You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (13)

Phó Thác Hoàn Toàn (13)

Ai Là Người Lân Cận Của Tôi?

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Lời Dạy Của Chúa Giê-su Sẽ Xét Đoán Chúng Ta Vào Ngày Sau Cùng

Giăng 12:48 48 Người nào khước từ ta và không tiếp nhận lời ta thì đã có kẻ xét đoán rồi; Chính lời ta đã rao giảng sẽ xét đoán người vào ngày sau cùng.

Chúa Giê-su nói rằng chính lời giảng dạy của Chúa sẽ xét đoán chúng ta vào ngày sau cùng. Khi chúng ta đã được nghe lời dạy của Chúa rồi, thì căn cứ theo tiêu chuẩn của lời dạy ấy mà chúng ta sẽ bị xét đoán; Hay nói một cách khác, chúng ta sẽ được thưởng hay bị trừng phạt tùy thuộc vào ta đã vâng giữ những lời dạy ấy hay không.

Nhưng một mặt khác, nếu lời dạy của Chúa khiến lòng ta hăng say, chúng ta đặt toàn bộ tâm trí sức lực để thực hành lời của Chúa, thì chúng ta không cần sợ hãi sẽ bị trừng phạt hay không.

Chúa Trời Đức Gia-vê Sẽ Làm Những Điều Mới

Ê-sai 42:9 9 Này, những điều trước tiên đã ứng nghiệm rồi, bây giờ ta lại tuyên bố cho các ngươi những điều mới; trước khi chúng xảy ra ta báo cho các ngươi biết.

Chúa Trời Đức Gia-vê nhờ tiên tri Ê-sai tuyên bố rằng Ngài sẽ làm những điều mới, trước khi những điều ấy xảy ra thì Ngài đã báo trước cho người dân của Ngài biết. Những điều đó là cái gì?

Ê-sai 43:19 – 21 19 Này, ta sắp làm một việc mới, việc này sẽ hiện ra ngay; các ngươi há chẳng biết sao? Ấy là ta sẽ làm một con đường trong đồng vắng, tạo các con sông ở sa mạc. 20 Các thú vật trên đồng, chó rừng và chim đà điểu sẽ tôn vinh ta; vì ta đã ban nước trong đồng vắng và các sông trong sa mạc, để cho người dân mà ta đã chọn được uống. 21 Dân mà ta đã dựng nên cho ta sẽ tuyên bố lời ca ngợi ta.

Câu 19 nói rằng Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ làm một việc mới, ấy là Ngài sẽ tạo các con sông ở sa mạc. Câu 20 nói rằng các con sông trong sa mạc sẽ cung cấp nước uống cho người dân của Ngài, và họ sẽ dâng lời ngợi khen Ngài.

Đoạn Kinh Thánh trên nhắc ta nhớ đến lời của Chúa Giê-su:

Giăng 7:38 – 3938 Người nào tin vào ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy ra từ trong lòng, đúng như Kinh Thánh đã dạy.” 39 Chúa phán điều đó là chỉ về Thánh Linh mà những người tin vào Chúa sẽ được nhận lãnh; bởi bấy giờ Thánh Linh còn chưa ban xuống, tại vì Chúa Giê-su chưa được vinh hiển.

Những người đã tin vào Chúa Giê-su sẽ có sông nước hằng sống chảy ra từ trong lòng họ, mà sông nước hằng sống này sẽ chảy về đâu? Chảy về sa mạc, chảy về sa mạc thuộc linh mà họ đang ở, và tại đó họ sẽ ca ngợi Chúa Trời. Sông nước hằng sống là cung cấp bởi Thánh Linh. Họ sẽ được uống nước của con sông hằng sống, rồi chính họ sẽ trở nên những con sông như vậy. (Xin đọc bài giảng “Sông Nước Hằng Sống Chảy Ra Từ Trong Lòng”)

Nhưng khi chúng ta nhìn vào hội thánh ngày nay, các Tín Đồ Cơ Đốc có phải là các con sông trong sa mạc không? Họ có phải đang cung cấp nước uống cho vô số người đời trên thế gian này không?

Người Dân Của Chúa Trời Có Trách Nhiệm Yêu Thương Lẫn Nhau

Tôi càng suy ngẫm về lời dạy của Chúa Giê-su về yêu thương người lân cận như mình, thì tôi càng thấy hai chữ “như mình” là quan trọng đến dường nào. Chúng ta không thích hai chữ này, tại vì hai chữ này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình (Xin đọc bài giảng trước “Như Mình”).

Nếu bạn hết lòng hết sức thực hành điều răn này của Chúa Giê-su thì chứng tỏ rằng bạn quả thực là người dân của Chúa Trời mà Ngài đã lựa chọn. Ngược lại, nếu chúng ta tự xưng mình là Tín Đồ Cơ Đốc nhưng lại không vâng giữ điều răn này, thì chúng ta sẽ bị trừng phạt vào Ngày Phán Xét.

1. Yêu thương là cách duy nhất để chứng tỏ rằng chúng ta là Tín Đồ Cơ Đốc

1 Giăng 3:14 – 16 14Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, tại vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết. 15Ai ghét anh em mình thì là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người lại có sự sống đời đời ở trong mình. 16 Bởi đó chúng ta nhận biết tình yêu thương, ấy là Chúa đã từ bỏ sự sống của mình vì chúng ta; và chúng ta cũng nên từ bỏ sự sống của mình vì anh em vậy.

Câu 14 nói về vượt khỏi sự chết qua sự sống, ấy chính là cuộc sống của người Tín Đồ Cơ Đốc. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này, chỉ có một cách duy nhất để chứng tỏ rằng chúng ta đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, ấy là chúng ta yêu thương anh em mình.

2. Yêu thương không giới hạn

Các bạn thấy sự khác biệt lớn lao giữa sự yêu thương có giới hạn và sự yêu thương không giới hạn không? Nếu chúng ta chỉ nói rằng: “Yêu thương người lân cận”, ấy là dễ dàng quá, chúng ta có thể thực hành câu nói này bằng sự yêu thương rất giới hạn. Khi tôi cho người lân cận 20 đồng thì ấy cũng là một hành động yêu thương chứ, tôi đã yêu thương người rồi. Nhưng Chúa Giê-su nói rằng: “Yêu thương người lân cận như mình”, điều răn này đòi hỏi sự yêu thương không giới hạn. Bạn không thể vượt khỏi sự chết qua sự sống vì bạn cho người lân cận 20 đồng, bạn có thể vượt khỏi sự chết qua sự sống chỉ khi bạn yêu thương người lận cận như mình.

Câu 16 nói rằng tại vì Chúa đã từ bỏ sự sống của mình vì chúng ta, chúng ta cũng nên từ bỏ sự sống của mình vì anh em. Chúng ta có trách nhiệm phải yêu thương lẫn nhau. Này là một trách nhiệm của Tín Đồ Cơ Đốc, chúng ta không thể chạy trốn được.

3. Định nghĩa của “ghét”

Câu 15 nói rằng ai ghét anh em mình là kẻ giết người. Bạn chắc nói rằng: “Tôi không có ghét anh em tôi.” Nhưng bạn phải đọc câu 14 và câu 15 cùng một lượt. Câu 14 nói về yêu thương là bằng chứng của vượt khỏi sự chết qua sự sống, ai không yêu thì còn ở trong sự chết, rồi câu 15 nói đến ai ghét anh em là kẻ giết người. Căn cứ theo văn cảnh của đoạn Kinh Thánh trên, không yêu thương thì chính là ghét. Nếu bạn không yêu thương anh em, thì tương đương với bạn ghét anh em mình. Ấy là định nghĩa của “ghét” của Sứ Đồ Giăng. Ai không yêu thì còn ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình chẳng những là ở trong sự chết, mà là kẻ giết người nữa.

Tại sao Sứ Đồ Giăng dùng chữ “ghét” để mô tả những người không yêu thương anh em? Mà Sứ Đồ Giăng còn nói rằng ai ghét anh em mình thì là kẻ giết người. Tiêu chuẩn này thì cao quá!

Bạn hãy ngẫm nghĩ coi, nếu bạn không yêu một người, thì cho dù người ấy đả kích phê bình bạn, nhưng chuyện đó không có ảnh hưởng lớn trong tâm hồn của bạn, tại vì người ấy không quan trọng gì cả đối với bạn. Ngược lại, nếu bạn yêu thương nột người, mà người ấy chỉ nói một lời thô lỗ đối với bạn, thì bạn cảm thấy rất đau lòng tựa như bị một con dao đâm vào trái tim vậy. Xin bạn hãy để ý, “một con dao đâm vào trái tim”, đó chính là giết người.

Đa số người không biết gìn giữ mối tình yêu thương, chúng ta cứ hủy diệt mối quan hệ bằng những lời thô lỗ hay hành động vô lễ. Khi chúng ta hủy diệt mối tình yêu thương thì cũng là hủy diệt tấm lòng của người khác nữa.

Trong cuộc hôn nhân thì có mối tình yêu thương thân mật giữa hai vợ chồng, chính vì thế mà chỉ một lời vô lễ của người vợ của bạn hay người chồng của bạn thì có thể khiến bạn đau lòng vô cùng. Về một mặt khác, nếu các kẻ thù của bạn hợp lại phê bình đả kích bạn, bạn chắc cũng bực tức lắm, nhưng bạn không thấy đau lòng bằng một lời vô lễ của người vợ hay người chồng.

Tình hình trong hội thánh cũng tương tự như vậy, chúng ta là anh chị em của cùng một Đức Cha, chúng ta là các chi thể của Chúa Giê-su Christ, giữa chúng ta có mối tình yêu thương nồng hậu. Chính vì vậy mà chúng ta càng phải cẩn thận trong lời nói và hành vi, chỉ một lời không cẩn thận thì có thể khiến anh chị em đau lòng, và mối quan hệ bị phá tan tành.

4. Phủ nhận yêu thương sẽ đưa đến hậu quả bị xét xử trước tòa án thuộc linh

Ma-thi-ơ 5:22 22 Nhưng ta nói cùng các ngươi: “Hễ ai tức giận anh em mình thì đáng bị xét xử. Ai mắng nhiếc anh em mình là ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xét xử; ai mắng anh em mình là ngu dại thì đáng bị ném vào lửa địa ngục.”

Tại sao Chúa Giê-su lại nói những lời nghiêm khắc như thế? Ai tức giận anh em mình thì đáng bị xét xử. Tức giận là một thái độ ở trong lòng. Từ thái độ tức giận này sẽ dẫn đến mắng nhiệc anh em. Ra-ca là tiếng A-ram, có nghĩa là đầu óc trống rỗng. Ai mắng nhiếc anh em mình là đầu óc trống rỗng thì sẽ bị tòa công luận xét xử; ai mắng nhiệc anh em mình là ngu dại thì sẽ bị ném vào lửa địa ngục.

Chúa không phải nói về tòa án ở Y-sơ-ra-ên. Các tòa án ở Y-sơ-ra-ên không xét xử những chuyện cãi cọ này. Ở đây Chúa đang nói về tòa án thuộc linh vào Ngày Phán Xét. Ở phần trên chúng ta đã thấy rằng khi người thân yêu của bạn nói một lời vô lễ hay thô lỗ đối với bạn, thì bạn thấy đau lòng vô cùng tựa như bị một con dao đâm vào trái tim vậy. Mà hai chữ “anh em” trong đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng Chúa Giê-su đang nói về các anh chị em Tín Đồ trong hội thánh. Giữa các anh chị em trong hội thánh thì chắc có tình yêu thương nồng hậu. Nếu tôi mắng nhiếc một anh Tín Đồ là ra-ca hay ngu dại, thì mối tình yêu thương sẽ bị phá hủy hoàn toàn, và tâm linh của anh ấy cũng bị giết hại. Bởi vậy tôi sẽ chịu phán xét trong tòa án thuộc linh. (Xin đọc bài giảng “Tức Giận Và Giết Người – Bình Yên Và Nên Thánh” để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên)

Có bao nhiêu lần chúng ta cứ nói những lời vô lễ thô lỗi đối với các anh chị em trong hội thánh. Chúng ta đều phải cầu xin Chúa Trời tha tội và tẩy sạch tội lỗi của ta bằng huyết báu của Con Ngài.

5. Yêu thương là đảm bảo của ơn cứu chuộc

Ở phần trên chúng ta đã giải thích đoạn Kinh Thánh 1 Giẳng 3:14 – 16, bây giờ chúng ta đọc tiếp 1 Giăng 3:18 – 22.

1 Giăng 3:18 – 22 18 Hỡi các con bé nhỏ, đừng yêu thương chỉ bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng hành động và lẽ thật. 19 Nhờ đó chúng ta biết mình thuộc về lẽ thật, và khiến lòng chúng ta vững chắc ở trước mặt Ngài 20 khi lòng chúng ta cáo trách mình; vì Chúa Trời là lớn hơn lòng chúng ta và Ngài nhận biết mọi sự. 21 Hỡi các con rất yêu dấu, nếu lòng chúng ta không cáo trách mình thì chúng ta có lòng vững chắc trước mặt Chúa Trời; 22 và chúng ta cầu xin bất cứ điều gì thì nhận được điều ấy vì chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên, tình yêu thương đối với anh chị em thì liên quan đến mối quan hệ cùng với Chúa Trời. Nếu chúng ta yêu thương anh chị em một cách chân thành thì ta có lòng vững chắc trước mặt Ngài. Nếu lòng chúng ta không cáo trách mình thì ta cầu xin bất cứ điều gì và nhận được điều ấy, tại vì chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Nếu bạn cầu nguyện mà Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của bạn, ấy là tại vì bạn không có vâng giữ điều răn yêu thương người lân cận như mình, bạn không chịu từ bỏ sự sống của mình vì anh em (xin tham khảo 1 Giăng 3:16 ở trên). Nếu bạn muốn đạt được mối quan hệ thân mật cùng với Chúa Trời thì bạn phải vâng giữ điều răn về yêu thương. Ấy là đảm bảo của ơn cứu chuộc, là căn bản của mối quan hệ thân mật cùng với Ngài.

Mối Tình Yêu Thương Không Tìm Cầu Sự Báo Ơn

Trong bài giảng trước, chúng ta đã thấy Chúa Giê-su dùng ví dụ của một người Sa-ma-ri để giảng giải ý nghĩa của điều răn “yêu thương người lân cận như mình” (Xin đọc bài giảng trước “Như Mình”). Bây giờ chúng ta tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của ví dụ này.

Lu-ca 10:25 – 37 25 Bấy giờ một thầy dạy Luật đứng lên để thử Chúa rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 26 Chúa nói rằng: “Trong Luật Pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” 27 Ông thầy dạy Luật trả lời rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như mình.” 28 Chúa nói rằng: “Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó thì sẽ được sống.” 29 Nhưng thầy ấy muốn chứng tỏ mình là công nghĩa, nên nói cùng Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” 30 Chúa Giê-su trả lời rằng: “Một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, người bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo của người, đánh đập người, rồi bỏ đi, để lại người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy người ấy, cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy người ấy thì động lòng thương xót; 34 người bèn áp lại, băng bó vết thương, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương; rồi người cho kẻ bị thương cỡi trên con lừa của mình, chở đến nhà quán trọ mà săn sóc cho. 35 Hôm sau, người lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả cho.” 36 Trong ba người đó, ngươi nghĩ ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Thầy dạy Luật nói rằng: “Ấy là kẻ đã có lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su nói rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Khi người Sa-ma-ri trông nom kẻ bị thương này, người có hè nghĩ đến sau này kẻ bị thương sẽ báo ơn cho mình không? Câu trả lời thì rất hiển nhiên, người Sa-ma-ri không biết kẻ bị thương này có thể sống còn hay không, tại vì người này bị thương nặng quá, biết đâu người sẽ chết đi ngày hôm sau. Cho nên người Sa-ma-ri không hề nghĩ đến sau này kẻ bị thương sẽ báo ơn cho mình.

Này là một điểm rất quan trọng. Yêu thương người lân cận như mình là mối tình yêu thương không tìm cầu sự báo ơn. Điều răn “yêu thương người lân cận như mình” là trọng tâm của Giao Ước cũ và Giao Ước mới. Này là mối tình yêu thương giao ước tương tự như mối tình giao ước giữa Đa-vít và Giô-na-than, cũng tương tự như mối tình giao ước giữa hai vợ chồng vậy. Nhưng chúng ta yêu thương người lân cận như mình không phải cầu mong người lân cận cũng yêu thương chúng ta cùng một thể ấy. Trong mối tình yêu thương chân chính thì không hề nghĩ đến lợi ích của mình.

Một động cơ thuần túy là rất mực quan trọng, bằng không chúng ta yêu thương người lân cận là để tìm cầu lợi ích cho chính mình thôi.

Mối Tình Yêu Thương Không Liên Quan Đến Cảm Xúc Ưa Thích

Yêu thương người lân cận như mình thì không có liên quan gì đến cảm xúc ưa thích hay không. Thông thường người Sa-ma-ri không ưa thích người Do Thái, tại vì người Do Thái khinh bỉ họ. Bởi vậy người Sa-ma-ri này giúp đỡ kẻ bị thương không phải vì người ưa thích kẻ bị thương. Ngược lại người Sa-ma-ri này phải ráng khắc phục cảm xúc không ưa thích mới có thể đi cứu trợ kẻ bị thương này.

Người Lân Cận Thì Phải Làm Gì?

Trong đoạn Kinh Thánh trên, ông thầy dạy Luật hỏi Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” Chúa Giê-su kể ví dụ của người Sa-ma-ri, rồi Chúa hỏi ông này rằng: “Ai là người lân cận của kẻ bị thương?” Ông này đáp rằng người lân cận là người đã thương xót kẻ bị thương này. Rồi Chúa bảo ông này hãy đi và làm theo như vậy. Chúa Giê-su giảng giải cho ông này thấy một người lân cận thì phải làm gì thay vì giảng cho ông này biết định nghĩa của một người lân cận.

Người Lân Cận Của Tôi Là Người Bị Lâm Vào Tình Trạng Cực Kỳ Nguy Nan

Khi người Sa-ma-ri nhìn thấy kẻ bị thương nằm trên đường, người Sa-ma-ri biết rằng nếu mình không cứu trợ người này thì người chắc sẽ chết. Từ cách ăn mặc của kẻ bị thương mà người Sa-ma-ri biết rằng ấy là một người Do Thái, nhưng điều đó không có quan trọng gì cả. Điều quan trọng nhất lúc đó là băng bó vết thương của người, rồi đưa người đến chỗ an toàn.

Chúa Giê-su dùng ví dụ này để giảng giải rằng người lân cận của tôi là người bị lâm vào tình trạng cực kỳ gian nan nghèo khổ. Kẻ bị thương này không còn cách nào để tự cứu lấy mình nữa, người trở nên kẻ nghèo khổ tuyệt vọng nhất. Và Chúa Giê-su nói rằng ấy chính là người lân cận của chúng ta. Khi chúng ta gặp những người như vậy thì ta nên yêu thương họ như chính mình vậy.

Chúng Ta Phải Từ Bỏ Tất Cả Những Gì Ta Có Mới Có Thể Thực Hành Điều Răn “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình”

Vậy người lân cận của chúng ta là những người bị lâm vào tình trạng cực kỳ gian nan nghèo khổ. Bây giờ chúng ta áp dụng định nghĩa này vào đoạn đối thoại giữa Chúa Giê-su và người trẻ tuổi giàu sang. Chúng ta đã nói sơ qua cuộc đối thoại này trong bài giảng trước “Như Mình”. Bây giờ chúng ta đọc lại một lần nữa đoạn Kinh Thánh này.

Ma-thi-ơ 19:16 – 21 16 Bấy giờ có một người đến hỏi Chúa rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời?” 17 Chúa Giê-su đáp rằng: “Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn được vào sự sống, thì hãy giữ các điều răn.” 18 Người đó hỏi: “Những điều răn gì?” Chúa Giê-su nói rằng: “Đừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; 19 hãy hiếu kính cha mẹ; và hãy yêu thương người lân cận như mình.” 20 Người trẻ đó nói rằng: “Tôi đã giữ hết các điều này; tôi còn thiếu điều gì nữa?” 21 Chúa Giê-su phán rằng: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà tặng cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.”

Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc nói rằng mệnh lệnh “bán hết gia tài mà tặng cho kẻ nghèo nàn” là dành riêng cho người trẻ tuổi giàu sang này, Chúa Giê-su chỉ đòi hỏi người trẻ này vâng giữ mệnh lệnh này, nhưng Chúa không có đòi hỏi tất cả Tín Đồ Cơ Đốc vâng giữ điều này.

Khi Chúa Giê-su nhắc đến điều răn “yêu thương người lân cận như mình”, người trẻ tuổi này đáp rằng: “Tôi đã giữ hết các điều này” (câu 19 và 20 ở đoạn Kinh Thánh trên). Nếu Chúa Giê-su hỏi tôi: “Con đã thực hành yêu thương người lân cận như mình chưa?” Tôi sẽ đáp rằng: “Thưa Chúa, con chưa thực hành điều răn này.” Tôi không dám nói như người trẻ tuổi này vậy. Người trẻ này dám nói rằng người đã giữ điều răn này, điểm này chứng tỏ rằng người không hiểu rõ ý nghĩa của điều răn này. Người chắc đã quyên tặng nhiều tiền bạc cho việc từ thiện, cho nên người mới dám nói vậy. Nhưng yêu thương người lân cận như mình thì không phải chỉ là quyên tặng một chút tiền bạc cho người nghèo là xong.

Hồi đó ở nước Y-sơ-ra-ên đa số người dân là rất nghèo, họ không có đủ ăn đủ mặc, thường phải nhịn đói chịu lạnh. Căn cứ theo lời của Chúa Giê-su trong ví dụ của người Sa-ma-ri, người lân cận là những người ở trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan nguy hiểm. Nếu người trẻ này quả thật yêu thương người lân cận như mình, thì người phải giúp đỡ những người nghèo khổ tuyệt vọng ở Y-sơ-ra-ên. Nếu người phải giúp đỡ bao nhiêu người nghèo khổ tuyệt vọng, người chỉ có một cách duy nhất là bán hết gia tài mà tặng cho kẻ nghèo nàn.

Nếu chúng ta muốn thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình” thì ta phải từ bỏ tất cả những gì ta có. (Xin đọc bài giảng “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (2)” để hiểu rõ giải thích của đoạn Kinh Thánh này)

Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình Là Cung Cấp Những Điều Cần Thiết Cho Người

Khi tôi thấy một người đang gặp cực kỳ gian nan nguy hiểm, nếu tôi muốn yêu thương người này như mình, thì cho dù người là kẻ thù của tôi, tôi cũng phải hết lòng giúp đỡ người này. Trong ví dụ của người Sa-ma-ri, kẻ bị thương là người Do Thái, họ thường khinh bỉ người Sa-ma-ri. Nhưng người Sa-ma-ri đó vẫn hết lòng giúp đỡ người.

Bởi vậy yêu thương người lân cận như mình là cung cấp những điều cần thiết để giúp đỡ người. Nếu người cần đồ ăn thì cho đồ ăn, nếu người cần áo lạnh thì cho áo lạnh, nếu người đang bị bịnh bị thương thì ta phải tìm cách chữa trị cho người. Đó là những hành động rất thực tế, chứ không phải là tình cảm yêu mến trong lòng.

Yêu thương người lân cận như mình thì không có liên quan đến mối tình cảm êm dịu yêu mến đối với người lân cận. Nếu người lân cận mà chúng ta gặp là kẻ thù địch của mình, mặc dầu chúng ta không có tình cảm yêu mến đối với kẻ thù, nhưng chúng ta cứ làm những việc cần thiết thực tế để giúp đỡ người. Khi bạn cần một món đồ gì thì bạn cứ đi mua món đồ đó cho mình, bạn không hề nghĩ đến phải có mối tình cảm êm dịu trong lòng của mình trước, rồi mới đi mua món đồ ấy.

Bởi vậy, nếu bạn không có mối tình cảm êm dịu yêu mến đối với một người, bạn đừng có tự khiển trách mình rằng: “Tôi đã phạm tội lỗi nặng, tại vì tôi không yêu mến người này.” Câu hỏi quan trọng nhất là: “Nếu người này đang ở trong tình trạng gian nan, bạn có chịu hết lòng hết sức giúp đỡ người này không?” Nếu bạn sẵn sàng hết lòng hết sức giúp đỡ người này khi người gặp gian nan, thì bạn đã thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình”.

Về một mặt khác, yêu thương người lân cận như mình thì không nên xét đoán người lân cận. Chúng ta thường hay căn cứ vào cảm nghĩ trong lòng của mình đối với người ta mà xét đoán người ta. Thông thường cảm nghĩ trong lòng của chúng ta là hoàn toàn sai lầm, cho nên sự xét đoán của ta cũng hoàn toàn sai lầm.

Nhiều người không thích người này người kia chỉ vì họ có những cảm nghĩ sai lầm về người khác. Có một câu chuyện là như vậy: Một người đi dự buổi thờ phượng Chúa Nhật trong nhà thờ. Trong buổi thờ phượng, một thành viên trong đội hợp ca của nhà thờ cứ ngưỡng mắt nhìn vào trần nhà trong khi ca các bản tụng ca. Khi người này thấy vậy thì người cho rằng thành viên đó là tự hào về tài năng của mình. Sau khi buổi thờ phượng kết thúc, người này mới biết rằng thành viên đó là mù, mà người mù thì thường hay nhìn lên không trung.

Thánh Linh Là Nguồn Năng Lực Giúp Đỡ Chúng Ta Thực Hành Điều Răn “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình”

Các bạn chắc thấy rằng chúng ta cần phải có năng lực thuộc linh lớn mới có thể thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình.” Năng lực lớn lao này chính là từ Thánh Linh của Chúa Trời đúng như đoạn Kinh Thánh Giăng 7:38 – 39 chúng ta đã đọc ở trên: “Người nào tin vào ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy ra từ trong lòng”.

Tôi vừa mới nói đến đừng xét đoán người khác, nhất là đừng căn cứ vào cảm nghĩ trong lòng của mình đối với người ta mà xét đoán người ta. Mỗi khi chúng ta xét đoán người ta thì ngay lập tức Thánh Linh khiển trách ta: “Đừng xét đoán người ta.” Chúng ta nên thừa nhận tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải liền: “Thưa Cha, con lầm lẫn phạm tội, xin tha tội cho con và ban cho con năng lực để yêu thương người này.” Năng lực của Thánh Linh đến vào lòng chúng ta và ta có thể yêu thương người này.

Bằng phương cách này, Chúa Trời đang biến đổi bạn. Nhờ vào sự hướng dẫn và giúp đỡ của Thánh Linh mà bạn trở nên một người có thể vâng giữ điều răn “yêu thương người lân cận như mình”

Viễn Tượng Của Một Cộng Đồng Yêu Thương

Trong phần đầu của bài giảng này, chúng ta thấy Chúa Trời Gia-vê phán rằng Ngài sẽ làm những điều mới. Ấy là Ngài sẽ tạo nên con sông trong sa mạc để cung cấp nước uống cho người dân. Khi Chúa Giê-su đến vào thế gian, Chúa nói rằng những người tin vào Chúa sẽ có sông nước hằng sống chảy ra từ trong lòng, mà sông nước hằng sống đó là chỉ về Thánh Linh. Khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su, Thánh Linh sẽ cung cấp năng lực để giúp đỡ ta có thể yêu thương người lân cận như mình.

Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, khi hội thánh là một cộng đồng yêu thương, các anh chị em Tín Đồ đều sống theo điều răn “yêu thương người lân cận như mình,” mọi người đều từ bỏ chính mình, và vui lòng hướng dâng chính mình để trông nom cho lợi ích của người khác. Một cộng đồng yêu thương như thế chính là điều mới mà Chúa Trời sẽ làm trong ngày sau cùng.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church