You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (1)

Phó Thác Hoàn Toàn (1)

Ý Nghĩa Của Phó Thác Trong Kinh Thánh

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền phiên dịch và biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Chúng ta phải làm gì mới được hưởng sự sống đời đời? Chúng ta phải làm gì mới có thể nhận biết Chúa Trời hằng sống? Chúng ta phải làm gì mới có thể chết về tội lỗi? Chúng ta phải làm gì mới có thể trở nên một Tín Đồ Cơ Đốc chân chính? Theo lời dạy trong Kinh Thánh, câu trả lời của những câu hỏi này là dính liền với sự phó thác cho Chúa Trời.

Một người Tín Đồ Cơ Đốc mà không phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời thì tựa như một người lính không trung thành với quốc gia của mình, hoặc là như một người không chăm sóc cho gia đình của mình. Một người Tín Đồ Cơ Đốc không phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời thì cuộc sống của người ấy sẽ không đi về đâu cả.

Phó thác là hành động của chúng ta để đáp ứng với Chúa Trời. Trừ phi chúng ta muốn phó thác cho Chúa Trời, bằng không thì thảo luận về sự phó thác là vô ích. Mục đích của những bài giảng này là kêu gọi các bạn hãy đáp ứng một cách tích cực với Chúa Trời, chứ không phải để gia tăng kiến thức trong đầu óc. Những bài giảng này là hoàn toàn căn cứ vào Kinh Thánh, lời của Chúa Trời, chứ không phải dựa trên ý tưởng hay ý kiến của loài người. Mục đích của chúng ta là để tiến triển mối quan hệ với Chúa Trời. Còn những người nghĩ rằng mình đã phó thác cho Chúa Trời, tôi mong rằng qua những bài giảng này tất cả sự trở ngại giữa các bạn và Chúa Trời đều được tẩy trừ.***

Chỉ Phó Thác Một Phần Thì Không Phải Là Phó Thác

Có nhiều Tín Đồ Cơ Đốc chỉ phó thác một phần cho Chúa Trời, và họ cứ kéo dài lề mề như vậy từ năm này qua năm khác. Nhưng trong Kinh Thánh, chỉ phó thác một phần thì không phải là phó thác gì cả. Chúa Giê-su nói rằng: “…Ta ước gì ngươi nóng hoặc lạnh thì hơn” (Khải Huyền 3:15). “Lạnh” có nghĩa là cứ ngoảnh mặt quay đi lìa bỏ Chúa Trời. Chúa nghĩ rằng chẳng thà như vậy còn hơn là hâm hẩm – không lạnh, cũng chẳng nóng. Không chừng bạn phó thác 80% cho Chúa Trời và 20% dành cho đời này, nhưng thật ra cho dù 95% vẫn không đủ. Chúa Trời yêu cầu bạn phải phó thác hoàn toàn.

Cuộc sống thuộc linh của nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc bị hư hỏng vì tấm lòng của họ chỉ phó thác một phần thôi. Họ không kinh lịch được sự vui mừng bình yên trong cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc. Họ không thể tương giao với Chúa Trời, và Ngài không muốn lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Lý do là tại vì họ không có phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời.

Không Thể Thực Hành Cuộc Sống Của Tín Đồ Cơ Đốc Nếu Không Có Phó Thác Hoàn Toàn

Căn cứ theo lời dạy của Chúa Trời, chúng ta không thể thực hành cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc nếu không có phó thác hoàn toàn. Ấy là sự thật. Điều đó không phải là lý thuyết nhưng là thật tại và kinh lịch. Bạn sẽ thấy mình không thể thực hành cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc nếu bạn không phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời. Chúa Trời có nhậm lời cầu nguyện của bạn không? Nếu Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của bạn thì bạn phải tự xem xét tấm lòng phó thác của mình. Có những người đang phụng sự Chúa Trời mà vẫn chưa phó thác hoàn toàn. Ấy là một tình trạng thê thảm. Bạn đã từ bỏ hết thảy để phụng sự Chúa Trời, nhưng rồi bạn thấy mình không có quyền năng thuộc linh, không có vui mừng và không thể tương giao với Ngài. Khi bạn giữ lại một chút cho mình thì sẽ làm hư hỏng sự phó thác cho Chúa Trời.

Sự phó thác thì liên quan đến một chủ đề quan trọng nhất: ấy là mối quan hệ cùng với Chúa Trời.

Sự Phó Thác Trong Hội Thánh Ngày Nay

Chủ đề phó thác chạy suốt toàn bộ Kinh Thánh. Nếu chúng ta lấy chủ đề này ra khỏi bộ Kinh Thánh, thì Kinh Thánh chẳng còn bao nhiêu để đọc nữa, tại vì sự phó thác là ở trung tâm điểm của mối quan hệ với Chúa Trời.

Khi tôi còn là một Tín Đồ thơ ấu, không ai dạy bảo tôi về sự phó thác. Nhưng tôi nhận biết Chúa Trời ở Trung Quốc trong thời kỳ nguy nạn cho Tín Đồ Cơ Đốc, và một vài mục sư của chúng tôi bị gởi đi lao động cải tạo. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không phó thác cho Chúa Trời thì không thể làm Tín Đồ Cơ Đốc. Bởi vậy hội thánh hồi đó không cần phải giảng giải về sự phó thác hoàn toàn.

Khi tôi đến Hong Kong, tôi nghĩ thầm trong bụng rằng: “Vui mừng thay được sống trong một xã hội tự do, ở đây tôi có thể đi thờ phượng Chúa Trời trong hội thánh và đi mua bộ Kinh Thánh trong tiệm sách.” Nhưng khi tôi bắt đầu viếng thăm các hội thánh thì tôi nhận thấy những Tín Đồ Cơ Đốc đó là chết. Tâm hồn tôi rất nặng nhọc. Tôi tự nhủ rằng: “Này là tự do? Tín Đồ Cơ Đốc ở đây không có sức sống gì cả!” Khi tôi nói chuyện với họ, tôi không thể nói về Chúa Trời. Tôi không thể nói về bất cứ chuyện nguyên thâm hay chuyện sơ cấp liên quan đến Chúa Trời.

Khi tôi chia sẻ với họ những chuyện Chúa Trời đã làm trong cuộc đời của tôi, họ không hiểu tôi đang nói gì. Họ nhìn tôi một cách kì khôi tựa như tôi là con quái vật đến từ một hành tinh khác. Sau khi họ lắng nghe kinh lịch của tôi (Xin đọc “Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa (1) – (6)”), họ nói với tôi rằng: “Những chuyện này chỉ xảy ra trong quyển sách “Công Vụ Các Sứ Đồ” thôi, ngày nay không có nữa. Anh có phải đến từ thời đại thế kỷ thứ nhất chăng?”

Tôi tự nhủ rằng: “Cái gì đây? Tôi không thể nói chuyện với các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc!” Khi tôi lắng nghe những bài giảng trong hội thánh, tôi nhận thấy họ không nhấn mạnh về sự tương giao thân mật với Chúa Trời. Khi tôi nói chuyện với các mục sự, tôi cảm thấy rằng tôi hình như đang nói chuyện cùng những người buôn bán. Họ không thích nói về mối quan hệ với Chúa Trời, nhưng lại thích thú về thu nhập của hội thánh và tài sản của hội thánh. Họ thường xuyên nói về phát triển phương tiện này hay phương tiện kia, khai triển hội thánh v.v., họ giống y hệt như những người buôn bán dự định khải triển thị trường vậy. Tôi cảm thấy rất buồn trong lòng, tôi không biết lý do tại sao như vậy.

Trong lâu ngày tôi không thể xác định nguyên nhân của vấn đề này. Nhưng khi tôi chờ đợi câu giải đáp trước mặt Chúa Trời, và xem xét những điều răn trong Kinh Thánh, tôi bắt đầu thấy rõ căn nguyên của vấn đề này là thiếu sự phó thác. Những người sống trong xã hội tự do không thích phó thác cho Chúa Trời. Chính vì hội thánh không giảng dạy về sự phó thác mà đưa đến hậu quả là các hội thánh chết ở khắp nơi. Mỗi khi tôi đề cập đến chủ đề phó thác, nhiều người nói với tôi rằng: “Nếu bạn nói về sự phó thác, thì không ai muốn đi dự hội thánh hay trở thành Tín Đồ Cơ Đốc nữa. Cái giá thì quá cao!” Tôi đều trả lời như vậy: “Nhưng suốt bộ Kinh Thánh chỗ nào cũng giảng dạy về sự phó thác.”

Bởi vậy chúng ta sẽ tra khảo Kinh Thánh để coi Kinh Thánh nói gì về sự phó thác. Bạn đừng có nhận lấy ý kiến của tôi, nhưng hãy xem xét bộ Kinh Thánh giảng dạy cái gì.

Bộ Kinh Thánh chẳng những dạy về sự phó thác, mà từ Cựu Ước đến Tân Ước đều giảng dạy về sự phó thác hoàn toàn. Phó thác hoàn toàn là nền tảng của mối quan hệ với Chúa Trời. Kinh Thánh có khi nói về sự phó thác một cách dứt khoát, có khi là mang ngụ ý phó thác. Lời dạy mang ngụ ý phó thác có nghĩa là chỉ khi bao hàm sự phó thác thì lời dạy đó mới có nghĩa lý. Nếu bạn loại trừ thành phần phó thác thì lời dạy đó trở thành vô ý nghĩa.

Phó Thác Có Nghĩa Là Hết Lòng Hết Linh Hồn Hết Sức Kính Mến Chúa Trời

Bây giờ chúng ta học tập một vài đoạn Kinh Thánh giảng dạy về sự phó thác một cách rõ ràng dứt khoát. Chúng ta bắt đầu bằng những đoạn Kinh Thánh quen thuộc trong Cựu Ước.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5 – 7 5 Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức kính mến Gia-vê Chúa Trời ngươi. 6 Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi. 7 Ngươi hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến các lời ấy khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc đi ngoài đường, hoặc lúc nằm xuống hoặc khi ngươi thức dậy.

Bất cứ bạn nằm xuống hay thức dạy, đi ngoài đường hay ngồi trong nhà, bạn cũng phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức kính mến Gia-vê Chúa Trời. Ấy chính là phó thác hoàn toàn được trình bày một cách rõ ràng và đơn giản. Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13 lặp lại lời dạy bảo người Y-sơ-ra-ên phải kính mến Chúa Trời bằng cả sinh mạn của mình.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13 13 Vậy, nếu các ngươi chăm chỉ lắng nghe các điều răn ta truyền cho các ngươi ngày nay, hết lòng, hết linh hồn kính mến Gia-vê Chúa Trời ngươi, và phụng sự Ngài,

Chính lời dạy của Chúa Giê-su Christ trong Tân Ước xác định nguyên tắc này:

Ma-thi-ơ 22:37 37 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Chúa Trời ngươi.”

Bởi vậy, trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, phó thác hoàn toàn được bày tỏ trong sự kính mến Đức Gia-vê Chúa Trời bằng toàn bộ sinh mạng của mình.

Từ Ngữ “Phó Thác” Trong Kinh Thánh

Từ ngữ “phó thác” có phải ở trong Kinh Thánh không? hay là do tôi tự ý bịa đặt ra ?

Thi Thiên 31:5 5 Tôi phó thác linh hồn tôi vào tay Chúa: Hỡi Gia-vê, Chúa Trời chân thật, Chúa đã mua chuộc tôi.

Khi Chúa Giê-su chết trên cây thập giá, Chúa nói rằng:

Lu-ca 23:46 46 Chúa Giê-su bèn kêu lớn rằng: “Hỡi Cha, con phó thác linh hồn lại trong tay Cha!” Chúa vừa nói xong thì tắt hơi.

Phó thác linh hồn của mình cho Chúa Trời có nghĩa là giao cả sinh mạn của mình cho Ngài.

Thi Thiên 37:5 5 Hãy phó thác đường lối của ngươi cho Gia-vê, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ thành tựu việc ấy.

Châm Ngôn 16:3 3 Hãy phó thác các việc của ngươi cho Gia-vê, thì những kế hoạch ngươi sẽ được thành công.

1 Phi-e-rơ 4:19 19 Vậy những kẻ chịu khổ theo ý chỉ của Chúa Trời thì hãy phó thác linh hồn của mình cho Đấng Sáng Tạo thành tín, và tiếp tục làm những việc tốt lành.

2 Ti-mô-thê 1:12 12 Chính vì lý do này mà ta chịu khổ, nhưng ta chẳng hổ thẹn vì ta biết Đấng ta tin vào, chắc chắn rằng Ngài có quyền năng giữ gìn điều ta đã phó thác cho Ngài mãi đến ngày đó.

2 Ti-mô-thê 2:2 2 Những điều con đã nghe từ nơi ta ở trước mặt nhiều người nhân chứng, hãy phó thác cho những người trung tín mà cũng có khả năng dạy dỗ kẻ khác.

Trong nguyên văn Hy-lạp, “linh hồn” có nghĩa là sinh mạng. Cứu vớt linh hồn có nghĩa là cứu vớt sinh mạng. Hư mất linh hồn có nghĩa là hư mất sinh mạng. Trong câu Kinh Thánh trên, phó thác linh hồn mình có nghĩa là phó thác sinh mạng mình cho Chúa Trời, thật ra, ấy chính là nguyên tắc của đức tin trong Kinh Thánh. Qua đức tin chúng ta phó thác chính mình cho Chúa Trời; đức tin không phải chỉ là tin tưởng vào một vài học thuyết thôi.

Bạn tin tưởng rằng chiếc thang máy có thể đưa bạn lên lầu 2 thì khác hẳn với hành động bước vào chiếc thang máy đó. Nếu bạn không bước vào chiếc thang máy, cho dù bạn hết lòng tin tưởng rằng nó có thể đưa bạn lên lầu 2 nhưng bạn vẫn không thể lên đến lầu 2. Bạn phải bước vào chiếc thang máy và giao phó chính mình cho chiếc thang máy đó. Khi bạn giao phó chính mình cho chiếc thang máy, bạn không phải chỉ là tin tưởng rằng nó có thể đưa bạn lên lầu 2, mà bạn thật sự giao phó cho nó để nó đưa bạn lên.

Tương tự như vậy, bạn được cứu chuộc không phải chỉ tin tưởng rằng Chúa Trời có thể cứu vớt bạn. Ma quỉ cũng tin rằng Chúa Trời có một kế hoạch cứu chuộc loài người, nhưng tin tưởng đó chắc không thể cứu vớt nó. Ma quỉ cũng tin rằng Chúa Trời là một, nhưng chúng run sợ (Gia-cơ 2:19). Nếu bạn muốn được cứu chuộc, thì bạn phải tin tưởng vào Chúa Trời bằng cách phó thác chính mình cho Ngài.

Chúa Giê-su phó thác chính mình cho Chúa Trời Đức Cha, Chúa giao phó linh hồn của mình cho Ngài khi Chúa chịu khổ nạn và chết vì chúng ta:

1 Phi-e-rơ 2:23 23 Chúa bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó thác chính mình cho Ðấng xử đoán công bằng;

Phó Thác Và Hối Cải

Bây giờ chúng ta học tập những đoạn Kinh Thánh có ngụ ý phó thác.

Ma-thi-ơ 4:17 17 Từ lúc ấy Chúa Giê-su khởi sự truyền giảng rằng: “Các ngươi hãy hối cải, vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần.”

Trong Ma-thi-ơ 4:17 là lời giảng dạy đầu tiên của Chúa Giê-su sau khi Chúa chịu phép báp-tem, Chúa bắt đầu truyền giảng Tin Lành.

Hối cải có nghĩa là gì? Trong nguyên văn Hy-lạp, “hối cải” là sự thay đổi của tâm hồn, tư tưởng và thái độ. Hối cải là thay đổi cả cuộc đời của bạn. Trước kia bạn đi về một hướng, bây giờ bạn đi về hướng ngược chiều. Bạn nghĩ rằng bạn có thể hối cải mà không phó thác chăng? Này là một sự kiện mang ngụ ý phó thác. Cho dù không có nói ra sự phó thác một cách rõ ràng dứt khoát, nhưng chắc chắn không cách nào hối cải nếu bạn không phó thác. Đây không phải chỉ là một sự thay đổi bình thường, mà là một sự thay đổi hoàn toàn của tâm hồn.

Có một lần tôi lắng nghe lời làm chứng của một người trước kia thuộc bè đảng phi pháp ở thành phố Chicago. Người này thuật lại quá trình hối cải của mình để trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc. Khi người rời bỏ bè đảng phi pháp thì người ở trong tình trạng rất nguy hiểm. Những người trong bè đảng muốn giết người đi, tại vì người biết rất nhiều bí mật của họ. Người này có thể đi vào một trạm cảnh sát và khai ra tên tuổi của hết thảy những kẻ trong bè đảng phi pháp. Hơn nữa, tại vì người kiếm được tiền tài, nhà cửa và xe cộ đều là qua những việc phi pháp, khi người hối cải thì người phải hoàn trả lại tất cả số tiền đó.

Sự thay đổi như vậy thì không phải chuyện nhỏ đâu. Bạn có thể làm được những điều này nếu bạn không phó thác cho Chúa Trời không? Người này liều mạng sống của mình. Người bán đi toàn bộ sản nghiệp và hoàn trả lại số tiền cho người ta đến nỗi người chẳng còn gì hết.

Khi bạn và tôi muốn trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, không chừng thì không phải khó khăn như vậy, nhưng câu chuyện trên mô tả cho ta thấy thay đổi là khó khăn đến dường nào. Dù sao đi nữa, chúng ta đều phải thay đổi. Và trong bất cứ trường hợp nào, thay đổi đều cần sự phó thác. Nếu chúng ta không muốn phó thác, thì chúng ta không nên đề cập đến hối cải. Nếu chúng ta nói về sự hối cải mà không cần phó thác thì sự hối cải đó là trống rỗng.

Thông thường chúng ta chỉ nói đến “ăn năn”. “Ăn năn” có nghĩa là cảm thấy day dứt, đau xót trong lòng về lỗi lầm đã mắc phải. Nhưng ấy không phải là ý nghĩa trong nguyên văn Hy-lạp. Trong nguyên văn Hy-lạp là từ ngữ “hối cải”. Sự hối cải chân chính là sự thay đổi của tâm hồn và tư tưởng, chứ không phải chỉ là đau xót trong lòng về lỗi lầm đã phạm. Cảm thấy đau thương thì chưa đủ, chúng ta phải bằng lòng chấp nhận hậu quả của sự thay đổi nữa. Tên bè đảng phi pháp cũ này đã đau xót đến nỗi người bằng lòng liều mạng sống của mình, những người trong bè đảng phi pháp định giết người đi. Người này bán đi hết thảy mọi sản nghiệp mà thành ra tay trắng tay không. Người phải trả bằng cái giá của hết thảy tài sản của mình để trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc; ấy là một sự thay đổi cần sự phó thác hoàn toàn.

Bây giờ bạn thấy tại sao ở phần trên tôi nói rằng nếu loại trừ sự phó thác ra khỏi Kinh Thánh, thì chẳng có phần gì còn lại trong Kinh Thánh để đọc nữa, tại vì hết thảy lời dạy trong Kinh Thánh đều mang ngụ ý phó thác. Nếu bạn muốn giảng dạy Kinh Thánh một cách trung thành, thì bạn không thể bỏ qua thành phần phó thác.

Vương Quốc Của Chúa Trời

Bây giờ chúng ta tra khảo chủ đề “Vương quốc của Chúa Trời”, ấy là một chủ đề trung tâm trong Tân Ước và trong lời dạy của Chúa Giê-su. Bạn có thể rao truyền vương quốc của Chúa Trời mà không đề cập phó thác một cách dứt khoát hay ngụ ý về phó thác không? Không, trừ phi ban lìa xa ý nghĩa của vương quốc của Chúa Trời trong Kinh Thánh. Nhưng nếu bạn hiểu rõ ý nghĩa của phó thác, thì bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa của vương quốc của Chúa Trời. Nếu bạn loại trừ phó thác ra khỏi vương quốc của Chúa Trời, thì bạn chỉ còn lại một từ ngữ trống rỗng không còn ý nghĩa gì cả.

Vương quốc của Chúa Trời có nghĩa là vương quyền của Chúa Trời. Vương quốc của Chúa Trời tuyên dương Chúa Trời là vua. Từ ngữ “vương quốc” khiến người ta nghĩ đến lãnh thổ của một quốc gia, nhưng ấy không phải là ý nghĩa cơ bản trong Tân Ước. “Vương quốc của Chúa Trời” có ý nghĩa cơ bản là vương quyền của Chúa Trời, ấy là chỉ về cai trị của Ngài, luật lệ của Ngài và quyền hành của Ngài, chứ không phải nói về lãnh thổ của một nước.

Vương quyền của Chúa Trời có nghĩa là Chúa Trời là vua trong cuộc đời của bạn. Nếu bạn ngẫm nghĩ về ý nghĩa của điểm này, bạn sẽ thấy ấy là một sự thay đổi căn bản. Nếu không có phó thác thì không cách nào biến chuyển từ một cuộc sống tôn chính mình là trung tâm mà biến chuyển thành một cuộc sống tôn Chúa Trời là vua. Trong lối sống cũ, bạn muốn làm gì thì làm. Nếu bạn muốn phạm tội thì bạn cứ phạm tội. Nếu bạn muốn ích kỷ, thì bạn cứ làm việc ích kỷ. Nếu bạn muốn nổi giận thì bạn cứ tha hồ nổi giận.

Nhưng bây giờ bạn sống dưới vương quyền của Chúa Trời, bạn không được tha hồ làm bất cứ việc gì bạn muốn nữa. Bạn phải xin Chúa Trời cho phép mới được nổi giận.

“Chúa ơi, con bức tức lắm. Con có thể nổi giận không?”

“Không!”

“Vậy con phải làm sao bây giờ? Con sắp bùng nổ kìa!”

Bạn cứ im lặng và nhờ cậy vào Thánh Linh để đối phó với tính nóng nảy của bạn. Không phải là người Tín Đồ Cơ Đốc thì không bao giờ bực mình. Nhưng bạn không được nổi cơn giận và mất tiết độ, đập bàn ghé và quăng chén dĩa. Cho dù bạn bực mình nhưng bạn không được có những hành vi làm nhục Danh của Chúa Trời.

Ê-phê-sô 4:26 26 Anh em tức giận, nhưng đừng phạm tội; đừng mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn,

Tức giận bực mình chưa chắc là sai lầm. Khi chúng ta thấy tội lỗi hay bất công lan tràn, chúng ta bực mình trong lòng, nhưng chúng ta không bao giờ có những hành vi làm nhục Danh của Chúa Trời. Muốn làm được như vậy thì đồi hỏi đức tính tiết độ, ấy là một đức tính trong quả của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22 – 23).

Bạn có thể hàng phục dưới vương quyền của Chúa Trời mà lại không phó thác chăng? Chắc là không. Chúa Trời sẽ không bao giờ bắt buộc bạn phải sống dưới vương quyền của Ngài, đó là tự do lựa chọn của bạn. Nhưng lựa chọn sống dưới vương quyền của Chúa Trời thì đồi hỏi sự phó thác: “Con phó thác chính mình cho Chúa Trời và hàng phục dưới vương quyền của Chúa để đáp ứng lại tình yêu thương của Chúa đối với con.”

Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ tra khảo một chủ đề quan trọng: sự phó thác của Chúa Trời cho chúng ta. Chúng ta phải hiểu rõ rằng không phải chỉ là bạn phó thác cho Chúa Trời, mà Chúa Trời cũng phó thác cho bạn nữa. Nhưng đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của phó thác. Nếu không hiểu rõ ý nghĩa căn bản của phó thác, thì chúng ta sẽ không hiểu được những từ ngữ “hối cải”, “vương quốc của Chúa Trời”, tại vì bản chất của những từ ngữ này thì liên quan đến phó thác. Nếu bạn loại trừ thành phần phó thác, thì bạn chỉ còn lại những từ ngữ trống rỗng vô nghĩa.

Chúa Trời Có Phải Là Vị Vua Của Chế Độ Quân Chủ Lập Hiến Không?

Thật ra nhiều người coi vương quyền của Chúa Trời chỉ là một từ ngữ trống rỗng. Nhiều người coi Chúa Trời chỉ là vị vua của chế độ quân chủ lập hiến, tương tự như Nữ Hoàng nước Anh chỉ là một nữ hoàng của chế độ lập hiến vậy. Nữ Hoàng nước Anh được tôn là nữ hoàng nhưng không nắm quyền cai trị thật sự.

Việc này xảy ra trong đời sống của nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc. Bạn không chừng tôn Chúa Trời là Chúa là Vua, nhưng bạn cứ làm việc theo ý riêng của mình. Bạn là thủ tướng, là kẻ nắm quyền thật sự, còn Chúa Trời chỉ là vị vua của chế độ quân chủ lập hiến, Ngài không có quyền cai quản cuộc đời của bạn. Bạn chỉ mang cái danh là Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng không có phó thác cho Chúa Trời.

Nước Anh là một vương quốc, mà cũng là một nước dân chủ. Đáng lẽ một nước dân chủ thì không có vua chúa, tại vì dân chủ và vua chúa là trái ngược với nhau. Trên thật tế, một là vua chúa cai trị hay là dân chúng làm chủ. Nhưng ngày nay nước Anh tìm ra một cách thỏa hiệp, ông vua hay nữ hoàng vẫn được giữ lấy cái danh hiệu, nhưng không có quyền thật sự. Thủ tướng do dân chúng bầu lên nắm quyền cai trị. Thủ tướng và chính phủ soạn ra chương trình cho quốc hội, và nữ hoàng cứ ký tên phê chuẩn.

Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc làm những việc như vậy. Chúng ta quyết định mình sẽ làm gì, rồi trình cái kế hoạch lên cho Chúa Trời, Ngài là Chúa và Vua của ta, chúng ta nói rằng: “Xin ký tên vào hàng này và ban phước cho con.” Nhưng nếu Chúa Trời không ban phước cho chúng ta, thì tuần sau chúng ta hiến dâng ít hơn. Đáng lẽ chúng ta dự định hiến dâng $10, bây giờ ta chỉ hiến dâng $2 thôi, tại vì Chúa Trời không ban phước lành theo như ta muốn vậy.

Vương quyền của Chúa Trời thì không phải như vậy. Nếu bạn chỉ muốn Ngài là vị vua của chế độ quân chủ lập hiến trong cuộc đời của bạn, thì rốt cuộc bạn sẽ mất hết tất cả. Bạn có thể tự lừa dối mình, chứ bạn không thể lừa dối Chúa Trời. Cuộc đời của bạn là môt hoàng cung trống rỗng, Chúa Trời không có ở trong đó, và bạn cứ làm việc theo ý của mình thôi.

Bài Giảng Trên Núi

Bây giờ để chúng ta học tập “Bài giảng trên núi”, ấy là rất quan trọng để hiểu rõ lời dạy của Chúa Giê-su. Sở dĩ chúng ta không hiểu được “Bài giảng trên núi” là tại vì trong đầu óc chúng ta đã trừ bỏ phần phó thác trong bài giảng đó.

Khi bạn nhìn vào những người được Chúa Giê-su gọi là có phước, bạn nghĩ rằng người đời có coi những người như vậy là có phước không? Phước cho những kẻ nghèo khổ, nhưng người đời nghĩ rằng giàu sang mới là phước chứ. Phước cho những kẻ than khóc, ấy là trái ngược với định nghĩa của phước lành theo ý tưởng của người đời. Phước cho những kẻ nhu mì, nhưng người đời kính trọng những kẻ có địa vị cao và tính quả quyết. Phước lành sau cùng là “Phước cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công nghĩa”. Tại sao bị bắt bớ lại là phước lành? Khi người khác bắt bớ bạn chỉ vì bạn là Tín Đồ Cơ Đốc, bạn có nghĩ rằng ấy là một phước lành chăng?

Những chuyện mà Chúa Giê-su cho là phước lành, người đời không coi chúng là phước lành gì cả! Điểm này bày tỏ cái gì ? Ý tưởng của Chúa Trời là trái ngược với ý tưởng của người đời.

Ê-sai 55:8 – 9 8 “Vì ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta,” Gia-vê tuyên bố như vậy. 9 “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Tôi luôn luôn nói rằng bộ Kinh Thánh không phải do loài người bịa đặt ra, chỉ vì lời dạy trong Kinh Thánh thì khác hẳn với ý tưởng của chúng ta. Chỉ tìm hiểu ý nghĩa trong Kinh Thánh đã khó khăn biết bao, đừng nói chi là bịa đặt ra những lời dạy đó, bởi vì ấy là hoàn toàn trái ngược hẳn với tính tư nhiên của loài người. Xin hỏi bạn có thể làm những chuyện khác hẳn với tính tự nhiên của bạn không? Bạn chắc làm không được nếu không có sự phó thác và không có ân điển của Chúa Trời.

Sự Phó Thác Và Ân Điển

Sự phó thác và ân điển là dính liền với nhau. Rất ít người kinh lịch ân điển và quyền năng của Chúa Trời chỉ vì rất ít người phó thác cho Chúa Trời. Chúng ta không cách nào đạt được yêu cầu của Chúa Trời nếu không có sự phó thác và ân điển của Ngài. Chúng ta không hiểu được lời dạy của Ngài, cho nên cũng không thực hành được trừ phi ân điển của Chúa Trời phối hợp với sự phó thác của ta.

Nếu bạn thật sự phó thác cho Chúa Trời, bạn sẽ nói rằng: “Chúa Trời ơi, điều này con không cách nào làm nổi. Nhưng tại vì Chúa mệnh lệnh như vậy, con sẽ nhờ vào ân điển của Chúa mà ráng làm.” Rồi bạn sẽ kinh lịch quyền năng trong lời dạy của Ngài.

Nếu bạn không phó thác cho Chúa Trời thì bạn không thể thực hành bất cứ điều gì trong lời dạy của Chúa Giê-su. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm vâng phục lời dạy của Chúa Giê-su và để cho tám phược lành được thành tựu trọn vẹn trong cuộc đời của mình, thì ta có thể đọc đoạn Kinh Thánh kế tiếp sau tám phước lành này.

Ma-thi-ơ 5:13 – 14 13 Các ngươi là muối của đất; nhưng nếu muối mất mặn đi, thì lấy gì mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ có bị quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. 14 Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành trên núi thì không khi nào bị che khuất được,

Chúng ta khá quen thuộc hai câu Kinh Thánh này, nhưng thông thường hội thánh lại không phải là muối của đất và sự sáng của thế gian. Nguyên nhân của vấn đề là tại vì thiếu sự phó thác. Bạn không thể nhảy qua phần “Tám phước lành” mà đi đến câu 13 và 14. Nếu bạn thử nhảy qua “Tám phước lành” để trở thành muối của đất, bạn làm không được! Chỉ khi bạn quyết tâm làm trọn vẹn “Tám phước lành”, bạn nói rằng: “Chúa Trời ơi, con vui lòng trở thành nghèo khổ trong tâm linh, than khóc cho tội lỗi, trở thành một người tạo nên bình yên, vui lòng bị bắt bớ vì sự công nghĩa,” rồi bạn mới có thể trở thành muối của đất.

Nếu ai nói rằng hội thánh có thể trở thành muối của đất mà không cần đến “Tám phước lành”, ấy là nói chuyện phi lý. Đầu tiên chúng ta phải vui lòng trở thành nghèo khổ trong tâm linh, than khóc cho tội lỗi và bị bặt bớ vì sự công nghĩa. Rồi nhờ cậy vào quyền năng biến đổi của Chúa Trời mà chúng ta có thể trở thành muối và sự sáng. Hội thánh thì tràn đầy những Tín Đồ Cơ Đốc chưa bị biến đổi, họ chưa hề kinh lịch quyền năng biến đổi của Chúa Trời.

Chúng ta có muốn phó thác cho Chúa Trời để Ngài biến đổi chúng ta không? Chỉ khi chúng ta phó thác hoàn toàn cho Ngài rồi ta mới kinh lịch quyền năng của Ngài và nhận biết Ngài quả thật là Đấng Chúa Trời hằng sống.

Ê-phê-sô 5:8 8 Vả, trước kia anh em là tối tăm, nhưng bây giờ anh em là ánh sáng trong Chúa. Hãy bước đi như con cái của ánh sáng;

Đây là một sự thay đổi từ tối tăm trở thành ánh sáng trong Chúa. Khi bạn quyết tâm nhận lấy sự biến đổi và hậu quả của sự biến đổi, thì quyền năng của Chúa Trời đến vào cuộc đời của bạn và biến đổi bạn thành một con người mới.

Quyết Tâm Không Phạm Tội Lội

Ma-thi-ơ 5:29 – 30 29 Vậy nếu con mắt bên hữu gây cho ngươi phạm tội, thì hãy móc nó ra và quăng nó cho xa ngươi đi; vì chẳng thà chịu một phần thân thể ngươi bị hủy hoại còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. 30 Lại nếu tay hữu gây cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt nó ra mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì chẳng thà chịu một phần thân thể ngươi bị hủy hoại còn hơn là cả thân thể ngươi đi vào địa ngục.”

Này mới là sự phó thác chân thật. Thật ra ngay cả từ ngữ “phó thác” vẫn chưa đủ để diễn tả hành động quả quyết và không thỏa hiệp này, thậm chí khiến người hoảng sợ. Bạn phải quyết tâm chặt tay hữu của mình nếu nó gây cho bạn phạm tội. Nếu không có một sự phó thác như vậy, Chúa Giê-su cảnh cáo rằng chúng ta sẽ đi vào địa ngục.

Lẽ dĩ nhiên Chúa Giê-su không phải là nông cạn, và Chúa không phải nói rằng bạn có thể đối phó vấn đề tội lỗi bằng cách chặt cánh tay của mình ra. Không chừng chúng ta nên chặt cái đầu ra thì phải, tại vì cho dù cánh tay bị chặt đi rồi nhưng đầu óc của ta vẫn có thể tưởng tượng những chuyện tội lỗi. Trong câu trước (Ma-thi-ơ 5:28), Chúa Giê-su nói rằng vấn đề tội lỗi là ở trong lòng.

Ma-thi-ơ 5:28 28 Nhưng ta nói cho các ngươi biết: “Hễ ai nhìn một người đàn bà với lòng tham muốn đàn bà ấy, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người đàn bà ấy rồi.

Chúa Giê-su dùng những từ ngữ rất mạnh để cường điệu sự cần thiết của phó thác hoàn toàn. Chúa không phải nói rằng bạn cần phải thật sự chặt ra cánh tay của mình, nhưng bạn phải có quyết tâm không phạm tội và sự phó thác hoàn toàn. Chẳng thà mất đi cánh tay hay con mắt còn hơn là bị ném vào địa ngục.

Tại sao chúng ta cần phải có quyết tâm như vậy? Tại vì Chúa Trời là Đấng Thánh Sạch. Ngài là Đấng Chúa Trời yêu thương nhưng đồng thời cũng là thánh sạch. Thánh sạch là điều dạy trung tâm của Kinh Thánh, nhưng hội thánh ngày nay không nhấn mạnh về điểm này nữa. Phó thác cho Chúa Trời tức là phó thác cho sự công nghĩa. Nếu chúng ta tách rời thánh sạch khỏi Chúa Trời và nghĩ rằng chúng ta có thể phó thác cho Chúa Trời mà không phó thác cho công nghĩa, thì chúng ta vẫn không hiểu rõ lời dạy trong Kinh Thánh.

Kinh Lịch Lẽ Thật

Bằng cách nào mà chúng ta có thể nhận biết lẽ thật trong lời dạy của Chúa?

Giăng 7:17 17 Nếu ai quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Trời thì sẽ nhận biết lời dạy của ta có phải là bởi Chúa Trời hay là ta nói theo ý của ta.

Này lại là kêu gọi về phó thác. Nếu bạn phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, bạn sẽ nhận biết một lời dạy là chân thật hay giả dối và lời dạy đó có phải từ Chúa Trời hay là từ loài người.

Tôi tin tưởng hoàn toàn vào lẽ thật của Chúa Trời tại vì từ lúc tôi tin vào Ngài nhiều năm về trước tôi luôn luôn thực hành câu Kinh Thánh này. Tôi có thể làm chứng rằng câu này là chân thật. Tôi đặt cả sinh mạng của tôi trên câu này, và tôi biết rằng điều mà Chúa Giê-su nói ở đây là chân thật. Nếu bạn vui lòng phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, bạn sẽ kinh lịch được Chúa Trời là Đấng Hằng Sống !

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church