You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (16)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (16)

Tức Giận Và Giết Người – Bình Yên Và Nên Thánh

Ma-thi-ơ 5:21 – 26

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:17 – 20, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:21 – 26 21 Các ngươi có nghe lời nói cho người xưa rằng: “Chớ giết người. Hễ ai giết người thì sẽ bị xét xử.” 22 Nhưng ta nói cùng các ngươi: “Hễ ai tức giận anh em mình thì đáng bị xét xử. Ai mắng nhiếc anh em mình là ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xét xử; ai mắng anh em mình là ngu dại thì đáng bị ném vào lửa địa ngục. 23 Bởi vậy nếu khi ngươi đem dâng của lễ trên bàn thờ, mà nhớ đến anh em mình có điều gì bất hòa với mình, 24 thì hãy để của lễ trước bàn thờ, và đi hòa giải với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ. 25 Hãy mau mau hòa thuận với kẻ thù nghịch với mình khi còn đi trên đường với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan tòa, quan tòa giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù. 26 Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi không ra khỏi tù được cho đến khi ngươi trả hết đồng tiền cuối cùng.

Giết Người Và Tức Giận Anh Em

Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu đoạn Kinh Thánh trên từng bước một. Căn cứ theo Luật Pháp trong Cựu Ước, lập mưu giết người và tình cờ giết người là hai thứ tội lỗi hoàn toàn khác nhau và được xét xử hoàn toàn khác nhau. Hễ ai lập mưu giết người thì sẽ bị xử tử hình. Ngược lại nếu không phải vì thù hận mà một người tình cờ xô lấn người khác hoặc vô tình ném vật gì trúng người khác và khiến người ấy chết đi thì vẫn bị hội đồng xét xử, nhưng trong trường hợp này kẻ sát nhân sẽ không bị xử tử hình.

Chúa Giê-su dạy rằng: “Hễ ai tức giận anh em mình thì đáng bị xét xử.” Chúa Trời Gia-vê không phải chỉ chú trọng về những hành vi việc làm ở bên ngoài thôi, Ngài nhìn vào tấm lòng của ta. Tức giận là một thái độ ở trong lòng. Từ thái độ tức giận ở trong lòng sẽ dẫn đến mắng nhiếc anh em là ra-ca hay ngu dại. Ra-ca là tiếng A-ram, có nghĩa là đầu óc trống rỗng. Ai mắng nhiếc anh em mình là đầu óc trống rỗng thì người đó đáng bị tòa công luận xét xử. Còn ai mắng nhiếc anh em là ngu dại thì sẽ bị ném vào lửa địa ngục.

Tòa công luận của người Do Thái gồm có các thầy tế lễ cả, các vị trưởng lão và các ông thầy dạy Luật, người đứng đầu tòa công luận là thầy tế lễ thượng phẩm. Tòa công luận là tương đương với tòa án cao cấp. Trong thời của Chúa Giê-su, nước Do Thái là dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã. Chính phủ La-mã hồi đó giao cho tòa công luận có quyền xét xử và trừng phạt những người Do Thái phạm tội, nhưng họ không được thi hành tử hình. Nếu ai phạm tội đáng bị xử tử hình thì tòa công luận phải giao tên tội phạm đó cho chính quyền La-mã, rồi chính phủ sẽ thi hành tử hình.

Khi Chúa Giê-su nói rằng: “Ai mắng nhiếc anh em mình là ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xét xử; ai mắng anh em mình là ngu dại, thì đáng bị ném vào lửa địa ngục,” Chúa đang nói về xét xử vào ngày Phán Xét, tòa công luận ở đây là tòa công luận ở trên trời, chứ không phải là tòa công luận của người Do Thái trên trái đất. Vào ngày Phán Xét, tất cả mọi người từng sống trên thế gian đều phải đứng trước ngôi phán xét của Chúa Giê-su, những kẻ độc ác sẽ bị ném vào lửa địa ngục, còn những người công nghĩa sẽ được ban cho sự sống đời đời ở vương quốc Thiên Đàng.

Tức Giận Anh Em Là Tức Giận Toàn Bộ Thân Thể Của Chúa Giê-su

Có người sẽ nghĩ rằng tại sao lời dạy của Chúa Giê-su lại khó quá vậy, tức giận anh em thì sẽ bị xét xử, còn người nào chưởi mắng anh em mình là ngu dại thì sẽ bị ném vào lửa địa ngục sao?

Hỡi các bạn ơi, oiHoiHoTín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều là con cái của Chúa Trời Gia-vê, và chúng ta là các bộ phận của thân thể của Chúa Giê-su. Căn cứ theo lời dạy của Kinh Thánh, hội thánh là thân thể của Chúa Giê-su, Chúa là cái đầu của hội thánh, và tất cả các anh chị em Tín Đồ đều là các bộ phận của thân thể của Chúa.

1 Cô-rinh-tô 12:27 27 Vậy anh em là thân thể của đấng Christ, và mỗi một người là một bộ phận của thân thể ấy.

Ê-phê-sô 5:23 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như đấng Christ là đầu của hội thánh, chính Chúa là Cứu Chúa của thân thể Chúa.

Ê-phê-sô 5:30 30 vì chúng ta là các bộ phận của thân Chúa.

Ba đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng tất cả các Tín Đồ Cơ Đốc trong hội thánh họp lại là thân thể của Chúa Giê-su Christ, Chúa là cái đầu của hội thánh, và mỗi một người là một bộ phận của thân thể của Chúa.

1 Cô-rinh-tô 12:26 26 Nếu một bộ phận đau đớn, tất cả các bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận được vinh diệu, tất cả các bộ phận khác cùng vui mừng.

Các bộ phận của thân thể là dính liền với nhau, một bộ phận bị đau thì cả thân thể cùng đau. Một thân thể không phải là một công ty tổ chức; trong một công ty, những người nhân viên chỉ là người đồng nghiệp thôi, khi một người bị đau thì người khác không có thấy đau. Nhưng trong một thân thể thì khác, nếu một cây kim đâm vào đầu ngón tay nhỏ của bạn thì bạn sẽ kêu la lớn tiếng và cả thân thể nhảy lên.

Bởi vậy nếu bạn tức giận một bộ phận của thân thể Chúa, thì bạn tức giận toàn bộ thân thể của Chúa, bởi vì tất cả các bộ phận của thân thể là dính liền với nhau. Khi bạn tức giận thân thể của Chúa thì có nghĩa là bạn tức giận Chúa Giê-su Christ! Xin bạn ngẫm nghĩ coi, nếu một người Tín Đồ Cơ Đốc tức giận Cứu Chúa Giê-su Christ, người ấy có phải là đáng bị xét xử không?

Khi các bộ phận trong một thân thể chống nghịch với nhau, ấy là một tình trạng rất nghiêm trọng. Có một chứng bịnh gọi là lupus (đọc là lúa-pờ-s), chứng bịnh này gây nên bởi hệ thống miễn dịch của thân thể. Công dụng của hệ thống miễn dịch là để bảo vệ thân thể, mỗi khi có vi trùng xâm nhập vào thân thể, thì hệ thống miễn dịch sẽ chống cự lại ngay lập tức để tiêu diệt vi trùng đó. Khi hệ thống miễn dịch mạnh mẻ, thì thân thể con người cũng khỏe mạnh, ít bị mắc bịnh. Nhưng nếu hệ thống miễn dịch hoạt động quá mạnh thì nó chẳng những chống lại những vi trùng xâm nhập từ bên ngoài, mà nó còn đi tấn công các cơ quan trong thân thể nữa, bởi vậy mà gây nên chứng bịnh lupus.

Hậu quả của chứng bịnh lupus thì rất nghiêm trọng, những người mắc phải chứng bịnh này có thể chết đi trong một vài ngày. Mãi đến bây giờ các chuyên gia y khoa của những quốc gia tân tiến nhất vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị chứng bịnh này, họ chỉ có dùng thuốc men chặn lại chứng bịnh này thôi, chứ không chữa lành được. Mà phương pháp để chặn lại chứng bịnh lupus là tìm cách làm giảm bớt hoạt động của hệ thống miễn dịch. Những người mắc bịnh lupus thì suốt đời phải dùng thuốc men để làm giảm bớt hoạt động của hệ thống miễn dịch, nếu họ ngưng thuốc men, thì hệ thống miễn dịch lại hoạt động quá mạnh mẻ, nó lại đi tấn công các cơ quan của thân thể. Nhưng khi họ dùng thuốc men để giảm bớt hoạt động của hệ thống miễn dịch thì thân thể dễ mắc bịnh, bịnh nhân cứ mắc bịnh này bịnh kia thường xuyên. Đó là tình trạng của những người mắc chứng bịnh lupus vậy.

Nói tóm lại, nếu bạn tức giận anh chị em Tín Đồ, ấy là một bộ phận trong thân thể của Chúa tấn công một bộ phận khác của thân thể, tình trạng đó là tương tự như chứng bịnh lupus vậy. Hậu quả là thân thể của Chúa, tức là hội thánh, trở nên yếu ớt và không hoạt động được.

Thái Độ Tức Giận Anh Em Trong Lòng Sẽ Dẫn Đến Mắng Nhiếc Anh Em

Trong Kinh Thánh, tội lỗi được so sánh với men, một chút men là đủ làm cho cả đống bột dậy lên.

1 Cô-rinh-tô 5:6 – 8 6 Điều anh em khoe khoang là không tốt! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? 7 Hãy tẩy sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới, đúng như anh em là không men vậy. Vì đấng Christ là con chiên của lễ Vượt Qua của chúng ta đã bị hy sinh rồi. 8 Bởi vậy chúng ta hãy kỷ niệm ngày lễ, chớ dùng men cũ, men gian ác và độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự chân thành và lẽ thật.

Trong đoạn Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô so sánh tội lỗi như men. Nếu chúng ta để một chút men trong đống bột thì chẳng bao lâu cả đống bột sẽ dậy lên. Tương tự như vậy, khi ta phạm tội lỗi mà không ăn năn hối cải, tội lỗi trong lòng chúng ta không có ngưng lại một chỗ, tội lỗi sẽ gia tăng rất nhanh.

Bởi vậy nếu chúng ta tức giận anh chị em, lúc đầu ta chỉ là tức giận trong lòng thôi, nhưng nếu ta không ăn năn hối cải thì mối giận hờn sẽ gia tăng. Dần dần hối giận hờn sẽ thể hiện qua lời nói và việc làm của ta, ta sẽ dùng những từ ngữ như “ra-ca” (có nghĩa là “đầu óc trống rỗng”) và “ngu dại” để chưởi mắng anh em mình.

Từ ngữ “ngu dại” trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa rất khác biệt với ý nghĩa của “ngu dại” ta dùng hàng ngày. Trong Cựu Ước của Kinh Thánh, từ ngữ “ngu dại” là dùng để chỉ những người tàn ác, chống nghịch lại Chúa Trời, không tin cậy ở Ngài.

Phục Truyền Luật Lệ ký 32:5 – 6 5 Chúng đã hư hỏng nghịch với Ngài, chẳng phải con của Ngài nữa, chúng là một thế hệ gian tà và lừa đảo! 6 Hỡi dân ngu dại và không trí, các ngươi báo đáp Gia-vê như vậy sao? Ngài chẳng phải là Cha các ngươi, Đấng đã mua chuộc các ngươi chăng? Há chẳng phải Ngài đã sáng tạo và lập các ngươi sao?

Đây là lời khiển trách dân Y-sơ-ra-ên, họ đã phản nghịch Chúa Trời Gia-vê. Qua đoạn Kinh Thánh này, ta thấy rằng những người ngu dại là những kẻ nghịch với Chúa Trời Gia-vê, họ là những người gian tà và lừa đảo.

Thi Thiên 94:6 – 8 6 Chúng nó giết người quả phụ và người kiều dân, và giết hại kẻ mồ côi. 7 Chúng nói rằng: “Gia-vê không nhìn thấy, Chúa Trời của Gia-cốp chẳng để ý.” 8 Hỡi người u mê trong dân, hãy để ý; Hỡi kẻ ngu dại, bao giờ các ngươi mới khôn ngoan?

Những kẻ giết hại cô nhi quả phụ và người kiều dân nghĩ rằng Chúa Trời Gia-vê chẳng nhìn thấy và chẳng để ý những việc tàn ác của họ. Thi nhân khiển trách những kẻ này là u mê và ngu dại.

Đoạn Kinh Thánh này cho ta thấy rằng những người ngu dại là những kẻ gian ác tỏ vẻ khinh rẻ Chúa Trời Gia-vê.

Ê-sai 32:6 6 Vì kẻ ngu dại nói những lời ngu dại, lòng nó xiêu về sự gian ác, làm các việc vô đạo, nói điều sai lầm nghịch cùng Gia-vê, làm cho kẻ đói trống bụng và không cho kẻ khát uống nước.

Qua đoạn Kinh Thánh trên ta thấy rằng kẻ ngu dại là những người có tấm lòng xiêu về sự gian ác, họ làm các việc vô đạo, nói điều sai lầm nghịch cùng Đức Gia-vê, họ không có lòng thương xót cho những người đói bụng khát nước.

Giê-rê-mi 5:21 – 22 21 Hãy lắng tai nghe, hỡi dân ngu dại và không hiểu biết, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà chẳng nghe, hãy nghe điều nầy. 22 Gia-vê phán rằng: “Các ngươi chẳng kính sợ ta, chẳng run rẩy trước mặt ta sao? Ta là Đấng lấy cát làm bờ cõi biển, một mệnh lệnh đời đời mà biển không vuợt qua được. Sóng biển dầu động cũng không thắng được, biển dầu gầm hét cũng không qua khỏi được.

Đoạn Kinh Thánh này cho ta thấy rằng dân ngu dại là những kẻ không kính sợ Chúa Trời Gia-vê, họ chẳng run rẩy trước mặt Ngài. Và chính vì họ không kính sợ Chúa Trời, cho nên họ trở nên ngu dại và không hiểu biết, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà chẳng nghe.

Qua 4 đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng trong Kinh Thánh, từ ngữ “ngu dại” là nói về những kẻ tàn ác, không có lòng thương xót người ta, không kính sợ Chúa Trời Gia-vê và chống nghịch lại Ngài. Bởi vậy nếu chúng ta chưởi mắng anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc là ngu dại, ta phạm một tội lỗi rất nghiêm trọng.

Thái độ tức giận anh em trong lòng sẽ dần dần đưa đến chưởi mắng anh em bằng những từ ngữ gay gắt, nếu ta không ăn năn hối cải thì trong tương lai vào ngày Phán Xét ta sẽ bị ném vào lửa địa ngục.

Bây giờ tôi tổng hợp lại tất cả những điểm ta vừa tra khảo ở trên bằng đoạn Kinh Thánh này:

1 Giăng 3:14 – 15 14 Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, tại vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết. 15 Ai ghét anh em mình thì là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người lại có sự sống đời đời ở trong mình.

Sứ đồ Giăng dạy rằng nếu ta yêu thương anh em mình, thì đó là bằng chứng ta đã thoát ra khỏi sự chết vào trong sự sống rồi. Ngược lại nếu ta không thương yêu anh em mình, thì ta còn ở trong sự chết. Nếu ai ghét anh em mình, thì người đó là kẻ giết người. Các bạn thấy chưa? Thù ghét anh em mình là tương đương với tội lỗi giết người. Và lẽ dĩ nhiên kẻ giết người thì không có sự sống đời đời, kẻ giết người thì phải chịu xét xử và bị ném vào lửa địa ngục.

Cách Đối Xử Với Anh Em Bất Hòa Với Chúng Ta

Về một mặt khác cho dù chúng ta không tức giận và không chưởi mắng anh chị em, ta yêu thương anh chị em, nhưng nếu người khác có điều gì nghịch với ta thì sao? Chúng ta phải đối xử bằng cách nào?

Trong Ma-thi-ơ 5:23 – 24, Chúa Giê-su dạy rằng: “23 Bởi vậy nếu khi ngươi đem dâng của lễ trên bàn thờ, mà nhớ đến anh em mình có điều gì bất hòa với mình, 24 thì hãy để của lễ trước bàn thờ, và đi hòa giải với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.”

Điểm đầu tiên là Chúa Trời Gia-vê coi sự hòa hảo giữa anh chị em còn quan trọng hơn hiến dâng của lễ cho Ngài.

Mác 12:32 – 34 32 Thầy dạy Luật nói với Chúa rằng: “Thưa thầy, thầy nói phải, thật Chúa Trời là một, ngoài Ngài ra chẳng có đấng nào khác nữa; 33 và kính mến Ngài hết lòng, hết trí, hết sức và yêu thương người lân cận như mình, ấy là hơn tất cả các của lễ thiêu và các của lễ.” 34 Chúa Giê-su thấy người trả lời một cách khôn ngoan, Chúa nói với người rằng: “Ngươi chẳng cách xa vương quốc Chúa Trời đâu.” Rồi không ai dám hỏi Chúa nữa.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, một ông thầy dạy Luật nói rằng hết lòng, hết trí, hết sức mà kính mến Chúa Trời Gia-vê và yêu thương người lân cận như mình là còn quan trọng hơn tất cả các của lễ thiêu và các của lễ. Chúa Giê-su khen ngợi người này, vì người trả lời một cách khôn ngoan.

Nói tóm lại khi ta nhớ đến anh chị em nào có điều gì nghịch với mình, thì ta nên chủ động đi hòa giải với anh chị em ngay lập tức. Xin các bạn để ý, Chúa Giê-su không hề nói đến lỗi tại ai. Cho nên bất cứ ấy là lỗi tại mình hay lỗi tại anh chị em, chúng ta đều phải chủ động đi hòa giải với anh chị em liền.

Nếu chúng ta không hòa giải với anh chị em thì cho dù ta có hiến dâng của lễ thì cũng không làm đẹp lòng Chúa Trời, và Ngài sẽ không nhận lấy của lễ của ta. Ngày nay trong thời kỳ Tân Ước, chúng ta không có hiến dâng của lễ trên bàn thờ nữa, nhưng khi ta làm việc phụng sự Chúa Trời thì chính là hiến dâng của lễ cho Ngài. Nếu thái độ trong lòng ta không tốt, ta không yêu thương anh chị em hay không muốn hòa giải với anh chị em thì công việc phụng sự của ta là hoàn toàn uổng phí, vì Chúa Trời sẽ không nhận lấy phụng sự của ta.

Nhiều năm về trước, chồng tôi và tôi phụng sự tại một hội thánh. Trong hội thánh đó có một chị Tín Đồ rất nóng tính, chị này hay nói những lời gay gắt chọc tức người ta. Một hôm tôi đi viếng thăm chị này, tôi đến trể vài phút vì tôi rất bận việc. Khi chị mở cửa thấy tôi đứng ở ngoài, thì chị nói rằng: “Chị đến đây làm chi? Tôi không có thì giờ!” Cho dù câu nói vô lễ phép này khiến tôi rất đau buồn, nhưng tôi vẫn ráng mỉm cười nói với chị rằng: “Xin lỗi chị, như vậy thì em về, em đến thăm chị một buổi khác.” Hôm sau là ngày Chúa Nhật, tôi gặp chị này ở hội thánh. Lúc đó chị đã bình tĩnh lại, chị thấy rằng hôm trước mình đã nói những lời vô lễ phép, chị thấy hổ thẹn quá, nhưng chị không có đủ can đảm đi xin lỗi với tôi, chị cúi đầu xuống không dám nhìn tôi. Tôi chủ động đến với chị, mỉm cười hỏi thăm chị rằng: “Chị mạnh giỏi không?” Chị này không ngờ tôi lại chủ động đến nói chuyện với chị, chị xúc động quá không biết nói gì mới phải. Rồi từ đó trở đi, chị này trở thành một người bạn hữu của tôi.

Các bạn thấy khi chúng ta sống theo lời dạy của Chúa Giê-su thì cuộc sống và hành vi của ta mang lực lượng có thể làm thay đổi tấm lòng của người khác.

Cách Đối Xử Với Những Người Thù Nghịch Với Chúng Ta

Nhưng về một phương diện khác, nếu người đời có điều gì nghịch với chúng ta, thì ta nên đối xử với họ như thế nào?

Trong Ma-thi-ơ 5:25 – 26, Chúa Giê-su dạy rằng: “25 Hãy mau mau hòa thuận với kẻ thù nghịch với mình khi còn đi trên đường với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan tòa, quan tòa giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù. 26 Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi không ra khỏi tù được cho đến khi ngươi trả hết đồng tiền cuối cùng.”

Xin các bạn để ý, khi người đời không tin vào Chúa Trời Gia-vê và không vâng phục Ngài thì họ là thù nghịch với Ngài. Kẻ thù nghịch của Chúa Trời tức là kẻ thù nghịch của ta. Và Chúa Giê-su đã nhiều lần dạy bảo ta rằng người đời sẽ ghét chúng ta, họ sẽ bắt bớ ta bởi vì họ đã ghét Chúa trước. Bởi vậy người đời trên thế gian này hẳn bắt bớ ta, chúng ta phải sẵn sàng chịu khổ vì sự công nghĩa, chứ ta không rút lui để tránh khỏi những khổ nạn này.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su không phải dạy rằng ta nên tìm cách tránh khỏi sự bắt bớ của người đời. Chúng ta không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi, nhưng ta ráng sống hòa thuận với người đời. Hơn nữa Chúa Giê-su cũng dạy bảo ta phải yêu thương kẻ thù nghịch của mình với mục đích là để giúp đỡ họ nhận biết Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.

Thực ra kẻ thù nghịch chính của ta là ma quỉ, nó là kẻ xúi giục người đời nghịch với chúng ta.

1 Phi-e-rơ 5:8 – 9 8 “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em để tìm kiếm người nào mà nuốt vào. 9 Hãy chống cự nó, đứng vững trong đức tin, vì biết rằng các anh em khác trên khắp thế gian cũng đang chịu cùng một khổ nạn như thế.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng kẻ thù nghịch của chúng ta là ma quỉ, nó luôn luôn rình mò để tìm cơ hội mà tấn công tiêu nuốt ta. Ta nhờ cậy vào ân điển của Chúa Trời Gia-vê, với một đức tin vững chắc ta có thể chống cự lại ma quỉ. Ta không cần phải sợ hải rút lui.

Mà Kinh Thánh cũng dạy rằng cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của ma quỉ.

1 Giăng 5:19 19Chúng ta biết mình thuộc về Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của Kẻ Ác.

Hết thảy những người không tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su đều bị ma quỉ kiềm chế, bởi vậy ma quỉ có thể xúi giục những người này đả kích chúng ta. Trên thế gian này, chúng ta đang sống giữa những kẻ thù nghịch, bởi vậy ta phải rất cẩn thận.

Trong Ma-thi-ơ 5:25 – 26, khi Chúa Giê-su răn dạy chúng ta nên hòa giải với kẻ thù nghịch, Chúa không hề nói đến lỗi tại ai cả. Bởi vậy khi ta biết người nào có điều gì nghịch với mình, bất cứ đó là lỗi tại người đó hay lỗi tại chúng ta, ta cũng nên chủ động đi hòa giải với người, kẻo ma quỉ nhân dịp mà xúi giục người tấn công ta.

Bình Yên Và Nên Thánh

Hê-bơ-rơ 12:14 14 Hãy tìm cầu sự bình yên với mọi người và sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa Trời.

Qua đoạn Kinh Thánh này, ta thấy rằng sự nên thánh là dính liền với tìm cầu sự bình yên với mọi người. Nếu ta không tìm cầu sự bình yên với mọi người thì ta không phải nên thánh; nếu ta không nên thánh thì ta không được thấy Chúa Trời. Nếu ta muốn được thấy Chúa Trời thì ta phải nên thánh. Hỡi các anh chị em Tín Đồ, nếu ta không được thấy Chúa Trời thì ta không được hưởng ơn cứu chuộc.

Chúng ta có thể tổng hợp lại tất cả những điểm về cách đối xử với anh chị em Tín Đồ bất hòa với mình và cách đối xử với người đời thù nghịch với mình bằng đoạn Kinh Thánh này:

Rô-ma 12:17 – 21 17 Đừng lấy ác báo ác cho ai cả; hãy chú tâm vào những điều thiện mọi người cho là tốt. 18 Nếu có thể được, anh em hãy hết sức sống hòa thuận với mọi người. 19 Anh em thân mến, đừng tự ý trả thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa Trời, vì có lời chép rằng: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng!” Đức Gia-vê phán vậy. 20 Nhưng nếu kẻ thù của các ngươi đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy các ngươi chất than hồng trên đầu nó. 21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng khi người khác làm điều ác nghịch với mình, ta đừng bao giờ làm điều ác mà trao trả lại. Ta luôn luôn chú tâm vào những điều thiện mà mọi người đều cho là tốt lành. Nếu có thể được, ta nên hết sức sống hòa thuận với mọi người. Hơn nữa, nếu kẻ thù bị đói thì ta cho nó ăn, nếu nó khát thì cho nó uống. Khi chúng ta làm như vậy thì chẳng khác gì chất than hồng trên đầu nó, có nghĩa là khiến nó khó chịu vô cùng và nó phải ăn năn hối cải tội lỗi để hòa giải với ta. Chúng ta làm điều thiện cho kẻ thù, ta lầy điều thiện chiến thắng điều ác của nó.

Xin để ý, đoạn Kinh Thánh nhắc đến “nếu có thể được”, có nghĩa là sao? Bởi vì có nhiều lúc cho dù ta không có làm điều gì lầm lẫn hay xúc phạm người khác, nhưng họ vẫn thù ghét mình, và nhiều khi cho dù ta chủ động đi hòa giải với người ta, nhưng họ không muốn hòa thuận với mình. Trong những trường hợp như vậy, ta không làm gì được nữa. Hoặc là có khi những người bạn của ta phạm tội, và họ yêu cầu ta làm những việc giả dối để che đậy tội lỗi của họ, chúng ta là Tín Đồ Cơ Đốc, chúng ta luôn luôn sống theo lời dạy của Chúa Trời, ta không giúp đỡ họ được, rốt cuộc người bạn tức giận ta, trong trường hợp này ta không thể làm gì được. Nhưng ngược lại, nếu ta có thể làm được, thí dụ như trong câu chuyện tôi kể ở trên, tôi vui lòng tự hạ mình xuống để chủ động hòa giải với người chị kia, hoặc là ta chủ động đi giúp đỡ những kẻ thù nghịch với mình khi họ gặp khó khăn, ta làm những việc ta có thể làm được để giữ một quan hệ hòa thuận với người ta.

Có người sẽ nói rằng: “Nhưng tôi bị người ta áp bức làm nhục thì sao? Tôi không trả thù sao?” Chúa Trời Gia-vê phán rằng: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng!” Chúa Trời nhìn thấy mọi sự, Ngài là Đấng Phán Xét công nghĩa, Ngài sẽ trừng phạt kẻ tội ác và ban phần thưởng cho kẻ công nghĩa. Cho nên ta không cần phải tự mình đi trả thù, Chúa Trời là Đức Cha của ta, ta nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Đức Cha, về phần ta, ta cứ hết lòng hết sức sống theo lời dạy của Ngài.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:21 – 26, trong đoạn Kinh Thánh này có những bài học thuộc linh rất quan trọng:

  • Chúa Trời Gia-vê coi trọng thái độ trong lòng ta, Ngài không phải chỉ nhìn vào những hành động ở bên ngoài thôi. Khi ta tức giận anh chị em Tín Đồ thì ấy là tương đương với tội lỗi giết người. Nếu ta chưởi mắng anh chị em mà không ăn năn hối cải thì ta sẽ bị xét xử và bị ném vào lửa địa ngục.
  • Chúa Trời Gia-vê rất coi trọng sự hòa thuận giữa loài người chúng ta. Bởi vậy bất cứ là anh chị em Tín Đồ hay người đời có điều gì bất hòa với chúng ta, ta đều phải chủ động đi hòa giải với họ ngay lập tức. Nhưng ta không bao giờ tham gia hay thỏa hiệp với tội lỗi. Chúng ta hòa giải với người ta, nhưng ta không hòa giải với tội lỗi.
  • Chúng ta phải tìm cầu sự bình yên với mọi người. Nếu chúng ta không tìm cầu sự bình yên với mọi người thì ta không phải nên thánh; nếu ta không nên thánh thì ta không được thấy Chúa Trời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church