You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (33)

 

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (33)

Đừng Lo Lắng

Ma-thi-ơ 6:25 – 34

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:22 – 24, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 6:25 – 34 25 “Vì vậy ta nói cùng các ngươi rằng: Đừng lo lắng cho cuộc sống mình sẽ ăn gì hay uống gì; hay thân thể mình sẽ mặc gì. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao? Thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? 26 Hãy xem loài chim trời: chúng chẳng gieo, gặt cũng chẳng thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi chúng. Các ngươi há chẳng phải quí trọng hơn loài chim sao? 27 Có ai trong các ngươi nhờ lo lắng mà có thể thêm cho đời mình một khoảnh khắc không? 28 Tại sao các ngươi lại lo lắng về quần áo? Hãy xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chúng chẳng làm việc khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta nói cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp bằng một trong các hoa đó. 30 Loài cỏ ngoài đồng, nay còn sống, mai bị bỏ vào lò, Chúa Trời còn mặc cho chúng như thế, mà Ngài lại không mặc cho các ngươi còn tốt hơn sao? Hỡi những kẻ ít đức tin! 31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: ‘Chúng ta sẽ ăn gì? hay uống gì? hay mặc gì?’ 32 Vì các dân ngoại tìm cầu tất cả những điều đó, và Cha các ngươi ở trên trời biết các ngươi cần tất cả những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm cầu vương quốc Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, thì Ngài sẽ ban thêm cho các ngươi tất cả mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng cho ngày mai; vì ngày mai sẽ lo lắng cho ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”

Đừng Lo Lắng Gì Cả

Đoạn Kinh Thánh trên chỉ có 10 câu (từ câu 25 đến câu 34), mà từ ngữ “lo lắng” xuất hiện 6 lần: lần thứ nhất trong câu 25, lần thứ hai trong câu 27, lần thứ ba trong câu 28, lần thứ tư trong câu 31, lần thứ năm và thứ sáu trong câu 34. Vậy rất hiển nhiên chủ đề của đoạn Kinh Thánh trên là về sự lo lắng.

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng lo lắng gì cả, đừng lo lắng về cuộc sống, đồ ăn, đồ uống, thân thể, quần áo v.v.

Chúa nói rằng loài chim trời chẳng gieo, chẳng gặt và cũng chẳng thâu trữ lương thực vào kho tàng, chúng hoàn toàn nhờ cậy vào Chúa Trời cung cấp thức ăn cho chúng. Chúa Trời đã sáng tạo ra trời đất vạn vật gồm cả loài chim trời, Ngài là Cha của chúng, cho nên Ngài chắc chăm nom cho chúng cho dù chúng là rất nhỏ mọn.

Chúa Trời đã ban cho loài người chức vụ cai quản muôn vật ở dưới biển, trên trời và trên mặt đất:

Sáng Thế Ký 1:28 28 Chúa Trời ban phước cho loài người và nói rằng: “Hãy sinh sản và gia tăng, và làm cho đầy dẫy mặt đất, và chinh phục nó; hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống di chuyển trên mặt đất.”

(Xin đọc bài giảng “Chúa Trời Đức Gia-vê Sáng Tạo Trời Đất, Muôn Vật Và Loài Người” để hiểu rõ các chi tiết)

Loài người được giao cho chức vụ cai quản muôn vật, vậy trong mắt của Chúa Trời, chúng ta chắc là quí trọng hơn loài chim trời rất nhiều. Ngài đã chăm nom loài chim trời chu đáo như thế, thì Ngài chắc chăm nom chúng ta càng chu đáo hơn.

Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta cũng không cần phải lo lắng về quần áo. Chúng ta hãy xem những hoa huệ và loài cỏ ở ngoài đồng, chúng không kéo chỉ, không làm việc khó nhọc để sắm sửa áo quần, nhưng Cha ở trên trời đã mặc cho chúng còn đẹp hơn vua Sa-lô-môn nữa.

Vua Sa-lô-môn là vị vua thông minh nhất và giàu có nhất trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Vua chắc ăn mặc đẹp đẽ, đeo nhiều vàng, bạc, kim cương v.v. Nhưng tất cả những món này đều do tay của loài người làm ra, và chúng không thể so với sắc đẹp thiên nhiên của hoa huệ và loài cỏ ở ngoài đồng. Các hoa cỏ suy tàn rất nhanh, nay còn sống, ngày mai hay ngày mốt sẽ chết đi. Nhưng Cha ở trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp như thế, chẳng lẽ Ngài lại không chăm nom cho loài người chúng ta ăn mặc còn đẹp hơn nhiều sao?

Chúng ta không thể nhờ lo lắng mà làm cho cuộc sống mình gia tăng thêm một khoảnh khắc. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn do Chúa Trời nắm giữ, Ngài ra lệnh chấm dứt cuộc sống của tôi vào giây phút nào thì tôi sẽ chết vào giây phút đó. Cho dù người có quyền hành cao nhất trên thế giới, hay người giàu có nhất trên thế giới cũng không thể khiến cho cuộc sống mình dài hơn một giây.

Hậu Quả Tai Hại Của Sự Lo Lắng

Lo lắng chẳng những là hoàn toàn vô ích, mà còn gây ra nhiều tai hại nữa.

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:19 – 21, Chúa Giê-su nói đến người ta hay tích trữ của cải (Xin đọc bài giảng “Tích Trữ Của Cải Ở Trên Trời” để hiểu rõ lời giải thích). Tại sao người ta lại tích trữ của cải? Tại vì khi người ta có nhiều tiền bạc thì họ thấy an toàn hơn, họ tưởng rằng có tiền thì khỏi lo lắng. Nhưng trên thực tế, nhiều người giàu lo lắng còn hơn người nghèo nữa.

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:22 – 24, Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải tập trung nhìn vào Chúa Trời, chúng ta chỉ làm tôi cho Chúa Trời mà không làm tôi cho tiền bạc (Xin đọc bài giảng “Nếu Mắt Ngươi Sáng Sủa” để hiểu rõ lời giải thích).

Khi chúng ta làm tôi cho Chúa Trời thì chúng ta hoàn toàn vâng phục Chúa Trời, ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì Ngài bảo ta làm. Nếu chúng ta làm tôi cho tiền bạc thì chúng ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả những việc tội lỗi để kiếm được tiền bạc.

Tại sao người ta lại làm tôi cho tiền bạc? Tại vì họ ham tiền. Nhưng tại sao người ta lại ham tiền? Tại vì tiền bạc khiến họ thấy an toàn hơn, họ tưởng rằng có tiền bạc càng nhiều thì càng an toàn.

Từ lo lắng cho cuộc sống của mình sẽ đưa đến tích trữ tiền bạc; rồi từ tích trữ tiền bạc sẽ dần dần đưa đến làm tôi cho tiền bạc.

Nhất là chúng ta đừng lo lắng về những việc trong tương lai, trong câu 34, Chúa Giê-su nói rằng: “Vậy, chớ lo lắng cho ngày mai; vì ngày mai sẽ lo lắng cho ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”

Có nhiều người vì lo lắng về những việc trong tương lai, họ đi hỏi thầy bói. Khi thầy bói bảo họ những chuyện không may sẽ xảy ra thì họ càng lo lắng hơn. Khi thầy bói nói rằng sẽ có chuyện tốt xảy ra thì họ mừng rỡ.

Có một người đàn bà đi hỏi thầy bói về các con cái của mình, thầy bói nói rằng một đứa con gái của bà sẽ đem vận xui cho bà. Từ đó trở đi, bà này không yêu đứa con gái đó nữa. Chỉ vì một lời của thầy bói mà làm hại đến tình thương yêu trong gia đình.

Trong Kinh Thánh, Chúa Trời Đức Gia-vê cấm không cho người dân của Ngài làm nghề bói toán hay đi hỏi thầy bói:

Lê-vi Ký 19:26 26 Các ngươi đừng ăn vật gì có huyết, đừng dùng bói toán hay thuật số.

1 Sử Ký 10:13 – 14 13 Ấy vậy, Sau-lơ chết vì tội lỗi mình đã phạm nghịch với Gia-vê, vì người không tuân theo lời dạy của Ngài; lại vì cầu vấn đồng bóng, 14 mà không cầu hỏi Gia-vê. Bởi vậy Ngài giết người đi và chuyển vương quốc của người cho Ða-vít, con trai Y-sai.

Này là một câu chuyện rất thê thảm. Sau-lơ được Chúa Trời Gia-vê lập làm vua của Y-sơ-ra-ên, nhưng về sau người không tuân theo lời dạy của Ngài, và người còn đi cầu vấn đồng bóng, ấy là điều Chúa Trời cấm không cho người dân Y-sơ-ra-ên làm. Bởi vậy Chúa Trời chối bỏ Sau-lơ. Rốt cuộc Sau-lơ và ba con trai của người bị quân địch Phi-li-tin giết hại. Về sau Chúa Trời Gia-vê lập Đa-vít, con trai của Y-sai làm vua của Y-sơ-ra-ên.

Ê-sai 2:6 6 Thật vậy, Chúa đã bỏ dân Ngài, là nhà Gia-cốp, vì họ đầy dẫy thói tục đông phương và thầy bói toán như người Phi-li-tin, lại bắt tay với con cái dân ngoại.

Chúa Trời Gia-vê đã bỏ người dân Y-sơ-ra-ên, tại vì họ theo thói tục của dân ngoại từ đông phương (dân ngoại là chỉ những người không tin vào Chúa Trời), làm thầy bói toán và bắt tay với con cái dân ngoại.

Lời của tiên tri Ê-sai cũng là một cảnh cáo cho chúng ta, nếu chúng ta bắt chước lối sống của những kẻ không tin vào Chúa Trời, dùng bói toán và lập giao ước với những kẻ không tin thì Ngài cũng sẽ chói bỏ chúng ta.

Tại Sao Tín Đồ Cơ Đốc Lo Lắng?

Người ta không phải chỉ lo lắng về đồ ăn, quần áo, mà họ còn lo lắng về nhiều chuyện khác nữa. Có người lo lắng về sức khỏe của mình, có người lo lắng về việc học của con cái mình, có nhiều ba má lại lo lắng cho hôn nhân của con cái mình, có người lo về nhà cửa hay xe cộ v.v.

Có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc vẫn lo lắng tựa như người đời trên thế gian. Tại sao chúng ta lại lo lắng? Trong câu 30 của đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su khiển trách những kẻ lo lắng là “những kẻ ít đức tin”:

Ma-thi-ơ 6:30 30 Loài cỏ ngoài đồng, nay còn sống, mai bị bỏ vào lò, Chúa Trời còn mặc cho chúng như thế, mà Ngài lại không mặc cho các ngươi còn tốt hơn sao? Hỡi những kẻ ít đức tin!

Tín Đồ Cơ Đốc lo lắng là tại vì đức tin của họ yếu ớt.

Ma-thi-ơ 8:23 – 26 23 Chúa Giê-su xuống thuyền, các môn đồ theo Chúa. 24 Bất thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Chúa đang ngủ. 25 Các môn đồ đến đánh thức Chúa, mà thưa rằng: “Chúa ơi, xin cứu chúng tôi, chúng tôi sắp chết!” 26 Chúa nói rằng: “Hỡi những kẻ ít đức tin, tại sao các ngươi sợ?” Chúa bèn đứng dậy quở gió và biển; thì liền hoàn toàn yên lặng.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 8:23 – 26 thuật lại sự kiện Chúa Giê-su và các môn đồ đi thuyền gặp bão lớn, chiếc thuyền gần chìm. Các môn đồ hoãn sợ, nhưng Chúa đang ngủ. Họ đánh thức Chúa và cầu xin Chúa cứu họ. Xin hãy để ý rằng các môn đồ biết rằng Chúa Giê-su có thể cứu họ, nhưng họ vẫn lo sợ. Bởi vậy Chúa nói rằng chúng là những kẻ ít đức tin. Rồi Chúa quở gió và biển, thì liền hoàn toàn yên lặng.

Ma-thi-ơ 16:5 – 12 5 Các môn đồ đến bờ bên kia, quên đem bánh theo. 6 Chúa Giê-su nói cùng chúng rằng: “Hãy cẩn thận và coi chừng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.”   7 Chúng bàn luận với nhau rằng: “Tại vì chúng ta không đem bánh theo.” 8 Chúa Giê-su biết điều đó, thì nói rằng: “Hỡi những kẻ ít đức tin, sao các ngươi nói với nhau rằng các ngươi không có bánh? 9 Các ngươi há chưa hiểu, cũng không nhớ năm cái bánh cho năm ngàn người, và các ngươi lượm được bao nhiêu giỏ đầy bánh thừa sao? 10 Hay bảy cái bánh cho bốn ngàn người, và các ngươi lượm được bao nhiêu giỏ đầy bánh thừa sao? 11 Tại sao các ngươi không hiểu rằng ta không phải nói về bánh? Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.” 12 Bấy giờ các môn đồ mới hiểu rằng Chúa không dặn bảo coi chừng về men làm bánh, nhưng về dạy dỗ của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.

Đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 16:5 – 12 thuật lại một sự kiện khác, Chúa Giê-su và các môn đồ đến bờ bên kia, chúng quên đem bánh. Chúa Giê-su nói với chúng rằng: “Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.” Các môn đồ nói với nhau rằng Chúa nói vậy là tại vì chúng quên đem bánh. Khi Chúa Giê-su biết điều này thì khiển trách họ là những kẻ ít đức tin. Chúa nhắc họ hãy nhớ lại một phép lạ Chúa làm, năm cái bánh cho năm ngàn người ăn no; và trong một phép lạ khác, bảy cái bánh cho bốn ngàn người ăn no. Chúa có thể làm phép lạ kỳ diệu như thế, thì chúng không cần phải lo về bánh hay đồ ăn. Chúa không phải nói về bánh, Chúa đang so sánh dạy dỗ của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê như men trong một đống bột vậy.

Sự kiện này cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta cứ lo lắng về đồ ăn hay một điều gì thì điều đó khiến đức tin của ta yếu ớt; hơn nữa sự lo lắng khiến chúng ta không nghe được lời dạy của Chúa, cho dù chúng ta nghe nhưng ta không hiểu. Trong trường hợp của các môn đồ, Chúa nói với chúng rằng: “Hãy cẩn thận và coi chừng men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.” Chúa nói một cách rõ ràng minh bạch, nhưng lời này đi vào trong tai của các môn đồ thì họ tưởng rằng Chúa đang nói về chuyện quên đem bánh. Sự lo lắng về đồ ăn khiến tai và đầu óc của chúng ta trở nên khờ dại, chúng ta nghe mà không hiểu.

Chúng Ta Phải Làm Sao Để Cho Đức Tin Của Mình Được Vững Mạnh ?

Thật ra chúng ta hiểu rõ những điểm Chúa Giê-su nêu ra, Chúa Trời vui lòng chăm nom những vật hèn mọn hơn chúng ta, cho nên Ngài chắc chăm nom chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn lo lắng về đủ thứ chuyện. Vậy chúng ta phải làm sao để cho đức tin của mình được vững mạnh?

1. Đừng tìm cầu đồ ăn, đồ uống, quần áo

Trong câu 32 của đoạn Kinh Thánh trên, Chúa dạy bảo các môn đồ không nên bắt chước các dân ngoại đi tìm cầu đồ ăn, đồ uống và quần áo.

Ma-thi-ơ 6:31 – 32 31 Vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: ‘Chúng ta sẽ ăn gì? hay uống gì? hay mặc gì?’ 32 Vì các dân ngoại tìm cầu tất cả những điều đó, và Cha các ngươi ở trên trời biết các ngươi cần tất cả những điều đó rồi.

Từ ngữ “dân ngoại” là chỉ những người không tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, tức là người đời trên thế gian. Quả thật người đời trên thế gian cứ tìm cầu ăn uống và quần áo, và trên hết là tìm cầu tiền bạc.

Có người nói rằng: “Nhưng chúng ta cũng phải ăn phải mặc chứ, chẳng lẽ chúng ta không mua đồ ăn quần áo mà cứ chờ đợi những món này từ trên trời rớt xuống sao?”

Hỡi các bạn ơi, nguyên văn Hy Lạp của “tìm cầu” là “ἐπιζητέω” (epizeteo), ý nghĩa của chữ này là ước mọng, đi tìm kiếm với ham muốn mạnh mẽ, chứ không phải chỉ là sắm sửa đồ ăn áo quần hàng ngày.

Nhiều năm về trước trong một phim điện ảnh, một diễn viên nổi danh đeo một chiếc mắt kính râm kiểu mới, nhiều người sau khi coi phim đó rồi thì đi mua kiểu mắt kính đó liền. Rốt cuộc nội trong một vài ngày tất cả mắt kính kiểu đó đều bán hết sạch, những người hơi chậm một chút thì kiếm không được mắt kính kiểu đó nữa và họ thấy rất buồn. Ấy là tình trạng của người đời tìm cầu ăn uống áo quần.

Chúng ta không cần phải lo lắng mà tìm cầu ăn uống và áo quần, vì Cha của chúng ta ở trên trời biết rằng ta cần những điều đó, và Ngài sẽ cung cấp cho ta.

Vài năm về trước, tôi muốn mua một đôi giầy ống. Mùa đông ở Canada thì rất lạnh và nhiều tuyết, mỗi một người đều cần một đôi giầy ống tốt. Tôi đi tiệm coi các giấy ống, có một đôi tôi thích lắm nhưng giá tiền thì đắt quá, tôi mua không nổi. Chừng một vài tuần lễ sau, tiệm giầy đó bán xon (bán hạ giá), chồng tôi và tôi bèn đi coi. Trong tiệm đông người đến nỗi chúng tôi không thể đi lại, chúng tôi bèn ngồi xuống trên ghế, ai ngờ trên mặt đất trước mặt chúng tôi có một đôi giầy ống chính là kiểu mà tôi thích. Tôi bèn mặc thử coi, đúng là cỡ giày vừa mặc cho tôi. Chúng ta đi hỏi giá tiền của đôi giầy ống đó, thì giá tiền đã hạ xuống đến phân nửa của giá thường! Cha của tôi ở trên trời biết rằng tôi cần một đôi giầy ống, Ngài đã cung cấp cho tôi đôi giầy ống với kiểu tôi thích và giá tiền tôi có thể trả nổi. Cảm tạ Cha của tôi Đức Gia-vê!

2. Chúng ta phải trước hết tìm cầu vương quốc Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài

Chúng ta không tìm cầu ăn uống, quần áo, tiền bạc, nhưng chúng ta tích cực tìm cầu vương quốc của Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài:

Ma-thi-ơ 6:33 33 Nhưng trước hết, hãy tìm cầu vương quốc Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, thì Ngài sẽ ban thêm cho các ngươi tất cả mọi điều ấy nữa.

Tìm cầu vương quốc của Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài có nghĩa là gì?

Từ ngữ “tìm cầu” ở đây là cũng như “tìm cầu” trong câu 32, có nghĩa là ước mong, đi tìm kiếm bằng ham muốn mong mẽ.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “vương quốc” là “βασιλεία” (basileia), ý nghĩa nguyên thủy của chữ này là quyền hành cai trị. Bởi vậy vương quốc của Chúa Trời có nghĩa là vương quyền của Chúa Trời, quyền hành cai trị của Ngài (Xin đọc bài giảng “Vương Quốc Cha Đến” để hiểu rõ lời giải thích).

Chúng ta tìm cầu vương quốc của Chúa Trời có nghĩa là tìm cầu quyền hành cai trị của Chúa Trời trong cuộc sống của ta, chúng ta cầu khẩn Ngài cai quản cuộc sống của ta.

Công nghĩa là tính tình của Chúa Trời (Xin đọc bài giảng “Phước Cho Những Kẻ Đói Khát Sự Công Nghĩa” để hiểu rõ ý nghĩa của công nghĩa). Tìm cầu sự công nghĩa của Chúa Trời tức là tìm cầu để đạt được tính tình công nghĩa của Ngài.

Xin để ý, chúng ta phải trước hết tìm cầu hai điều này, chứ không phải tìm cầu ăn no mặc ấm và nhà cửa xe hơi, rồi sau đó mới đi tìm cầu vương quốc của Ngài và sự công nghĩa của Ngài.

Chúng ta tích cực tìm cầu hoàn toàn vâng phục Chúa Trời và tính tình công nghĩa của Ngài trước tiên, còn việc ăn uống áo quần thì chúng ta khỏi lo lắng, Ngài sẽ cung cấp những điều cần thiết cho ta. Ngài đã cung cấp cho tôi đôi giầy ống tôi cần với một giá tiền rất rẻ. Chồng tôi và tôi từ bỏ tiền tài địa vị trên thế gian để rao truyền Tin Lành của Chúa Trời, trong hai mươi mấy năm nay, chúng tôi không cần phải lo lắng về quần áo đồ ăn, chúng tôi cứ tập trung tâm trí sức lực đi truyền giảng Tin Lành, và Ngài đã chăm nom cho tất cả những điều cần thiết trong cuộc sống của chúng tôi.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church