Phó Thác Hoàn Toàn (15)
Qui Tắc Vàng Và Sự Đổi Mới Của Tâm Trí
Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền phiên dịch và biên soạn
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Qui Tắc Vàng
Chúng ta bắt đầu bài giảng này bằng một đoạn Kinh Thánh ở Ma-thi-ơ 7:12 (và Lu-ca 6:31).
Ma-thi-ơ 7:12 12 Vậy tất cả những gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là Luật pháp và lời tiên tri.
Lời dạy này của Chúa Giê-su được gọi là Qui Tắc Vàng. Các triết gia Tây Phương và Trung Quốc cũng có lời răn dạy tương tự như Qui Tắc Vàng nhưng trong hình thức tiêu cực: “Tất cả những gì mà các ngươi không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm điều đó cho họ.”
Nhưng Chúa Giê-su giảng dạy qui tắc này trong hình thức tích cực: Tất cả những gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ. Bởi vậy tính chất của qui tắc này được thay đổi hẳn. Hình thức tiêu cực là một trường hợp đặc biệt của hình thức tích cực, hình thức tích cực bao gồm hình thức tiêu cực, nhưng vượt xa hình thức tiêu cực.
Qui tắc trong hình thức tiêu cực thì dễ hơn hình thức tích cực. Nếu bạn không muốn người ta phê bình đả kích bạn, thì bạn đừng phê bình đả kích người ta. Nếu bạn không muốn người ta đối đãi bạn một cách thô lỗ, thì bạn không nên thô lỗ đối với người ta.
Thực Hành Qui Tắc Vàng – Sự Đổi Mới Của Tâm Trí
Muốn vâng giữ lời dạy này của Chúa Giê-su thì chúng ta cần phải thay đổi ý tưởng của mình. Sứ đồ Phao-lô nói rằng ấy là sự đổi mới của tâm trí. Sự đổi mới của tâm trí không phải là một chuyện xảy ra tức thời bằng một câu mệnh lệnh, mà chỉ có thể đạt được trong một quá trình thuộc linh bằng cách thực hành Qui Tắc Vàng từng bước một.
Sự thực hành Qui Tắc Vàng sẽ biến đổi ý tưởng của chúng ta như thế nào? Khi bạn thấy chán nản, bạn muốn người ta làm cái gì cho bạn? Bạn muốn người ta khuyến khích bạn. Vậy bạn hãy làm cho người ta điều mà bạn muốn người ta làm cho mình. Nếu bạn muốn người ta khuyến khích bạn, thì bạn hãy đi khuyến khích người ta. Rồi bạn sẽ nhận được điều mà bạn làm cho người ta.
Có những người trở nên ngày càng chán nản tại vì họ cứ nghĩ về chính mình và sự buồn phiền của mình. Khi bạn đang ở trong tình trạng đau buồn, bạn muốn người ta làm cái gì cho bạn? Bạn nói rằng: “Tôi muốn có người đến ôm tôi và để tôi dựa vào vai của người mà khóc.” Vậy thì bạn nên đi ôm một người đau buồn chán nản. Khi ý tưởng của bạn đã biến đổi thì bạn sẽ làm cho người ta những điều mà bạn muốn người ta làm cho mình. Cho dù người ta không làm gì cho bạn, nhưng bạn hãy chủ động đi làm cho họ. Bạn gieo giống của thành quả mà bạn sẽ thâu hoạch.
Thực hành Qui Tắc Vàng này sẽ biến đổi chúng ta dần dần không còn chuyên chú về thích thú của riêng mình, và giúp chúng ta đi quan tâm người khác. Nếu bạn cứ tự nhủ rằng: “Tôi buồn quá, ước gì có người đến thăm tôi,” rồi bạn cứ ngồi đó ước mọng, thì bạn sẽ trở nên ngày càng chán nản, tại vì bạn cứ tập trung vào sự cô đơn buồn rầu của mình. Nếu bạn muốn có người đến thăm bạn, thì bạn hãy đi viếng thăm người ta. Bạn giải quyết vấn đề cô đơn không phải bằng cách ngẫm nghĩ về điều này, nhưng bằng cách viếng thăm một người cô đơn. Khi hai người cô đơn gặp mặt thì cả hai đều không cô đơn nữa.
Tính Chất Hướng Ngoại Của Qui Tắc Vàng
Tại sao Chúa Giê-su không dạy rằng: “Làm cho người ta những gì mà các ngươi muốn làm cho mình”? Tại vì có nhiều chuyện bạn không thể làm cho mình. Giả tỷ bạn đang bị đói, bạn không có lương thực, bạn không thể giúp đỡ chính mình, bạn cần người khác giúp đỡ bạn.
Để hiểu rõ đặc tính tích cực của Qui Tắc Vàng này, chúng ta cần phải tập trung vào “người khác” và bỏ quên chính mình. Một tâm trí đã được biến đổi thì có thể bỏ quên chính mình tại vì chúng ta tin rằng Chúa Trời sẽ không bao giờ bỏ quên người dân của Ngài.
Ê-sai 49:15 – 16 15 Một người đàn bà có thể quên con mình đang bú, và không thương xót con trai ruột của mình sao? Dầu đàn bà có thể quên, nhưng ta sẽ chẳng quên ngươi. 16 Nầy ta đã khắc ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành của ngươi thường ở trước mặt ta luôn.
Và Chúa Giê-su cũng dạy rằng Chúa Trời sẽ cung cấp những điều thiết cho chúng ta.
Ma-thi-ơ 6:25 – 34 25 Vậy ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? 26 Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trử vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng quí trọng hơn loài chim sao? 27 Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? 28 Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. 30 Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: ‘Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?’ 32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.
Thực hành Qui Tắc Vàng giúp chúng ta tập trung vào người khác và không có lòng ích kỷ.
Chúng ta làm cho người ta những gì mà họ không thể làm cho mình. Nhiều lúc một người không cách nào giúp đỡ mình được. Nếu một người đang ở tù, người không thể viếng thăm chính mình, và người cần người khác viếng thăm mình. Nếu một người đang bị đói, người cần người khác cho người lương thực. Qui Tắc Vàng dẫn chúng ta ra khỏi sự ích kỷ và giúp chúng ta đi quan tâm cho người khác. Tại vì chúng ta không còn là tâm điểm của ý tưởng mình, chúng ta có thể noi gương tình thương xót trong ví dụ của con chiên và con dê trong Ma-thi-ơ 25.
Ma-thi-ơ 25:35 – 36 35 Vì khi ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi đến viếng ta.
Hai Giai Đoạn Của Qui Tắc Vàng
Có hai gian đoạn trong việc thực hành Qui Tắc Vàng. Giai đoạn đầu tiên là như vậy: Bạn cảm thấy cô đơn và chán nản, vậy bạn nên đi viếng thăm những người cô đơn và yên ủi những kẻ chán nản. Trong giai đoạn thứ hai, bạn không phải là kẻ bị đói, bị khát hay túng thiếu. Vậy bạn hãy tưởng tượng mình đang ở trong tình trạng của kẻ bị đói và bị khát, và bạn tự hỏi rằng: “Nếu tôi ở vào trong tình trạng của một người như vậy, tôi muốn người ta làm cái gì cho tôi?”
Trong giai đoạn đầu tiên, chính bạn cần người khác giúp đỡ, vậy bạn đi làm cho người ta những gì mà bạn muốn người ta làm cho mình. Trong giai đoạn thứ hai, bạn không cần người khác giúp đỡ, nhưng bạn nhập mình vào trong tâm hồn của những người cần giúp đỡ, và bạn làm cho họ những điều họ không thể làm cho mình.
Charles Colson là cố vấn đặc biệt của tổng thống nước Mỹ Richard Nixon. Người bị bỏ vào tù vì vụ tai tiếng Watergate. Khi ngồi trong tù ngục, người cảm thông với nhu cầu của những người tù nhân, họ ham muốn có người đến viếng thăm chăm sóc mình. Họ bị xã hội chối bỏ, họ mong có người quan tâm cho mình. Sau khi ông Charles Colson được thả ra rồi, người nhớ đến sự đau buồn của mình trong tù ngục, nên người khởi đầu công tác của tù ngục. Ngày nay công tác này đã phát triển đến nhiều nước trên thế giới.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng những chuyện nhỏ hơn, thí dụ như cảm thông với những người trong nhà. Nếu tôi thấy khát nước, và tôi mong có người làm một tách cà phê cho tôi, tôi nói rằng: “Tôi sẽ làm cho mỗi người một tách cà phê.” Nếu mỗi người đều nghĩ như thế, không chừng lần sau có người sẽ làm một tách cà phê cho tôi cho dù động cơ của tôi thì không phải như vậy. Chúng ta có thể luyện tập tình thương yêu hiến dâng trong thân thể của Chúa Giê-su Christ.
Đi Từ Giai Đoạn Thứ Nhất Đến Giai Đoạn Thứ Hai
Trong khi luyện tập chăm sóc người ta, lúc đầu không chừng chúng ta mang động cơ ích kỷ. Tôi coi một đoạn tin tức ở TV về đám cháy rừng ở tiểu bang California của nước Mỹ. Ký giả phỏng vấn một người đã góp công rất nhiều trong việc chữa cháy. Ký giả hỏi ông này tại sao ông lại hết sức giúp đỡ người khác, ông nói rằng trong tương lai nếu nhà của ông cũng gặp hỏa hoạn thì những người lân cận sẽ đến giúp ông. Căn cứ theo báo cáo thì đa số các căn nhà đã được giữ lại, tại vì mọi người trong khu đó đều giúp đỡ lẫn nhau trong việc chữa cháy.
Lúc đầu không chừng chúng ta giúp đỡ người ta với động cơ ích kỷ. Nhưng động cơ ích kỷ này có thể biến đổi thành yêu thương người lân cận một cách chân thành; người lân cận chính là người có nhu cầu khẩn cấp nhưng không thể tự giúp đỡ mình. Động cơ ích kỷ của bạn có thể biến đổi thành tình yêu thương hiến dâng chính mình, rồi một ngày nào đó bạn sẽ làm cho người ta nhiều hơn bất cứ người nào đã làm cho bạn. Trong trường hợp một người nhảy vào trong con sông để cứu một người sắp chết đuối, người không hề nghĩ đến sự an toàn của mình. Người đã liều mình để cứu người khác, người yêu thương người khác còn nhiều hơn chính mình.
Lạm Dụng Qui Tắc Vàng
Có phải Qui Tắc Vàng có thể dùng trong bất cứ trường hợp nào chăng? Có thể dùng trong trường hợp làm việc phạm pháp không? Giả tỷ bạn ăn cắp ở cửa hàng và bị người ta nhìn thấy, bạn chắc không muốn người ta đi báo cho cảnh sát. Trong trường hợp này chúng ta có thể áp dụng Qui Tắc Vàng hầu cho tôi không báo cáo về bạn và lần sau bạn cũng không báo cáo về tôi không? Nếu áp dụng Qui Tắc Vàng vào những chuyện tội lỗi phản nghịch thì sẽ khiến chúng ta trở thành một đám trộm cướp. Qui Tắc Vàng chỉ có thể áp dụng vào một hạng người nào đó thôi, tại vì qui tắc này là căn cứ vào “Bài Giảng Trên Núi” (Ma-thi-ơ chương 5, 6, 7), mà Chúa Giê-su giảng dạy bài này cho những người có lòng trong sạch và đói khát sự công nghĩa.
Nếu bạn phạm tội lỗi, bạn muốn người ta làm cái gì cho bạn? Bạn muốn người ta giữ im lặng hoặc là chỉ ra lỗi lầm của bạn? Này là lưỡi dao sắc bén của Qui Tắc Vàng. Nếu bạn lìa bỏ Chúa Trời và phạm tội lỗi càng ngày càng nặng, bạn muốn người ta làm gì cho bạn? Khuyên giải bạn một cách trực tiếp vì lòng yêu thương bạn? Cảnh cáo bạn? Hay là bỏ qua tội lỗi của bạn? Phương cách chúng ta áp dụng Qui Tắc Vàng sẽ bày tỏ tình trạng thuộc linh của ta.
Nếu có người yêu thương bạn còn nhiều hơn yêu thương Chúa Trời thì sao? Nếu vợ của bạn yêu thương bạn nhiều hơn yêu thương Chúa Trời, bạn có vui mừng không? Hay chồng của bạn yêu thương bạn nhiều hơn yêu thương Chúa Trời thì sao? Không chừng vợ hay chồng của bạn yêu thương bạn ngang hàng với Chúa Trời thì sao? Trong hôn lễ của bạn, bạn muốn vị hôn phu hay vị hôn thê của bạn hứa cái gì? Có phải yêu thương bạn nhiều hơn hết thảy không? Thậm chí nhiều hơn Chúa Trời? Không chừng bạn nói rằng: “Tôi muốn chồng tôi hay vợ tôi yêu thương Chúa Trời nhiều hơn tôi.” Hiện giờ bạn có thể nói những lời phải lễ như vậy, nhưng khi bạn gặp thử thách thì bạn làm gì? Nếu chồng của bạn hay vợ của bạn phải đi xa nhà trong sáu tháng để phụng sự công tác của Chúa Trời, bạn cảm thấy sao?
Câu Chuyện Của Từ Thứ
Tôi tự hỏi trên đời này có ai muốn người ta yêu thương quốc gia nhiều hơn yêu thương mình không? Rồi tôi nhớ đến câu chuyện của Từ Thứ trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa.”
Từ Thứ là một cố vấn của Lưu Bị. Còn Lưu Bị là ông vua của nước Thục trong thời Tam Quốc. Tuy ông Lưu Bị không phải là một người xuất sắc lắm, nhưng ông có một ưu điểm đặc biệt. Ông rất giỏi trong việc tuyển mộ những người có tài năng để giúp đỡ mình. Một trong những người mà ông tuyển mộ là Từ Thứ, một nhà chiến lược.
Nhưng Tào Tháo, ông vua của nước Ngụy, kẻ thù lớn nhất của Lưu Bị, cũng muốn mời Từ Thứ đến giúp việc cho mình. Nhưng tính tình gian ác của Tào Tháo khiến nhiều người tránh xa người và không muốn giúp việc cho người. Người ta ưa thích tính tình nhu mì khiêm nhường của Lưu Bị và vui lòng đi giúp đỡ ông. Bởi vậy Tào Tháo phải tìm cách nhử các nhân tài của Lưu Bị. Khi người hay rằng mẹ của Từ Thứ đang sống trong nước Ngụy, người bèn viết một bức thư giả mộ là thư của mẹ của Từ Thứ gọi người con trở về nhà thăm mẹ. Khi Từ Thứ nhận được lá thư, người vội vàng sắp xếp hành lý về nhà.
Từ Thứ đi vào nước Ngụy, người về đến nhà và nói với mẹ rằng: “Mẹ gọi con về, nay con về nhà hầu mẹ.” Người mẹ nói rằng: “Mẹ chưa hè gọi con về.” Từ Thứ đáp rằng: “Này là lá thư của mẹ viết cho con.”
Người mẹ nói rằng đó là lá thư giả. Bà quở trách Từ Thứ: “Con không nên rời bỏ Lưu Bị, vì ông là một người lãnh tụ tốt cho Trung Quốc. Con nên hết sức giúp đỡ Lưu Bị để xây dựng một quốc gia công bằng ngay thẳng. Con đã lầm rồi!” Rồi bà tự tử. Từ Thứ rất đau buồn, nhưng người không thể rời khỏi nước Ngụy của Tào Tháo nữa.
Mẹ của Từ Thứ đúng là phó thác hoàn toàn cho quốc gia. Bà không muốn con mình yêu thương mình nhiều hơn yêu thương quốc gia và người dân. Tôi tự hỏi có bao nhiêu Tín Đồ Cơ Đốc có lòng phó thác cho Chúa Trời tương đương với lòng phó thác của bà đối với quốc gia mình. Ở phần trên, tôi hỏi rằng bạn muốn người ta làm gì cho bạn? Nếu bạn là một người mẹ, bạn có muốn con mình yêu thương mình nhiều hơn yêu thương Chúa Trời không? Hay là ngang bằng với yêu thương Chúa Trời? Hoặc là yêu thương mình ích hơn yêu thương Chúa Trời?
Tôn Chúa Trời Là Quan Trọng Nhất
Trong Qui Tắc Vàng, “người ta” bao gồm những người gần gũi nhất của chúng ta. Tôi có muốn những người gần gũi tôi yêu thương tôi nhiều hơn Chúa Trời không? Nếu một người đầy tớ của Chúa Trời nghĩ như thế, thì người đã đặt những điều ưu tiên sai lầm. Tôi không muốn bất cứ người nào yêu thương tôi nhiều hơn yêu thương Chúa Trời. Khi tôi thấy những anh chị em trong hội thánh yêu thương tôi quá nhiều, tôi còn cố ý đẩy xa họ đi. Tôi không muốn vợ tôi yêu thương tôi nhiều hơn Chúa Trời. Tôi muốn vợ tôi dùng thời gian và năng lực để phụng sự Chúa Trời thay vì nấu cơm rửa chén cho tôi.
Chúng ta muốn người khác yêu thương mình nhiều nhất. Cha mẹ đòi hỏi con cái yêu thương mình nhiều nhất. Người chồng muốn người vợ yêu thương mình nhiều nhất; người vợ cũng đòi hỏi tương tự như vậy. Chính là thái độ này khiến chúng ta không thể yêu thương người lân cận như mình. Nếu chúng ta dạy bảo con cái mình yêu thương Chúa Trời nhiều nhất, điều này chẳng những không làm giảm bớt tình yêu thương của họ đối với ta, mà còn khiến họ yêu thương chúng ta nhiều hơn.
Ghét Gia Đình Người Thân Của Mình?
Lu-ca 14:26 26 Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính cuộc sống mình, thì không được làm môn đồ ta.
Câu Kinh Thánh này thật là khó mà chấp nhận, nhưng chúng ta đừng bao giờ trốn tránh lời dạy này. Khi Chúa Giê-su dùng chữ “ghét”, Chúa chắc có dụng ý đặc biệt.
Tại sao chúng ta phải yêu thương người lân cận như mình nhưng lại ghét những kẻ gẩn gũi nhất với mình là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình? Có những sách giảng giải Kinh Thánh nói rằng “ghét” có nghĩa là “yêu ít hơn”, họ trích câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 10:37 làm bằng chứng.
Ma-thi-ơ 10:37 37 Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không xứng đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không xứng đáng cho ta;
Cho dù Ma-thi-ơ 10:37 không dùng chữ “ghét”, nhưng chữ “ghét” vẫn ở trong Lu-ca 14:26. Nếu bạn tra khảo những cuốn tự điển Hy Lạp (tại vì Tân Ước là viết bằng chữ Hy Lạp), bạn sẽ thấy ý nghĩa của chữ “ghét” thì đúng là ghét, chứ không phải yêu ít hơn.
Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ “ghét” trong Lu-ca 14:26 là ở thời hiện tại tiến hành, có nghĩa là “ghét” là một trạng thái tiếp tục tiến hành, chứ không phải chỉ là việc làm một lần thôi. Câu Kinh Thánh Lu-ca 14:26 còn nói rằng chúng ta phải ghét cả cuộc sống của mình nữa. Trong Giăng 12:25, Chúa Giê-su cũng dạy bảo chúng ta phải ghét sự sống của mình.
Giăng 12:25 25 Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, và ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ gìn cho đến sự sống đời đời.
“Yêu ít hơn” mang ý nghĩa so sánh và tương đối, chứ không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta yêu người ta ít hơn Chúa Giê-su, vậy ít hơn bao nhiêu mới phải? Ít hơn một chút chút hay là ít hơn rất nhiều? Về một mặt khác, “ghét” thì không phải là một chữ tương đối hay so sánh, nhưng là trái ngược của yêu. Quả thật trong một số trường hợp thì chỉ cần “yêu ít hơn” là đủ rồi, nhưng có những trường hợp chúng ta cần phải lựa chọn giữa Chúa Giê-su và người thân yêu của mình. Tôi quen biết một giáo sư ở nước Trung Quốc. Một hôm sau cơm chiều, Chúa Trời ban cho người một khải tượng và kêu gọi người hãy đi rao truyền Tin Lành. Khi giáo sư này nói với người vợ của mình về điều này, bà bảo người hãy lựa chọn giữa bà và Chúa Trời, nếu người lựa chọn Chúa Trời thì người không có bà vợ, nếu người lựa chọn bà vợ thì không thể vâng giữ lời kêu gọi của Chúa Trời. Khi giáo sư này nói cho bà vợ biết rằng mình lựa chọn Chúa Trời, thì bà vợ bảo người hãy rời khỏi nhà ra đi, tại vì bà nghĩ rằng người ghét bà.
Người Lê-vi Giết Anh Em Của Mình
Khi học tập một đoạn Kinh Thánh ở Tân Ước, chúng ta thường phải trở về Cựu Ước để truy tầm căn nguyên của đoạn Kinh Thánh Tân Ước đó. Bối cảnh của chữ “ghét” trong Lu-ca 14:26 là câu chuyện của bò con đúc trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 32, và nhất là hành động của người Lê-vi trong sự kiện này. Khi Môi-se từ núi trở xuống, người thấy cả dân tộc Y-sơ-ra-ên đang nhảy múa thờ cúng con bò đúc. Môi-se nói với dân chúng rằng: “Ai thuộc về Gia-vê, hãy đến cùng ta đây!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:26) Hết thảy người Lê-vi đều nhóm lại gần bên Môi-se. Rồi Môi-se truyền lệnh cho họ rằng:
Xuất Ê-díp-tô Ký 32:27 27 Người truyền cho họ rằng: “Gia-vê, là Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như vậy: ‘Mỗi người hãy đeo gươm bên mình, đi qua đi lại trong doanh trại, từ cửa nầy đến cửa kia, và mỗi người hãy giết anh em, bạn hữu, và người lân cận mình.’”
Tình yêu thương người lân cận được bày tỏ một cách quyết liệt. Không một kẻ phản nghịch thờ pho tượng được thoát khỏi. Nội trong ngày đó, có khoảng 3000 người bị giết (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:28).
Trong thời Tân Ước, chúng ta không giết người lân cận bằng cây gươm. Nhưng nếu bạn lìa bỏ Chúa Trời, từ chối sự phó thác nguyên thủy của bạn, bản nghịch lại Chúa Trời và khuyến rũ người khác đi theo bạn, thì bạn muốn người lân cận làm gì cho bạn?
Trong câu chuyện của con bò đúc này, chúng ta thấy sự phó thác triệt để của người Lê-vi. Hành động của họ là tương đương với việc Áp-ra-ham định giết con mình là Y-sác để hiến dâng cho Chúa Trời (Sáng Thế Ký chương 22). Áp-ra-ham yêu thương Y-sác đến mực nào? Người yêu thương Y-sác hết lòng, hết sức, hết ý. Người rất vui lòng hiến dâng chính mình hầu cho Y-sác được sống. Nhưng Chúa Trời muốn thử Áp-ra-ham, chứ không phải thử Y-sác, bởi vậy Chúa Trời bảo Áp-ra-ham hiến dâng Y-sác. Áp-ra-ham rất yêu thương Y-sác, nhưng người yêu thương Chúa Trời nhiều hơn.
Bây giờ chúng ta thấy ý nghĩa của chữ “ghét” là gì. Ít nhất, chữ này gồm có ý nghĩa yêu thương Chúa Trời nhiều hơn tất cả mọi người. Nhiều hơn bao nhiêu? Nhiều đến mực những người nhìn thấy việc làm của bạn sẽ nghĩ rằng bạn ghét người ta. Khi người Lê-vi tuân theo lời kêu gọi của Gia-vê mà giết người thân của mình, họ quả thật ghét người thân của mình. Những người Lê-vi không phải nói với họ rằng: “Lần này tôi để cho ngươi sống, đừng làm những chuyện như vậy nữa.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 33:9 nói rằng: “Lê-vi nói về cha mẹ mình rằng: ‘Tôi không nhìn thấy cha mẹ’; Người không nhìn nhận anh em mình, chẳng biết đến con cái mình. Vì người vâng theo lời Chúa, gìn giữ giao ước của Chúa.”
Chính vì người Lê-vi giết đi 3000 kẻ thờ pho tượng mà những người khác được thoát khỏi cơn thạnh nộ của Chúa Trời. Vì người Lê-vi vâng phục lời kêu gọi của Chúa Trời, chi phái Lê-vi được thụ phong là chi phái thầy tế lễ của Chúa Trời.
Xuất Ê-díp-tô Ký 32:29 29 Môi-se nói rằng: “Vì các ngươi chẳng sá chi đến con trai hay là anh em mình, hôm nay các ngươi hãy hiến dâng chính mình cho cho Gia-vê, hầu cho Ngài ban phước cho các ngươi vậy.”
Đức Gia-vê ban ơn phước cho người Lê-vi, vì họ đã bày tỏ sự phó thác và trung thành của mình.
Lời dạy trong Lu-ca 14:26 là tương tự như vậy, khi bạn phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời và Chúa Giê-su, thì bạn trở thành một môn đồ, và bạn được nhận vào trong việc phụng sự ở nước Chúa Trời. Người Lê-vi giết đi 3000 người, con số này chính là số người được nhận vào trong nước Chúa Trời vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41). 3000 người bị giết bởi người Lê-vi, nhưng 3000 người nhận được cuộc sống mới qua các môn đồ của Chúa Giê-su. Tín Đồ Cơ Đốc là môn đồ của Chúa Giê-su, cũng được gọi là người Lê-vi mới.
Khải Huyền 1:6 6 Chúa đã lập chúng ta thành một vương quốc, thành thầy tế lễ của Chúa Trời và Cha của Chúa. Vinh quang và uy quyền đời đời vô cùng thuộc về Ngài! A-men.
Bạn có muốn đáp lại lời kêu gọi “Ai thuộc về Gia-vê” không? Chúng ta sợ những chuyện quyết liệt. Nhưng nếu bạn cứ đi theo đám đông, thì bạn chẳng khác gì so với đám đông. Ngược lại, một người quyết liệt sẽ nổi bật trong đám đông và được mọi người để ý vào.
Chúa Giê-su nói rằng thế gian sẽ ghét chúng ta cho dù chúng ta yêu mến người khác. Thế gian không ghét những người quyên tặng tiền bạc để chăm sóc người nghèo, nhưng thế gian ghét những người yêu thương Chúa Trời một cách hoàn toàn triệt để. Người đời có thể tiếp nhận tôn giáo miễn là tôn giáo đó có ích cho họ, nhưng họ chống nghịch lại những người tôn Chúa Trời và Chúa Giê-su ở hạng nhất cao hơn tất cả mọi người và mọi việc khác. Chúa Giê-su nói rằng: “Các ngươi sẽ bị mọi người ghen ghét vì danh ta” (Căn cứ theo Ma-thi-ơ 10:22, Mác 13:13, Giăng 15:18, Giăng 17:14). Chúng ta muốn được người ta yêu, không muốn bị người ta ghét, nhưng Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta quả thật là môn đồ của Chúa thì thế gian sẽ ghét chúng ta.
Trong thời Xuân Thu của Trung Quốc (khoảng thế kỷ thứ 8 – thế kỷ thứ 5 trước công lịch), ở nước Vệ có một ông quan đại phu là Thạch Thước. Ông có một người con tên là Thạch Hậu. Lúc đó vua của nước Vệ là Hoàn Công. Em của vua là Châu Dụ hợp mưu với Thạch Hậu để giết ông vua và chiếm ngôi vua. Khi Thạch Thước biết được chuyện này, ông bực tức và giết đi người con của mình. Sự kiện này được gọi là “đại nghĩa diệt thân”, có nghĩa là vì cớ của việc chính nghĩa mà từ bỏ người thân của mình. Vì người con đã làm việc gian ác mà người cha tình nguyện giết đi người con, ấy là chuyện hiếm có trong lịch sử. Khi chúng ta so sánh câu chuyện “đại nghĩa diệt thân” với câu chuyện của người Lê-vi giết đi 3000 người thân trong gia tộc mình, ta thấy hành động của người Lê-vi là quan trọng đến dường nào.
Một Việc Nghịch Lý
Khi chúng ta vâng phục chủ quyền của Chúa Giê-su và tuân theo lời dạy của Chúa về sự phó thác hoàn toàn, chúng ta sẽ kinh lịch một việc nghịch lý: Ấy là khi chúng ta ghét người thân của mình và yêu thương Chúa Trời nhiều hơn bất cứ người thân nào, thì lòng yêu thương của Chúa Trời lại giúp đỡ chúng ta có thể yêu thương họ đến một mức độ mới: mức độ thuộc linh. Chúa Trời sẽ đổ vào trong lòng chúng ta một tình yêu thương thiêng liêng có đặc tính mới. Chúng ta không yêu thương họ ít hơn, ngược lại chúng ta sẽ yêu thương họ càng nhiều hơn bằng tình yêu thương thiêng liêng của Chúa Trời. Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc đã kinh lịch việc nghịch lý như thế. Đó là nguyên tắc đảo ngược, nếu chúng ta cứ nắm giữ mọi điều bằng tình yêu thương nông cạn của loài người thì ta sẽ mất đi những điều đó. Nhưng nếu người nào ghét sự sống của mình và người thân của mình vì cớ của Chúa Giê-su thì sẽ được giữ lại cho đến đời đời (Căn cứ theo Giăng 12:25; Ma-thi-ơ 10:39; Ma-thi-ơ 16:25).
Chúa Trời Ban Con Ngài Và Mọi Sự Cho Chúng Ta
Chúng ta phải yêu thương Chúa Trời hết lòng hết ý hết sức, và yêu thương người lân cận như mình. Khi chúng ta thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình” thì rốt cuộc ta sẽ yêu thương người lân cận còn nhiều hơn chính mình (Xin đọc 2 bài giảng “Như Mình” và “Ai Là Người Lân Cận Của Tôi”). Ý tưởng thái độ của chúng ta nên tập trung vào lợi ích của người lân cận, bởi lực lượng của Thánh Linh mà chúng ta có thể noi gương của Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta luôn luôn yêu thương Chúa Trời nhiều nhất, Ngài là căn nguyên và mục tiêu của tình yêu thương của ta. Ngài là nguồn gốc của yêu thương, từ Ngài mà có sự phó thác hoàn toàn.
Rô-ma 8:32 32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng đã phó Con ấy vì hết thảy chúng ta, thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta?
Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải phó thác hoàn toàn cho Ngài. Ngài đã phó Con một của mình để cứu chuộc chúng ta. Khi chúng ta tuân theo lời kêu gọi của Ngài thì ta sẽ được nhận lãnh Con một của Ngài vào trong cuộc đời của ta và mọi sự luôn với Con ấy nữa.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church