian. 4 Bất thình lình Gia-vê phán cùng Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am rằng: “Cả ba hãy ra đến Hội Mạc.” Cả ba đều đi ra. 5 Gia-vê ngự xuống trong trụ mây đứng tại cửa Hội Mạc, rồi gọi A-rôn và Môi-se; hai người đều đến. 6 Ngài phán cùng hai người rằng: “Hãy lắng nghe lời ta. Nếu trong các ngươi có một tiên tri, ta là Gia-vê sẽ bày tỏ chính mình ta cho người ấy trong khải tượng, và nói chuyện với người trong cơn chiêm bao. 7 Môi-se tôi tớ của ta không phải như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. 8 Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời bí ẩn, và người thấy hình dáng Gia-vê. Vậy, các ngươi không sợ mà nói nghịch với tôi tớ của ta là Môi-se sao?” 9 Rồi cơn thạnh nộ của Gia-vê nổi phừng phừng cùng hai người và Ngài lìa khỏi. 10 Khi trụ mây rút khỏi trên Hội Mạc, thì kìa, Mi-ri-am đã bị phung trắng như tuyết. A-rôn quay về phía Mi-ri-am, thấy người đã mắc bịnh phung. 11 A-rôn bèn nói cùng Môi-se rằng: “Oi, lạy chúa tôi, xin chớ để trên chúng tôi tội lỗi mà chúng tôi đã dại phạm và đã mắc lấy. 12 Xin chớ để nàng như một đứa con sảo thai mà thịt đã hư hết phân nửa khi lọt ra khỏi lòng mẹ.” 13 Môi-se bèn kêu cầu cùng Gia-vê rằng: “Oi, Chúa Trời! Con cầu khẩn Ngài chữa cho nàng.”

Đoạn Kinh Thánh này thuật lại sự kiện Chúa Trời Gia-vê khiển trách A-rôn và Mi-ri-am khi họ nói nghịch với Môi-se, rồi Ngài trừng phạt Mi-ri-am. Môi-se là tôi-tớ rất trung tín của Chúa Trời, người là một người khiêm-hòa nhất trên thế gian.

Ở đây tôi phải giải thích cho các bạn biết rõ. Cựu Ước của Kinh Thánh thì viết bằng chữ Hê-bơ-rơ, nhưng cũng được dịch ra chữ Hy-lạp, tại vì trong thời của Chúa Giê-su, chữ Hy-lạp là ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới. Chữ Hy-lạp của từ ngữ “khiêm hòa” trong đoạn Kinh Thánh trên Dân số ký 12:3 là cùng một chữ với từ ngữ “nhu mì” dùng trong Ma-thi-ơ 5:5: “Phước cho những kẻ nhu mì”. Vậy có nghĩa là cùng một chữ Hy-lạp dùng trong Ma-thi-ơ 5:5 và Dân số ký 12:3, nhưng trong Kinh Thánh Việt Ngữ thì có lúc dịch là “nhu mì”, có lúc lại dịch là “khiêm hòa”, mà thật ra cả hai từ ngữ là cùng một chữ Hy-lạp và mang cùng một ý nghĩa.

Môi-se được Chúa Trời Gia-vê lựa chọn lập làm lãnh tụ của dân Do-thái để hướng dẫn họ ra khỏi nước Ê-díp-tô (tức là nước Ai-cập ngày nay). Khi Đức Gia-vê muốn ban chỉ thị cho dân Do-thái thì Ngài nói cho Môi-se biết, rồi Môi-se phán truyền lại cho dân chúng.

Hội Mạc là một cái rạp dùng làm Đền Thờ tạm của Chúa Trời. Sau khi dân Do Thái ra khỏi đất Ai-cập, họ đi lang thang trên sa-mạc chưa được định cư ở một xứ nào. Đức Gia-vê hướng dẫn họ đi từ chỗ này sang chỗ khác trong vòng bốn mươi năm trời, trong suốt khoảng thời gian đó Ngài cung cấp nước uống lương thực và những điều cần thiết cho họ. Bởi vì dân Do Thái di chuyển thường xuyên cho nên Đức Gia-vê chỉ thị họ làm một cái rạp lớn dùng làm Đền Thờ tạm, cái rạp này gọi là Hội Mạc.

Mỗi lần họ muốn hiến dâng của lễ cho Chúa Trời Gia-vê, thì họ hiến dâng trên Đền Thờ tạm này. Mỗi lần Ngài muốn ban chỉ thị cho họ, thì Ngài ngự xuống trên Hội Mạc và phán truyền chỉ thị cho Môi-se, rồi Môi-se truyền lại cho dân chúng. Mỗi khi dân Do Thái phải dời đi một chỗ mới, thì các thầy tế lễ và người Lê-vi tức là những người thuộc dùng một dòng họ của Môi-se và A-rôn sẽ thu xếp những đồ đạc trên Đền Thờ tạm và Hội Mạc, rồi đem theo những đồ vật này đi cùng với họ. Khi họ đến một chỗ mới, thì ngay lập tức các thầy tế lễ và người Lê-vi lại dựng lên cái Hội Mạc và Đền Thờ tạm.

Hôm đó khi Chúa Trời nghe những lời phản nghịch của A-rôn và Mi-ri-am, Ngài kêu gọi cả ba đều đi ra đứng trước Hội Mạc. Đức Gia-vê ngự xuống trong một trụ mây trước cửa Hội Mạc, Ngài khiển trách A-rôn và Mi-ri-am, rồi Ngài trừng phạt Mi-ri-am khiến người bị bịnh phung. A-rôn vội xin Môi-se cầu xin Chúa Trời tha tội cho họ và chữa bịnh cho Mi-ri-am. Môi-se bèn cầu xin Chúa Trời chữa trị người.

Qua đoạn Kinh Thánh này ta thấy Môi-se là một người như thế nào, người vừa bị hai anh chị của mình phê bình đả kích, nhưng người không có giận hờn, ngược lại người còn đi cầu xin Chúa Trời chữa trị cho bà chị Mi-ri-am nữa. Môi-se quả thật là một người nhu mì nhất trên thế gian này, người phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, người tin cậy vào Ngài và hoàn toàn vâng phục Ngài. Ở đây tôi cho các bạn biết sự kiện này kết thúc ra sao, khi Môi-se cầu nguyện cho Mi-ri-am, thì Chúa Trời vui lòng chữa trị bịnh phung của người, nhưng Ngài phán rằng người phải bị cầm riêng ở ngoài trại bảy ngày rồi sau đó mới được nhận vào, đó là một trừng phạt cho người.

Không chừng có người sẽ nói rằng: “Vậy thì cứ một mực mềm mại, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không chống cự lại, vậy là một người nhu mì!” Các bạn có nghĩ như vậy không? Hỡi các bạn ơi, nhu mì trong Kinh Thánh thì không phải đơn giản như vậy đâu.

Ma-thi-ơ 21:5 5 “Hãy nói với con gái Si-ôn rằng: ‘Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi, nhu mì, cỡi trên lừa, là một lừa con, là con của lừa cái mang ách.’

Câu Kinh Thánh này là trích từ lời của người tiên tri Xa-cha-ri. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi Chúa Giê-su cỡi trên một lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su chính là vua của Si-ôn. Tiên tri Xa-cha-ri mô tả tính tình của vị vua này là nhu mì, vậy chúng ta có thể học tập về tính tình của Chúa Giê-su để hiểu rõ thêm tính tình nhu mì là như thế nào.

Ma-thi-ơ 21:12 – 13 12 Chúa Giê-su vào Đền Thờ và đuổi hết kẻ bán người mua ở trong Đền Thờ, Chúa đổ bàn của những người đổi bạc và lật ghế của những người bán bồ câu. 13 Chúa nói cùng họ rằng: “Có lời chép rằng: ‘Nhà ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện’, nhưng các ngươi làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.”

Các bạn có kinh ngạc không? Tại sao bất thình lình Chúa Giê-su lại đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ và còn làm đổ bàn ghế của người ta nữa ? Những hành động này thì khác hẳn với những điều ta vừa học ở trên: một người nhu mì thì không nóng giận, phó thác mọi việc cho Chúa Trời! Hơn nữa ta thường nghĩ rằng Chúa Giê-su là nhân từ thương xót, tại sao bất thình lình Chúa nổi giận như thế?

Các bạn có biết tại sao trong Đền Thờ của Chúa Trời lại giống như cái chợ có người đổi bạc và có người bán bồ câu? Hồi đó nước Y-sơ-ra-ên là một thuộc địa của Đế Quốc La-mã. Những quốc gia dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã đều dùng loại tiền bạc có hình của ông vua La-mã trên đó. Các thầy tế lễ của Đền Thờ nghĩ rằng hình của ông vua La-mã là pho tượng, tiền bạc có pho tượng là không thích hợp dùng để hiến dâng cho Chúa Trời. Cho nên người Do Thái đều phải đổi tiền bạc của họ thành ra loại tiền bạc đặc biệt do các thầy tế lễ chỉ định, rồi họ mới có thể hiến dâng cho Chúa Trời. Đó là lý do tại sao trong Đền Thờ lại có người đổi bạc.

Hơn nữa người Do Thái phải hiến dâng con vật để làm của lễ cho Chúa Trời, họ có thể hiến dâng con bò, hay con cừu hay con bồ câu. Nhưng người Do Thái đến từ các nơi xa thì không thể đem theo con vật mà đi đường, con vật sẽ chết giữa đường, tốt nhất là mua một con vật ở Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa Trời. Mà những con vật hiến dâng phải là hoàn toàn không bịnh tật mới phù hợp với điều lệ qui định trong Luật Pháp. Các thầy tế lễ phát giấy phép phê chuẩn cho những người buôn bán con vật trong Đền Thờ để bảo đảm rằng con vật của họ là hoàn toàn phù hợp với điều lệ của Luật Pháp. Bởi vậy hễ ai muốn hiến dâng con vật cho Chúa Trời đều phải mua ở trong Đền Thờ. Đó là lý do tại sao trong Đền Thờ lại có người buôn bán con vật.

Đền Thờ là một nhà cầu nguyện, khi người ta đến vào Đền Thờ thì phải yên tịnh tâm hồn đến gần Chúa Trời để cầu nguyện tương giao với Ngài. Nhưng kẻ mua người bán xôn xao lộn xộn đã khiến nhà cầu nguyện thánh sạch thành ra cái chợ, người bán thì muốn bán được giá cao hơn, còn người mua thì muốn hạ giá xuống. Bởi vậy Chúa Giê-su nói họ đã khiến Đền Thờ thành ra cái ổ trộm cướp, và Chúa nổi giận lên mà đuổi hết thảy ra ngoài.

Chúa Giê-su thì nhân từ thương xót đối với những kẻ bị đàn áp chịu khổ nạn và những người tội nhân ăn năn hối cải, nhưng đối với những người hiểu rõ lời dạy trong Kinh Thánh và đang giữ địa vị quan trọng trong Đền Thờ mà lại lợi dụng địa vị của mình để kiếm tiền làm giàu, thì Chúa Giê-su sẵn sàng khiển trách họ và giảng dạy cho họ một bài học vậy. Nhưng có một điểm rất quan trọng ta cần phải để ý, cho dù Chúa nổi giận, nhưng Chúa vẫn tìm cầu ý chỉ của Chúa Trời trước khi Chúa làm đổ bàn ghế của họ và đuổi họ ra ngoài, Chúa không bao giờ làm việc theo ý riêng của mình.

Qua sự kiện này cho ta thấy tính tình nhu mì trong Kinh Thánh thì không phải cứ một mực mềm mại, không nói, không tức giận, không phiền lòng thôi. Chúa Giê-su cũng nổi giận chứ, nhưng Chúa nổi giận có phải vì lợi ích của mình không? Không! Chúa nổi giận vì người ta phạm tội lỗi làm nhục cái Danh của Chúa Trời và làm ô uế Đền Thờ của Ngài, Chúa nổi giận khi thấy những người cầm quyền trong Đền Thờ đã hướng dẫn người dân đi lên con đường sai lầm. Cho nên Chúa đuổi hết thảy kẻ bán người mua ra ngoài để làm sạch Đền Thờ nâng cao thánh sạch công nghĩa của Chúa Trời. Còn về những chuyện cá nhân của mình thì Chúa không bao giờ nổi giận căm hờn, Chúa không bao giờ phiền lòng vì kẻ dữ lập mưu đả kích giết hại mình. Thật ra khi Chúa bị bắt, một người đầy tớ của thầy tế lễ cả bị một môn đồ của Chúa chém đi một lỗ tai, Chúa còn rờ tay ra để chữa lành lỗ tai của người đó. Khi Chúa đã bị đóng đinh trên cây thập tự rồi, Chúa còn cầu nguyện cho những kẻ thù của mình và xin Đức Cha tha thứ cho họ. Và Môi-se cũng cầu nguyện cho Mi-ri-am cho dù nàng đã nói nghịch với người.

Bây giờ tôi tóm tắt lại tất cả những điều ta vừa tra khảo để có một sự hiểu biết rõ ràng chính xác về tính tình nhu mì trong Kinh Thánh. Một người nhu mì là một người hoàn toàn tin cậy vào Chúa Trời, người phó thác mọi việc trong tay của Ngài, người yên tịnh trước mặt Ngài để chờ đợi chỉ thị của Ngài, chứ người không có hành động theo ý riêng của mình. Bởi vì người hoàn toàn tin cậy vào Chúa Trời, cho nên người không cần phải phiền lòng vì cớ của kẻ dữ, người cũng không tức giận khi bị người ác đả kích nói nghịch, người biết rằng Chúa Trời điều khiển nắm giữ mọi sự và Ngài sẽ báo ứng, bởi vậy người còn có thể yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho họ nữa. Nhưng một mặt khác một người nhu mì tuy là hiền lành mềm mại nhưng người không có sợ sệt thỏa hiệp với tội lỗi gian ác, cho dù người bị kẻ dữ thù ghét làm hại, mà người vẫn luôn luôn nâng cao thánh sạch công nghĩa của Chúa Trời. Nhưng bất cứ trong trường hợp nào làm bất cứ việc gì, người luôn luôn tìm cầu ý chỉ của Chúa Trời và làm theo ý của Ngài.

Được Thừa Hưởng Đất Đai Có Nghĩa Là Gì?

Các bạn có muốn trở thành một người nhu mì không? Một người nhu mì như vậy thì chắc khó mà đạt được thành công địa vị cao sang trong xã hội. Người đời muốn đạt được địa vị cao sang thì phải tranh giành, phải lập kế hoạch để làm hạ đối thủ của mình, phải tìm cách làm vừa lòng cấp trên, phải thông minh lanh lẹn v.v. Còn những người nhu mì thì chỉ biết làm theo ý của Chúa Trời thôi, vậy thì làm sao mà có thể thành công trên đời này?

Vâng, những kẻ nhu mì thì không đạt được thành công địa vị cao sang trên đời này, nhưng họ chẳng lo âu, bởi vì Chúa Trời trông nom mọi điều họ cần thiết, và trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:5 Chúa Giê-su dạy rằng họ còn được thừa hưởng đất đai trong tương lai nữa. Vậy được thừa hưởng đất đai có nghĩa là gì?

Tín Đồ Cơ Đốc là con cái của Chúa Trời, cho nên chúng ta có thể thừa hưởng sản nghiệp của Đức Cha. Trong tương lai khi Chúa Giê-su trở về thế gian này, Chúa sẽ quét sạch mọi gian ác, (xin đọc bài giảng “Liên Hệ Giữa Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Và Sự Sống Đời Đời Trong Tương Lai” để biết rõ sự kiện Chúa Giê-su trở về thế gian) và vương quyền của Chúa Trời sẽ được thiết lập trên trái đất và cả vũ trụ, Chúa Trời Gia-vê ban cho Chúa Giê-su quyền hành trị vì thế gian này. Lúc đó những người đã giữ trung tín với Chúa Giê-su sẽ trị vì cùng một lượt với Chúa.

2 Ti-mô-thê 2:11 – 12 11 Đây là lời đáng tin vậy: Nếu chúng ta cùng chết với Chúa, thì cũng sẽ cùng sống với Chúa; 12 Nếu chúng ta kiên trì bền vững, thì sẽ trị vì cùng với Chúa; Nếu chúng ta chối bỏ Chúa, thì Chúa cũng sẽ chối bỏ chúng ta;

Nếu chúng ta cùng chết với Chúa thì ta cũng sẽ cùng sống với Chúa. Chúa đã chịu chết hai ngàn năm về trước, làm sao mà chúng ta có thể cùng chết với Chúa được? Cùng chết với Chúa có nghĩa là gì? Đây không phải nói về cái chết của thân thể xác thịt, mà là cái chết về tội lỗi. Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa đã chịu chết về tội lỗi.

Rô-ma 6:10 10 Vì Chúa đã chết là chết về tội lỗi một lần đủ cả; nhưng Chúa sống là sống cho Chúa Trời.

Khi chúng ta ăn năn hối cải hết thảy tội lỗi của mình và phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời để Ngài cai quản sử dụng, rồi chịu phép báp-tem thì Chúa Trời sẽ cho ta chết về tội lỗi. Khi chúng ta chết về tội lỗi như vậy thì chúng ta cùng chết với Chúa Giê-su, rồi chúng ta cũng sẽ cùng sống với Chúa (2 Tim-mô-thê 2:11 ở trên). Chúa Giê-su đã được sống lại; nếu chúng ta quả thật chết về tội lỗi thì Chúa Trời sẽ ban cho ta một cuộc sống mới, vậy bây giờ chúng ta đã được sống lại về phương diện tâm linh, và ta đang cùng sống với Chúa Giê-su (xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Trên Thế Gian Này”). Trong cuộc sống mới này chúng ta phải kiên trì bền vững, giữ gìn trung tín với Chúa Giê-su thì trong tương lai khi Chúa trở về thế gian này, chúng ta sẽ được trị vì cùng với Chúa. Ngược lại nếu chúng ta chối bỏ Chúa thì Chúa cũng sẽ chối bỏ ta, ta sẽ mất đi ơn cứu chuộc.

Lu-ca 19:15 – 19 15 Khi người đã chịu phong chức làm vua rồi thì trở về, người đòi các đầy tớ đã lãnh bạc đều đến đặng cho biết mỗi người làm lợi được bao nhiêu. 16 Đầy tớ thứ nhất đến trình rằng: “Lạy Chúa, nén bạc của Chúa sinh lợi được mười nén.” 17 Chủ nói rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành kia, được lắm; vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi sẽ được cai trị mười thành.” 18 Người thứ hai đến thưa rằng: “Lạy chúa, nén bạc của Chúa sinh lợi được năm nén.” 19 Chủ nói rằng: “Ngươi được cai trị năm thành.”

Đây là một ví dụ, Chúa Giê-su dùng ví dụ này để giảng cho môn đồ biết rằng trong tương lai khi Chúa trở về thế gian, thì các đầy tớ trung tín sẽ được lãnh phần thưởng. Phần thưởng mà họ nhận lãnh sẽ tùy thuộc vào thành tích của công việc họ làm. Chúa Trời đã ban cho mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc những ân tứ tài năng để hầu việc Ngài. Một tên đầy tớ dùng nén bạc của người chủ để làm ăn và sinh lợi được mười nén, đó là tượng trưng cho một người đã hầu việc Chúa Trời đạt được kết quả rất tốt, và Chúa Giê-su sẽ ban cho người này cai trị mười thành phố. Còn tên đầy tớ làm ăn và sinh lợi được năm nén là tượng trưng cho một người đã hầu việc Chúa Trời và đạt được kết quả cũng khá tốt, rốt cuộc Chúa ban cho người này cai trị năm thành.

Trong tương lai những kẻ nhu mì sẽ được ban cho đất đai. Khi Chúa Giê-su trở về, Chúa sẽ trị vì thế gian này, còn những người Tín Đồ của Chúa sẽ được ban cho đất đai để trị vì cùng một lượt với Chúa. Những người đã hầu việc đạt kết quả càng tốt thì được ban cho đất đai càng nhiều. Chúa ban phần thưởng tùy theo thành tích của ta.

Hỡi các bạn ơi, nếu chúng ta hoàn toàn vâng phục Chúa Trời làm theo ý của Ngài, thì những việc ta làm sẽ mang kết quả tốt đẹp, ta càng vâng phục Ngài thì ta sẽ kết quả càng nhiều. Lúc đầu không chừng chúng ta chỉ được giao cho những việc nhỏ thôi, nếu ta siêng năng trung thành trong việc nhỏ thì dần dần Chúa Trời sẽ giao cho ta những việc ngày càng quan trọng hơn. Chúa Giê-su sẽ ở cùng với ta và giúp đỡ ta, chúng ta không phải làm việc một mình đâu!

Các bạn có muốn trở thành một người nhu mì không? Tôi ham muốn trở thành một người nhu mì, tôi thường cầu nguyện xin Chúa Trời biến hóa tôi trở thành một người nhu mì để có thể làm đẹp lòng của Ngài!

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church