You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (5)

Phó Thác Hoàn Toàn (5)

Thực Hành Sự Phó Thác

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Sự Khác Biệt Giữa Thỏa Lòng Và Tham Lam

1 Ti-mô-thê 6:9 – 10 9 Còn những kẻ muốn được nên giàu có thì sa vào sự cám dỗ và cạm bẫy và nhiều dục vọng dại dột và thiệt hại, và những dục vọng này đẩy người ta vào hủy hoại và diệt vong. 10 Lòng ham mê tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác; có người vì đeo đuổi tiền bạc mà lìa bỏ đức tin, và bản thân họ bị nhiều nỗi đau khổ xâu xé.

Những kẻ muốn được nên giàu có thì sa vào sự cám dỗ và cạm bẫy, ngã gục trong nhiều dục vọng dại dột và thiệt hại, chính những dục vọng này khiến người ta chìm đắm trong hủy hoại và diệt vong. Tại sao vậy? Tại vì lòng ham mê tiền bạc là cọi rễ của mọi điều ác, hết thảy mọi điều ác đều do lòng ham tiền mà ra. Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc vì ham tiền đã đi lầm đường lìa bỏ đức tin, và họ phải chịu nhiều nỗi đau khổ.

1 Ti-mô-thê 6:6 – 8 6 Nhưng lòng tôn kính Chúa Trời kèm theo sự thỏa lòng là một lợi lớn. 7 Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. 8 Nếu chúng ta có đồ ăn và áo quần thì phải thỏa lòng.

Khi Tín Đồ Cơ Đốc có một tấm lòng tôn kính Chúa Trời và thỏa mãn với những điều Ngài ban cho, ấy là một lợi ích lớn cho mình. Tại vì khi ra đời chúng ta chẳng đem theo gì cả, rồi khi qua đời chúng ta cũng chẳng đem gì đi cùng với mình được. Chúng ta ra đời tay trắng, và chúng ta qua đời cũng tay không. Bởi vậy miễn là có đồ ăn và quần áo thì chúng ta nên thỏa lòng.

Phần đông người ta không bao giờ thỏa mãn với những điều mình có. Chúng ta ham muốn nhiều hơn, càng nhiều thì càng tốt. Lòng ham muốn thì khác với nhu cầu cần thiết. Những điều cần thiết cho cuộc sống của chúng ta thì rất ít, nhưng chúng ta ham muốn rất nhiều. Mỗi ngày chúng ta chẳng ăn được bao nhiêu. Còn về quần áo chúng ta cũng chẳng cần bao nhiêu. Ở những nước thiệt lạnh như Nga la tư, Canada thì chúng ta cần áo mùa đông, áo mùa thu, áo mùa hè v.v., còn ở nước nhiệt đới như Việt Nam thì chúng ta chẳng cần bao nhiêu áo quần. Nhưng lòng ham muốn thì vô tận, chỉ là đủ ăn đủ mặc thôi thì chúng ta không có thỏa mãn đâu.

Khi tôi đi vào những cửa hàng lớn, tôi thấy những món hàng thiệt đắt giá, một cái túi xách tay có thể đánh giá hơn hai trăm đô la, một chiếc áo thun đánh giá vài trăm đô la v.v. Tôi không hiểu tại sao người ta lại vui lòng trả mấy trăm đô la để mua một chiếc áo, một cái túi xách tay. Nhưng hãy coi những công ty chuyên môn sản xuất các món hàng đắt giá thì rất nhiều, buôn bán của họ phát triển rất nhanh, điều đó chứng tỏ rằng nhiều người ham thích những món hàng đắt giá như vậy. Lòng ham muốn của người ta thiệt là vô tận.

Những người buôn bán thường lợi dụng lòng ham muốn của loài người để làm giàu. Nhiều người thích mua xổ số, họ bỏ ra một vài đô la để mua xổ số và mong rằng sẽ trúng được vài triệu đô la về. Điều này nghe thì hấp dẫn lắm, nhưng thật ra kẻ lời được nhiều nhất là ông chủ của công ty xổ số. Mỗi lần họ lời được vài trăm triệu đô la, rồi họ chỉ lấy ra vài triệu đô la cho kẻ trúng số thôi, nhưng tiền lời của họ là cả trăm lần. Đây là một thí dụ điển hình của lòng tham lam của người đời, và tại vì lòng tham lam mà họ bị người khác lợi dụng, họ cứ bỏ tiền ra mua xổ số để làm giàu cho công ty xổ số thôi.

Chúng Ta Có nên Tích Trữ Tiền Tài Cho Nhu Cầu Cần Thiết Của Mình Không?

Từ lòng ham muốn của người ta thì dẫn đến cái vấn đề tích trữ tiền tài. Chúng ta phải để dành bao nhiêu tiền mới đủ? Một người triệu phú đã có gia tài khoản vài triệu đô la rồi, người này tự nhủ rằng: “Bao nhiêu mới đủ?” Tại vì người ấy đã có vài triệu đô la rồi, người nghĩ rằng: “Tôi chỉ muốn thêm một chút thôi, chỉ là một chút chút nữa thôi!” Nhưng khi người ấy lời thêm một chút rồi, thì người lại muốn thêm một chút chút nữa, và cứ như vậy hoài. Người ấy không bao giờ thỏa mãn.

Có người nói rằng khi chúng ta mắc bịnh thì chúng ta cần phải có tiền để chữa bịnh, khi chúng ta có con cái thì ta phải lo cho họ đi học, học phí thì rất đắt tiền, khi cha mẹ già rồi, chúng ta phải cung cấp cho họ v.v. Không chừng bạn sắp kết hôn, làm lễ kết hôn thì rất đắt tiền, và chúng ta còn phải nghĩ đến sau này có con cái thì ta phải nuôi dưỡng họ, không chừng bạn còn nghĩ đến mua nhà nữa. Vậy bao nhiêu tiền mới đủ? Mà Kinh Thánh lại nói rằng đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng! Nhưng nếu chúng ta không tích trữ tiền tài thì chẳng lẽ chúng ta muốn nhờ cậy vào cơ quan từ thiện để bố thí cho mình trong tuổi già sao?

Giả tỉ tôi có một trăm ngàn đô la, vậy tôi phải thực hành lời dạy của Chúa Giê-su ra sao? Nếu miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, vậy thì chúng ta không nên tích trữ gì cả.

Trong hai bài giảng vừa rồi, chúng ta thấy rằng Kinh Thánh thì lúc nào cũng dạy rằng tiền tài giàu sang là không tốt, không có một đoạn Kinh Thánh nào trong Tân Ước dạy rằng tiền tài giàu sang là tốt. Nếu tôi có một trăm ngàn đô la trong ngân hàng, thì tôi cũng thuộc về hạng người giàu có chứ, phải không? Nhưng Chúa Giê-su dạy rằng người giàu có thì không thể vô nước Thiên Đàng được, vậy tôi phải làm gì bây giờ?

1 Ti-mô-thê 6:17 – 19 17 Hãy răn bảo những kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng đặt hy vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hy vọng vào Chúa Trời, là Đấng cung cấp dồi dào mọi vật cho chúng ta được hưởng. 18 Hãy răn bảo họ phải làm điều lành, phải giàu có trong việc lành, phải rộng rãi và sẵn sàng chia sẻ, 19 tích trữ cho mình kho báu của một nền tảng bền vững cho tương tai, để được nắm chặt sự sống thật.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta phải làm điều lành, phải rộng rãi và sẵn sàng chia sẽ, vậy thì tôi phải tặng tiền bạc cho kẻ nghèo khổ. Nhưng có phải là tôi đi tìm hiểu coi ai là kẻ nghèo nhất thì tôi tặng tiền bạc cho nó sao? Nhưng tôi phải cho nó bao nhiêu, điều này lại là một vấn đề khác. Nếu lần này tôi giúp cho nó một món tiền, không chừng từ nay trở đi người ấy cứ nhờ cậy vào tôi mãi thì sao? Giả tỉ người ấy quả thật cần sự giúp đỡ thường xuyên, thì chẳng lẽ tôi phải cung cấp cho người suốt đời sao?

Giả tỉ trong tương lai chính tôi mắc bịnh, tôi phải đi mổ, thì không chừng một trăm ngàn đô la chỉ vừa đủ thôi. Nếu bây giờ tôi cứ giúp đỡ người này người kia, trong tương lai khi tôi cần tiền chữa bịnh thì ai sẽ trả tiền cho tôi đi mổ? Bây giờ tôi cứ trông nom người này người kia, nhưng người khác lại không bao giờ đến coi coi tôi có điều gì cần thiết hay không! Trong tương lai khi tôi mắc bịnh phải đi mổ, mà lúc đó tôi không còn tiền nữa thì ai sẽ giúp đỡ tôi! Bởi vậy tôi phải để dành một trăm ngàn đô la này cho thời buổi khẩn cấp cần dùng!

Vả lại, một trăm ngàn đô la này chẳng phải là một món quà Chúa Trời tặng cho tôi sao? Bởi vậy tôi có thể tích trữ lại dành cho những lúc khẩn cấp chứ, phải không? Nếu bây giờ tôi tặng hết cho người ta rồi, thì đến lúc tôi cần dùng tôi lại phải cầu xin Ngài hay sao?

Hơn nữa cho dù tôi muốn tặng cho người nghèo, nhưng tặng cho ai bây giờ? Tôi phải phân phát bằng cách nào? Chẳng lẽ tôi quyên tặng hết thảy cho các cơ quan từ thiện hay sao? Nhưng tôi nghe nói rằng có nhiều cơ quan từ thiện cũng không được hữu hiệu lắm, bởi vì phần nhiều số tiền họ nhận được đều dùng để trả lương cho các nhân viên, trả tiền điện, tiền nước v.v., chỉ có một phần nhỏ số tiền là thật sự tặng cho kẻ nghèo nàn. Vậy thì quyên tặng cho các cơ quan từ thiện không hẳn là ý chỉ của Chúa Trời.

Hội Thánh Có Nên Tích Trữ Tiền Của Trên Trái Đất Không?

Bởi vậy cái vấn đề Tín Đồ Cơ Đốc có nên tích trữ tiền tài trên trái đất thì phức tạp lắm, này không phải là một vấn đề đơn giản đâu! Còn về phần của hội thánh thì sao? Hội thánh có nên tích trữ tiền của không?

Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2 và chương 4 có ghi rằng trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem các anh chị em Tín Đồ có tài sản của cải chung.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:44 – 45 44 Tất cả những người tin vào Chúa Trời đều hợp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. 45 Họ bán gia tài của cải mình mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của từng người.

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32 32 Và cả cộng đồng của Tín Đồ đều một lòng một ý cùng nhau, không ai kể tài sản mình là của riêng, nhưng kể mọi vật là của chung.

Các Tín Đồ của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem bỏ hết thảy tiền tài của cải của mình vào trong cái quỹ chung của Hội Thánh. Khi người nào có gì cần thiết thì Hội Thánh sẽ trả tiền cho.

Giả tỉ ngày nay Tín Đồ Cơ Đốc cũng bỏ hết thảy tiền tài của mình vào trong hội thánh, tôi có bịnh thì hội thánh sẽ trả tiền y sĩ tiền thuốc cho tôi, và hội thánh cũng chăm sóc cho ba má già của tôi. Nếu con cái tôi đi học thì hội thánh trả học phí cho. Có nghĩa là quỹ chung của hội thánh sẽ trông nom cho mọi điều cần thiết của các anh chị em Tín Đồ. Trong trường hợp này thì quả thật tôi không cần để dành một trăm ngàn đô la trong ngân hàng làm chi cho mệt, bởi vì bất cứ điều gì tôi cần thì quỹ chung của hội thánh đều chăm sóc cả. Các bạn nghĩ rằng phương pháp này có tốt không?

Như vậy thì hội thánh trở nên rất giàu. Thay vì người Tín Đồ tích trữ tiền tài thì hội thánh tích trữ tiền tài của cải. Nếu hội thánh tích trữ tiền tài và trở nên giàu có thì điều đó có tốt không?

Hỡi các bạn ơi, tiền tài giàu sang chẳng những là nguy hại cho người Tín Đồ Cơ Đốc, mà cũng nguy hại cho hội thánh chứ!

Khải Huyền 3:17 17 Vì ngươi nói: “Ta giàu, ta đã nên giàu có, không cần chi nữa,” nhưng ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ.

Chúa Giê-su khiển trách Hội Thánh Lao-đi-xê là khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Năm điều này là triệu chứng của bịnh tật thuộc linh. Những người Tín Đồ Cơ Đốc giàu có cũng mang những triệu chứng tương tự như vậy. Tiền tài giàu sang không thể mua cho bạn yên vui trong tâm hồn đâu, yên vui chân thật chỉ có từ Thánh Linh mà thôi. Và một hội thánh giàu sang cũng sẽ mắc bịnh tật thuộc linh và mang những triệu chứng tương tự.

Chúng ta nên biết rằng cho dù Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có một quỹ chung, nhưng hội thánh đó không phải là giàu có đâu. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và 2 Cô-rinh-tô có ghi rằng sứ đồ Phao-lô cổ động các hội thánh khác quyên tiền trợ giúp Hội Thánh Giê-ru-sa-lem bởi vì hội thánh đó rất nghèo. Cho dù Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có quỹ chung, nhưng tại vì các anh chị em thì rất nghèo, cho nên khi có nạn đói kém xảy ra trong xứ Giu-đê thì cả quỹ chung đều dùng sạch hết. Hội Thánh Ma-xê-đoan cũng là một hội thánh rất nghèo, mà chính Hội Thánh Ma-xê-đoan lại rất vui lòng hăng say quyên tiền trợ giúp Hội Thánh Giê-ru-sa-lem.

Khi hội thánh có một quỹ chung, nhất là khi hội thánh đó là giàu sang, thì có một điều nguy hại khác nữa là chúng ta không cần phải nhờ cậy vào Chúa Trời để cung cấp cho ta những điều cần thiết nữa. Bất cứ là các anh chị em Tín Đồ hay là cả hội thánh cũng vậy, khi có điều gì cần thiết thì họ cứ lấy tiền ra từ quỹ chung đó, họ không cần nhờ cậy vào Chúa Trời nữa. Bởi vậy niềm tin của họ không phải ở nơi Chúa Trời, họ cứ tin cậy vào cái quỹ chung là được rồi. Đó là một điều rất nguy hại. Các bạn hãy để ý, niềm tin của chúng ta phải luôn luôn trồng sâu vào nơi Chúa Trời Đức Gia-vê, chứ không phải ở cái quỹ chung của hội thánh.

Có người sẽ hỏi rằng: “Nhưng há chẳng Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có một quỹ chung sao?” Đúng, quả thật như vậy, nhưng đó là một hội thánh rất nghèo, quỹ chung của họ cũng rất ít thôi, ấy chỉ là các anh chị em nghèo nàn bỏ tiền ra để giúp đỡ lẫn nhau thôi. Ngoài ra các hội thánh khác đương thời không có thành lập quỹ chung, chỉ có Hội Thánh Giê-ru-sa-lem làm như vậy thôi.

Những Kẻ Được Thánh Linh Dắt Dẫn Là Con Cái Của Chúa Trời

1. Hướng dẫn bởi Thánh Linh

Nói tóm lại giàu sang sung túc là một điều nguy hại cho Tín Đồ Cơ Đốc và cho hội thánh. Cả Tín Đồ Cơ Đốc lẫn hội thánh đều không nên tích trữ tiền tài của cải.

Với tất cả tiền tài của cải chúng ta có ở trong ngân hàng, chúng ta phải làm sao bây giờ?

Rô-ma 8:14 14 Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Chúa Trời hướng dẫn đều là con của Chúa Trời.

Thật ra bài giảng hôm nay là tập trung vào chủ đề này, phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời có nghĩa là vui lòng để Thánh Linh hướng dẫn chúng ta.

Tất cả những câu hỏi liên quan đến cách sử dụng một trăm ngàn đô-la chỉ có một câu trả lời thôi, đó là để Thánh Linh hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta thật sự vui lòng đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh thì Chúa Trời sẽ lần lượt khải thị cho ta biết phải sử dụng một trăm ngàn đô-la đó như thế nào. Nếu bạn là con của Chúa Trời, hoặc là bạn muốn trở nên con của Chúa Trời thì bạn phải cầu xin Ngài chỉ dẫn cho biết nên sử dụng tiền tài của cải của bạn như thế nào. Không ai có quyền giải đáp câu hỏi về việc sử dụng tiền tài của bạn ra sao, mà bạn phải cầu xin chỉ thị của Chúa Trời.

Phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời tức là tôi quyết tâm đi theo Chúa Trời, có nghĩa là tôi vui lòng để Thánh Linh hướng dẫn tôi đi bất cứ chỗ nào và bằng bất cứ phương tiện nào. Trong bài giảng trước chúng ta đã thấy rằng khi tôi là tên nô lệ của Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ thì hết thảy những gì tôi có đều thuộc về Chúa Trời, hết thảy những gì tôi có đều trao cho Ngài sử dụng.

Bạn đừng nghĩ rằng câu trả lời này thì hình như trừu tượng quá, không thực tế. Hỡi các bạn ơi, sự hướng dẫn của Thánh Linh thì rất thực tế, không phải mơ hồ trừu tượng đâu! (Xin đọc “Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa” và “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền”)

2. Điều kiện cần thiết để được Thánh Linh hướng dẫn

Nếu tôi muốn Thánh Linh hướng dẫn tôi, thì tôi phải làm gì? Tôi phải vui lòng sẵn sàng vâng theo lời của Chúa Trời để Ngài chỉ thị cho tôi biết nên sử dụng một trăm ngàn đô-la ra sao.

Khi Ngài bảo tôi rằng: “Bây giờ Ta muốn con sử dụng hết thảy một trăm ngàn đô-la này trong công việc này.” Nếu tôi nói: “Cha ơi, như vậy thì khó quá! Con thì vui lòng, nhưng xin Cha hãy để cho con giữ lại vài chục ngàn đô-la chứ! Nếu Cha bảo con cho mười ngàn đô-la để dùng trong công việc truyền giảng Tin Lành, con rất vui lòng. Cho dù Cha bảo con cho hai mươi ngàn đô-la, con vẫn vui lòng. Nhưng Cha muốn con cho hết thảy một trăm ngàn đô-la, điều này thì khó quá, Cha ơi! Cha hướng dẫn con làm từ từ chứ, xin đừng có đi quá nhanh!” Nếu chúng ta đáp ứng lại lời chỉ thị của Chúa Trời như vậy, thì đâu còn là phó thác hoàn toàn cho Ngài nữa?

Thí dụ này không phải chỉ là lý thuyết đâu, mà là một chuyện thực tế. Bởi vậy xin các bạn ngẫm nghĩ coi, chỉ là vui lòng thì đủ chưa? Bây giờ bạn vui lòng làm một người Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng trong tương lai vào những ngày sau cùng, khi Kẻ địch lại Đấng Christ xuất hiện, lúc đó những người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính sẽ bị bắt bớ giết hại. Khi bạn phải lựa chọn một là chịu chết vì cớ của Chúa Trời, hai là chối bỏ Ngài và phụng sự Kẻ địch lại Đấng Christ, khi đức tin của bạn bị thử thách đến dường này, lúc đó sự vui lòng của bạn đi đâu rồi?

Có người sẽ nói rằng: “Hay quá! Tôi đã hằng mong mỏi được cơ hội để trở thành kẻ liệt sĩ chịu chết vì cớ của Chúa Trời, có bao nhiêu người được ban cho một cơ hội như vậy, nếu tôi được Ngài ban đặc ơn để chịu chết ví cớ của Ngài, tôi phải tạ ơn Chúa Trời, khen ngợi Chúa Trời!” Nếu Tín Đồ Cơ Đốc có tấm lòng như vậy thì hay lắm, nhưng trong thực tế chỉ có rất ít người nghĩ như thế, phần nhiều người ta thì không phải như vậy đâu! Và nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc bỏ cuộc nửa chừng không phải vì những chuyện áp bức giết hại hay gian nan khó khăn lớn lao, họ bỏ cuộc là vì những nan đề nho nhỏ xảy ra hàng ngày, những chuyện này dần dần ăn mòn lòng nhiệt thành của họ khiến họ chán nản, và sau cùng họ đánh mất niềm tin luôn. Bởi vậy nhiều lúc khi một người vừa mới chịu phép báp-tem, người ấy hăng say biết bao. Nhưng chừng vài tháng sau, người trở nên càng ngày càng lạnh nhạt. Phần khó khăn nhất trong sự phó thác cho Chúa Trời không phải là một hành động quả quyết, mà là một sự bền chí kiên nhẫn quyết tâm theo đuổi Ngài cho đến cùng.

Nói tóm lại chúng ta cần phải có điều kiện gì để được Thánh Linh hướng dẫn? Chúng ta cần phải quyết tâm vâng phục Chúa Trời, bền chí kiên nhẫn theo đuổi Ngài cho đến cùng. Ngoài một tấm lòng vâng phục bền chí này, chúng ta chẳng làm thêm gì được nữa, chúng ta chỉ có trông cậy vào ân điển của Chúa Trời để dắt đưa ta vượt qua các gian nan khó khăn vậy.

Bạn từng kinh lịch sự hướng dẫn của Thánh Linh chưa? Đây là một câu hỏi rất thực tế, bởi vì câu Kinh Thánh Rô-ma 8:14 dạy rằng những kẻ được Thánh Linh dắt dẫn là con của Chúa Trời, vậy những người không được Thánh Linh dắt dẫn thì không phải là con của Chúa Trời. Bởi vậy ơn cứu chuộc của ta là tùy thuộc vào điểm này. Đó chính là lý do tại sao người giàu có thì khó mà vào nước Thiên Đàng được, tại vì tiền của họ nhiều quá, đầu tiên họ phải vui lòng tuân theo chỉ thị của Chúa Trời từng bước một để từ bỏ gia tài lớn lao của mình đi, họ phải ăn năn hối cải những tội lỗi sai lầm v.v.

Người Con Và Tên Nô lệ

Từ sự hướng dẫn của Thánh Linh thì đưa đến vấn đề con cái của Chúa Trời và nô lệ của Chúa Trời.

Chúng ta vừa mới nói về quyết tâm vâng phục Chúa Trời bền chí kiên nhẫn theo đuổi Ngài. Chỉ có những kẻ vui lòng vâng phục Chúa Trời theo đuổi Ngài một cách vô điều kiện mới quả thật là những người hoàn toàn phó thác cho Ngài.

Ba chữ “vô điều kiện” thì rất mực quan trọng, chính sự vâng phục vô điều kiện mới là phó thác hoàn toàn. Bạn không thể đặt ra điều kiện này điều kiện kia nói rằng: “Cha ơi, con sẽ đi theo Cha trong tình trạng này. Con sẽ đi theo Cha, nhưng đầu tiên con phải làm chuyện này chuyện nọ trước, rồi sau đó con sẽ đi theo Cha.” Nói như vậy là không được, bạn phải vâng phục Chúa Trời theo đuổi Ngài một cách vô điều kiện. Tên nô lệ thì không có quyền thảo luận điều kiện này nọ với người chủ.

Có người chắc nói rằng: “Chúng ta là con cái của Chúa Trời căn cứ theo câu Kinh Thánh Rô-ma 8:14 ta vừa đọc ở phần trên, chúng ta không phải là nô lệ đâu, tại sao chúng ta là nô lệ của Chúa Trời?” Bây giờ chúng ta sẽ tra khảo về vấn đề này.

Căn cứ theo Kinh Thánh nếu bạn là một người nô lệ của Chúa Trời thì bạn hẳn là một người con cái của Ngài; nếu bạn không phải là một người nô lệ của Chúa Trời thì bạn hẳn không phải là con cái của Ngài. Nói một cách khác con cái của Chúa Trời và nô lệ của Chúa Trời thì không có khác nhau gì hết, nô lệ của Chúa Trời thì chính là con cái của Ngài. Đây không phải là hai mối quan hệ khác nhau, con cái của Chúa Trời và nô lệ của Chúa Trời là hoàn toàn giống y hệt nhau.

Tôi tổng hợp lại bằng câu nói này: Bạn không thể trở thành con cái của Chúa Trời trừ phi bạn là nô lệ của Ngài; khi bạn là nô lệ của Chúa Trời thì bạn cũng là con cái của Ngài. Bây giờ tôi sẽ chứng minh câu nói này.

1. Nô lệ của Chúa Trời trong Rô-ma 6 cũng là con cái của Chúa Trời trong Rô-ma 8

Điểm đầu tiên là trong Rô-ma 6 nói về nô lệ của Chúa Trời. Chúng ta đã được buông tha khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và trở thành nô lệ của Chúa Trời (Xin đọc bài giảng “Nô Lệ Của Công Nghĩa (1)”). Bạn phải lựa chọn một là nô lệ của tội lỗi, hai là nô lệ của Chúa Trời, chứ không có con đường trung lập giữa hai con đường này. Trên thế gian này không một người nào là tự do tuyệt đối cả. Chỉ có những người nô lệ của Chúa Trời là hạng người tự do thôi, tại vì họ cũng là con cái của Chúa Trời. Rô-ma 6 nói về nô lệ của Chúa Trời, rồi trong Rô-ma 8:14 và những đoạn Kinh Thánh khác trong Rô-ma 8 nói rằng chúng ta trở thành con cái của Chúa Trời. Từ Rô-ma 6 chúng ta thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và trở thành nô lệ của Chúa Trời, rồi đến Rô-ma 8 thì chính những tên nô lệ này cũng là con cái của Chúa Trời.

2. Thân phận con cái và sự vâng phục

Trong Tân Ước, định nghĩa của con cái của Chúa Trời thì rất khác biệt với định nghĩa của con cái theo hiểu biết của người đời. Trong Kinh Thánh, định nghĩa của con cái của Chúa Trời là vâng phục Đức Cha ở trên trời.

Ma-thi-ơ 12:50 50 Vì hễ ai làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em ta, chị em ta, và là mẹ ta vậy.

Lu-ca 8:21 21 Nhưng Chúa đáp rằng: “Mẹ ta và anh em ta là những người nghe lời Chúa Trời và làm theo lời ấy.”

Người nào là anh em hay chị em của Chúa Giê-su thì tức là con cái của Chúa Trời. Nhưng ai là anh em hay chị em của Chúa Giê-su? Chính là những người làm theo ý muốn của Đức Cha, những người nghe lời của Chúa Trời và làm theo lời ấy.

Phó thác cho Chúa Trời tức là quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Trời, vâng phục lời của Ngài. Con cái của Chúa Trời thì phải làm theo ý muốn của Ngài một cách vô điều kiện. Và trong bài giảng trước chúng ta đã thấy rằng một người nô lệ thì làm theo ý muốn của người chủ hoàn toàn vô điều kiện. Theo định nghĩa này thì con cái của Chúa Trời cũng chính là nô lệ của Ngài.

Giăng 14:15 – 16 15 Nếu các ngươi yêu mến ta, các ngươi sẽ gìn giữ các điều răn của ta. 16 Ta sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác để ở với các ngươi đời đời,

Bằng chứng của một tấm lòng yêu mến Chúa Giê-su là gìn giữ các điều răn của Chúa. Kẻ vâng giữ điều răn của Chúa thì được ban cho Đấng Yên Ủi, mà Đấng Yên Ủi này chính là Thánh Linh. Nếu chúng ta muốn được nhận lãnh Thánh Linh thì chúng ta phải quyết tâm vâng giữ điều răn của Chúa Giê-su. Chúa Trời Đức Gia-vê ngự ở trong Chúa Giê-su và phán truyền qua Chúa Giê-su, bởi vậy lời của Chúa Giê-su chính là lời của Chúa Trời, vâng phục Chúa Giê-su tức là vâng phục Chúa Trời.

Bởi vậy con cái của Chúa Trời và nô lệ của Chúa Trời thì không có khác nhau gì cả, chỉ là cái danh hiệu khác nhau thôi, nhưng thực chất thì giống y hệt nhau. Bất kỳ được goi là con cái hay nô lệ đi nữa, cả hai đều phải vâng giữ điều răn của Chúa Trời, và cả hai đều phải làm theo ý chỉ của Ngài.

3. Nhận lãnh quyền năng để trở nên con cái của Chúa Trời tức là nhận lãnh Thánh Linh

Giăng 1:12 12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài,

Những người tiếp nhận Chúa Trời Đức Gia-vê tức là tin vào danh của Ngài, và chính vì tiếp nhận Chúa Trời mà chúng ta được ban cho quyền năng để trở thành con cái của Ngài.

Ở đây Kinh Thánh không phải nói rằng những kẻ tiếp nhận Chúa Trời thì trở nên con cái của Chúa Trời, mà câu này nói rằng những kẻ tiếp nhận Chúa Trời thì được ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời.

Hai chữ “quyền năng” ở đây là nói về cái gì?

Thực ra “quyền năng” là nói về Thánh Linh. Câu Kinh Thánh Rô-ma 8:14 ở trên nói rằng những kẻ được Thánh Linh của Chúa Trời dắt dẫn đều là con của Chúa Trời, mà câu Kinh Thánh này thì nói rằng những kẻ tin vào danh Ngài thì được ban cho quyền năng trở nên con cái Chúa Trời. Chúng ta so sánh hai câu Kinh Thánh này với nhau thì ta thấy rằng khi ta nhận lãnh Thánh Linh tức là nhận lãnh quyền năng để trở nên con cái của Chúa Trời. Nếu bạn đã chịu phép báp-tem rồi mà bạn không có nhận lãnh Thánh Linh thì bạn không phải là con cái của Chúa Trời.

Nguyên Tắc Thứ Nhất: Thánh Linh Là Chìa Khóa Của Cuộc Sống Thuộc Linh

Bây giờ tôi tổng hợp những điều chúng ta vừa mới tra khảo bằng một câu rất quan trọng: “Thánh Linh là chìa khóa của cuộc sống thuộc linh của Tín Đồ Cơ Đốc, không có Thánh Linh thì không có cuộc sống thuộc linh.” Bạn không thể trở thành con cái của Chúa Trời nếu bạn không có nhận lãnh Thánh Linh. Này là nguyên tắc thứ nhất của cuộc sống thuộc linh.

Nhận lãnh Thánh Linh thì không phải là nhận lãnh giấy phép vào nước Thiên Đàng, nhận lãnh Thánh Linh là nhận lãnh Chúa Giê-su vào trong cuộc đời của bạn, bởi vì Thánh Linh cũng được gọi là Linh của Giê-su Christ.

Rô-ma 8:9 9 Nếu Linh của Chúa Trời thật sự ngự trong anh em thì anh em không phải ở trong xác thịt nhưng ở trong Thánh Linh. Nếu ai không có Linh của đấng Christ thì người ấy không thuộc về Chúa.

Chính là nhận lãnh Thánh Linh mà chúng ta được quyền năng trở nên con cái của Chúa Trời và khiến chúng ta thuộc về Chúa Giê-su Christ.

Nhưng sau khi chúng ta được quyền năng rồi thì chúng ta phải chấp hành nhiệm vụ, quyền lợi và nhiệm vụ là luôn luôn đi đôi với nhau. Vậy nhiệm vụ của ta là gì? Đó là luôn luôn vâng theo hướng dẫn của Thánh Linh. Một người Tín Đồ Cơ Đốc thì phải vâng theo hướng dẫn của Thánh Linh mỗi một ngày mỗi một phút mỗi một giây.

Chúng ta cần phải tự kiểm soát coi mình có phải thực sự là Tín Đồ của Chúa hay không, chúng ta có đi theo hướng dẫn của Thánh Linh trong những việc thực tế xảy ra hàng ngày không? Tôi phải sử dụng tiền tài của tôi trong ngân hàng ra sao? Tôi phải làm gì bây giờ để ăn năn hối cải những tội lỗi tôi đã phạm trong quá khứ? Còn những quan hệ khó khăn giữa tôi và ba má, giữa tôi và anh chị em, tôi phải làm gì để được hòa hảo lại với họ? Ấy là những chuyện thực tế trong đời sống hàng ngày mà chúng ta phải vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh vậy.

Cùng Chết Với Chúa Giê-su Christ

1. Tiếp nhận Chúa Giê-su tức là tin vào danh của Chúa

Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của câu Kinh Thánh Giăng 1:12.

Giăng 1:12 12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài

Những người tiếp nhận Chúa Trời Đức Gia-vê thì được Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Ngài. Mà quyền năng là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài. Bởi vậy những người tiếp nhận Chúa Trời tức là những người tin vào danh Ngài.

Tương tự như vậy, những người tiếp nhận Chúa Giê-su Christ, Con của Chúa Trời, tức là những người tin vào danh của Chúa.

2. Tin vào Chúa Giê-su tức là đi theo Chúa

Giăng 8:12 12 Chúa Giê-su lại cất tiếng nói cùng chúng rằng: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta thì chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”

Giăng 12:46 46 Ta là sự sáng đã đến vào thế gian, hầu cho ai tin vào ta thì chẳng ở trong nơi tối tăm nữa.

Trong Giăng 8:12 Chúa Giê-su nói rằng mình là sự sáng của thế gian, những người đi theo Chúa thì chẳng đi trong nơi tối tăm.

Trong Giăng 12:46 Chúa nói rằng mình là sự sáng đã đến vào thế gian, những người tin vào Chúa thì chẳng ở trong tối tăm nữa.

Hai câu Kinh Thánh này giảng dạy cùng một điều, khi chúng ta so sánh hai câu này với nhau, ta thấy đi theo Chúa Giê-su tức là tin vào Chúa.

Giăng 10: 26 – 27 26 Nhưng các ngươi không tin, vì các ngươi không phải là chiên của ta. 27 Chiên ta nghe tiếng ta, ta nhận biết chúng, và chúng đi theo ta.

Những người không tin vào Chúa Giê-su thì không phải là chiên của Chúa, còn những người tin vào Chúa mới là chiên của Chúa. Mà chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa và đi theo Ngài.

Này là bước thứ hai, bước đầu tiên là tiếp nhận Chúa Giê-su tức là tin vào Chúa, bước thứ hai là tin vào Chúa có nghĩa là đi theo Chúa.

3. Đi theo Chúa thì phải hầu việc Chúa

Giăng 12:26 26 Ai hầu việc ta thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta sẽ tôn quí người ấy.

Những người hầu việc Chúa thì phải đi theo Chúa. Thật ra hầu việc Chúa và đi theo Chúa là giống y hệt nhau. Này là bước thứ ba.

4. Hầu việc Chúa tức là cùng chết với Chúa

Nếu chúng ta muốn hầu việc Chúa thì phải làm gì?

Lu-ca 9:23 (Mac 8:34; Ma-thi-ơ 16:24) 23 Và Chúa nói cùng mọi người rằng: “Nếu ai muốn theo ta thì phải tự bỏ chính mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình và theo ta.”

Đây là phần khó khăn nhất của sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, ai muốn hầu việc Chúa thì phải cùng chết với Chúa. Nếu bạn muốn phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời và đi theo hướng dẫn của Thánh Linh, bạn cần phải biết rõ Chúa Giê-su sẽ dẫn đưa bạn đi về đâu. Chúa đã chịu chết trên cây Thập Tự rồi, và Chúa sẽ dẫn đưa bạn đi về cây Thập Tự.

Bây giờ tôi tóm tắt lại những điểm ở trên:

  • Tiếp nhận Chúa Giê-su tức là tin vào danh của Chúa
  • Tin vào Chúa Giê-su thì phải đi theo Chúa
  • Đi theo Chúa Giê-su thì phải hầu việc Chúa
  • Đi theo Chúa Giê-su thì phải cùng chết với Chúa.

Nguyên Tắc Thứ Hai: Cuộc Sống Thuộc Linh Từ Sự Chết Mà Ra

Từ điểm này thì dẫn đến nguyên tắc thứ hai. Ở phần trên chúng ta đã tra khảo nguyên tắc thứ nhất: Thánh Linh là chìa khóa của cuộc sống thuộc linh, không có hánh Linh thì không có cuộc sống thuộc linh. Nếu bạn không phải sống dưới sự điều khiển của Thánh Linh, thì cho dù bạn làm bất cứ việc gì đi nữa, bạn vẫn không phải sống một cuộc sống thuộc linh.

Nguyên tắc thứ hai là: Sự sống từ sự chết mà ra, nếu không có sự chết thì cũng không có sự sống.

Giăng 12:24 – 25 24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết đi sau khi bị gieo xuống đất, thì hột ấy cứ ở nguyên một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì kết quả được nhiều. 25 Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, và ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ gìn cho đến sự sống đời đời.

Chúa Giê-su nói đến ghét sự sống của mình trong đời này, và đó chính là cách duy nhất để có thể kết quả được nhiều.

Chúa Giê-su dùng cái ví dụ của một hột giống lúa mì để giảng giải điểm này. Nếu bạn để một hột giống lúa mì vào trong một cái bình, thì nó vẫn chỉ là một hột giống lúa mì thôi. Nhưng nếu bạn gieo hột giống lúa mì này xuống đất, nó sẽ chết đi, rồi nó sinh sôi nảy nở thành ra nhiều hột giống lúa mì, nó kết quả được nhiều. Từ sự chết của một hột giống mà ra bao nhiêu sự sống.

Này là nguyên tắc thứ hai trong sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời: Toàn bộ cuộc sống thuộc linh đều từ sự chết mà ra.

Chúa Giê-su nói rằng những người yêu mến sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, tại vì nếu bạn yêu mến cuộc sống trên thế gian này thì lẽ dĩ nhiên bạn không muốn từ bỏ nó. Mà cuộc sống thuộc linh từ sự chết mà ra, nếu bạn không từ bỏ cuộc sống trên thế gian thì bạn không có cuộc sống thuộc linh, và rốt cuộc bạn mất đi sự sống đời đời.

Còn những người ghét sự sống mình trong đời này thì sẵn sàng từ bỏ nó. Khi bạn từ bỏ cuộc sống trên đời này thì bạn có cuộc sống thuộc linh, tại vì cuộc sống thuộc linh từ sự chết mà ra, rốt cuộc bạn được sự sống đời đời.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church