You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (18)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (18)

Mối Quan Hệ Giữa Chúa Trời Và Người Dân Của Ngài

Ma-thi-ơ 5:31 – 32

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:27 – 30, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:31 – 32 31 Có lời nói rằng: “Nếu người nào ly dị vợ mình, thì hãy cho vợ giấy ly dị.” 32 Nhưng ta nói cùng các ngươi: “Nếu người nào ly dị vợ mà không phải vì sự đồi bại, thì người ấy làm cho vợ mình phạm tội tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị ly dị, thì cũng phạm tội tà dâm.

Tại sao Chúa Giê-su nói rằng nếu người nào ly dị vợ mình thì người ấy khiến vợ mình phạm tội tà dâm? Tại sao một người đàn ông khác cưới đàn bà này thì ông đó cũng phạm tội tà dâm luôn? Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này từng bước một.

Chúa Giê-su Không Phải Dạy Một Điều Răn Mới Về Sự Ly Dị

Đầu tiên, trong đoạn Kinh Thánh này Ma-thi-ơ 5:31 – 32 Chúa Giê-su không phải dạy một điều răn mới về sự ly dị. Ở đây Chúa Giê-su không phải dạy rằng các đôi vợ chồng Tín Đồ Cơ Đốc không được phép ly dị ngoại trừ người vợ có sự đồi bại. Tại sao vậy?

Mác 10:2 – 9 2 Các người Pha-ri-si đến gần Chúa Giê-su để thử Chúa và hỏi rằng: “Người nam có được phép ly dị vợ không?” 3 Chúa trả lời rằng: “Môi-se đã truyền dạy các ngươi điều gì?” 4 Họ nói rằng: “Môi-se cho phép viết giấy ly dị để bỏ vợ.” 5 Chúa Giê-su nói cùng họ rằng: “Tại vì lòng các ngươi cứng cỏi nên người đã truyền điều răn này cho các ngươi. 6 Nhưng từ lúc ban đầu trong cuộc sáng thế, Chúa Trời làm nên một người nam và một người nữ. 7 Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ; 8 và hai người sẽ trở nên một thân. Như vậy họ không còn là hai nữa mà là một thân. 9 Thế thì, sự gì Chúa Trời đã phối hợp, người ta không nên phân rẽ.”

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng các người Pha-ri-si muốn thử Chúa Giê-su về vấn đề ly dị, họ hỏi rằng: “Người nam có được phép ly dị vợ không?” Căn cứ theo Luật Pháp trong Cựu Ước, người Y-sơ-ra-ên được phép ly dị bà vợ.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1 1 Khi một người nam cưới vợ, rồi người ấy không hài lòng về vợ vì người thấy vợ có sự đồi bại, thì người có thể viết một tờ ly dị trao vào tay vợ, và đuổi vợ khỏi nhà mình.

Từ ngữ “đồi bại” trong đoạn Kinh Thánh trên mang ý nghĩa rất rộng. Nguyên văn Hê-bơ-rơ là (עֶרְוָה) (ervah) (đọc là e-r-va), có thể dịch là lõa lồ, xấu hổ, không đứng đắn v.v. Bởi vậy “đồi bại” chưa chắc là tội tà dâm. Hồi đó những ông thầy dạy Luật giải thích từ ngữ “đồi bại” (erva) theo nhiều cách khác nhau, có người giải thích rằng “đồi bại” là hết thảy những điều khiến người chồng buồn lòng, thậm chí nếu bà vợ nấu cơm cháy khiến ông chồng tức giận thì ông có thể ly dị bà vợ vì lý do đó. Bởi vậy những người Pha-ri-si này muốn thử Chúa Giê-su để coi Chúa có ý kiến gì về giải thích từ ngữ “đồi bại” (erva).

Chúa Giê-su nói rằng từ lúc ban đầu trong cuộc sáng thế, Chúa Trời làm nên một người nam và một người nữ, rồi hai người này kết hợp thành vợ chồng, họ không còn là hai nữa mà là một thân.

Xin các bạn để ý, ở đây Chúa hoàn toàn không đề cập đến chuyện bà vợ có sự đồi bại hay không, Chúa một mực nói rằng sự gì Chúa Trời đã phối hợp, người ta không nên phân rẽ. Chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giê-su trong đoạn Kinh Thánh này Mác 10:2 – 9 trái ngược với lời dạy trong Ma-thi-ơ 5:31 – 32.

Lời của Chúa Giê-su tức là lời của Chúa Trời Đức Gia-vê, tại vì Đức Gia-vê ngự trong Chúa Giê-su và phán truyền qua Chúa. Mà các lời dạy của Chúa Trời trong Kinh Thánh không bao giờ trái ngược với nhau. Trong Kinh Thánh có những đoạn Kinh Thánh tương đương, có nghĩa là những đoạn Kinh Thánh này dùng từ ngữ khác nhau để giảng dạy về cùng một điều; thông thường ý nghĩa của những đoạn Kinh Thánh tương đương này bổ sung cho nhau. Nhưng ý nghĩa của Ma-thi-ơ 5:31 – 32 và ý nghĩa của Mác 10:2 – 9 không có bổ sung cho nhau. Thật ra ý nghĩa của hai đoạn Kinh Thánh trên là trái ngược với nhau.

Xin các bạn ngẫm nghĩ coi, nếu Ma-thi-ơ 5:31 – 32 và Mác 10:2 – 9 cùng nói về hôn nhân và sự ly dị, thì Tín Đồ Cơ Đốc nên vâng theo lời dạy trong Ma-thi-ơ 5:31 – 32 hay là trong Mác 10:2 – 9?

Hơn nữa, tại sao khi người chồng ly dị bà vợ thì người chồng làm cho bà phạm tội tà dâm?

Có một số sách dẫn giải Kinh Thánh giải thích rằng hôn nhân giữa hai vợ chồng là do Chúa Trời thiết lập từ lúc sáng thế, chính Chúa Giê-su nói rằng sự gì Chúa Trời đã phối hợp, thì loài người không được phân rẽ (căn cứ theo Mác 10:6 – 9 trích ở phần trên). Bởi vậy người dân của Chúa Trời không nên ly dị. Cho dù người đàn bà bị ông chồng ly dị nhưng căn cứ theo ý chỉ của Chúa Trời thì bà vẫn là người vợ của ông chồng trước, trong trường hợp này nếu bà đi lấy chồng khác thì bà phạm tội tà dâm.

Lời giải thích như vậy là phi lý! Không phải tất cả những người đàn bà bị chồng ly dị đều đi lấy người chồng khác! Có những người đàn bà sau khi bị chồng ly dị thì bà đã quá già rồi, bà không thể lấy chồng khác được nữa. Như vậy thì tại sao tự nhiên người đàn bà bị ly dị lại phạm tội tà dâm!

Trong xã hội thời xưa, người đàn bà bị chồng ly dị và đuổi ra khỏi nhà là khổ sở lắm, bà phải trở về nhà cha mẹ nếu cha mẹ còn sống, nếu cha mẹ đã qua đời rồi thì bà phải nhờ cậy vào anh em trong gia đình. Đàn bà là nạn nhân trong sự ly dị, tại sao sự ly dị lại khiến bà phạm tội tà dâm?

Căn cứ vào những điểm kể trên, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không phải nói về hôn nhân và ly dị trong Ma-thi-ơ 5:31 – 32. Chúa chỉ là dùng hình ảnh của hôn nhân và ly dị để giảng dạy một chuyện thuộc linh. Vậy Chúa Giê-su đang giảng dạy chúng ta điều gì vậy?

Mối Quan Hệ Giữa Chúa Trời Đức Gia-vê Và Người Dân Của Ngài

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh của hôn nhân để mô tả mối quan hệ giữa Chúa Trời Đức Gia-vê và người dân của Ngài.

Ê-sai 54:5 5 Vì chồng ngươi là Ðấng tạo ra ngươi, danh Ngài là Gia-vê của vạn quân. Ðấng chuộc ngươi chính là Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, Ngài được xưng là Chúa Trời của cả trái đất.

Trong đoạn Kinh Thánh này, tiên tri Ê-sai nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng Chúa Trời Đức Gia-vê được so như ông chồng, và người dân Y-sơ-ra-ên được so như bà vợ của Ngài.

Ô-sê 2:19 – 20 19 Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự chính nghĩa và công bằng, nhân từ và thương xót. 20 Ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ nhận biết Gia-vê.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Trời Đức Gia-vê truyền dạy dân chúng Y-sơ-ra-ên qua tiên tri Ô-sê. Chúa Trời sẽ cưới người dân Y-sơ-ra-ên đời đời, có nghĩa là mối quan hệ giữa Chúa Trời và người dân Y-sơ-ra-ên là tồn tại đời đời. Ngài sẽ cưới người dân Y-sơ-ra-ên trong sự chính nghĩa, công bằng, nhân từ, thương xót và sự thành tín.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 54:5 và Ô-sê 2:19 – 20, chúng ta thấy rằng trong Cựu Ước, Chúa Trời Đức Gia-vê được mô tả như ông chồng, và người dân Y-sơ-ra-ên được mô ta như bà vợ của Ngài, và mối quan hệ giữa Chúa Trời và người dân Y-sơ-ra-ên là tồn tại đời đời.

2 Cô-rinh-tô 11:2 2 Về anh em, tôi ghen với lòng ghen của Chúa Trời, vì tôi đã gả các ngươi cho một chồng, dâng các ngươi như người trinh nữ tinh sạch cho đấng Christ.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô nói rằng người đã gả các anh chị em Tín Đồ trong hội thánh Cô-rinh-tô cho một chồng, ấy là Chúa Giê-su Christ.

Ê-phê-sô 5:30 – 32 30 vì chúng ta là các bộ phận của thân thể Chúa. 31 Vì lý do này, người nam sẽ lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ trở nên một thân. 32 Sự huyền bí này là lớn, tôi nói về đấng Christ và Hội Thánh vậy.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô mô tả mối quan hệ giữa đấng Christ và Hội Thánh tựa như đôi vợ chồng.

Xin các bạn để ý, hội thánh không phải là nhà thờ. Nhà thờ chỉ là căn nhà của nơi tụ hộp thôi. Còn Hội Thánh là bao gồm hết thảy các Tín Đồ Cơ Đốc trên thế gian từ lúc Chúa Giê-su phục sinh cho đến ngày nay. (Xin đọc bài giảng “Đá Sống” để hiểu rõ ý nghĩa của “hội thánh”).

Trong thời kỳ Tân Ước, hội thánh là người dân của Chúa Trời; và Chúa Trời Đức Gia-vê ngự trong Chúa Giê-su Christ. Bởi vậy trong Tân Ước, đấng Christ là so như người chồng và Hội Thánh là so như người vợ.

Nói tóm lại, qua bốn đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 54:5, Ô-sê 2:19 – 20, 2 Cô-rinh-tô 11:2 và Ê-phê-sô 5:30 – 32, chúng ta thấy rằng Cựu Ước và Tân Ước đều dùng hình ảnh của hôn nhân để mô tả mối quan hệ giữa Chúa Trời Đức Gia-vê và người dân của Ngài. Chúa Trời được so như ông chồng và người dân của Ngài được so như bà vợ.

Người Dân Của Chúa Trời Phạm Tội Tà Dâm Thuộc Linh

Căn cứ theo Luật Pháp của Cựu Ước, nếu người vợ không trung tín với người chồng thì ấy là tội tà dâm. Kinh Thánh cũng nói đến tội tà dâm thuộc linh. Tội tà dâm thuộc linh có nghĩa là gì?

Ô-sê 1:2 2 Khi Gia-vê bắt đầu phán truyền qua Ô-sê, Gia-vê bảo người rằng: “Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm và con cái gian dâm; vì đất nước này phạm tội tà dâm rất nặng, lìa bỏ Gia-vê.

Chúa Trời Đức Gia-vê bảo tiên tri Ô-sê đi lấy một người vợ gian dâm và con cái gian dâm. Khi người vợ của Ô-sê phạm tội tà dâm, thì người sẽ hiểu được nỗi đau buồn trong lòng của Đức Gia-vê, vì người dân Y-sơ-ra-ên là người vợ của Ngài, mà họ đã phạm tội tà dâm lìa bỏ Ngài. Đoạn Kinh Thánh này cho ta thấy rằng lìa bỏ Chúa Trời là phạm tội tà dâm thuộc linh.

Ô-sê 4:12 12 Dân ta cầu hỏi tượng gỗ của chúng, và cây gậy của chúng trả lời chúng. Vì tâm hồn tà dâm khiến họ lầm lạc, và chúng nó phạm tội tà dâm mà lìa bỏ Chúa Trời mình.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng khi người dân của Chúa Trời đi cầu hỏi pho tượng, thì ý tưởng tà dâm tràn đầy tâm hồn của họ. Chính là tâm hồn tà dâm này khiến họ lầm lạc, sau cùng họ phạm tội tà dâm thuộc linh mà lìa chỏ Chúa Trời Đức Gia-vê.

Tội lỗi bắt nguồn từ ác tưởng trong lòng (Xin đọc bài giảng “Ngươi Chớ Phạm Tội Tà Dâm” để hiểu rõ về điểm này). Người dân Y-sơ-ra-ên có ý tưởng tà dâm trong lòng, rồi từ ý tưởng tà dâm này dần dần đưa đến tội tà dâm mà lìa bỏ Chúa Trời Đức Gia-vê.

Gia-cơ 4:4 4 Hỡi bọn tà dâm kia, các ngươi há chẳng biết rằng kết bạn với thế gian là thù nghịch với Chúa Trời sao? Bởi vậy ai muốn kết bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù nghịch với Chúa Trời vậy.

Trong đoạn Kinh Thánh này, những người tà dâm thuộc linh chính là những người muốn kết bạn với thế gian. Tại sao họ muốn kết bạn với thế gian? Tại vì họ ham mê hưởng thụ vinh hoa phú quý của thế gian. Rốt cuộc họ trở nên kẻ thù nghịch với Chúa Trời.

Ba đoạn Kinh Thánh trên Ô-sê 1:2, Ô-sê 4:12 và Gia-cơ 4:4 chỉ ra rằng khi người dân của Chúa Trời thờ pho tượng, ham mê hưởng thụ của thế gian thì họ sẽ lầm lạc, rốt cuộc họ phạm tội tà dâm thuộc linh mà lìa bỏ Chúa Trời Đức Gia-vê.

Chúa Trời Đức Gia-vê Ly Dị Người Dân Của Ngài

Khi người dân của Chúa Trời phạm tội tà dâm thuộc linh, thì sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Nếu bà vợ có sự đồi bại thì ông chồng viết giấy ly dị và đuổi bà ra khỏi nhà. Tương tự như vậy, khi người dân của Chúa Trời phạm tội tà dâm thuộc linh thì Đức Gia-vê viết giấy ly dị và đuổi họ ra khỏi mảnh đất Y-sơ-ra-ên.

Sau khi vua Sa-lô-môn qua đời, nước Y-sơ-ra-ên bị phân rẽ thành hai nước. Nước ở miền bắc vẫn gọi là nước Y-sơ-ra-ên, nước ở miền nam gọi là nước Giu-đa. Dân chúng càng ngày càng xa rời Chúa Trời Đức Gia-vê. Người dân Y-sơ-ra-ên và người dân Giu-đa đều phạm tội lỗi, dân chúng thờ pho tượng thần giả và phản nghịch lại điều răn của Đức Gia-vê. Ngài sai nhiều người tiên tri đi cảnh cáo họ phải ăn năn hối cải, bằng không Ngài sẽ giáng tại họa xuống. Nhưng không ai chịu nghe lời của các tiên tri.

Rốt cuộc vào khoảng năm 722 – 721 trước công lịch, nước Y-sơ-ra-ên ở miền bắc bị đại cường quốc A-ri-si tiêu diệt, người dân bị đày qua nước A-ri-si.

Giê-rê-mi 3:8 8 Tại vì Y-sơ-ra-ên bất trung tín phạm tội tà dâm, ta đã bỏ nó và cho nó giấy ly di, nhưng em gái Giu-đa phản bội của nó vẫn không sợ sệt, lại cũng đi mại dâm.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Trời Đức Gia-vê phán rằng tại vì Y-sơ-ra-ên bất trung tín phạm tội tà dâm, cho nên Ngài đã cho nó giấy ly dị và bỏ nó. Hậu quả là người dân Y-sơ-ra-ên bị đuổi ra khỏi lãnh đổ của mình và bị đày qua nước A-ri-si. Khi nước Giu-đa ở miền nam nhìn thấy tai họa giáng trên nước Y-sơ-ra-ên, nhưng nó không sợ hãi gì hết, nó vẫn tiếp tục phạm tội tà dâm.

Vào năm 597 trước công lịch, nước Giu-đa ở miền nam bị đại cường quốc Ba-by-lôn tiêu diệt, và người dân Giu-đa cũng bị đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình và bị đày qua nước Ba-by-lôn. Bảy mươi năm sau họ mới được phép trở về quê hương của mình.

Ê-sai 50:1 1 Gia-vê phán như vầy: “Đâu là giấy ly dị mà ta đã viết để đuổi mẹ các ngươi đi? Hay ai là chủ nợ mà ta đã bán các ngươi cho? Nầy, các ngươi bị bán là tại tội lỗi mình; mẹ các ngươi bị bỏ là vì tội lỗi các ngươi.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Trời Đức Gia-vê khiển trách người dân Giu-đa. Mẹ của chúng tức là nước Giu-đa. Ngài phán rằng chính vì người dân Giu-đa phạm tội lỗi nghiêm trọng cho nên chúng bị bán đi và cả nước Giu-đa bị đuổi ra khỏi đất nước của mình.

Ê-xê-chi-ên 6:8 – 9 8 Dầu vậy, khi các ngươi bị tản lạc trên các nước, ta sẽ chừa lại một số người, vì các ngươi sẽ có một số người được thoát khỏi mũi gươm ở giữa các nước. 9 Rồi những kẻ được thoát nạn sẽ nhớ đến ta tại các nước chúng bị lưu đày, lòng ta đã đau buồn vì tấm lòng tà dâm của chúng đã xoay lưng lìa bỏ ta, và đôi mắt tà dâm của chúng theo đuổi những pho tượng của mình. Bấy giờ chúng sẽ gớm chính mình vì những tội ác chúng đã làm và những việc gớm ghiếc của mình.

Cho dù người dân Y-sơ-ra-ên và người dân Giu-đa bị đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình và bị tản lạc trên các nước, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ chừa lại một số người. Sau khi những người đó từng trải nguy hiểm đau khổ và sau cùng thoát nạn rồi, lúc đó chúng sẽ nhớ đến Đức Gia-vê, chúng sẽ hiểu được lòng của Ngài đã đau buồn như thế nào khi chúng phạm tội tà dâm lìa bỏ Ngài, và chúng sẽ gớm ghiếc tội ác của mình. Qua đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng Chúa Trời trừng phạt người dân Y-sơ-ra-ên và người dân Giu-đa với mục đích là để giúp đỡ họ thấy rõ tội lỗi của mình. Chỉ khi chúng ta thấy rõ sự gớm ghiếc của tội lỗi của mình, thì ta mới có thể ăn năn hối cải.

Ê-sai 55:7 7 Kẻ ác hãy từ bỏ đường lối mình, người bất nghĩa hãy từ bỏ ý tưởng mình. Hãy trở về cùng Gia-vê, Ngài sẽ thương xót ngươi. Hãy đến cùng Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.

Giê-rê-mi 3:14 14 Gia-vê phán rằng: “Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là Chúa các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người và mỗi họ hai người, và ta sẽ đem các ngươi trở về Si-ôn.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 55:7 và Giê-rê-mi 3:14, chúng ta thấy rằng cho dù người dân Y-sơ-ra-ên và người dân Giu-đa bị tản lạc trên các nước, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê vẫn thương xót cho chúng. Ngài kêu gọi chúng hãy ăn năn hối cải và trở về cùng Ngài, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi của chúng, và Ngài sẽ lựa mỗi thành một người và mỗi họ hai người, Ngài sẽ đem chúng trở về Si-ôn, tức là thành Giê-ru-sa-lem.

Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Ma-thi-ơ 5:31 – 32

Bây giờ chúng ta áp dụng những điểm ta đã tra khảo ở trên để tìm hiểu ý nghĩa thuộc linh của đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:31 – 32. Chúng ta đã thấy rằng Chúa Giê-su không phải giảng dạy về vấn đề ly dị, nhưng Chúa muốn dùng hình ảnh của hôn nhân và ly dị để giảng dạy về mối quan hệ giữa Chúa Trời Đức Gia-vê và Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta:

  1. Căn cứ theo 1 Giăng 5:19: “Chúng ta biết mình thuộc về Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của Kẻ Ác”, cả thế gian đều nằm dưới quyền hành của ma quỉ, chỉ có những người thuộc về Chúa Trời là không bị ma quỉ kiềm chế. Nếu Chúa Trời ly dị chúng ta, thì ta không thuộc về Ngài nữa, và ta sẽ bị ma quỉ kiềm chế. Ma quỉ trở thành chủ của ta, ta phạm tội tà dâm cùng ma quỉ. Ấy chính là ý nghĩa thuộc linh của ông chồng ly dị bà vờ thì làm cho bà vợ phạm tội tà dâm và người nào cưới đàn bà bị ly dị thì cũng phạm tội tà dâm.
  2. Chúa Trời sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta nếu chúng ta giữ trung tín với Ngài.
  3. Nhưng nếu chúng ta thờ pho tượng, ham hố tiền tài hưởng thụ của thế gian, ta đi theo đường lối của người đời, ta phản nghịch lại Chúa Trời, thì ta đã phạm tội tà dâm thuộc linh.
  4. Khi chúng ta phạm tội tà dâm thuộc linh, Ngài sẽ ly dị ta.
  5. Cho dù Chúa Trời Đức Gia-vê ly dị chúng ta, nhưng Ngài vẫn thương xót cho ta, Ngài kêu gọi ta trở về với Ngài. Nếu chúng ta ăn năn hối cải trở về cùng Chúa Trời, thì Ngài sẽ tiếp nhận ta.

Tín Đồ Cơ Đốc Có Được Phép Ly Dị Không?

Sau khi chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa của Ma-thi-ơ 5:31 – 32 rồi, bây giờ ta trở lại vấn đề hôn nhân và ly dị. Tín Đồ Cơ Đốc có được phép ly dị không?

Ma-thi-ơ 19:9 9 Và ta nói cùng các ngươi, ngoại trừ sự đồi bại, nếu ai ly dị vợ mình và đi cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm.”

Mác 10:11 – 12 11 Chúa nói rằng: “Người nào ly dị vợ mình và cưới vợ khác thì phạm tội tà dâm đối với vợ; 12 còn nếu người đàn bà ly dị chồng mình và lấy chồng khác thì cũng phạm tội tà dâm.”

Ma-thi-ơ 19:9 và Mác 10:11 – 12 là hai đoạn Kinh Thánh tương đương với nhau. Chúa Giê-su dạy rằng trong trường hợp người vợ có sự đồi bại, thì cuộc hôn nhân đã tan vỡ rồi và đưa đến sự ly dị. Ngoại trừ trường hợp này ra, nếu người chồng ly dị vợ mình để cưới người vợ khác, có nghĩa là người chồng yêu một người đàn bà khác, cho nên người chồng ly dị vợ mình để có thể cưới đàn bà kia, như vậy thì người chồng phạm tội tà dâm. Tương tự như vậy nếu người vợ ly dị chồng mình để có thể cưới một người đàn ông khác, thì người vợ phạm tội tà dâm.

Căn cứ theo Luật Pháp trong Cựu Ước, người vợ không có quyền ly dị người chồng, chỉ có người chồng mới có quyền ly dị người vợ thôi. Nhưng trong thời kỳ của Chúa Giê-su, nước Y-sơ-ra-ên là dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã, nhiều người dân chịu ảnh hưởng của văn hóa La-mã và Hy Lạp, dần dần cũng có chuyện người đàn bà ly dị người chồng. Chính bà Hê-rô-đia vốn là em dâu của vua Hê-rốt, nhưng bà đã ly dị chồng mình mà đi lấy vua Hê-rốt. Giăng Báp-tít đã can vua Hê-rốt không nên lấy bà Hê-rô-đia làm vợ. Rốt cuộc Giăng Báp-tít bị bỏ vào tù và bị giết (Căn cứ theo Ma-thi-ơ 14:3 – 11)

Bởi vậy người chồng không được phép ly dị vợ mình để cưới vợ khác, và người vợ cũng không được phép ly dị chồng mình để cưới chồng khác.

Nhưng ngoài hai trường hợp này ra, Tín Đồ Cơ Đốc có được phép ly dị không?

Mác 10:2 – 9 2 Các người Pha-ri-si đến gần Chúa Giê-su để thử Chúa và hỏi rằng: “Người nam có được phép ly dị vợ không?” 3 Chúa trả lời rằng: “Môi-se đã truyền dạy các ngươi điều gì?” 4 Họ nói rằng: “Môi-se cho phép viết giấy ly dị để bỏ vợ.” 5 Chúa Giê-su nói cùng họ rằng: “Tại vì lòng các ngươi cứng cỏi nên người đã truyền điều răn này cho các ngươi. 6 Nhưng từ lúc ban đầu trong cuộc sáng thế, Chúa Trời làm nên một người nam và một người nữ. 7 Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ; 8 và hai người sẽ trở nên một thân. Như vậy họ không còn là hai nữa mà là một thân. 9 Thế thì, sự gì Chúa Trời đã phối hợp, người ta không nên phân rẽ.”

Chúa Giê-su dạy rằng lúc ban đầu Chúa Trời làm nên một người nam và một người nữ, và Ngài để hai người này kết hợp thành một thân. Sự gì Chúa Trời đã phối hợp, người ta không nên phân rẽ. Nhưng khi Chúa Trời phán truyền Luật Pháp cho người dân Y-sơ-ra-ên, tại vì tấm lòng của người dân cứng cỏi, cho nên Ngài cho phép họ viết giấy ly dị để bỏ vợ.

Lòng cứng cỏi có nghĩa là gì? Tại sao vì tấm lòng của người Y-sơ-ra-ên cứng cỏi thì Chúa Trời cho phép họ viết giấy ly dị để bỏ vợ?

Mác 16:14 14 Sau đó, Chúa hiện ra cho mười một sứ đồ khi họ đang ngồi ăn. Chúa khiển trách họ về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì họ không tin những người đã thấy Chúa sau khi Chúa sống lại.

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại rằng sau khi Chúa Giê-su phục sinh rồi, Chúa hiện ra trước mặt mười một sứ đồ. Chúa khiển trách họ về sự không tin và lòng cứng cỏi, tại vì có những người khác đã thấy Chúa, nhưng mười một sứ đồ không tin lời của những người đó.

Trong đoạn Kinh Thánh này, lòng cứng cỏi là dính liền với sự không tin. Một tấm lòng cứng cỏi là một tấm lòng không tin.

Mà trong Kinh Thánh, đức tin là luôn luôn dính liền với sự vâng phục. Một người tin vào Chúa Trời thì vâng giữ lời của Ngài, một người không vâng giữ lời của Chúa Trời thì không thật sự tin vào Ngài.

Rô-ma 1:5 5 nhờ Chúa chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ để vì danh Chúa mà đem mọi dân tộc đến sự vâng phục của đức tin.

Rô-ma 16:26 26 mà bây giờ được khải thị bởi các sách tiên tri, và theo lệnh của Chúa Trời hằng sống, cho mọi dân tộc nhận biết để đem họ đến sự vâng phục của đức tin,

Hai đoạn Kinh Thánh trên đều nói đến “sự vâng phục của đức tin”. Khi chúng ta có một đức tin chân chính thì ta sẽ vâng phục Chúa Trời. Vâng phục là sự thể hiện của một đức tin chân chính ở bên trong.

Chúng ta tổng hợp ba đoạn Kinh Thánh trên Mác 16:14, Rô-ma 1:5, Rô-ma 16:26, ta thấy rằng tấm lòng cứng cỏi tức là tấm lòng không tin, không vâng phục lời của Chúa Trời.

Những người Y-sơ-ra-ên có lòng cứng cỏi vì họ chỉ ngợi khen ca tụng Chúa Trời bằng mồm thôi, nhưng họ không vâng giữ lời của Ngài. Chính vì họ không sống theo lời của Chúa Trời cho nên tâm hồn của họ tràn đầy tội ác, họ phạm tội lỗi trầm trọng. Từ lúc sáng thế, Chúa Trời thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và hai người sẽ hợp lại thành một thân. Những người có lòng cứng cỏi không vâng phục lời của Chúa Trời thì không thể làm tròn ý chỉ của Ngài. Hôn nhân của những người này chắc có nhiều cãi cọ, buồn giận, người chồng muốn bỏ người vợ mà cưới vợ khác. Bởi vậy Chúa Trời quy định trong Luật Pháp rằng nếu người chồng muốn ly dị vợ mình thì phải viết giấy ly dị cho vợ, bởi vì có giấy ly dị trong tay thì người vợ có thể đi lấy chồng khác. Nếu người vợ không có giấy ly dị mà cứ đi lấy chồng khác thì bà phạm tội tà dâm.

Đến thời kỳ Tân Ước, Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta được ban cho Thánh Linh của Chúa Trời ngự trong lòng ta. Thánh Linh chỉ dẫn ta và cho ta lực lượng để sống theo lời của Chúa Trời. Khi chúng ta phối hợp với lực lượng của Thánh Linh mà hết lòng hết sức vâng giữ lời của Chúa Trời, thì tấm lòng của ta dần dần biến chuyển, ta sẽ trở nên càng ngày càng giống như tính tình của Chúa Trời và Chúa Giê-su. Giả tỷ hai vợ chồng đều thật sự vâng giữ hết thảy lời dạy của Chúa Giê-su trong Ma-thi-ơ 5:1 – 30, thì tình cảm giữa hai vợ chồng sẽ ngày càng ngọt bùi nồng hậu, đâu có chuyện ly dị!

Ngược lại, nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Chúa Giê-su thì tấm lòng của ta vẫn cứng cỏi như những người Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước vậy. Khi tấm lòng của ta cứng cỏi thì cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng sẽ có cãi lẫy, gây gỗ, tức giận. Có những đôi vợ chồng Tín Đồ Cơ Đốc thậm chí thù ghét lẫn nhau, người chồng coi người vợ như người thù, và người vợ cũng coi người chồng như kẻ địch. Khi tình nghĩa hai vợ chồng đã tan vỡ, thì cuộc hôn nhân thành ra vô ý nghĩa. Nếu họ vẫn mang danh là vợ chồng và sống chung với nhau thì họ sẽ càng ngày càng thù ghét lẫn nhau. Trong trường hợp này thì tương tự như Môi-se cho phép người Y-sơ-ra-ên ly dị vì lòng của họ cứng cỏi, đôi vợ chồng Tín Đồ Cơ Đốc như vậy cũng được phép ly dị vì lòng của họ cứng cỏi.

Tôi không phải nói rằng Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta cũng làm như người đời vậy, trong cuộc hôn nhân có chuyện gì không vừa ý thì tha hồ ly dị. Tôi không phải nói như vậy. Chúng ta vẫn tìm đủ mọi cách để duy trì và giải cứu cuộc hôn nhân. Nhưng nếu rốt cuộc hết thảy mọi phương cách đều thất bại, không còn giải pháp nào để cứu vớt cuộc hôn nhân nữa, hai vợ chồng tựa như hai người thù địch bị bắt buộc phải sống chung trong một căn nhà; như vậy thì chỉ còn một lối thoát duy nhất cho họ là ly dị thôi.

Nhưng có một điểm chúng ta mới nhớ kỹ, sau khi hôn nhân giữa hai người Tín Đồ Cơ Đốc đã kết thúc rồi, hai người không còn là vợ chồng nữa, nhưng họ vẫn là con cái của cùng một Đức Cha ở trên trời, họ vẫn là anh chị em trong cùng một gia đình, họ vẫn là các thành phần của thân thể của Chúa Giê-su, cho nên họ không nên giữ mối giận hờn trong lòng, họ phải tha thứ cho nhau.

Một Câu Chuyện Chân Thật Về Tình Yêu Thương Cao Quý

Trước khi kết thúc, tôi kể một câu chuyện chân thật. Tôi quen biết một người đàn bà, bà là một người Tín Đồ của Chúa, người chồng của bà thì không tin vào Chúa Trời. Hai vợ chồng có bốn người con cái, nhưng ông này cứ phung phí tiền bạc ăn chơi sa đọa. Một hôm tự nhiên ông ra đi không trở về nhà, không ai tìm được ông này ở đâu cả. Bà vợ phải một mình làm ăn và nuôi nấng bốn người con cái.

Bà không muốn đi lấy một người chồng khác, mỗi ngày bà cứ quì xuống cầu xin Chúa Trời dắt đưa ông chồng trở về. Bà rất chịu khó làm việc và dạy dỗ con cái. Rồi hai mươi năm trôi qua, cả bốn người con cái đều học thành tài tốt nghiệp đại học, họ rất kính mến người mẹ. Người mẹ làm ăn cũng khá, bà mở một tiệm nhỏ bán đồ.

Một hôm bất thình lình ông chồng trở về nhà. Bà không hề tra hỏi trách mắng ông, bà tha thứ hết thảy tội lỗi của ông. Bốn người con cái đều không kính mến người cha, nhưng tại vì người mẹ chịu tiếp nhận ông, mà họ kính mến hiếu thảo với người mẹ, cho nên họ cũng phải tiếp nhận người cha. Sau khi ông này trở về rồi, ông không có thay đổi gì hết, ông vẫn ăn chơi sa đọa như cũ, mà ông còn đòi người vợ cho tiền nữa. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện cho người chồng, bà cầu xin Chúa Trời cứu vớt biến đổi ông.

Một người con gái của bà tham dự hội thánh của chúng tôi. Một Chúa Nhật cả gia đình của bà cùng đến hội thánh của chúng tôi dự buổi lễ thờ phượng. Sau đó ông này tự nhiên thay đổi hẳn, Chúa Nhật nào ông cũng muốn đến hội thánh dự lễ. Ông không muốn đi chơi vào ngày thứ bảy nữa, tại vì ông sợ đi chơi về khuya rồi buổi sáng dậy trể không đi dự buổi lễ được. Ông bảo người con gái đi mua một quyển Kinh Thánh cho ông, ông muốn học tập lời của Chúa Trời. Khi đàn bà này và người con gái của bà kể lại cho tôi nghe câu chuyện này, tôi chỉ biết cảm tạ Chúa Trời thôi! Ngài nhân từ thương xót vô biên, và bà quả thật là một người trung tín, khoan dung và kiên nhẫn, bà có lòng yêu thương vĩ đại, cho nên Chúa Trời đã dắt đưa ông này trở về nhà, và Ngài còn làm một phép lạ để biến chuyển tâm hồn của ông nữa. Kỳ diệu thay! Vinh diệu thay!

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church