You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (19)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (19)

Lời Nói Của Tín Đồ Cơ Đốc

Ma-thi-ơ 5:33 – 37

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:31 – 32, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:33 – 37 33 Các ngươi cũng có nghe lời dạy cho người xưa rằng: “Ngươi chớ thề dối, nhưng hãy giữ trọn vẹn lời thề của mình với Chúa.” 34 Nhưng ta nói cùng các ngươi: “Đừng thề chi hết; đừng chỉ vào trời mà thề, vì trời là ngai của Chúa Trời; 35 đừng chỉ vào đất mà thề, vì đất là bệ chân của Ngài; đừng chỉ vào thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Vua lớn. 36 Đừng chỉ vào đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc trở nên trắng hay là đen được. 37 Nhưng lời nói của các ngươi hãy là: “phải, phải, không, không.” Còn điều gì nói thêm đó đều từ quỉ dữ mà ra.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su có phải dạy bảo chúng ta không được lập một lời thề nào cả? Nhưng trong xã hội ngày nay, khi chúng ta xin chứng nhận những văn kiện pháp lý quan trọng, ta phải lập lời thề trước ông luật sự; hoặc là trong những vụ thưa kiện, người ta thường phải lập lời thề trong tòa án. Trong những trường hợp này, chúng ta nên làm sao? Chúng ta có phải nói rằng tôi là Tín Đồ Cơ Đốc, tôi phải vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su, tôi nhất quyết không lập lời thề gì cả, có phải nói như vậy không? Ngoài ra, trong câu 37 Chúa nói rằng lời nói của chúng ta hãy là “phải, phải; không, không”, câu này có nghĩa là gì? Chẳng lẽ khi chúng ta nói chuyện, ta cứ một mực nói “phải, phải, không, không” sao?

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này từng bước môt.

Lời Dạy Về Thề Nguyện Trong Kinh Thánh

Đầu tiên, Chúa Giê-su có phải dạy bảo chúng ta nhất quyết không lập bất cứ lời thề gì chăng? Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rõ lời dạy về thề nguyện trong Kinh Thánh.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13 13 Ngươi phải kính sợ Gia-vê Chúa Trời ngươi, phụng sự Ngài, và lấy danh Ngài mà thề.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:20 20 Ngươi phải kính sợ Gia-vê Chúa Trời ngươi, phụng sự Ngài, dính chặt vào Ngài, và chỉ vào danh Ngài mà thề.

Hai đoạn Kinh Thánh trên đều dạy rằng khi người dân của Chúa Trời thề nguyện, họ phải lấy danh của Đức Gia-vê Chúa Trời mà thề.

Dân Số Ký 30:2 2 Nếu một người hứa nguyện cùng Gia-vê, hoặc lập lời thề để buộc mình với một giao ước, thì người ấy không được trái lời, người phải làm theo mọi lời ra từ miệng của mình.

Trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:33 có nói về lời dạy cho người xưa: “Ngươi chớ thề dối, nhưng hãy giữ trọn vẹn lời thề của mình với Chúa.” Ấy là trích từ đoạn Kinh Thánh này Dân Số Ký 30:2.

Cả ba đoạn Kinh Thánh trên: Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13, Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:20 và Dân Số Ký 30:2 đều là điều răn trong Luật Pháp của Cựu Ước.

Nhưng câu Ma-thi-ơ 5:34 nói rằng: “Nhưng ta nói cùng các ngươi: ‘Đừng thề chi hết…’”. Như vậy có phải là Chúa Giê-su giảng dạy một điều răn mới trái với những điều răn trong Luật Pháp chăng? Nhưng chính Chúa Giê-su dạy rằng Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp, nhưng để làm cho trọn vẹn.

Ma-thi-ơ 5:17 17 “Các ngươi đừng tưởng rằng ta đến để hủy bỏ Luật Pháp hay lời tiên tri; Ta đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm cho trọn vẹn.

(Xin đọc bài giảng “Chúa Giê-su Đến Để Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri” để hiểu rõ Chúa làm trọn vẹn Luật Pháp như thế nào)

Hơn nữa, chính sứ đồ Phao-lô cũng thề nguyện:

Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18 18 Phao-lô ở lại thành Cô-rinh-tô lâu ngày, rồi từ giã anh em, xuống thuyền đi qua xứ Sy-ri cùng với Bê-rít-sin và A-qui-la. Tại Sen-cơ-rê, người xuống tóc vì có lời thề nguyện.

Nếu Chúa Giê-su quả thật dạy bảo Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta không nên lập một lời thề gì cả, thì sứ đồ Phao-lô đã phản nghịch lại lời dạy của Chúa, tại vì đoạn Kinh Thánh trên Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18 chỉ ra rằng sứ đồ đã lập lời thề nguyện.

Khải Huyền 10:5 – 6 5 Rồi vị thiên sứ mà tôi đã thấy đứng trên biển và trên đất, giơ tay hữu lên trời, 6 nhân danh Ðấng hằng sống đời đời, là Ðấng sáng tạo trời và muôn vật trên trời, đất và muôn vật trên đất, biển và muôn vật trong biển, mà thề rằng không còn thì giờ nào nữa;

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng chính thiên sứ cũng nhân danh Chúa Trời mà thề nguyện.

Sáng Thế Ký 24:6 – 7 6 Áp-ra-ham bảo người rằng: “Coi chừng, ngươi đừng dẫn con ta trở về xứ đó! 7 Gia-vê là Chúa Trời, Ngài đã đem ta ra khỏi nhà cha ta và mảnh đất tại đó ta ra đời, Ngài đã nói cùng ta và thề với ta rằng: “Ta sẽ ban mảnh đất này cho dòng dõi ngươi!” Chính Ngài sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi, và từ nơi đó ngươi sẽ cưới một vợ cho con trai ta.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng chính Chúa Trời Đức Gia-vê thề nguyện sẽ ban xứ Ca-na-an cho Áp-ra-ham và dòng dõi của người.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:31 31 Vì Gia-vê Chúa Trời ngươi là Chúa Trời hay thương xót, Ngài sẽ không bỏ ngươi và không hủy diệt ngươi, cũng chẳng quên giao ước mà Ngài đã thề cùng các tổ phụ ngươi.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Đức Gia-vê Chúa Trời đã dùng lời thề để lập giao ước với tổ tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Sáng Thế Ký 24:6 – 7 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:31 chỉ ra rằng chính Chúa Trời Đức Gia-vê cũng thề nguyện. Chúng ta là con cái của Chúa Trời, chúng ta nên bắt chước Đức Cha của ta ở trên trời. Nếu Đức Cha của ta thề nguyện thì chúng ta cũng thề nguyện.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại tất cả những điểm ở trên:

  1. Luật Pháp dạy bảo người dân của Chúa Trời phải dùng danh của Đức Gia-vê mà thề nguyện.
  2. Chúa Giê-su dạy rằng Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp nhưng để làm cho trọn vẹn.
  3. Sứ đồ Phao-lô cũng lập lời thề.
  4. Thiên sứ nhân danh Chúa Trời, Đấng hằng sống đời đời mà thề.
  5. Chính Chúa Trời Đức Gia-vê cũng thề nguyện. Chúng ta là con cái của Ngài, chúng ta nên bắt chước Đức Cha của ta ở trên trời.

Căn cứ vào 5 điểm kể trên, chúng ta biết rằng Chúa Giê-su không phải dạy bảo Tín Đồ Cơ Đốc nhất quyết không được lập một lời thề nào cả.

Tại Sao Chúa Giê-su Lại Nói Rằng Đừng Thề Chi Hết?

Nhưng chúng ta vẫn không hiểu tại sao Chúa Giê-su lại bảo chúng ta đừng thề chi hết, đừng chỉ vào trời mà thề, đừng chỉ vào đất mà thề v.v.

Ấy là liên quan đến tập quán của người Y-sơ-ra-ên đương thời và dạy dỗ của những ông thầy dạy Luật.

Ở phần trên chúng ta đã thấy rằng Luật Pháp dạy dỗ người dân Y-sơ-ra-ên phải lấy Danh của Chúa Trời Đức Gia-vê mà thề nguyện (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13, Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:20) và họ phải giữ trọn lời thề mà mình đã lập cùng Chúa Trời (Dân Số Ký 30:2). Nhưng dần dần thay vì chỉ vào Danh của Chúa Trời mà thề nguyện thì người dân Y-sơ-ra-ên lập lời thề bằng nhiều điều khác như trời, đất, thành Giê-ru-sa-lem v.v.. Tại sao vậy?

Tại vì họ suy tính rằng nếu họ lấy Danh của Chúa Trời mà thề nguyện, rồi sau này họ không thể giữ trọn lời thề của mình thì sẽ khiến Danh của Ngài mang xấu. Cho nên họ lập lời thề bằng những điều nhỏ hơn Danh của Chúa Trời, vậy cho dù sau này nếu họ không giữ lời thề của mình thì cũng không ảnh hưởng đến Danh của Ngài. Có người thậm chí lập lời thề bằng cánh tay hữu của mình. Và những ông thầy dạy Luật thường phải xem xét những lời thề của dân chúng để quyết định lời thề nào là nhất quyết phải giữ trọn, và lời thề nào có thể hủy bỏ.

Thái độ của đa số người dân Y-sơ-ra-ên là không chân thật, tự lừa dối mình, và tệ hại nhất là không vâng giữ lời dạy của Chúa Trời. Bởi vậy Chúa Giê-su nói rằng khi họ lập lời thề với một thái độ sai lầm thì chẳng thà đừng lập lời thề còn tốt hơn. Hơn nữa loài người chúng ta không có quyền năng điều khiển trời, đất, thành phố, ngay cả sợi tóc trên đầu của chúng ta cũng không thể điều khiển được. Cho nên chúng ta không nên lập một lời thề nào cả bằng những điều đó.

“Phải, Phải, Không, Không” Chính Là Một Lời Thề – Lời Nói Của Tín Đồ Cơ Đốc Phải Chân Thật Như Lời Thề

Vậy Tín Đồ Cơ Đốc có nên lập lời thề hay không? Trong câu Ma-thi-ơ 5:37 Chúa Giê-su nói rằng: “Nhưng lời nói của các ngươi hãy là: “phải, phải, không, không.” Còn điều gì nói thêm đó đều từ quỉ dữ mà ra.”

Xin các bạn để ý, có một bản dịch của Kinh Thánh Việt Ngữ đã dịch như vậy: “phải thì nói phải, không thì nói không..”, còn một bản khác thì dịch là: “hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’”. Cả hai bản này đều không phải dịch theo nguyên văn Hy Lạp. Còn bản dịch cũ (năm 1934) đã phiên dịch một cách chính xác: “Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không...” Ấy mới là theo đúng nguyên văn Hy Lạp.

Bốn chữ “phải, phải, không, không” là cực kỳ quan trọng. Theo lời dạy của các ông thầy Do Thái, hai chữ “phải, phải” hay hai chữ “không, không” chính là hình thức của một lời thề. Nếu tôi nói: “Phải”, thì đó không phải là một lời thề; nhưng nếu tôi nói: “Phải, phải” thì đó là một lời thề. Tương tự như vậy, nếu tôi nói: “Không”, thì đó không phải là một lời thề; nhưng nếu tôi nói: “Không, không” thì ấy chính là một lời thề.

Chúa Giê-su răn dạy rằng lời nói của chúng ta phải là chân thật như lời thề. Mỗi một lời ta nói là y như một lời thề ta lập cùng Chúa Trời Đức Gia-vê vậy.

Trong quyển sách Tin Lành theo Giăng, có 25 câu nói của Chúa Giê-su là như vậy: “Qua thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi…”, ấy là Chúa muốn nhấn mạnh rằng những điều Chúa nói là hoàn toàn chân thật.

Tại sao Chúa nói rằng: “Còn điều gì nói thêm đó đều từ quỉ dữ mà ra”? Chúa dạy bảo chúng ta chỉ nói lẽ thật, ta không nói thêm những điều ngoài lẽ thật. Thí dụ: Khi người ta mô tả một sự kiện hay thuật lại một câu chuyện, họ thường hay thổi phồng một vài điểm để cho câu chuyện hấp dẫn hơn, có khi họ cường điệu những việc mình làm để thổi phồng tầm quan trọng của mình v.v. Chúa Giê-su dạy rằng điều gì ngoài lẽ thật mà người ta nói thêm vào đều là từ quỉ dữ mà ra. Tại vì điều gì ngoài lẽ thật thì không phải là lẽ thật. Mà điều gì không phải lẽ thật tất là giả dối. Và ma quỉ chính là cha của sự nói dối.

Giăng 8:44 44 Các ngươi bởi cha mình là ma quỉ mà sinh ra; và các ngươi muốn làm theo dục vọng của cha mình. Từ lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, nó chẳng đứng ở trong lẽ thật, vì trong nó không có lẽ thật. Mỗi khi nó nói dối, thì nó nói theo bản tính của mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa chỉ ra rằng ma quỉ là cha của sự nối dối, có nghĩa là tất cả sự giả dối đều từ ma quỉ mà ra. Bởi vậy điều gì ở ngoài lẽ thật đều là từ ma quỉ mà ra.

Tín Đồ Cơ Đốc Không Cần Phải Lập Lời Thề

Phần nhiều người đời trên thế gian không nói theo lẽ thật. Họ cứ nói đại chuyện này chuyện kia, họ tự ý thêm vào hay giảm bớt những chi tiết trong một câu chuyện, và có khi họ còn bịa đặt ra những điều giả dối nữa. Nhiều khi họ hứa sẽ làm một điều gì, nhưng họ lại không giữ lời của mình. Người khác không biết rằng trong những điều họ nói, điều nào là thật, điều nào là giả. Bởi vậy khi họ muốn khiến cho người khác tin rằng những lời họ nói là chân thật và họ sẽ giữ trọn lời của mình thì họ phải lập lời thề.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải nói theo lẽ thật, ta phải khác biệt với người đời. Khi chúng ta sống trong lẽ thật và luôn luôn nói theo lẽ thật thì ta không cần lập lời thề gì cả. Bởi vì lời thề không có gia tăng điều gì vào trong lời nói của ta, lập lời thề chỉ là để cho người khác nghe rồi tin rằng những điều ta nói là chân thật, có thế thôi.

Điều gì là phải thì chúng ta nói: “Phải”, điều gì là sai thì ta nói: “Sai.” Nếu ta không biết chắc điều đó là phải hay sai, thì ta nói rằng: “Tôi không biết rõ.” Có điều gì ta không biết, thì ta không nên cứ nói đại theo ý tưởng của mình, bởi vì nếu ta làm việc không bởi đức tin thì đó là tội lỗi.

Rô-ma 14:23 23 Nhưng người nào có lòng nghi ngờ mà cứ ăn vào thì người bị định tội rồi, vì không hành động bởi đức tin; phàm làm việc gì không bởi đức tin là phạm tội.

Khi chúng ta nói ta sẽ làm điều gì, thì ta chắc chắn làm điều đó. Nếu ta nói ta không làm điều gì, thì ta nhất quyết không làm. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ càng rồi mới nói ta sẽ làm hay không làm điều gì, tại vì nếu ta nói ta sẽ làm, nhưng rốt cuộc ta lại không làm thì ấy là nói dối.

Nhiều năm về trước khi tôi mới bắt đầu phụng sự Chúa Trời truyền giảng Tin Lành, tôi đã phạm một lỗi lầm. Hồi đó tôi phụ trách giảng dạy một lớp học tập Kinh Thánh cho các ông già bà cụ. Một hôm có một bác gái đến xin tôi giảng dạy về một đề tài nào đó, tôi không có ngẫm nghĩ gì cả thì tôi hứa ngay rằng trong buổi học tập tuần sau tôi sẽ giảng dạy về đề tài đó. Ai ngờ sau đó tôi bận việc quá và tôi quên mất lời hứa của mình. Đến buổi học tập tuần sau bác gái này mời một người bạn đến dự buổi học tập Kinh Thánh, hai bác này đều mong chờ tôi giảng dạy về đề tài đó, mà tôi lại quên mất luôn! Hai bác gái đó đều rất thất vọng, và tệ hại nhất là người bạn của bác gái này còn chưa tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su! Tại vì tôi thất hứa mà tôi đã làm nhục cái Danh của Chúa Trời trước mặt kẻ không tin! Sự kiện này khiến tôi đau buồn và xấu hổ ghê, tôi chỉ có cầu xin Đức Cha tha tội cho tôi. Bài học này đã in sâu vào trong tâm hồn tôi!

Nếu chúng ta đã nói sai một điều gì, thì ta phải thừa nhận lỗi lầm của mình và xin lỗi với người ta. Khi chúng ta đã hẹn điều gì, nhưng rồi ta thấy rằng mình làm không nổi hoặc đó là một điều sai lầm mà ta không nên làm, thì ta cũng phải giải thích cho người ta biết rõ lý do tại sao ta không thể làm điều đó và ta phải xin lỗi với người ta.

Khi chúng ta biết rằng mình đã nói một điều sai lầm thì ta đi xin lỗi với người ta, Đức Cha ở trên trời là nhân từ thương xót, Ngài sẽ tha tội cho ta. Nhưng chúng ta chớ nghĩ rằng ta cứ nói đại điều này điều kia, sau đó nếu sai lầm thì cứ xin lỗi là xong. Hãy coi chừng, Chúa Trời biết rõ tấm lòng của ta, Ngài sẽ trừng phạt ta.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:33 – 37. Lời dạy của Chúa Giê-su luôn luôn chú trọng về tấm lòng của ta. Tại vì hết thảy tội lỗi đều bắt nguồn từ dục vọng trong lòng, rồi đến ác tưởng trong đầu óc, và sau cùng là việc ác ở bên ngoài. Chúa Giê-su không phải chỉ dạy bảo ta đừng có giết người, mà Chúa dạy bảo ta đừng có chất chứa mối thù hận trong lòng, ta phải yêu thương người ta.

Chúa Giê-su không phải dạy bảo ta đừng lập lời thề, mà Chúa dạy bảo ta phải luôn luôn nói theo lẽ thật, mỗi một lời ta nói là tựa như một lời thề ta lập cùng Chúa Trời Đức Gia-vê. Khi mỗi một lời nói của ta đều là chân thật như lời thề, thì ta không cần lập lời thề gì cả.

Trong trường hợp ta thật sự phải lập lời thề, thí dụ như làm chứng trong tòa án hoặc là chứng nhận những văn kiện pháp lý quan trọng, thì ta cứ theo đúng thủ tục mà lập lời thề, điều đó thì không phải là phản nghịch lại lời dạy của Chúa Giê-su.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church