You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (6)

Phó Thác Hoàn Toàn (6)

Cuộc Sống Thuộc Linh Dư Dật

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Các bạn có từng kinh lịch một cuộc sống thuộc linh đầy dẫy dư dật và yên vui chưa? Có lẽ các bạn không biết rõ một cuộc sống thuộc linh dư dật là như thế nào, nhưng các bạn có thể tưởng tượng rằng nếu chúng ta sống theo đúng lời dạy trong Kinh Thánh thì cuộc sống chắc yên vui ngọt bùi lắm, phải không? Khi chúng ta đi cùng với Chúa Trời Đức Gia-vê, Thánh Linh dắt dẫn chúng ta sống mỗi một ngày theo đúng ý chỉ của Ngài, chúng ta có thể tương giao với Ngài thường xuyên, và Ngài khải thị cho ta những chuyện uyên thâm sâu xa của Ngài. Chúng ta đã đọc qua những câu chuyện của các sứ đồ trong quyển sách “Công Vụ Các Sứ Đồ”, hoặc là những câu chuyện mà các đầy tớ trung tín của Chúa Trời đã kinh lịch, nếu chúng ta cũng có thể kinh lịch những chuyện như vậy thì kỳ diệu biết bao! Cuộc sống của một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính là hấp dẫn hăng say đến dường nào! Các bạn có muốn một cuộc sống như vậy không?

Chúng ta học tập về sự phó thác hoàn toàn tại vì chúng ta muốn đi vào một cuộc sống thuộc linh đi cùng với Chúa Trời, tương giao với Ngài. Nhưng chẳng may trên thế gian này chỉ có rất ít người kinh lịch một cuộc sống đắc thắng hùng mạnh như thế! Chính Chúa Giê-su đã dạy rằng chỉ có rất ít người được đặc ơn này.

Ma-thi-ơ 7:13 – 14 13 Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. 14 Nhưng cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.

Trên đời này thì luôn luôn có những cánh cửa rộng và đường khoảng khoát trước mặt chúng ta khuyến rũ chúng ta đi vào, nhưng Chúa dạy rằng cửa rộng và đường khoảng khoát thì dẫn đến sự hư mất. Ngược lại chỉ có rất ít người kiếm được cửa hẹp và đường chật, mà chính cửa hẹp và đường chật mới dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Nhưng tại sao lại chỉ có rất ít người kiếm được cửa hẹp và đường chật vậy? Trên thế giới cũng có khoảng 2 tỷ người Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng Chúa nói rằng chỉ có rất ít người có thể kiếm được cửa hẹp và đường chật mà đi vào sự sống! Như vậy thì chẳng lẽ phần đông những kẻ mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc rốt cuộc vẫn không được đi vào sự sống đời đời chăng?

Ấy là lời dạy của Chúa Giê-su, chứ không phải là lời của tôi. Bởi vậy tôi thường nhấn mạnh rằng chúng ta phải trở thành người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính. Phần đông những người Tín Đồ Cơ Đốc ngày nay chỉ là những kẻ mang cái danh hiệu “Tín Đồ” thôi, nhưng họ không sống theo lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh, họ chỉ là những kẻ dự lễ nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, mà có nhiều người tuy mang danh là “Tín Đồ” nhưng ngay cả dự lễ nhà thờ cũng không chịu đi nữa!

Qua những bài giảng trước, chúng ta thấy rằng con đường dẫn đưa đến sự sống đời đời thì quả thật là con đường chật, và cánh cửa thì đúng là cánh cửa hẹp. Tại sao chỉ có rất ít người kiếm được? Tại vì phần đồng người đời không chịu trả cái giá cao của sự sống đời đời.

Trong bài giảng trước, chúng ta đã học về tiền tài giàu sang. Chúa dạy bảo chúng ta phải từ bỏ tiền tài giàu sang. Xin để ý, chúng ta phải nhờ cậy vào Thánh Linh để biết rõ ta phải từ bỏ tiền tài giàu sang bằng cách nào, chứ không phải là chúng ta có nên từ bỏ hay không. Kinh Thánh đã chỉ ra một cách minh bạch rằng tiền tài giàu sang là không tốt, giàu sang sung túc sẽ gây ra các bịnh tật thuộc linh như mù lòa và điếc lác thuộc linh, cho nên chúng ta ắt phải từ bỏ nó đi. Nhưng chúng ta nên từ bỏ tiền tài giàu sang bằng cách nào, điều đó là hoàn toàn do Chúa Trời quyết định, chúng ta phải tìm cầu chỉ dẫn của Thánh Linh, không một người nào có quyền quyết định cho chúng ta cả.

Từ Bỏ Cuộc Sống Của Thân Thể Để Đổi Lấy Sự Sống Đời Đời

Bạn nghĩ rằng từ bỏ tiền tài giàu sang là khó khăn lắm, nhưng có những chuyện còn khó khăn hơn từ bỏ tiền tài giàu sang nữa. Chúa Giê-su nói rằng, “Một người sẽ lấy chi mà đổi lấy linh hồn của mình? (Ma-thi-ơ 16:26) ” Trong Kinh Thánh có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi, ấy là không có sự chết thì cũng không có sự sống.

Giăng 12:24 – 25 24 “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết đi sau khi bị gieo xuống đất, thì hột ấy cứ ở nguyên một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì kết quả được nhiều. 25 Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, và ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ gìn cho đến sự sống đời đời.”

Ai sẽ gìn giữ được sự sống của mình? Ai sẽ được nhận lãnh sự sống đời đời? Những kẻ ghét sự sống của mình trên thế gian này, họ sẽ gìn giữ được cho đến sự sống đời đời.

Ghét sự sống của mình có nghĩa là gì? Có ai lại ghét sự sống của mình không? Hẳn là không, không ai tự nhiên lại ghét sự sống của mình, trừ phi người ấy tìm cầu một điều gì còn quý giá hơn sự sống của mình.

Có nhiều người vui lòng chịu chết vì quốc gia của mình. Họ thấy rằng tổ quốc còn quý giá hơn sinh mạng của mình nhiều, cho nên họ vui lòng từ bỏ sinh mạng để phụng sự cho tổ quốc. Khi người ta nhận thấy có điều gì còn quí giá hơn sinh mạng của mình, họ vui lòng hy sinh cuộc sống của mình để đổi lấy điều đó.

Ghét sự sống của mình có nghĩa là chúng ta vui lòng từ bỏ cuộc sống thân thể của mình để đổi lấy sự sống đời đời. Nếu bạn nhận thấy rằng sự sống đời đời là còn quí giá hơn cuộc sống thân thể của mình trên thế gian này, thì bạn mới vui lòng từ bỏ sinh mạng để đổi lấy sự sống đời đời, cũng như có người nhận thấy rằng quốc gia của mình là còn quí giá hơn sinh mạng của mình, cho nên họ vui lòng hy sinh cuộc sống của mình để phụng sự cho tổ quốc là vậy.

Chúng ta đang nói về sự sống và sự chết. Trừ phi bạn thật sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, bằng không bạn không có vui lòng từ bỏ cuộc sống của mình. Lời dạy của Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ sinh mạng của mình để đổi lấy sự sống đời đời.

Chúng ta phải để ý rằng chữ “ghét” ở Giăng 12:25 là liên quan đến tấm lòng của con người. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ là làm những việc bề ngoài thôi, mà ngay ở trong lòng ta, chúng ta vui lòng từ bỏ sinh mạng của mình.

Giả tỷ bạn mắc bịnh ung thư, dù sao đi nữa bạn cũng sắp chết rồi, cho dù bạn có vui lòng từ bỏ sinh mạng của mình hay không thì lúc đó cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Mỗi một người chúng ta sớm muộn gì cũng phải chết, lúc chúng ta sắp chết thì chúng ta không có quyền lựa chọn gì cả. Khi chúng ta sắp chết thì lúc đó chẳng còn cơ hội nói đến từ bỏ sinh mạng của mình để đổi lấy sự sống đời đời nữa. Chính là hiện bây giờ khi chúng ta còn khỏe mạnh, chúng ta có quyền lựa chọn, thì đoạn Kinh Thánh trên mới có ý nghĩa. Nếu bây giờ chúng ta lựa chọn sự sống đời đời thì chúng ta phải từ bỏ cuộc sống của mình trên thế gian này.

Truyền Giao Sự Sống Cho Kẻ Khác

Chúng ta đã đọc câu 24 và 25, bây giờ chúng ta đọc một lượt từ câu 23 đến câu 25.

Giăng 12:23 – 25 23 Chúa Giê-su bèn đáp rằng: “Giờ đã đến để cho Con của loài người được vinh hiển. 24 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết đi sau khi bị gieo xuống đất, thì hột ấy cứ ở nguyên một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì kết quả được nhiều.” 25 Ai yêu mến sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, và ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ gìn cho đến sự sống đời đời.”

Câu 23 Chúa Giê-su nói về chính mình: “Con của loài người sẽ được vinh hiển.” Trong Tin Lành theo Giăng, từ ngữ “vinh hiển” mang ý nghĩa là bị đóng đinh trên cây Thập Tự. Khi tên tội phạm bị đóng đinh trên cây thập tự rồi, thì người ta nâng cao cây thập tự; được vinh hiển có nghĩa là được nâng cao lên. Bởi vậy khi Chúa được vinh hiển có nghĩa là khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự rồi bị nâng cao lên. Chính là qua sự chết mà Chúa được vinh hiển, sự chết chính là sự vinh hiển của Chúa.

Nếu chúng ta vui lòng từ bỏ sinh mạng của mình, thì sự chết của chúng ta cũng chính là sự vinh hiển của ta vậy.

Theo tiêu chuẩn của thế gian này thì bị đóng đinh trên cây thập tự là bị làm nhục, bị hạ mình xuống đến chỗ thấp hèn nhất. Nhưng về phương diện thuộc linh, sự nhục nhã trên thế gian lại trở thành sự vinh hiển trong Chúa Trời.

Trong câu 23 Chúa Giê-su nói về chính mình, còn câu 25 là lời dạy cho chúng ta, vậy cái hột giống trong câu 24 là nói về cả Chúa Giê-su lẫn chúng ta.

Trong câu 23 Chúa Giê-su nói rằng chính mình tựa như một hột giống lúa mì, Chúa phải chết đi để truyền giao sự sống cho chúng ta. Trong bài giảng thứ (2) – “Phó Thác Phát Xuất Từ Trong Lòng” chỉ ra rằng Chúa Trời phó thác chính mình cho chúng ta, mà trong bài giảng này chúng ta học về Chúa Giê-su phó thác chính mình cho chúng ta.

Chúa Giê-su nói rằng: “Nếu ta không chết đi, thì sự sống của ta vẫn ở trong ta. Bằng cách nào mà ta có thể truyền giao sự sống này cho các ngươi?” Một hột giống lúa mì làm sao mà có thể trở thành nhiều hột giống khác? Chúng ta phải chôn hột giống đó ở dưới đất, để nó chết đi. Rồi sau một khoảng thời gian, chỗ đó nẩy nở ra một cây lúa, trên cây đó có rất nhiều hột lúa mì khác. Một hột giống lúa mì đã trở thành nhiều hột giống khác. Qua sự chết mà Chúa Giê-su đã truyền giao sự sống của mình cho chúng ta. Nếu chúng ta hiệp làm một với Chúa, thì sự sống của Chúa sẽ chảy vào trong cuộc sống của ta.

Hai ngàn năm về trước Chúa Giê-su chỉ là một người thôi, nhưng cho đến ngày nay bao nhiêu người Tín Đồ Cơ Đốc đã được nẩy sinh ra. Mà sự truyền giao sự sống này không phải chỉ một mình Chúa Giê-su làm thôi.

Khi người nông dân trồng lúa mì, họ không phải chỉ gieo giống một lần rồi chấm dứt. Trong mỗi một mùa gặt, một phần lớn của lúa mì là dùng để ăn, nhưng còn một phần nhỏ được giữ lại dùng để gieo giống. Và cứ như vậy người nông dân trồng tiếp từ mùa này sang mùa khác. Bởi vậy trong câu 25 Chúa Giê-su nói rằng điều mà Chúa đã làm cho chúng ta thì ta cũng phải đi làm cho người khác. Chúa tựa như một hột giống đã truyền giao sự sống cho chúng ta, nếu chúng ta muốn gìn giữ sự sống này thì ta đừng có yêu cuộc sống thân thể của mình, chúng ta cũng tựa như hột giống kia rơi xuống đất mà chết đi hầu cho truyền giao sự sống này cho người khác.

Khi một người hay một vật có sự sống ở bên trong, thì người ấy hay vật ấy có thể nẩy sinh. Thí dụ khi Áp-ra-ham và Sa-ra trong tuổi già không còn khả năng sinh đẻ con cái, thì Kinh Thánh nói rằng họ tựa như đã chết (Rô-ma 4:19). Bởi vậy bằng chứng của sự sống là khả năng nẩy sinh. Nếu một hột giống chỉ nằm ở một chỗ nào đó, thì nó sẽ nổi mốc, có lẽ nó sẽ bị con kiến hay con chim ăn đi, sớm muộn gì nó sẽ chết đi, nhưng vẫn chỉ là một hột thôi. Nếu hột giống này muốn sinh sôi nẩy nở, thì nó phải bị chôn sâu dưới đất, khi nó chết đi thì nó sẽ sinh ra nhiều hột giống khác.

Người nào yêu cuộc sống thân thể của mình trên đời này, người muốn cầm giữ lấy sự sống của mình, thì rốt cuộc người sẽ mất đi sự sống; cũng như hột giống không bị chôn sâu dưới đất thì sớm muộn gì hột giống này chắc phải chết, và nó vẫn chỉ là một hột thôi. Nhưng kẻ nào ghét cuộc sống thân thể của mình, người vui lòng từ bỏ cuộc sống của mình, cũng như hột giống bị chôn dưới đất, thì người ấy sẽ truyền giao sự sống cho người khác, và sau cùng người còn được sự sống đời đời nữa. Chúa Giê-su đã chết đi để truyền giao sự sống cho chúng ta, khi chúng ta vui lòng chết đi để truyền giao sự sống cho người khác, thì cuộc sống của chúng ta cũng như cuộc sống của Chúa Giê-su vậy. Chính là những người như vậy mới được nhận lãnh sự sống đời đời.

Lời dạy này thì rất quan trọng, cho nên đã được lập lại nhiều lần trong nhiều đoạn Kinh Thánh khác nhau.

Ma-thi-ơ 10:39 39 Ai đã tìm được sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống; còn ai vì cớ ta mà mất đi sự sống mình thì sẽ tìm được sự sống.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tìm được sự sống trên thế gian này thì bạn sẽ mất đi sự sống. Nhưng nếu bạn vì cớ của Chúa mà mất đi sự sống, có nghĩa là bạn truyền giao sự sống của mình cho kẻ khác thì thật ra bạn đã tìm được sự sống.

Ma-thi-ơ 16:25 – 26 25 Vì hễ ai muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất đi sự sống, còn hễ ai vì cớ ta mà mất đi sự sống mình thì sẽ tìm được sự sống. 26 Người nào dù được cả thiên hạ mà lại mất đi linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy một người lấy gì mà đổi lấy linh hồn của mình?

Chúa Trời Đức Gia-vê hiểu rõ bản tính của chúng ta là ích kỷ. Loài người hay phạm tội, chẳng phải chính vì loài người là ích kỷ chăng? Bởi vậy Đức Gia-vê phải thay đổi phương hướng của cuộc đời chúng ta, Ngài biến đổi chúng ta từ ích kỷ trở thành hy sinh chính mình. Một người Tín Đồ Cơ Đốc cần phải thay đổi, bằng không thì người cũng chẳng có khác gì so với người đời, người cũng ích kỷ như người đời vậy. Trước kia khi còn chưa tin vào Chúa Trời thì người ham muốn tiền tài, sau khi trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì người ham muốn sự sống đời đời. Cho nên Ngài đã lập ra điều kiện này cho sự sống đời đời, nếu ai muốn được sự sống đời đời thì phải thay đổi phương hướng của cuộc đời mình.

Ngày nay trong các hội thánh thì đầy dẫy những người mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc nhưng vẫn ích kỷ vô cùng, có bao nhiêu người Tín Đồ Cơ Đốc vẫn sống trong tội lỗi. Các hội thánh giảng dạy rằng người ta chỉ cần tin vào Chúa Giê-su thì họ sẽ được sự sống đời đời, họ không cần thay đổi gì cả. Điều đó thì không phải là lời dạy của Chúa Giê-su. Chúa giảng dạy rằng: “Các ngươi vì cớ của ta mà mất đi sự sống của mình thì các người sẽ tìm được sự sống.”

Hai Nguyên Tắc Quan Trọng

Chúng ta phải thay đổi từ một cuộc sống ích kỷ thành ra một cuộc sống hy sinh chính mình. Chỉ có quyền năng của Thánh Linh có thể thành tựu sự thay đổi này.

Có hai nguyên tắc rất quan trọng:

  • Nguyên tắc thứ nhất: không có Thánh Linh thì không có cuộc sống thuộc linh của người Tín Đồ Cơ Đốc, bởi vậy chúng ta cần phải được Thánh Linh dắt dẫn.
  • Nguyên tắc thứ hai: không có sự chết thì cũng không có sự sống.

Và hai nguyên tắc này là dính liền với nhau.

Chúng ta không thể thay đổi chính mình. Nếu chúng ta có thể thay đổi chính mình, thì chúng ta có thể tự cứu lấy mình rồi. Ơn cứu chuộc là hoàn toàn nhờ cậy vào ân điển của Chúa Trời, bởi vì chúng ta được cứu chuộc là hoàn toàn nhờ vào quyền năng của Ngài. Chúng ta phải để cho Thánh Linh làm việc trong lòng ta để biến đổi phương hướng của cuộc đời ta từ ích kỷ thành ra hy sinh chính mình.

Chúng ta phải làm gì? Chúng ta chỉ có nói rõ với Chúa Trời rằng ta muốn được biến đổi hay không, chúng ta có muốn để cho Thánh Linh biến đổi chúng ta hay không.

Chúng ta tựa như người mắc bịnh, mà Chúa Trời Đức Gia-vê là bác sĩ. Trên thế giới này có rất nhiều bịnh nhân, nhưng không phải hết thảy bịnh nhân đều muốn được chữa trị. Nếu bịnh nhân nào không muốn được chữa trị, thì bác sĩ không có bắt buộc người bịnh nhân, bác sị đành phải để cho bịnh nhân chết đi. Nếu bạn không muốn nhận lãnh sự sống đời đời, thì Thánh Linh không có đẩy các bạn vào trong nước Chúa Trời. Nếu bạn không muốn được cứu chuộc, ấy là quyền tự do lựa chọn của bạn. Bởi vậy Chúa Giê-su dùng những chữ “ghét” và “yêu”, ghét và yêu là liên quan đến tấm lòng của chúng ta.

Nếu bạn yêu cuộc sống hiện giờ của bạn, bạn không muốn từ bỏ nó, thì bạn cứ tiếp tục đi trên cửa rộng và đường khoảng khoát rồi dẫn đưa đến sự chết. Nhưng nếu bạn chán ghét cuộc sống ích kỷ và tội lỗi của mình, thì Thánh Linh có thể biến đổi cuộc đời của bạn. Chúng ta chỉ cần quỳ xuống trước mặt Chúa Trời cần xin Ngài rằng: “Chúa Trời ơi, con thật sự chán ghét cuộc đời của mình đầy dẫy kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, ham mộ lời khen ngợi của người ta. Bây giờ con cầu xin Chúa biến đổi cuộc đời của con.” Chúng ta chỉ có làm được như vậy thôi, còn hết thảy mọi việc khác cứ phó thác cho Chúa Trời. Khi Thánh Linh ngự vào trong lòng của bạn, thì bạn sẽ bắt đầu kinh lịch quyền năng của Ngài.

Hiểu Rõ Câu Kinh Thánh trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31

Có người sẽ nói rằng: “Nhưng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31, Phao-lô dạy rằng chúng ta chỉ cần tin vào Chúa Giê-su thì sẽ được cứu, chẳng những một mình ta mà cả gia đình ta đều sẽ được cứu nữa! Chẳng lẽ sứ đồ Phao-lô lại giảng dạy những điều trái ngược với lời dạy của Chúa Giê-su chăng?”

Hỡi các bạn ơi! Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ lời dạy của Chúa Giê-su, và sứ đồ không bao giờ giảng dạy điều gì trái ngược với lời dạy của Chúa cả. Bây giờ để chúng ta đi tìm hiểu về câu Kinh Thánh này.

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31 31 Họ nói rằng : “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ngươi và gia đình ngươi sẽ được cứu.”

Muốn hiểu rõ ý nghĩa của một đoạn Kinh Thánh, chúng ta phải tìm hiểu về khung cảnh của đoạn Kinh Thánh đó. Câu Kinh Thánh này là lời của Phao-lô nói cùng người canh tù. Cả sự kiện này là như vầy: Tại thành phố Phi-líp, Phao-lô và Si-la bị bắt và đánh đòn rồi bị bỏ vào tù. Giữa đêm hai người ca hát khen ngợi Chúa Trời, các tù nhân khác đều lắng tai mà nghe, rồi bất thình lình có cơn động đất dữ dỗi đến nỗi cả cái nền tảng của tù ngục cũng bị lung lay, các cửa tù bị quăng mở ra, và xiềng của các tù nhân đều bị tháo ra. Khi người canh tù thức tỉnh thấy các cửa tù mở ra, người tưởng là hết thảy tù nhân đều chạy trốn cả. Người canh tù là một người lính trong quân đội La-mã, mà hình phạt của quân đội La-mã thì rất nghiêm khắc. Nếu tù nhân chạy trốn thì người canh tù sẽ bị xử tử hình một cách tàn bạo. Người canh tù này sợ hãi, nên người rút gươm ra muốn tự tử. Rồi sứ đồ Phao-lô vội kêu người canh tù ngừng lại, vì các tù nhân vẫn ở đó chưa có chạy trốn cả, người không cần phải tự tử. Rồi người canh tù hỏi sứ đồ Phao-lô rằng người phải làm gì mới được cứu, sứ đồ yên ủi người canh tù đừng sợ, hãy tin vào Chúa Giê-su, thì người và cả gia đình người đều sẽ được hưởng ơn cứu chuộc.

Xin để ý, người canh tù này thì sẵn sàng tự tử chết đi cho xong cuộc đời của mình, mà sứ đồ Phao-lô đang nói cùng một người như vậy. Đối với người ấy thì từ bỏ sinh mạng của mình không thành vấn đề gì cả. Bởi vậy nếu chúng ta muốn trích câu Kinh Thánh này để khuyên người khác tin vào Chúa Giê-su, ta phải biết rõ người ấy có sẵn sàng từ bỏ sinh mạng của mình tựa như người canh tù này không. Nếu người nào đã sẵn sàng chịu chết thì chúng ta có thể trích câu Kinh Thánh này để khuyên người ấy tin vào Chúa Giê-su để được hưởng ơn cứu chuộc. Nhưng nếu người ấy chưa sẵn sàng từ bỏ sinh mạng của mình thì chúng ta không nên trích câu Kinh Thánh này, mà ta phải giải thích cho người ấy biết rõ về điều kiện từ bỏ sinh mạng của mình để được hưởng sự sống đời đời.

Hơn nữa trong xã hội hai ngàn năm về trước, người đàn bà là hoàn toàn nhờ cậy vào người chồng của mình. Khi người chồng mất đi, thì bà vợ và các con cái sẽ bị lạc vào trong tình trạng thê thảm, có lẽ họ sẽ trở thành người ăn mày, hay bị bán đi trở thành nô lệ v.v. Cả gia đình đều tùy thuộc vào người cha, người cha là đầu của gia đình, người cha làm cái gì thì cả gia đình đều làm theo. Giả tỷ người canh tù này tự tử chết đi, thì cả gia đình của người cũng tiêu tan luôn. Tình hình trong xã hội ngày nay thì không phải như vậy, ngày nay người vợ cũng có thể đi kiếm việc làm nuôi dưỡng gia đình con cái, cho dù khi người cha chết đi, gia đình cũng bị ảnh hưởng, nhưng không đến nỗi bị tiêu tan luôn. Bởi vậy trong xã hội thời xưa, khi người cha làm cái gì, thì cả gia đình đều đi theo. Khi người cha chết, họ cũng bị tiêu tan luôn. Khi người cha tin vào Chúa Giê-su, thì họ cũng tin theo.

Ngoài ra trong những câu Kinh Thánh kế tiếp ghi rằng, sứ đồ Phao-lô không phải chỉ nói cùng người canh tù một câu đơn giảng như vậy thôi, thật ra sứ đồ giảng giải một cách tường tận về lời dạy của Chúa Giê-su cho người canh tù.

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:32 – 33 32 Và họ giảng giải lời của Chúa cho người cùng những kẻ trong nhà của người. 33 Trong ban đêm, ngay giờ đó, người canh tù đem hai người ra đi rửa sạch các vết thương; rồi lập tức người và cả gia đình người đều chịu phép báp-tem.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng sứ đồ Phao-lô giảng dạy cho người canh tù và cả gia đình của người biết rõ ý nghĩa của niềm tin vào Chúa Giê-su, và họ phải làm cái gì v.v. Sứ đồ Phao-lô không phải chỉ truyền bảo người ấy tin vào Chúa Giê-su, rồi ngay lập tức làm phép báp-tem cho người và cả gia đình của người. Mà sau khi cả gia đình của người canh tù này đều được giải thích tường tận về lời dạy của Chúa Giê-su, rồi họ mới chịu phép báp-tem. Chẳng những thế, sau khi cả gia đình của người canh tù hiểu rõ về lời dạy của Chúa Giê-su rồi, sứ đồ Phao-lô và Si-la mới để cho người canh tù rửa sạch vết thương của họ. Sứ đồ Phao-lô không có để ý đến vết thương của mình cả, sứ đồ giảng giải lời của Chúa cho gia đình của người canh tù trước, sau khi họ đã hiểu rõ rồi, lúc đó sứ đồ mới để cho người canh tù chăm sóc vết thương của mình. Có lẽ lúc đó vết thương còn đang chảy máu, nhưng sứ đồ không có để ý, cứ một mực lo giảng giải lời của Chúa trước tiên. Đối với sứ đồ Phao-lô thì luôn luôn là ơn cứu chuộc của người khác trước tiên, rồi sau đó mới đến thân thể sức khỏe của mình. Chính là qua những chi tiết nhỏ này cho ta thấy tâm trạng cao quí của sứ đồ Phao-lô và Si-la.

Sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy cái gì cho gia đình của người canh tù này? Tuy rằng quyển sách Công Vụ Các Sứ Đồ không có ghi lại những lời dạy ấy, nhưng trong bộ Tân Ước có ghi lại rất tường tận lời giảng giải của sứ đồ Phao-lô. Sứ đồ Phao-lô cũng bắt chước Chúa Giê-su giảng dạy rằng nếu không có sự chết thì không có sự sống thuộc linh.

Rô-ma 6:1 – 3 1 Vậy chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta có phải cứ tiếp tục sống trong tội lỗi để ân điển được gia tăng sao? 2 Không thể như vậy được! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa? 3 Hay là anh em không biết rằng chúng ta hết thảy đều đã chịu báp-tem vào trong Chúa Giê-su Christ, tức là chịu báp-tem vào trong sự chết của Chúa sao?

Căn cứ theo câu 2 và 3, phép báp-tem là liên quan đến chết về tội lỗi. Mà chết về tội lỗi lại có nghĩa là gì?

Ý Nghĩa Của Chết Về Tội Lỗi

1. Chúng ta chết về tội lỗi qua phép báp-tem

Chữ “chết” trong đoạn Kinh Thánh này mang ý nghĩa gì? Chúng ta có thật sự chết về tội lỗi không? Chết về tội lỗi có phải chỉ là thay đổi tâm trạng thôi? Nếu chỉ là thay đổi tâm trạng tư tưởng của mình, thì tại sao không nói rõ là thay đổi tâm trạng tư tưởng đi, tại sao lại dùng chữ chết? Chữ chết là một chữ rất nặng, thông thường chúng ta không có dùng chữ này trừ phi để mô tả một việc nghiêm trọng. Giả tỷ trước kia tôi là một người xấu bụng xấu tính, bây giờ tôi thay đổi tâm trạng của mình, tôi muốn trở thành một người tốt bụng, mà sự thay đổi như vậy có phải chính là chết về tội lỗi chăng?

Xin để ý, từ ngữ “tội lỗi” ở đây không phải chỉ là một số những tội lỗi chúng ta đã phạm, mà từ ngữ “tội lỗi” ở đây là nói về cả cuộc sống bị tội lỗi ràng buộc điều khiển. Vậy “chết về tội lỗi” có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống bị tội lỗi ràng buộc điều khiển.

Khi tâm trạng của chúng ta thay đổi, ta ăn năn hối cải, điều đó thì hay lắm, nhưng ấy không phải là chết về tội lỗi. Chết về tội lỗi là một việc do Thánh Linh thi hành trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta có thể quyết tâm thay đổi tư tưởng của mình để trở thành một người tốt, nhưng điều đó không phải là chết về tội lỗi. Chết về tội lỗi là một việc do Thánh Linh làm trong cuộc đời của ta, mà việc này thì rất sâu xa và rất quan trọng đến nỗi một phần trong cuộc sống của ta chết đi, phần đó chính là phần bị ảnh hưởng bởi dục vọng của xác thịt, ấy cũng được gọi là người cũ trong cuộc sống của ta.

Người cũ trong cuộc sống của chúng ta bị Thánh Linh cắt đứt đi. Thánh Linh làm việc để tiêu diệt người cũ trong cuộc sống của ta. Khi cái phần mà luôn bị ảnh hưởng bởi dục vọng của xác thịt bị cứt đứt đi rồi, như vậy mới gọi là chết về tội lỗi.

Cho nên các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc chỉ là sửa đổi hành vi tư tưởng của mình. Cho dù muốn sửa đổi hành vi tư tưởng cũng đòi hỏi quyết tâm, nhưng quyết tâm đó không phải là sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời.

Muốn trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính, bạn phải phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời, để Thánh Linh tiêu diệt người cũ trong cuộc sống của bạn, có nghĩa là cắt đứt cái phần thường hay bị ảnh hưởng bởi dục vọng của xác thịt.

2. Chúng ta được buông tha khỏi sự điều khiển của tội lỗi khi chúng ta thật sự chết về tội lỗi

Phần đông chúng ta đều vui lòng sửa đổi lại tâm trạng của mình để trở thành con người tốt hơn, nhưng điều đó không phải là chết về tội lỗi. Nếu chúng ta chỉ sửa đổi lại tâm trạng của mình, thì ấy chỉ là vả miếng nỉ mới vào chiếc áo cũ và đổ rượu mới vào bầu da cũ, đó chính là điều Chúa Giê-su dạy bảo ta không nên làm. Tại vì khi ta vả miếng nỉ mới vào chiếc áo cũ thì miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ và rượu mới cũng sẽ làm cho bầu da cũ nứt đi rồi rượu chảy ra.

Phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời tức là phó thác cuộc đời của chúng ta cho Chúa Trời để Thánh Linh tiêu diệt cái trung tâm tội lỗi trong cuộc đời của mình. Đó là điều chỉ có Chúa Trời làm được thôi, bởi vậy ta được cứu chuộc là hoàn toàn do ân điển của Ngài.

Khi chúng ta phó thác hoàn toàn cuộc đời của mình cho Chúa Trời, đó là đức tin của ta đối với Ngài. Khi Chúa Trời phó thác hoàn toàn cho ta thì ấy là ân điển của Ngài ban cho ta. Bằng đức tin của ta mà ta được cứu chuộc bởi ân điển của Ngài. Hay nói một cách khác, chúng ta được cứu chuộc bởi sự phó thác của Chúa Trời đối với ta qua sự phó thác hoàn toàn của ta đối với Ngài.

Phần thứ hai của Rô-ma chương 6 nói về nô lệ. Trước kia chúng ta là nô lệ của tội lỗi, bây giờ chúng ta trở thành nô lệ của công nghĩa.

Tên nô lệ có thể được buông tha bằng hai cách khác nhau:

  • Một là chết, có nghĩa là chỉ khi tên nô lệ chết đi thì nó mới được buông tha.
  • Hai là khi người chủ bằng lòng buông tha tên nô lệ.

Nếu chủ của bạn là tội lỗi thì nó chắc không chịu buông tha bạn đâu. Vậy chỉ còn một cách duy nhất là chết đi.

Nếu bạn muốn được buông tha khỏi sự điều khiển của tội lỗi thì bạn phải thật sự chết về tội lỗi.

Rô-ma chương 7 là nói về Luật Pháp, chính là Luật Pháp khiến cho sự điều khiển của tội lỗi càng trầm trọng hơn. Bởi vì Luật Pháp phán xét chúng ta khiến lương tâm ta chịu ám ảnh cắn đứt của tội lỗi. Rô-ma chương 6 nói về lực lượng điều khiển của tội lỗi, còn chương 7 thì nói về ám ảnh của tội lỗi. Bằng cách nào chúng ta có thể thoát ra khỏi ám ảnh cắn đứt của tội lỗi trong lương tâm? Cùng một lẽ ấy chỉ có qua sự chết thôi.

Khiến Cho Các Việc Làm Của Thân Thể Chết Đi

Trong Rô-ma chương 8 sứ đồ Phao-lô nói rằng sau khi chúng ta đã chết về tội lỗi rồi, ta không phải ngưng lại ở đó, chúng ta phải tiếp tục nhờ cậy vào Thánh Linh để đối phó với xác thịt của mình, rồi chúng ta mới được hưởng một cuộc sống thuộc linh đầy dẫy phong phú.

Rô-ma 8:13 13 Vì nếu anh em sống theo xác thịt thì anh em phải chết; nhưng nếu nhờ Thánh Linh mà anh em làm cho chết các việc làm của thân thể thì anh em sẽ được sống.

Trong câu kế tiếp Rô-am 8:14, sứ đồ Phao-lô nói về dẫn dắt của Thánh Linh.

Rô-ma 8:14 14 Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Chúa Trời hướng dẫn đều là con của Chúa Trời.

Những kẻ được Thánh Linh của Chúa Trời dắt dẫn đều là con của Chúa Trời. Nhưng trước khi chúng ta được Thánh Linh dắt dẫn thì chúng ta phải nhờ cậy vào Thánh Linh để làm cho các hành vi việc làm của thân thể chết đi, rồi sau đó chúng ta mới được Thánh Linh dắt dẫn. Nếu chúng ta không muốn làm cho các việc làm của thân thể chết đi thì chúng ta sẽ không được Thánh Linh dắt dẫn. Nếu chúng ta muốn kinh lịch sự đầy dẫy phong phú của cuộc sống thuộc linh thì chúng ta phải để Thánh Linh đối phó với xác thịt của chúng ta trước tiên. Trong cuộc sống thuộc linh thì sự sống luôn luôn bắt đầu bằng sự chết, không có sự chết thì không có sự sống.

Mà việc làm của thân thể xác thịt là những điều gì?

Ga-la-ti 5:19 – 21 19Các hành động của xác thịt là rõ ràng lắm, ấy là: gian dâm, ô uế, phóng đãng, 20thờ thần giả, phù phép, thù oán, xung đột, ghen ghét, tức giận, tham vọng ích kỷ, chia rẽ, bè phái, 21ganh tị, say sưa, ăn chơi sa đọa, cùng những chuyện tương tự như vậy. Tôi cảnh cáo anh em cũng như tôi đã từng nói trước rồi: Những người làm những việc ấy thì không được thừa hưởng nước Chúa Trời.

Những người làm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Chúa Trời. Xin để ý, ở đây sứ đồ Phao-lô đang nói cùng những Tín Đồ Cơ Đốc, sứ đồ không phải đang nói cùng những người không tin vào Chúa. Chúng ta thường nghĩ rằng đoạn Kinh Thánh này chỉ áp dụng cho những người không tin vào Chúa, còn Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thì không cần phải tuân theo những lời này. Hãy để ý, quyển sách Ga-la-ti là một bức thư viết cho những Tín Đồ Cơ Đốc ở Hội Thánh Ga-la-ti.

Chỉ sau khi chúng ta đã làm chết những việc làm của xác thịt rồi, thì trong câu 22, chúng ta mới có thể kết quả của Thánh Linh, sống một cuộc sống đây dẫy phong phú.

Ga-la-ti 5:22 – 23 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23 nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Chết Về Thế Gian

Ga-la-ti 6:14 14 Nhưng tôi chẳng khoe mình, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Chúa Giê-su Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi, và tôi đối với thế gian cũng vậy!

Nếu bạn đã thật sự cùng chết với Chúa Giê-su rồi, thì qua thập giá của Chúa mà thế gian đã bị đóng đinh đối với bạn, có nghĩa là đối với bạn thì thế gian này đã chết đi rồi; và bạn cũng đã bị đóng đinh đối với thế gian, có nghĩa là bạn đã chết về thế gian này. Cùng một lý lẽ như chết về tội lỗi, khi chúng ta chết về thế gian thì ta không còn dính líu gì với tội lỗi của thế gian này nữa, chúng ta đã cắt đứt hoàn toàn với những tội lỗi gian trá ích kỷ của thế gian này.

Khi nói đến thế gian thì lẽ dĩ nhiên chúng ta không phải nói về sông núi cây cỏ trên trái đất, mà “thế gian” ở đây là nói về cả một hệ thống xã hội bị tội lỗi điều khiển ràng buộc. Kinh Thánh dạy rằng cả thế gian này đều nằm dưới quyền hành của ma-quỉ, có nghĩa là bị tội lỗi điều khiển kiềm chế (1 Giăng 5:19). Bởi vậy khi chúng ta chết về tội lỗi thì ta cũng chết về thế gian này, có nghĩa là ta đã thoát khỏi hệ thống xã hội tội lỗi này, ta không còn tham gia vào những việc làm gian trá ích kỷ kiêu ngạo của thế gian này nữa.

Chúng ta đều biết những việc làm trên thế gian này là tội lỗi dơ bẩn đến dường nào. Nếu có người ghen ghét bạn thì người ấy nói xấu phỉ báng bạn làm hỏng danh tiếng của ban. Có người muốn đoạt lấy chức vụ của bạn thì người ấy có thể bịa đặt ra những chuyện giả dối để đả kích bạn trong công ty, khiến bạn bị mất việc. Bao nhiêu người đạp lên lưng lên đầu của người khác để trèo lên địa vị cao hơn v.v.

Khi chúng ta chết về thế gian này thì chúng ta không còn làm những việc này nữa, chúng ta thoát ra khỏi cái xiềng xích của hệ thống tội lỗi này.

Nhưng kết bạn với người đời trên thế gian này thì sao? Chúng ta đều có những người bạn bè chưa tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, họ thuộc về thế gian này, vậy chúng ta phải cư xử với họ như thế nào?

Đừng Kết Bạn Với Thế Gian

2 Cô-rinh-tô 6:14 – 18 14 Đừng mang ách chung với những kẻ không tin, tại vì công nghĩa và gian ác có thể hòa hiệp với nhau được chăng? Sự sáng và tối tăm có tương giao được chăng? 15 Ðấng Christ và Bê-li-an đâu có hòa hiệp được? Hay là kẻ tin đâu có chung phần gì với kẻ không tin? 16 Giữa Đền Thờ của Chúa Trời và hình tượng có hòa hợp gì đâu? Vì chúng ta là Đền Thờ của Chúa Trời hằng sống, như Chúa Trời đã nói rằng: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ là Chúa Trời của họ, và họ là dân ta.”17 Bởi vậy Chúa phán rằng: “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi, 18 ta sẽ là Cha các ngươi, các ngươi là con trai, con gái ta,” Chúa Toàn năng nói như vậy.

Xin để ý vào ba chữ “mang ách chung”. Ba chữ này có một ý nghĩa rất sâu rộng. Thông thường những sách giảng giải Kinh Thánh nói rằng đoạn Kinh Thánh này dạy bảo người Tín Đồ Cơ Đốc không nên kết hôn với những kẻ không tin vào Chúa Trời. Nhưng thật ra ý nghĩa của câu này không phải đơn gian như vậy.

“Mang ách chung” là nói về mối quan hệ có tính cách khế ước, thí dụ như hôn nhân, hoặc là hai bên hùn vốn chung làm buôn bán v.v. Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng người Tín Đồ Cơ Đốc không nên liên kết với những kẻ không tin qua khế ước, bởi vì cái khế ước khiến hai bên liên kết với nhau tựa như hai con trâu buộc chung với nhau bằng một cái ách vậy.

Gia-cơ 4:4 4 Hỡi bọn tà dâm kia, các ngươi há chẳng biết rằng kết bạn với thế gian là thù nghịch với Chúa Trời sao? Bởi vậy ai muốn kết bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù nghịch với Chúa Trời vậy.

Hễ ai cố ý muốn kết bạn với thế gian thì người ấy trở nên kẻ thù nghịch của Chúa Trời.

Chúng ta đều có những người bạn bè chẳng tin vào Chúa Trời, vậy chúng ta phải làm sao bây giờ? Giả tỷ có một người nam một người nữ kết bạn với nhau, một người là Tín Đồ Cơ Đốc, còn người kia thì không tin vào Chúa Trời. Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 6:14 – 18 thì người Tín Đồ Cơ Đốc không nên liên kết với kẻ không tin qua khế ước, mà hôn nhân thì hẳn là một khế ước, cho nên họ không nên kết hôn với nhau. Nhưng đoạn Kinh Thánh trên có phải dạy rằng miễn là người Tín Đồ không lập khế ước với kẻ không tin, họ chỉ làm bạn bè với nhau thì không sao chăng? Tình bạn bè có thể trở nên một cái ách không?

Nhưng chính Chúa Giê-su kết bạn với những người thâu thuế và tội nhân. Xin để ý, hai chữ “tội nhân” trong Tân Ước là thường dùng để nói về những người đàn bà bán dâm. Vậy tại sao Chúa Giê-su kết bạn với những người phạm tội lỗi trầm trọng như vậy, trong khi chúng ta kết bạn với những kẻ không tin vào Chúa Trời thì không được?

Tại vì Chúa Giê-su kết bạn với tội nhân với mục đích là cứu vớt họ, còn chúng ta thì mang mục đích gì khi chúng ta kết ban với kẻ không tin?

Câu Kinh Thánh ở Gia-cơ 4:4 nói về những người Tín Đồ Cơ Đốc đi kết bạn với thế gian với mục đích là tìm cầu lợi ích cho mình, họ muốn kiếm được tiền tài, hưởng thụ, địa vị trên thế gian này. Tâm trạng của Chúa Giê-su là hiến dâng chính mình để cứu vớt tội nhận. Còn tâm trạng của những người ấy là ích kỷ.

Bởi vậy chúng ta phải tự xem xét tấm lòng của mình, chúng ta kết bạn với thế gian với mục đích gì? Chúng ta cần phải có một tâm trạng hiến dâng chính mình, chúng ta đi kết bạn với những kẻ không tin với mục đích là để tìm cách giúp đỡ họ nhận biết Chúa Trời và tin vào Ngài. Chúng ta phải nhớ mãi mãi rằng đừng bao giờ vì tìm kiếm lợi ích của mình mà đi kết bạn với thế gian này.

Nhưng tình bạn bè giữa một người nam và một người nữ thì sao? Giả tỷ người nam là Tín Đồ Cơ Đốc, người nữ thì không tin vào Chúa Trời, nếu người nam muốn tìm cách giúp đỡ người nữ nhận biết Chúa Trời, sau khi người nữ trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi mới tiến tới hôn nhân, như vậy có được không?

Hỡi các bạn ơi! Tình hình này thì phức tạp lắm! Cho dù người nam cũng muốn cứu vớt người nữ đi, nhưng mục đích là hầu cho người nữ tin vào Chúa Trời rồi thì người có thể cưới người nữ. Vậy mục đích của người nam giúp đỡ người nữ nhận biết Chúa Trời cũng là vì lợi ích của mình thôi. Tâm trạng của người nam không phải là thuần túy. Thật ra đó là hai thứ tâm trạng thái độ trái nghịch với nhau, một mặt là tấm lòng hiến dâng chính mình với mục đích là cứu vớt người khác, nhưng mặt khác là tấm lòng ích kỷ với mục đích là tìm kiếm lợi ích của mình. Hai thứ tâm trạng này trộn lẫn với nhau. Rốt cuộc thì tấm lòng ích kỷ sẽ đẩy xa tấm lòng hiến dâng hy sinh, tại vì thông thường người ta coi lợi ích của mình là quan trọng hơn sự cứu chuộc của người khác.

Hơn nữa người nữ cũng biết rằng người nam ước mong nàng tin vào Chúa Trời, và có lẽ người nữ cũng vì yêu thương người nam mà trở thành Tín Đồ Cơ Đốc. Vậy nàng trở thành Tín Đồ Cơ Đốc không phải vì nàng nhận biết Chúa Trời và tin cậy vào Ngài, nhưng nàng trở thành Tín Đồ chỉ vì nàng muốn làm đẹp lòng của người nam thôi. Như vậy thì đức tin của người nữ không phải là chân chính. Khi đức tin của nàng không chân chính thì lẽ dĩ nhiên nàng cũng không có thật sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời.

Bởi vậy trong trường hợp này thì người nam không thể giúp đỡ người nữ nhận biết Chúa Trời. Người nam nên nhờ một người chị em Tín Đồ để dắt đưa người nữ nhận biết Chúa Trời.

Trong bài giảng thứ sáu này, chúng ta thấy rằng nếu không có sự chết thì cũng không có sự sống. Nếu chúng ta muốn đi vào sự sống đời đời thì chúng ta phải chết về tội lỗi. Mà chết về tội lỗi là một việc do Thánh Linh thi hành trong cuộc sống của ta. Chính Thánh Linh khiến chúng ta chết về tội lỗi, và cũng là Thánh Linh dắt dẫn chúng ta đi vào cuộc sống thuộc linh đầy dẫy phong phú.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church