You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (14)

Phó Thác Hoàn Toàn (14)

Dẫn Dắt Bởi Thánh Linh

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Việc Làm Của Thánh Linh Trong Cuộc Sống Của Tín Đồ Cơ Đốc

Trong bài giảng này, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc làm của Thánh Linh trong cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc. Khi chúng ta trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, ta nhận lãnh Thánh Linh. Nếu không có Thánh Linh, chúng ta không làm được việc gì cả, tại vì khả năng của loài người không thể làm tròn lời dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta không thể sống một cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc. Bởi vậy chúng ta phải nhờ cậy hoàn toàn vào Thánh Linh mới có thể làm môn đồ của Chúa Giê-su Christ trong kế hoạch cứu chuộc của Chúa Trời Đức Gia-vê.

Ngày Lễ Ngũ Tuần – Hội Thánh Bắt Đầu

Nếu mỗi một người trong hội thánh đều phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, thì đó là một hội thánh phó thác hoàn toàn. Nhưng đặc tính của một hội thánh phó thác hoàn toàn là cái gì? Cái gì là bằng chứng của một hội thánh phó thác hoàn toàn?

Chúng ta hãy xem xét những chuyện xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần trong quyển sách Công Vụ Các Sứ Đồ, khi hội thánh bắt đầu cuộc sống trong đấng Christ. Ngày lễ Ngũ Tuần dẫn đến hiệu quả gì trong cuộc sống của các môn đồ của Chúa Giê-su?

Hiệu Quả Của Sự Giáng Lâm Của Thánh Linh – Một Cộng Đồng Yêu Thương

Khi Thánh Linh giáng lâm trên các môn đồ, họ bắt đầu nói các thứ ngôn ngữ khác để truyền giảng Tin Lành cho người dân đến từ khắp các nước trong thiên hạ. Nhưng nói các thứ ngôn ngữ khác chỉ là một sự kiện tạm thời, tại vì sau khi ngày lễ Ngũ Tuần qua rồi thì người dân cũng rời khỏi Giê-ru-sa-lem mà trở về quốc gia của họ, và các môn đồ không cần nói các thứ ngôn ngữ khác nữa. Bởi vậy sự kiện nói các thứ ngôn ngữ khác cũng qua đi. Nhưng có một sự kiện tồn tại lâu dài sau ngày lễ Ngũ Tuần.

Khi Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ Tuần, việc làm đầu tiên của Ngài là giúp đỡ các môn đồ thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình”.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:45 45 Họ bán gia tài của cải mà phân phát cho nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Trong cộng đồng hội thánh, các anh chị em Tín Đồ coi người khác như chính mình vậy. Nhu cầu của anh chị em thì cũng là nhu cầu của tôi. Khi anh chị em cần thì tôi vui lòng cho họ để thỏa mãn nhu cầu của họ. Đó là hiệu quả của việc làm của Thánh Linh, và đó không phải là một hiện tượng tạm thời rồi qua đi. Các anh chị em Tín Đồ nhận thấy rằng họ trở thành hợp nhất, bởi vậy nhu cầu của người lân cận thì cũng là nhu cầu của tôi.

1 Giăng 3:17 17 Nếu ai có của cải thế gian thấy anh em mình đamg túng thiếu mà chặt dạ không giúp đỡ người, thì lòng yêu thương của Chúa Trời làm sao ở trong người ấy được?

Tình hình trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem hồi đó chính là như thế. Khi họ thấy các anh chị em đang túng thiếu, họ không chặt dạ, tâm hồn của họ là mở rộng tại vì việc làm của Thánh Linh. Họ vui lòng bán của cải tài sản để giúp đỡ những anh chị em nghèo túng.

Trong bài giảng trước tôi đã giải thích rằng nếu người trẻ giàu đó quả thật vâng giữ điều răn “yêu thương người lân cận như mình” thì người phải bán hết gia tài mà phân phát cho kẻ nghèo (Xin đọc bài giảng “Ai Là Người Lân Cận Của Tôi ?”). Luật Pháp trong Cựu Ước cũng có lời dạy dỗ như thế, và người trẻ giàu đó chắc nhận biết điều răn này, tại vì người nói rằng người đã vâng giữ các điều răn trong Cựu Ước.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:7 7 Nếu trong thành nào của xứ mà Gia-vê Chúa Trời ngươi ban cho, ở giữa ngươi có một người anh em nghèo, đừng cứng lòng nắm tay lại trước mặt anh em nghèo của mình đó.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:10 – 11 10 Ngươi phải cho người ấy, cho mà đừng có lòng tiếc; vì cớ ấy, Gia-vê Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho mọi công việc của ngươi và mọi điều ngươi đặt tay vào mà làm. 11 Trong xứ lúc nào cũng sẽ có kẻ nghèo. Bởi vậy ta mới mệnh lệnh ngươi phải rộng tay với anh em và những kẻ nghèo túng trong xứ ngươi.

Lời Dạy Của Các Sứ Đồ Và Dẫn Dắt Của Thánh Linh

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42 – 45 42 Họ bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và cầu nguyện. 43 Mọi người đều kính sợ vì nhiều phép mầu và dấu lạ làm ra bởi các sứ đồ. 44 Và tất cả những người tin vào Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật sở hữu làm của chung. 45 Họ bán gia tài của cải mà phân phát cho nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng khi các anh chị em bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ (câu 42), và hiệu quả là họ chia sẻ mọi vật sở hữu làm của chung (câu 44). Vậy sự chia sẻ mọi vậy sở hữu làm của chung là liên quan đến lời dạy của các sứ đồ (câu 42).

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32 – 35 32 Và cả cộng đồng của những người tin đều một lòng một ý; không ai kể tài sản mình là của riêng; nhưng kể mọi vật là của chung. 33 Các sứ đồ cậy quyền năng lớn mà làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giê-su; và tất cả đều được ân điển dồi dào. 34 Trong các tín đồ không ai thiếu thốn cả, vì những người có ruộng hay có nhà đều bán đi, và đem tiền bán được 35 đặt nơi chân các sứ đồ, rồi tiền ấy sẽ được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu của từng người.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, câu 32 nói đến mọi người kể mọi vật là của chung; câu 33 nói đến các sứ đồ làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giê-su; câu 34 và 35 nói về những người bán nhà bán ruộng rồi đặt tiền bán được nơi chân các sứ đồ để phân phát cho những người nghèo khổ. Lời giảng dạy của các sứ đồ (câu 33) là ở giữa sự chia sẻ tài sản vật sở hữu (câu 32, 34, 35). Này là một điểm rất quan trọng, các anh chị em không phải tùy ý riêng mình mà phân phát tiền tài cho những kẻ nghèo khổ. Họ chắc đã cầu nguyện về việc này, rồi giao món tiền cho các sứ đồ và để các sứ đồ phân phát tiền tài đó. Tại sao? Tại vì họ thấy các sứ đồ là những người đáng tin cậy và làm việc theo ý chỉ của Chúa Trời.

Hai đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng:

  • Dẫn dắt của Thánh Linh thì dính liền với lời dạy của các sứ đồ
  • Sự chia sẻ mọi vật và tiền tài làm của chung không phải là một việc làm theo sở thích của cá nhân, mà là dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh. Mọi việc đều do Chúa Trời nắm giữ điều khiển

Qua lời dạy của các sứ đồ và dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh, một cộng động yêu thương được thành lập. Trong cộng động yêu thương này, các anh chị em yêu thương người lân cận như mình, họ coi người khác như chính mình vậy.

Hội Thánh – Thân Thể Của Chúa Giê-su

Hội thánh chẳng những là một cộng đồng yêu thương, mà căn cứ theo lời dạy của sứ đồ Phao-lô, hội thánh là thân thể thuộc linh của Chúa Giê-su Christ.

1 Cô-rinh-tô 12:12 – 14 12 Vì như thân thể là một mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể của thân tuy nhiều, nhưng hợp lại một thân thể, Ðấng Christ cũng vậy. 13 Vì chúng ta chịu phép báp-tem bởi một Thánh Linh nhập vào trong một thân thể, bất luận người Giu-đa hay người Hy Lạp, kẻ nô lệ hay kẻ tự do, và chúng tôi đều được uống chung một Thánh Linh. 14 Vì thân thể không phải chỉ có một chi thể, nhưng nhiều chi thể.

Sứ đồ Phao-lô dạy rằng hội thánh là thân thể thuộc linh của Chúa Giê-su, các anh chị em Tín Đồ là chi thể của thân thể đó. Nếu bạn không sống theo điều răn “yêu thương người lân cận như mình” thì bạn không thể nào hiểu được đặc tính này của hội thánh.

Nếu một ngón tay của bạn bị kẹt giữa cánh cửa, cả thân thể bạn nhảy lên, nước mắt chảy ra. Chỉ một phần tử nhỏ nhất trong thân thể bị đau thì cả thân thể đều bị đau. Nhưng mối quan hệ giữa các anh chị em Tín Đồ có phải mật thiết với nhau như vậy không? Nếu anh bị thương trong tai nạn xe hơi, tôi chỉ nói một câu: “Tội nghiệp quá! Tôi sẽ cầu nguyện cho anh.” Rồi tôi cứ tiếp tục công việc của tôi, tôi quên đi chuyện của anh. Tôi đâu có coi các anh chị em trong hội thánh là “như mình”?

Nếu chúng ta quả thật liên kết với nhau bởi quyền năng của Thánh Linh, thì bất cứ việc gì ảnh hưởng đến anh cũng ảnh hưởng đến tôi. Nhưng trong hội thánh, tôi không thấy mối quan hệ mật thiết tựa như các chi thể của một thân thể. Tôi không thấy một hội thánh trên thế gian này giống như sứ đồ Phao-lô mô tả vậy.

Người đời thường đồng cảm với nhau nhiều hơn Tín Đồ Cơ Đốc đồng cảm với nhau. Thí dụ trong cuộc thi đấu bóng đá, nếu đội của mình bị thua một điểm thì tất cả mọi người cùng nhảy lên trong cơn đau buồn; rồi một lát sau khi đội mình thắng một điểm thì mọi người đều mừng rỡ vô cùng. Nhưng tôi không thấy tình hình như vậy trong hội thánh. Nếu anh học hành hay sự nghiệp thành công, các anh chị em trong hội thánh có thấy mừng rỡ hăng say không? Nếu anh bị tai nạn hay thất bại, hội thánh có chia sẻ đau buồn của anh tựa như đau buồn của mình không? Các anh chị em cũng nói vài lời yên ủi, nhưng họ không cảm thấy sự đau buồn trong lòng, những người ủng hộ đội bóng đá cảm thấy sự đau buồn nhiều hơn khi đội của họ bị thua. Bởi vậy tôi nói rằng tôi không thấy một hội thánh trên thế gian này giống như hội thánh mô tả trong Tân Ước vậy. Chúng ta chưa được liên kết với nhau thành một thân thể đến nỗi bất cứ việc gì xảy ra cho anh thì ảnh hưởng đến tôi, và bất cứ việc gì xảy ra cho tôi cũng ảnh hưởng đến anh vậy.

Nếu Không Có Sự Liên Kết Của Thánh Linh Thì Không Có Hội Thánh

Nếu chúng ta không yêu thương người lân cận như mình, thì chúng ta không phải là chi thể của thân thể thuộc linh của Chúa Giê-su Christ. Bởi vậy nếu không có Thánh Linh liên kết chúng ta với nhau thì không có hội thánh theo đúng định nghĩa trong Tân Ước. Chúng ta chỉ có các tổ chức do loài người tạo nên thôi, nhưng tổ chức đó không phải là một thân thể với các chi thể liên kết với nhau.

Nếu Không Có Thánh Linh Thì Chúng Ta Không Được Cứu Chuộc

Nếu không có quyền năng của Thánh Linh, chúng ta không thể nào yêu thương người lân cận như mình, tuy rằng chúng ta cũng có thể yêu thương người lân cận một chút chút. Mà yêu thương người lân cận như mình là điều kiện để được hưởng sự sống đời đời (Lu-ca 10:25–28), bởi vậy nếu không có giúp đỡ của Thánh Linh, chúng ta sẽ không được cứu chuộc.

Thánh Linh Liên Kết Chúng Ta Trong Đấng Christ

Trong lời dạy của Tân Ước, sứ đồ Phao-lô thường nói đến Tín Đồ Cơ Đốc sống trong đấng Christ. Làm sao mà chúng ta có thể ở trong đấng Christ?

Câu Kinh Thánh 1 Cô-rinh-tô 12:13 ở trên chỉ ra rằng: “Vì chúng ta chịu phép báp-tem bởi một Thánh Linh nhập vào trong một thân thể.” Ấy là nhờ quyền năng của Thánh Linh mà chúng ta được nhập vào thân thể của đấng Christ.

Nếu mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều ở trong đấng Christ, anh ở trong đấng Christ, chị ở trong đấng Christ, tôi cũng ở trong đấng Christ, vậy chúng ta liên kết với nhau trong cùng một thân của đấng Christ.

Rô-ma 12:5 5 thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp làm một thân trong đấng Christ, và mỗi người là các phần chi thể của nhau.

Vậy Thánh Linh khiến mỗi một người chúng ta sát nhập vào trong thân của đấng Christ, và cũng là nhờ Thánh Linh mà chúng ta liên kết với nhau trong cùng một thân thể.

Chúa Trời Đức Gia-vê Yêu Thương Chúng Ta Như Chính Mình

Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:10 10 Ngài tìm được người trong sa mạc, giữa tiếng gào thét của đồng vắng. Ngài bao phủ người, chăm sóc người, bảo vệ người như con ngươi của mắt Ngài.

Xa-cha-ri 2:8 8 Vì Gia-vê vạn quân phán rằng: “Sau sự vinh hiển, Ngài sai ta đến cùng những nước cướp bóc các ngươi; vì ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài.”

Hai đoạn Kinh Thánh trên mô tả tình yêu thương của Chúa Trời đối với người dân của Ngài. Chúa Trời bảo vệ người dân của Ngài như con ngươi của mắt Ngài. Con ngươi là phần nhạy cảm nhất của thân thể, chỉ một hột cát nhỏ trong mắt thì khiến chúng ta thấy khó chịu vô cùng. Hễ ai đụng đến người dân của Chúa Trời tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài.

Chúa Trời Đức Gia-vê yêu thương chúng ta như chính mình, bởi vậy người nào đụng đến chúng ta tức là đụng đến Ngài, người nào yêu thương chúng ta tức là yêu thương Ngài.

Bất Cứ Việc Gì Tôi Làm Cho Các Anh Chị Em Tức Là Làm Việc Đó Cho Chúa Trời

Tại vì Chúa Trời yêu thương con dân của Ngài như chính mình, cho nên bất cứ việc gì tôi làm cho các anh chị em tức là làm việc đó cho Chúa Trời. Các bạn chắc kinh ngạc lắm, phải không? Các bạn chắc hỏi rằng: “Tại sao vậy?”

1. Chúa Trời tạo nên loài người theo hình tượng của Ngài

Sáng Thế Ký 1:26 – 27 26 Chúa Trời nói rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ảnh ta và theo tượng ta, để họ quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất, và các loài vật bò trên mặt đất.” 27 Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài; Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh của Chúa Trời; Ngài sáng tạo người nam cùng người nữ.

Loài người là hình ảnh của Chúa Trời, bất cứ việc gì tôi làm cho người khác tức là tôi làm việc đó cho Chúa Trời.

2. Chúa Trời sống trong các anh chị em Tín Đồ

1 Cô-rinh-tô 6:19 19 Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là Đền Thờ của Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận từ Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?

1 Cô-rinh-tô 3:16 – 17 16 Anh em há chẳng biết rằng mình là Đền Thờ của Chúa Trời, và Thánh Linh của Chúa Trời ở trong anh em sao? 17 Nếu ai phá hủy Đền Thờ của Chúa Trời, thì Chúa Trời sẽ phá hủy người đó, vì Đền Thờ của Chúa Trời là thánh sạch, mà chính anh em là Đền Thờ.

Thánh Linh sống ở trong Tín Đồ Cơ Đốc. Mà Thánh Linh là linh của Chúa Trời, bởi vậy Chúa Trời sống ở trong các anh chị em Tín Đồ. Bất cứ tôi làm việc gì cho các anh chị em tức là làm việc đó cho Chúa trời. Nếu tôi yêu thương các anh chị em Tín Đồ như mình tức là tôi yêu thương Chúa Trời hết lòng hết trí. Ngược lại, nếu tôi ghét các anh chị em tức là tôi ghét Chúa Trời.

Chúa Trời Đối Xử Với Chúng Ta Tùy Thuộc Vào Phương Cách Chúng Ta Đối Xử Với Người Khác

Lu-ca 6:38 38 Hãy cho, thì các ngươi sẽ được ban cho. Họ sẽ đong đấu đầy, nén chặt, lắc xuống, thêm cho đầy tràn mà nộp trong lòng các ngươi. Vì các ngươi lường mực nào thì sẽ được lường lại theo mực ấy.

Khi chúng ta cho người khác thì ta sẽ được ban cho và cộng thêm lợi tức, ấy là Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta và cộng thêm lợi tức. Bởi vậy khi chúng ta cho người khác, thật ra chúng ta cho chính mình và còn được thâu lợi tức.

Chúa Trời muốn cho chúng ta hiểu rằng ta phải coi người khác như chính mình. Khi chúng ta yêu thương người lân cận tức là yêu thương chính mình, tại vì Chúa Trời sẽ yêu thương chúng ta. Khi chúng ta tha thứ người lân cận tức là tha thứ chính mình, tại vì Chúa Trời sẽ tha thứ chúng ta. Nếu anh không tha thứ người khác thì anh không được tha thứ, tại vì Chúa Trời sẽ không tha thứ anh.

Tội lỗi gây nên chướng ngại giữa người ta, hậu quả của tội lỗi là mỗi người làm việc cho riêng mình, tôi lo cho một mình tôi, anh lo cho một mình anh. Nhưng Chúa Trời không nhìn nhận những chướng ngại này. Chúa Trời coi chúng ta căn cứ theo cách nhìn của Ngài, chứ không phải theo ý nghĩ của chúng ta.

Nếu tôi xử dụng cuộc sống của tôi để kiếm tài cho mìn, thì rốt cuộc tôi sẽ mất đi cuộc sống mình, tại vì khi tôi chết đi tôi sẽ mất đi cuộc sống và hết thảy tiền tài phú quý. Nếu tôi xử dụng cuộc sống của mình để lo cho lợi ích của người khác thì tôi sẽ được ban cho sự sống đời đời. Đó là phương cách tích tụ tiền tài trong nước Chúa Trời; khi tôi cho người khác thì món tiền đó đã được nhập vào tài khoán của tôi trên Thiên Đàng và cộng thêm lợi tức. Bất cứ cái gì anh cho người khác tức là anh cho chính mình. Bất cứ cái gì anh giữ lại cho mình thì anh sẽ mất đi.

Nếu tôi muốn được Chúa Trời thương xót, thì tôi phải làm gì? Tôi cứ cầu nguyện xin Chúa Trời thương xót cho tôi, có phải như vậy không? Nhưng Ngài không nhậm lời cầu nguyện của tôi. Khi tôi bỏ quên chính mình mà đi thương xót cho người khác thì Chúa Trời sẽ thương xót cho tôi. Nếu tôi đối xử người ta một cách nghiêm khắc thì Chúa Trời sẽ nghiêm khắc đối với tôi; tại vì người khác là chính mình tôi, tôi nghiêm khắc với người khác tức là nghiêm khắc đối với mình.

Tình Yêu Thương Của Chúa Giê-su Đối Với Chúng Ta

1. Yêu thương người lân cận như mình là noi gương tình yêu thương của Chúa Giê-su

Ma-thi-ơ 22:35 – 40 35 Có một thầy dạy Luật trong nhóm ấy hỏi câu này để thử Chúa: 36 “Thưa thầy, trong Luật Pháp điều răn nào là lớn hơn hết?” 37 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Chúa Trời ngươi. 38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. 39 Còn điều răn thứ hai cũng như vậy: Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. 40 Hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này mà ra.”

Giăng 13:34 34 Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, các ngươi hãy yêu thương nhau; như ta đã yêu thương các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.

Căn cứ theo Ma-thi-ơ 22:39, chúng ta phải yêu thương người lân cận như mình; mà trong Giăng 13:34, Chúa Giê-su dạy rằng như Chúa đã yêu thương chúng ta thể nào, thì ta cũng phải yêu thương nhau thể ấy. Khi chúng ta so sánh hai câu Kinh Thánh này, ta thấy rằng yêu thương người lân cận như mình chính là yêu thương người lân cận y như Chúa đã yêu thương chúng ta vậy.

Chúa Giê-su đã làm tròn điều răn “yêu thương người lân cận như mình” và Chúa kêu gọi chúng ta phải noi gương của Chúa, chúng ta phải yêu thương nhau y như Chúa đã yêu thương chúng ta vậy.

2. Tình yêu thương chân chính là hy sinh chính mình

Ga-la-ti 2:20 20 Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng đấng Christ sống trong tôi; nay tôi sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Chúa Trời, là đấng đã yêu tôi, và đã hy sinh chính mình vì tôi.

Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Giê-su yêu thương chúng ta và đã hy sinh chính mình vì ta. Tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta là một tình yêu thương hy sinh chính mình. Tình yêu thương chân chính là hy sinh chính mình.

3. Chúa Giê-su yêu thương chúng ta mỗi một ngày mỗi một giờ

Chúng ta là chi thể của thân thể của Chúa, chi thể là luôn luôn dính liền với thân thể. Tại vì chúng ta ở trong đấng Christ, ta liên kết với Chúa bởi Thánh Linh, ta sống trong tình yêu thương của Chúa mỗi một ngày mỗi một giờ.

4. Chúa Giê-su là cùng một linh với chúng ta

1 Cô-rinh-tô 12:13 13 Vì chúng ta chịu phép báp-tem bởi một Thánh Linh nhập vào trong một thân thể, bất luận người Giu-đa hay người Hy Lạp, kẻ nô lệ hay kẻ tự do, và chúng tôi đều được uống chung một Thánh Linh.

Khi chúng ta chịu phép báp-tem bởi Thánh Linh, chúng ta nhập vào thân thể của Chúa Giê-su Christ, và chúng ta có cùng một Thánh Linh.

1 Cô-rinh-tô 6:17 17 Còn ai kết hợp với Chúa thì có cùng một linh với Chúa.

Sau khi chúng ta kết hợp với Chúa Giê-su Christ qua phép báp-tem, thì căn cứ theo câu Kinh Thánh trên 1 Cô-rinh-tô 6:17, chúng ta có cùng một linh với Chúa.

5. Chúa Giê-su hoàn toàn đồng cảm với chúng ta

Chúa Giê-su là hoàn toàn đồng cảm với chúng ta tại vì chúng ta là các chi thể của thân Chúa.

Ma-thi-ơ 10:40 40 Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Ðấng đã sai ta.

Ma-thi-ơ 25:34 – 40 34 Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những người ở bên hữu rằng: “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã được sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì khi ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi đến viếng ta.” 37 Bấy giờ những người công nghĩa sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? 38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? 39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?” 40 Vua sẽ trả lời rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một trong những người hèn mọn của anh em ta, tức là đã làm cho ta vậy.”

Hai câu Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 10:40 và Ma-thi-ơ 25:40 chỉ ra rằng Chúa Giê-su là hoàn toàn đồng cảm với chúng ta. Ai rước chúng ta tức là rước Chúa, ai chăm sóc giúp đỡ chúng ta tức là chăm sóc giúp đỡ Chúa. Hỡn nữa, Chúa Giê-su nói rằng ai làm những việc đó cho một người anh em hèn mọn thì cũng là làm cho Chúa vậy. Chúa đồng cảm với những kẻ hèn mòn, chứ không phải chỉ đồng cảm với những người lãnh đạo ở địa vị cao sang.

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1 – 5 1 Bấy giờ, Sau-lơ cứ hằm hằm đe dọa và chém giết các môn đồ của Chúa. Người đến cùng thầy cả thượng phẩm, 2 xin người cho những bức thơ để gởi cho các nhà hội ở thành Ða-mách, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về Đạo, bất cứ đàn ông hay đàn bà, thì trói lại giải về thành Giê-ru-sa-lem. 3 Nhưng Sau-lơ đang đi đường gần đến thành Ða-mách, bỗng có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. 4 Người té xuống đất, và nghe có tiếng nói cùng mình rằng: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” 5 Người thưa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Chúa nói rằng: “Ta là Giê-su mà ngươi bắt bớ.”

Lúc đó Chúa Giê-su đã thăng lên trời và đang ngồi ở bên hữu của Chúa Trời Đức Gia-vê, làm sao mà Sau-lơ bắt bớ Chúa? Khi Sau-lơ bắt bớ các anh chị em Tín Đồ thì tức là bắt bớ Chúa vậy. Chúa Giê-su Christ là hoàn toàn đồng cảm với chúng ta.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church