You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (4)

Phó Thác Hoàn Toàn (4)

Sự Nghèo Nàn, Tính Thuộc Linh Và Quyền Hành Của Chúa

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

“Chúng ta không thể trở thành một người công nghĩa hay thuộc linh trừ phi chúng ta là một người nghèo.”

Nếu bạn thật sự muốn phó thác cuộc đời cho Chúa Trời thì câu nói trên chắc khiến bạn khó chịu lắm. Vậy câu này có phải căn cứ vào lời dạy trong Kinh Thánh không?

Trước khi giải đáp vấn đề này, bây giờ chúng ta đọc tiếp lời dạy của Chúa Giê-su về tiền tài giàu sang.

Lời Dạy Về Giàu Sang Trong Lu-ca

Chúng ta đã tra khảo lời dạy của Chúa về tiền tài giàu sang trong Ma-thi-ơ, bây giờ chúng ta học tập lời dạy của Chúa trong Lu-ca.

Lu-ca 1:53 53 Ngài cho kẻ đói được no đầy thức ăn ngon, và đuổi kẻ giàu đi tay không.

Chúa Trời ban đầy đủ thức ăn ngon cho kẻ đói, còn những kẻ giàu thì bị Ngài chói bỏ, họ sẽ bị đuổi đi tay không, có nghĩa là không nhận được phước lành thuộc linh nào cả.

Lu-ca 4:18 18 Linh của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta để rao truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để tuyên bố cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng mắt, kẻ bị áp bức được tự do;

Chúa Trời Gia-vê đã xức dầu cho Chúa Giê-su để truyền giảng Tin Lành cho kẻ nghèo. Tin Lành là dành cho kẻ nghèo, chứ không phải cho kẻ giàu. Điểm này được lặp lại một lần nữa trong chương 7.

Lu-ca 7:22 22 Chúa đáp rằng: “Hãy về báo cho Giăng những việc các ngươi đã thấy và nghe: người mù được sáng mắt, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ nghèo được truyền giảng Tin Lành.

Lu-ca 6:24 – 25 24 Nhưng khốn cho các ngươi giàu có, vì các ngươi đã được yên ủi của mình rồi! 25 Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang no nê, vì các ngươi sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang cười, vì các ngươi sẽ khóc lóc than vãn!

“Khốn” thì trái ngược với “phước”, những kẻ giàu có thì bị rủa. Khi nào họ sẽ bị đói? Ấy là vào Ngày Phán Xét.

Ví Dụ Của Kẻ Giàu Ngu Dại

Lu-ca 12:16 – 19 16 Chúa lại phán cùng chúng một ví dụ: “Ruộng của một người giàu kia sản xuất nhiều lắm, 17 người ngẫm nghĩ rằng: ‘Ta phải làm gì đây? Vì ta không có đủ chỗ để chứa sản phẩm.’ 18 Rồi người nói: ‘Này, ta sẽ làm thế này: ta phá cả kho tàng và cất cái lớn hơn, và ta sẽ thâu trữ tất cả mùa màng và của cải ; 19 rồi ta sẽ bảo linh hồn ta rằng: ‘Linh hồn ơi, ngươi đã được nhiều của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn, uống và vui vẻ đi.’’’

Người này là một người nông dân giàu có, mảnh ruộng của người sản xuất nhiều đến nỗi không đủ chỗ chứa hết sản phẩm. Người phải phá cái kho tàng cũ để xây một cái kho mới lớn hơn để chứa sản phẩm.

Vậy có phải là người này được Chúa Trời ban phước không? Bởi vì một người nông dân trồng trọt trúng mùa thì đó là một phước lành do Chúa Trời ban cho. Vấn đề thì không phải là người này thâu được nhiều sản phẩm, mà vấn đề là người này tích trữ của cải cho riêng mình thôi! Nếu bạn kiếm được nhiều tiền, đó không phải là điều sai lầm, nhưng bạn sử dụng tiền tài đó ra sao mới là điều quan trọng, bạn có phải tích trữ tiền tài để dành riêng cho mình không?

Người giàu này nhìn vào của cải của mình và rất hài lòng, người tự nhủ rằng: “Ngươi đã được nhiều của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn, uống và vui vẻ đi.” Người không biết rằng mình sẽ chết vào ban đêm đó:

Lu-ca 12:20 – 21 20 Nhưng Chúa Trời nói cùng người rằng: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? 21 Hễ ai tích trữ cho mình nhưng không giàu có nơi Chúa Trời thì sẽ như vậy.”

Người giàu này là đúng như Chúa Giê-su mô tả trong Ma-thi-ơ 16:26: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay người lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?”

Ở nước Anh, khi những người giàu qua đời, các tờ báo thường lập bảng kê khai tài sản của họ: Ông này để lại số tiền 100.000 bảng Anh, ông kia để lại số tiền 500.000 bảng Anh v.v. Trong trường hợp của những người không có hậu tự thì tài sản của họ sẽ được nhập vào kho tàng quốc gia. Tại sao những người này tích trữ bao nhiêu tiền tài mà chính mình lại không được hưởng thụ? Tương tự như trường hợp của người giàu ngu dại này, khi họ chết thì tất cả tiền của đều phải để lại. Bởi vậy Chúa Trời nói cùng người rằng: “Vậy những của cải người đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?”

Hãy Bán Gia Tài Của Ngươi

Lu-ca 12:32 – 34 32 Hỡi bầy chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha các ngươi vui lòng ban cho các ngươi nước của Ngài. 33 Hãy bán gia tài của ngươi và bố thí. Hãy sắm cho mình túi không hư mòn, và kho báu không hề hao kém ở trên trời, là nơi kẻ trộm không đến gần, sâu mọt không làm hư nát. 34 Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó.

Trong Ma-thi-ơ 19 và Lu-ca 18 Chúa Giê-su cũng phán dạy người trẻ tuổi giàu có bằng những lời tương tự như vậy: “Hãy bán gia tài mình mà bố thí cho kẻ nghèo”. Nhiều người nói rằng lời dạy này chỉ dành riêng cho người trẻ tuổi giàu có kia thôi, chứ không phải cho hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc. Nhưng trong đoạn Kinh Thánh này Lu-ca 12:32 – 34 Chúa Giê-su không phải nói cùng người trẻ tuổi giàu có, trong câu 32 Chúa nói: “Hỡi bày chiên nhỏ bé,” Chúa đang nói cùng các môn đồ của Chúa. Bởi vậy lời dạy này là cho hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc.

Lu-ca 14:12 – 14 12 Chúa cũng nói với người đã mời Chúa rằng: “Khi ngươi đãi bữa ăn trưa hay bữa ăn tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con và láng giềng giàu có, e rằng họ cũng mời lại mà ấy sẽ là sự đền đáp cho ngươi. 13 Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khổ, tàn tật, què quặt, mù lòa, 14 thì ngươi sẽ được phước, vì họ không thể trả lại cho ngươi; ngươi sẽ được đền trả lại vào ngày sống lại của người công nghĩa.”

Chúa Giê-su dạy rằng khi chúng ta tặng cho người khác thì nên tặng cho những kẻ không thể trả lại cho mình. Điểm này là trái ngược hẳn với ý tưởng của chúng ta. Khi tặng cho người khác, chúng ta mong rằng sau này họ sẽ tặng lại cho mình. Tại sao Chúa Giê-su lại dạy bảo chúng ta nên tặng cho những kẻ không thể trả lại cho mình? Mục đích là “ngươi sẽ được đền trả lại vào ngày sống lại của người công nghĩa.” (câu 14). Ấy chính là tích trữ của cải ở nước Thiên Đàng. Nếu bạn mời một người đi ăn trưa, rồi người ấy tặng cho bạn một món quà nào đó, vậy thì bạn đã nhận được phần thưởng rồi. Nhưng nếu người ấy không thể đền lại cho bạn, thì bạn sẽ nhận được phần thưởng vĩnh cữu. Chúng ta cần phải có niềm tin vững chắc và tấm lòng phó thác hoàn toàn mới có thể làm trọn điều răn này.

Lu-ca 14:33 33 “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không được làm môn đồ ta.”

Ý nghĩa của câu này rất rõ ràng, không cần giải thích gì cả, vấn đề chỉ là chúng ta có chịu vâng giữ hay không thôi.

Tiền Của Chân Thật Là Vĩnh Cửu

Lu-ca 16:11 – 14 11 Vậy nếu các ngươi không trung tín về tiền của bất nghĩa, ai sẽ giao phó tiền của chân thật cho các ngươi? 12 Nếu các ngươi không trung tín về tiền của người khác, ai sẽ giao cho các ngươi tiền của thuộc về các ngươi? 13 Không có đầy tớ nào có thể hầu việc hai người chủ, vì người sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc hiến mình cho chủ này mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không thể vừa làm nô lệ Chúa Trời lại vừa làm nô lệ ma-môn (tức là tiền bạc) nữa.” 14 Những người Pha-ri-si là kẻ ham tiền nghe mọi lời đó, và chê cười Chúa.

Người Pha-ri-si thì rất sùng đạo, ý nghĩa của từ ngữ “Pha-ri-si” chính là “kẻ sùng đạo”. Trong thời của Chúa Giê-su, người Pha-ri-si là những kẻ bảo vệ Luật Pháp của Chúa Trời, họ là những người lãnh đạo trong Đạo Do Thái, nhưng họ rất ham tiền. Khi họ nghe lời dạy của Chúa Giê-su thì họ chê cười Chúa. Lời dạy của Chúa Giê-su là khó khăn thiệt, khó mà chấp nhận và khó mà vâng giữ.

Qua đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su chỉ ra rằng chúng ta chỉ là người tôi tớ thôi, một người tôi tớ thì phải trung tín. Nếu chúng ta không trung tín trong việc sử dụng tiền tài trên thế gian, ai lại giao cho ta của cải chân thật? Xin để ý, Chúa Giê-su không coi tiền tài trên thế gian là của cải chân thật. Bởi vì chỉ có của cải vĩnh cửu không qua đi được mới là của cải chân thật, còn tiền tài mà các bạn có hiện giờ sẽ qua đi rất nhanh.

Một người bạn của tôi thích đầu tư vào cổ phần và cổ phiếu, ông đó đã lời được rất nhiều tiền, nhưng khi thị trường phá sản vài năm về trước, ông mất đi hết thảy tiền của. Hôm nào đó ông còn là nhà triệu phú, hôm sau bất thình lình ông trở thành tay trắng tay không. Bởi vậy Chúa Giê-su nói rằng tiền tài trên thế gian này không phải là của cải chân thật, tại vì tiền của này chỉ là tạm thời, chúng tiêu tan qua đi rất nhanh.

Chúng ta đến vào thế gian này tay trắng không tiền tài, và chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế gian này tay không. Tiền tài mà chúng ta có hiện giờ, chúng ta chỉ là người cai quan trong vài chục năm trời này thôi, rồi sau đó chúng ta phải để lại hết thảy những gì ta có mà lìa khỏi thế gian này tay không. Cho dù hiện giờ bạn không muốn từ bỏ tiền tài đi, nhưng đến ngày đó bạn cũng phải từ bỏ. Không chừng bạn sẽ nghĩ rằng: “Đúng, đến ngày đó ta mới từ bỏ tiền tài của ta,” nhưng làm như vậy thì bạn sẽ không có tiền của chân thật ở trên trời. Nếu bạn muốn được Chúa Trời ban cho tiền của chân thật thì bạn phải chứng tỏ bạn là trung tín về những tiền của giao cho bạn cai quản hiện giờ. Chúa Giê-su đã nói rằng nếu bạn không trung tín về tiền của bất nghĩa hiện giờ, thì làm sao mà bạn lại có thể trung tín về của cải chân thật mà Chúa Trời sẽ giao cho bạn trong tương lai?

Chúng ta chỉ là người cai quan thôi, đó là điều ta phải nhớ kỹ, rồi ta mới có thể hiểu được nên sử dụng tiền tài của mình ra sao.

Của Báu Tạm Thời

Ở bên nước Mỹ, có kẻ trộm đào một đường hầm ở dưới phòng an toàn của một ngân hàng, rồi giữa đêm kẻ trộm đi vào phòng an toàn ăn trộm. Sáng hôm sau nhân viên của ngân hàng mới khám phá chuyện này. Trong phòng an toàn có những tủ kết cho người ta mướn để chứa đựng đồ vật quý giá, châu báu, giấy tờ quan trọng v.v.. Hết thảy những tủ kết này đều bị kẻ trộm làm sạch cả. Những món đồ quý giá người ta ráng tích trữ trong bao nhiêu năm trời đều tiêu tan hết trong một đêm.

Bởi vậy Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng có tin cậy vào những điều tạm thời chóng tàn như vậy. Xin các bạn để ý câu nói này của Chúa Giê-su: “ Nếu các ngươi không trung tín về tiền của người khác, ai sẽ giao cho các ngươi tiền của thuộc về các ngươi?” Ở đây Chúa Giê-su dạy rằng tất cả những của cải mà chúng ta có trên thế gian này không phải thuộc về ta, bởi vì chúng ta không thể giữ lấy những món này lâu dài được. Những của cải này chỉ là giao cho ta cai quản thôi, nếu Chúa Trời cho phép thì chúng ta có thể tạm giữ lấy những món này. Ngài có thể lấy lại những món này bất cứ lúc nào Ngài muốn. Thí dụ như trong trường hợp của người nông dân giàu có, người trồng trọt trúng mùa là do Chúa Trời ban cho, Ngài giao cho người cai quản món tiền của lớn. Nhưng trong đêm đó Chúa Trời lấy lại sinh mạng của người và người mất hết tất cả những gì mình có.

Sinh Mạng Của Chúng Ta Là Từ Chúa Trời

Ngay cả sinh mạng của chúng ta, hơi thở của chúng ta cũng là do Chúa Trời ban cho. Sinh mạng này không phải thuộc về ta, Chúa Trời có thể lấy lại bất cứ lúc nào Ngài muốn, không chừng tối nay, không chừng ngày mai, không chừng tháng sau, không chừng vài chục năm sau. Khi Chúa Trời muốn lấy lại sinh mạng của chúng ta, ta không cách nào cầm giữ lại. Khi Chúa Trời phán rằng: “Thời hạn đã đến”, thì ta phải đi, chẳng ai có thể khiến ta sống lâu hơn.

Nếu chúng ta bị người khác bóp cổ, ta sẽ chết đi trong một hay hai phút. Sinh mạng của chúng ta chỉ nhờ vào hơi thở. Nếu ngay cả sinh mạng cũng chỉ là giao phó tạm thời cho ta thôi, thì huống chi là tiền tài của ta. Chúa Trời giao cho chúng ta sinh mạng này để coi ta có sử dụng thời gian trong cuộc sống của mình một cách trung tín hay không.

Vào Ngày Phát Xét chúng ta đều phải báo cáo những việc ta đã làm trong đời này, ta đã sử dụng thời gian và tiền tài của ta như thế nào. Còn sinh mạng và tiền tài mà Chúa Trời ban cho ta vào ngày đó sẽ thật sự thuộc về ta, Ngài sẽ không lấy lại nữa.

Chui Qua Lỗ Kim

Lu-ca 18:24 – 27 24 Chúa Giê-su nhìn vào người và nói rằng: “Kẻ giàu có vào nước Chúa Trời là khó dường nào! 25 Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Chúa Trời!” 26 Những người nghe lời đó, nói rằng: “Vậy thì ai mới được cứu?” 27 Chúa đáp rằng: “Những việc người ta không làm được thì Chúa Trời làm được.”

Nếu bạn là giàu có, bạn muốn vào nước Chúa Trời là khó khăn đến dường nào? Câu trả lời là: còn khó khăn hơn lạc đà chui qua lỗ kim! Đó là một chuyện không thể làm được! Bạn không thể vào nước Chúa Trời trừ phi Ngài khiến con lạc đà nhỏ lại thành ra một sợi chỉ.

Các môn đồ rất kinh ngạc, nói rằng: “Vậy thì ai mới được cứu?” (câu 26). Chúa Giê-su đáp rằng: “Những việc người ta không làm được thì Chúa Trời làm được.” (câu 27). Chúa Trời có thể biến chuyển một người giàu thành ra một người nghèo, khiến người ấy thu nhỏ lại để người có thể chui qua lỗ kim.

Lu-ca 19:1 – 9 1 Chúa vào thành Giê-ri-cô và đi ngang qua phố. 2 Tại đó, có một người tên là Xa-chê, người làm đầu bọn thâu thuế, và giàu có. 3 Người muốn nhìn xem Chúa Giê-su là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà người lại thấp bé. 4 Vậy, Xa-chê chạy trước, trèo lên cây sung để nhìn thấy Chúa, vì Chúa sắp đi qua đó. 5 Khi Chúa Giê-su đến chỗ ấy, ngước mắt lên và nói rằng: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi.” 6 Xa-chê vội vàng đi xuống và mừng rỡ tiếp đón Chúa. 7 Mọi người thấy vậy đều lầm bầm rằng: “Người nầy vào nhà kẻ có tội mà trọ !’’ 8 Nhưng Xa-chê đứng trước mặt Chúa thưa rằng: “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy phân nửa gia tài mình cho người nghèo khổ, và nếu tôi có bốc lột ai bất cứ điều gì, tôi sẽ bồi thường gấp tư.” 9 Chúa Giê-su nói cùng người rằng: “Hôm nay sự cứu chuộc đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham.”

Chúa Giê-su nói sự cứu chuộc đã vào nhà của Xa-chê, tại sao vậy? Tại vì Xa-chê hứa rằng người sẽ lấy phân nửa gia tài tặng cho người nghèo khổ. Này là một phép lạ biến chuyển một người giàu thành ra một người nghèo.

Bạn nói rằng Xa-chê vẫn dành lại phân nửa gia tài cho mình. Không phải đâu, tại vì người này đã bốc lột rất nhiều người. Người sẽ lấy phân nửa gia tài cho người nghèo khổ, còn phân nửa gia tài kia sẽ dùng để bồi thường cho những kẻ đã bị người bốc lột. Sau cùng, người sẽ chẳng còn tiền bạc gì nữa, con lạc đà đã bị làm nhỏ lại thành một sợi chỉ. Bây giờ Xa-chê có thể chui qua lỗ kim được.

Tiền Tài Của Áp-ra-ham

Có người nói rằng Chúa Trời muốn con dân của Ngài giàu có, tại vì Áp-ra-ham là rất giàu, chẳng những thế, người còn đi cùng với Chúa Trời nữa. Lời biện luận như vậy khiến những người muốn giữ lấy tiền tài của mình vui mừng lắm. Nhưng lời biện luận này không đứng vững được.

1. Tiêu chuẩn trong Cựu Ước thì khác hẳn với tiêu chuẩn trong Tân Ước

Cựu Ước là theo tiêu chuẩn của thế gian. Trong Cựu Ước, tất cả phước lành đều là phước lành của thế gian, còn trong Tân Ước thì tất cả phước lành đều là phước lành thuộc linh. Thí dụ Ê-phê-sô 1:3 nói rằng Chúa Trời “ban cho chúng ta trong đấng Christ mọi phước lành thuộc linh ở trên trời.” Ngược lại, phần nhiều những phước lành của Cựu Ước là liên quan đến sức khỏe, giàu sang, trường thọ v.v. Người dân Y-sơ-ra-ên sẽ được phú quý và mùa màng tốt nếu họ vâng phục Chúa Trời.

Bởi vì Cựu Ước và Tân Ước có những tiêu chuẩn và lời dạy rất khác nhau, cho nên có những điều người Y-sơ-ra-ên có thể làm trong thời Cựu Ước nhưng hôm nay chúng ta không được làm những điều như vậy. Áp-ra-ham tổ chức một đạo quân đi đánh trận với những vua chúa để giải cứu đứa cháu của mình là Lót. Nhưng ngày nay Hội Thánh không được phép làm như vậy, tại vì trong Ma-thi-ơ 26:52 Chúa Giê-su dạy rằng: “Ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm.” Hội Thánh không nên dùng vũ khí để đánh trận với kẻ không công nghĩa, nhưng Áp-ra-ham lại có thể làm như vậy.

Nếu Hội Thánh tổ chức một đạo quân đi đánh trận giết kẻ ác là không đúng trong thời Tân Ước, tuy rằng trong thời Cựu Ước Áp-ra-ham lại có thể làm như thế, thì tương tự như vậy cho dù Áp-ra-ham là rất giàu có, nhưng trong thời Tân Ước ngày nay chúng ta không thể vừa làm giàu vừa tin vào Chúa Trời được.

2. Chúa Trời ban tiền tài giàu sang cho Áp-ra-ham

Điểm thứ hai là Áp-ra-ham không hề tìm cầu tiền tài, nhưng Chúa Trời đã ban của cải giàu sang cho người. (Sáng-thế-ký 24:35 “Gia-vê đã ban phước cho chủ tôi bội phần, người trở nên thịnh vượng; Ngài cho chủ tôi chiên, bò, bạc, vàng, tôi tớ trai gái, lạc đà và lừa.”) Còn trong trường hợp của chúng ta thì có phải Chúa Trời đã ban cho ta giàu sang không? Cho dù thật sự là Chúa Trời đã ban cho ta tiền tài, nhưng chúng ta không được phép cứ tích trữ tiền tài cho riêng mình như người nông dân giàu có kia vậy. Lỗi lầm của người ấy không phải là người được mùa và trở nên giàu có, người được mùa là do Chúa ban cho, nhưng lỗi lầm của người là ở chỗ người tích trữ tiền của cho riêng mình thôi. Nếu một hôm bạn được thừa kế một món gia tài từ người thân trong gia đình, bạn có thể nói ấy là Chúa Trời ban cho, điều đó thì không phải là lỗi lầm của bạn. Nhưng bạn không được tích trữ món tiền này cho lợi ích riêng của mình, bạn phải sử dụng nó theo ý chỉ của Chúa Trời.

3. Áp-ra-ham không hề ham thích tiền tài giàu sang

Hê-bơ-rơ 11:9 – 10 9 Bởi Đức tin, người cư ngụ trong Xứ Hứa Hẹn tựa như kẻ ngoại kiều trong một nước ngoài. Người ở trong các lều trại cùng với Y-sác và Gia-cốp, là những kẻ đồng thừa kế bởi cùng một lời hứa. 10 Vì người mong đợi một thành phố có nền tảng do Chúa Trời thiết kế và xây dựng.

Áp-ra-ham không hề quan tâm về những vinh hoa phú quí trên thế gian này, người tìm cầu một thành phố vĩnh viễn có nền tảng do Chúa Trời thiết kế và xây dựng. Ấy là thái độ rất đặc biệt của Áp-ra-ham. Người rất trung tín với Chúa Trời đến nỗi khi Ngài bảo người hiến dâng đứa con duy nhất của mình, người cũng vui lòng dâng đứa con cho Ngài. Đứa con duy nhất thì chắc là quí giá hơn hết thảy tiền tài giau sang, vậy mà Áp-ra-ham không ngần ngại gì mà vui lòng hiến dâng đứa con ấy cho Chúa Trời. Ngoài Áp-ra-ham ra, Gióp cũng là một người tương tự như vậy trong Cựu Ước.

4. Điểm sau cùng là Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta đi theo Chúa, chứ không phải đi theo Áp-ra-ham.

Tiền Của: Bảo Đảm Cho Sự An Toàn

Tại sao người ta muốn trở nên giàu có? Lý do chính là vì sự an toàn. Khi chúng ta có tiền thì chúng ta sẽ nhờ cậy vào tiền tài để bao đảm cho sự an toàn của mình.

Bạn tin cậy vào Chúa Trời bao nhiêu? Nếu Chúa Trời ra lệnh cho bạn, thì bạn có dám đi vào rừng rậm có nhiều con cọp và chỉ tin cậy vào Ngài không? Bạn sẽ nói rằng: “Tôi tin cậy vào Chúa Trời, nhưng con cọp có răng sắc bén, tôi không biết cánh tay của Ngài có thể bảo hộ tôi không.” Bạn cảm thấy an toàn hơn nếu bạn có cây súng trong tay. Bạn đặt ngón tay trên cò súng trong khi bạn đi qua rừng rậm. Bạn đặt niềm tin của bạn vào đâu? Vào cây súng của bạn.

Bạn nói rằng: “Nhưng chúng ta không nên thử thách Chúa Trời. Tin cậy hoàn toàn vào Chúa Trời tức là thử thách Ngài. Chúng ta không nên bắt buộc Chúa Trời làm những việc cho ta trong khi ta có thể tự làm những việc đó cho mình.” Bởi vậy bạn tin cậy vào cây súng của bạn. Nếu Chúa Trời bảo bạn cứ đi vào rừng rậm không đem theo cây súng, bạn nói rằng: “Chúa ơi, thế gian này thì thật là nguy hiểm quá.”

Đa số người dân ở nước Mỹ giữ một hay vài cây súng trong nhà. Trong hiến pháp của nước Mỹ ghi rằng người dân có quyền giữ cây súng. Có những người giữ nhiều cây súng đến nỗi khiến nhà của họ tựa như một kho tàng võ khí. Một lần tôi đi viếng thăm tiểu bang Florida của nước Mỹ, tôi đi vào một tiệm để kiếm dụng cụ bơi lội và quần áo lặn. Tiệm đó chẳng những bán những dụng cụ này, mà còn bán võ khí, đủ mọi thứ súng đạn. Khi tôi ngắm nhìn những cây súng đó thì một nhân viên bán hàng đến hỏi tôi có muốn mua súng không, ông nói rằng tôi có thể thử những cây súng này ở phía sau của tiệm đó.

Một lần khác tôi đi viếng thăm một người bạn ở thành phố Los Angeles. Sau cơm chiều, tôi đề nghị với bạn tôi cùng đi dạo ở công viên.

Ông nói rằng: “Đi dạo ở công viên ư? Bây giờ là buổi tối rồi. Chẳng ai có đầu óc sáng sủa lại đi dạo công viên vào giờ này cả!”

“Vậy thì xây cái công viên làm chi nếu người ta không đi dạo trong đó?”

“Chúng tôi đi dạo công viên vào ban ngày, chứ không phải vào buổi tối.”

Bạn tôi thấy tôi có vẻ thất vọng, ông nói rằng: “Nếu chúng ta đi dạo công viên thì tôi phải đem theo cây súng của tôi.”

“Đi dạo trong công viên mà lại đem theo cây súng? Nếu cây súng khiến ông thấy an toàn hơn, thì cứ đem nó đi.”

Vậy bạn tôi đem theo cây súng của ông. Trong khi tôi đi dạo trong công viên để thưởng thức hoa cỏ thì bạn tôi lại hồi họp vô cùng. Mỗi lần có người nào đi ở đằng sau chúng tôi thì ông quay lại với cây súng sẵn sàng trong tay. Tôi nói rằng: “Ông hồi họp như vậy thì đi dạo làm chi nữa, chúng ta về nhà đi.”

Giê-su Là Chúa Của Chúng Ta

Muốn hiểu rõ lời dạy trong Kinh Thánh về giàu sang, thì chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của danh hiệu “Chúa”, ấy là danh hiệu của Giê-su ở trong Tân Ước. Giê-su là Chúa tại vì “Chúa Trời đã lập người làm Chúa và Christ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36).

Khi tôi xưng một người làm Chúa hay Chủ, mối quan hệ giữa tôi và người ấy là sao? Tôi là tôi tớ của người ấy. Tín Đồ Cơ Đốc xưng Giê-su là Chúa, nhưng Giê-su có phải thật sự là Chúa của họ không? Bạn có thấy mình là một người tôi tớ không? Phần nhiều người chưa hề làm tôi tớ bao giờ, vậy chúng ta dùng từ ngữ “tôi tớ” nhưng không hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của từ ngữ này.

Danh hiệu “Chúa” bày tỏ lực lượng và quyền hành, không phải lực lượng của thân thể nhưng là lực lượng để cai trị. Khi bạn xưng một người là “Chúa”, bạn chấp nhận quyền hành của người ấy cai trị cuộc đời của bạn. Ngược lại, nếu bạn không chấp nhận quyền hành của Giê-su cai trị cuộc đời của bạn thì bạn không nên xưng Giê-su là “Chúa”, bằng không bạn sẽ khiến danh hiệu “Chúa” thành ra một danh hiệu trống rỗng, tựa như một vua chúa trong chế độ quân chủ lập hiến vậy. Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc xưng Giê-su là “Chúa” vì phép lịch sự hay truyền thống, nhưng họ không chấp nhận quyền hành của Giê-su cai trị cuộc đời của họ.

Không ai có thể xưng Giê-su là Chúa nếu không bởi Thánh Linh (1 Cô-rinh-tô 12:3). Ấy là việc làm của Thánh Linh biến chuyển tấm lòng của chúng ta. Người trẻ tuổi giàu có kia không thể vào nước Chúa Trời trừ phi người được biến đổi bởi lực lượng của Chúa Trời, tượng tự như vậy nếu không bởi Thánh Linh chúng ta không thể xưng Giê-su là “Chúa” một cách chân thành từ trong lòng.

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “Chúa” là “kyrios” (đọc là “khi-ri-o-s”) cũng có nghĩa là chủ nhân của tên nô lệ. Bởi vậy một tên nô lệ xưng chủ nhân của nó là “Chúa”. Bạn không được xưng Giê-su là “Chúa” trừ phi bạn là tôi tớ hay nô lệ của Giê-su. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “tôi tớ” là cùng một chữ với từ ngữ “nô lệ”.

Nô lệ là gì? Nô lệ là một người thuộc quyền sở hữu của chủ nhân và phải hầu hạ chủ nhân của nó. Bạn có thể xưng Giê-su là “Chúa” nếu bạn thuộc quyền sở hữu của Giê-su. Vòng nô lệ là sự phục tùng hoàn toàn của tên nô lệ đối với chủ nhân của nó. Nếu bạn không chịu hoàn toàn phục tùng Giê-su thì bạn không được xưng Giê-su là “Chúa”.

Nô Lệ Trong Thời Của Tân Ước

Vòng nô lệ là phổ cập trong thời của Tân Ước. Xã hội của Đế Quốc La-mã là xây dựng trên một hế thống nô lệ. Nô lệ là nền tảng của xã hội đó. Rất nhiều người trở thành nô lệ. Một tên nô lệ có thể là một người luật sư, bác sĩ, kỹ sư hoặc chỉ là một người lao động bình thường. Nô lệ bao gồm các hạng người từ mọi nghề nghiệp, lành nghề hay không lành nghề.

Một người có thể trở thành nô lệ trong 3 trường hợp khác nhau.

1. Bị bắt trong cuộc chiến tranh

Đầu tiên những người dân bị bắt trong cuộc chiến tranh thường trở thành nô lệ. Thí dụ: Quân đội La-mã tấn công nước Ai-cập, sau khi chiến thắng rồi thì họ cứ tha hồ bắt lấy người dân nào họ muốn về làm nô lệ. Những tù nhân chiến tranh này gồm có nhiều hạng người khác nhau, có nông dân, công nhân, cũng có luật sư, y-sĩ, kỹ sư v.v. Rồi quân lính La-mã sẽ đem những tên nô lệ này về nước mình và đem bán ở chợ để lấy tiền bạc. Ai mua những nô lệ này về sẽ trở thành người chủ của nô lệ và tên nô lệ sẽ thuộc quyền sở hữu của người ấy.

2. Sinh ra bởi người mẹ nô lệ

Nếu một người đàn bà là nô lệ, khi đàn bà này sinh ra đứa con thì đứa con sẽ tự nhiên trở thành tên nô lệ của người chủ.

3. Bị bán vào vòng nô lệ

Trong những gia đình nghèo và đông con, ba má không có đủ khả năng để nuôi dưỡng tất cả các đứa con, hoặc là ba má cần một món tiền khẩn cấp, họ đành phải bán một hay vài đứa con đi làm nô lệ. Có khi người ta không có con cái hay không còn cái gì khác để bán, họ phải bán chính mình đi để trả nợ. Những chuyện tương tự như vậy xảy ra rất thường xuyên.

Nô Lệ Của Tội Lỗi

Ba trường hợp mà người ta trở thành nô lệ vừa kể ở trên có thể áp dụng vào cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Chúng ta có thể trở thành nô lệ của tội lỗi qua ba trường hợp tương đương với ba trường hợp vừa kể ở trên.

1. Bị bắt làm nô lệ của tội lỗi

Giăng 8:34 34 Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi.”

2 Phi-e-rơ 2:19 19 chúng nó hứa hẹn tự do cho người ta đang khi chính mình là nô lệ của sự hư nát; vì một người bị sự chi chinh phục, nó là nô lệ của sự ấy.

Khi chúng ta bị tội lỗi chinh phục, hay nói một cách khác là khi chúng ta phạm tội, thì chúng ta trở thành nô lệ của tội lỗi.

2 Ti-mô-thê 2:26 26 và họ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy của ma quỉ vì đã bị nó giam cầm để làm theo ý nó.

Thí dụ: Những người nghiện ma túy hay những kẻ bị bè đảng phi pháp giam cầm thì họ phải làm những việc tội lỗi, tức là làm theo ý của ma quỉ.

2. Sinh bởi người mẹ nô lệ

Ga-la-ti 4:22 – 26 22 Vì có lời chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai, một đứa do người nữ nô lệ sinh ra, một đứa do người nữ tự do. 23 Nhưng con của người nữ nô lệ sinh ra theo xác thịt, còn con của người nữ tự do sinh ra theo lời hứa. 24 Điều này là một biểu tượng, hai người nữ này là hai giao ước, một là giao ước tại núi Si-na-i, sinh con ra làm nô lệ, ấy là nàng A-ga. 25 Và A-ga tức là núi Si-na-i trong xứ Ả-rập, tương đương với thành Giê-ru-sa-lem hiện nay đang cùng với con cái nó làm nô lệ. 26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, ấy là mẹ chúng ta.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng đứa con sinh ra bởi bà mẹ nô lệ của tội lỗi sẽ trở thành nô lệ của tội lỗi.

3. Bị bán vào vòng nô lệ

Rô-ma 6:16 16 Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em hiến mình làm nô lệ vâng phục ai thì anh em là nô lệ cho người mà anh em vâng phục sao? Hoặc là nô lệ của tội lỗi thì đưa đến sự chết, hoặc là nô lệ của sự vâng phục thì đưa đến công nghĩa sao?

Nếu chúng ta hiến mình làm nô lệ vâng phục tội lỗi thì ta trở nên nô lệ của tội lỗi.

Rô-ma 7:14 14 Vì chúng ta biết rằng luật pháp là thuộc linh, nhưng tôi là thuộc về xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

Nếu chúng ta để tính xác thịt điều khiển mình thì ta sẽ bị bán cho tội lỗi và trở thành nô lệ của tội lỗi.

Từ Nô Lệ Của Tội Lỗi Trở Thành Nô Lệ Của Chúa Trời Đức Gia-vê Và Của Chúa Giê-su Christ

Nhưng có niềm hy vong cho chúng ta :

Cô-lô-se 1:13 13 Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi quyền hành của sự tối tăm, và chuyển đưa chúng ta vào vương quốc của Đức Con yêu dấu của Ngài.

Chúa Trời giải cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, Ngài đánh bại ma quỉ và uy quyền của nó. Chúng ta được chuyển đưa từ quyền hành của ma quỉ vào quyền sở hữu của đấng Christ.

Rô-ma 6:22 22 Nhưng bây giờ anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Chúa Trời rồi, thì kết quả là sự nên thánh, và sau cùng là sự sống đời đời.

Sau khi chúng ta được buông tha khỏi tội lỗi, chúng ta trở nên nô lệ của Chúa Trời.

1 Phi-e-rơ 1:18 – 19 18 vì biết rằng chẳng phải bởi những vật có thể hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được mua chuộc khỏi lối sống phù phiếm của tổ tiên truyền lại, 19 nhưng bởi huyết báu của Christ, dường như huyết của chiên con không vết nhơ không khuyết tật.

Khải Huyền 5:9 9 Chúng hát một bài ca mới: Chúa xứng đáng lấy quyển sách và mở các ấn ra; vì Chúa đã chịu giết và lấy huyết mình để mua chuộc cho Chúa Trời những người trong mọi chi phái và mọi ngôn ngữ và mọi dân tộc và mọi nước,

Hai đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Giê-su Christ đã mua chuộc chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi bằng huyết của mình, cho nên chúng ta là nô lệ của Chúa.

Gia-cơ 1:1 1 Gia-cơ, nô lệ của Chúa Trời và của Chúa Giê-su Christ, gởi cho mười hai chi phái tản mát khắp nơi. Kính chào!

Các đoạn Kinh Thánh trên: Cô-lô-se 1:13, Rô-ma 6:22, 1 Phi-e-rơ 1:18 – 19, Khải Huyền 5:9 và Gia-cơ 1:1 chỉ ra rằng Tín Đồ Cơ Đốc là nô lệ của Chúa Trời Đức Gia-vê và của Chúa Giê-su Christ.

Bất Cứ Cái Gì Mà Tên Nô Lệ Có Đều Thuộc Về Người Chủ

Trong cuộc sống mới, chúng ta là nô lệ của Chúa Trời, mang trái của sự công nghĩa (Rô-ma 6:16), kết qua là sự nên thánh, sau cùng là sự sống đời đời (Rô-ma 6:22).

Bạn còn nhớ câu nói: “Chúng ta không thể trở thành công nghĩa hay thuộc linh trừ phi chúng ta là người nghèo nàn.” Điểm này thì có liên quan đến chế độ nô lệ.

Căn cứ theo luật pháp, một người nô lệ thì không có tài sản gì cả. Tất cả những gì tên nô lệ có, ngay cả sinh mạng của nó, đều thuộc về người chủ của nó. Một người nô lệ không có quyền sở hữu gì hết. Người chủ sẽ cung cấp ăn ở, quần áo, những điều cần thiết cho tên nô lệ. Thông thường tên nô lệ còn được người chủ ban cho một số tiền tiêu vặt nữa. Tên nô lệ có thể dùng món tiền tiêu vặt này mua những điều nó thích, thí dụ như: đồ ăn ngon miệng, một chiếc áo mới, hoặc là nó có thể dùng món tiền đó làm buôn bán v.v. Nhưng theo luật pháp thì ngay cả món tiền tiêu vặt này cũng không thuộc về tên nô lệ, và khi nó dùng món tiền tiêu vặt mua đồ ăn hay áo mới thì cả đồ ăn và chiếc áo mới đó cũng thuộc về người chủ, và người chủ muốn lấy đi lúc nào cũng được. Nếu tên nô lệ dùng món tiền tiêu vặt để làm buôn bán, thì số tiền lời được trong việc buôn bán cũng thuộc về người chủ, chứ không phải thuộc về nó. Bởi vậy một tên nô lệ thì rất nghèo, bởi vì chẳng có chi thuộc về nó cả, ngay cả sinh mạng của nó cũng không thuộc về nó.

Hiến Dâng Tất Cả Cho Chúa Trời

Tại sao chúng ta không thể trở thành công nghĩa hay thuộc linh trừ phi chúng ta là nghèo nàn? Câu trả lời thì rất đơn giản: tại vì bạn không thể trở thành công nghĩa hay thuộc linh trừ phi bạn là tên nô lệ của Chúa Trời và của Chúa Giê-su Christ.

Nếu bạn là nô lệ của Chúa Trời thì tất cả những gì bạn có hiện giờ, mỗi một đồng bạc trong túi của bạn, ngay cả sinh mạng của bạn, đều không thuộc về bạn, hết thảy đều thuộc về Chúa Trời. Bạn không được tha hồ tiêu xài tiền bạc tùy theo ý mình nữa, bạn phải tìm cầu ý chỉ của Chúa Trời để coi Ngài muốn bạn sử dụng tiền tài ra sao, bởi vì hết thảy đều là tài sản của Ngài. Ngài có quyền cai trị hoàn toàn cuộc đời của bạn. Với số tiền lương của tôi, tôi phải sử dụng theo đúng ý chỉ của Ngài. Nếu Ngài nói: “Người anh em kia gặp khó khăn lớn, Ta muốn con trao tặng một số tiền bạc để giúp đỡ anh em kia,” thì tôi phải làm y như vậy.

Khi tôi tặng một món tiền cho anh em, đó không phải là tiền của tôi, mà là tiền của Chúa Trời, ấy là Ngài giúp đỡ anh em kia qua tay của tôi thôi, cho nên tôi không có gì để tự khoe cả. Tôi không có một đồng bạc nào cả, món tiền đó là tiền của Ngài, tôi chỉ là chuyển giao tiền của Ngài cho anh em kia thôi. Tôi chỉ mong nhận được lời khen của Ngài rằng: “Được lắm! Tên nô lệ trung tín này! Ngươi đã làm theo đúng ý chỉ của ta, ngươi đã sử dụng tiền của ta theo ý của ta!”

Điểm quan trọng trong sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời là bạn có vui lòng tôn Chúa Trời Đức Gia-vê làm Chủ của đời bạn, và bạn làm nô lệ của Ngài hay không?

1 Cô-rinh-tô 6:20 20 Vì anh em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi, vậy hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Chúa Trời.

Chúng ta đã được mua chuộc bằng một giá cao, ấy là huyết của Chúa Giê-su, cho nên cuộc đời của ta thuộc về Chúa Trời và Chúa Giê-su, ta nên dùng thân thể mình để tôn vinh Chúa Trời.

1 Cô-rinh-tô 7:23 23 Anh em đã được mua chuộc bằng giá cao, đừng trở nên nô lệ của người ta.

Tại sao chúng ta không nên trở thành nô lệ của người ta? Tại vì Chúa Giê-su đã mua chuộc chúng ta và chúng ta thuộc về Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su.

Nô Lệ Và Tình Bạn Hữu

Giăng 15:13 – 15 13 Chẳng có sự yêu thương nào vĩ đại hơn là vì bạn hữu mà hy sinh tính mạng của mình. 14 Nếu các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là nô lệ nữa, vì nô lệ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta đã tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe từ nơi Cha ta.

Chúa Giê-su đã hy sinh tính mạng của mình vì chúng ta, khi Chúa làm như vậy thì Chúa không coi chúng ta là nô lệ nữa, nhưng Chúa coi chúng ta như bạn hữu vậy. Nếu chúng ta làm theo điều răn của Chúa thì chúng ta quả thật là bạn hữu của Chúa, và ta có mối quan hệ đặc biệt cùng với Chúa Trời và Chúa Giê-su : Chúa sẽ tỏ cho ta biết mọi điều Chúa đã nghe từ nơi Cha.

Chúng ta có thể đồng thời là nô lệ và bạn hữu của Chúa Trời và của Chúa Giê-su. Trong Kinh Thánh, tình bạn hữu là thân mật hơn tình cha con. Tình cha con không phải là thân mật nhất. Trong trường hợp của vua Đa-vít và người con Áp-sa-lôm, thì người con chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của vua Đa-vít, vì Áp-sa-lôm muốn đoạt lấy vương quyền của Đa-vít và giết vua đi. Đó là phần rất đau thương trong Cựu Ước. Nhưng nếu người con lại đồng thời là người bạn hữu thì mới là tốt đẹp biết bao.

Câu Hỏi Sau Cùng

Có người nói rằng : Chúng ta không cần phải thật sự là nghèo nàn mới có thể trở nên công nghĩa, miễn là chúng ta có thái độ chính đáng là đủ rồi, có nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng tất cả những gì ta có đều thuộc về Chúa Trời, chứ không thuộc về mình. Câu nói này có đúng không ? Đúng, nhưng chúng ta đừng bao giờ làm trò chơi cùng với Chúa Trời, chúng ta đừng nói bằng mồm rằng : “Tất cả đều thuộc về Chúa Trời”, nhưng trên thật tế là “tất cả đều thuộc về ta.”

Trong Kinh Thánh, phương cách sử dụng tài sản của mình là một chuyện tình nguyện, tại vì vâng phục là phải tình nguyện, chứ không phải bắt buộc. Nếu chúng ta làm trò chơi với Chúa Trời, thì rốt cuộc lại trở về tình trạng quân chủ lập hiến, có nghĩa là Chúa Trời không nắm giữ quyền hành cai trị trong cuộc đời của ta. Nếu Chúa Giê-su Christ không phải là người chủ của cuộc đời ta, thì Chúa cũng không phải là Cứu Chúa của ta, có nghĩa là ta không được sự cứu chuộc.

Nếu chúng ta quả thật giao phó cho Chúa Trời để Ngài cai quản cuộc đời và tài sản của ta, thì Ngài sẽ chỉ thị cho ta nên sử dụng tiền tài của mình ra sao. Nếu chúng ta vâng phục mệnh lệnh của Ngài thì Ngài sẽ ban mệnh lệnh đều đều cho ta.

Về một mặt khác, chúng ta đừng bao giờ tự ý bỏ đi hết thảy tiền của ngay lập tức. Chúng ta phải làm theo phương cách trong Kinh Thánh hầu cho mọi việc đều theo đúng ý chỉ của Chúa Trời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church